Các tiến sĩ của Giáo Hội La tinh

VIII. Các tiến sĩ của Giáo Hội La tinh
 
Đến đây, chính thế giới đông phương đã có những sáng kiến về mặt thiêng liêng và khôn ngoan. Hoàn cảnh đã tiến triển trong nửa cuối thế kỷ 4. Có những lúc lịch sử đi tới những tổng hợp và cân bằng cao sau thời gian dài tìm kiếm. Đó là điều xảy ra ở Giáo Hội La tinh trong nhiều lãnh vực, nhờ có nhiều nhân vật tầm cỡ lớn như thánh Giêrônimô, thánh Lêô cả, thánh Giêgôriô cả. Chúng ta chỉ nhấn mạnh ba khuôn mặt này.
 
1. Thánh Ambrôsiô
 
Ngài là thánh đầu tiên của Milan (340-397). Ngài đi sát văn chương tu đức hy lạp mà ngài biết rất rõ. Trước tiên, ngài là người lo lắng dạy dỗ dân chúng. Phần lớn các tác phẩm của ngài được giảng trước khi viết, điều đó mang lại một chiều kích rất thực tế. Ngài muốn thâm nhập và đi vào thực hành tốt nhất thần học của Philon, của Origen hay của thánh Basiliô. Từ quan điểm đó, ngài đúng là một người La tinh: lo lắng về đời sống và về cái gì có thể nuôi dưỡng nó.

Trong những hoàn cảnh chính trị rất khó khăn, ngài vẫn giữ vai trò giám mục rất mạnh mẽ, một uy quyền và một thành công mà có lẽ người ta chưa thấy một ai trước ngài. Các nhà cầm quyền và ngay cả hoàng đế Thêôđô đã phạm những lạm dụng lớn cũng phải lùi bước trước ngài. Do đó, ngài đã đưa ra một mẫu gương độc lập, không chỉ chính trị nhưng còn thiêng liêng, sau này đã trở nên rất quí giá cho cả thế giới tây phương.
 
2. Thánh Âu tinh
 
Nhân vật quan trọng hơn phải kể đến Âu tinh (354-430), người mà người ta nói là Giáo phụ vĩ đại nhất trong số các Giáo phụ và là thầy suy tư về Tây phương ki-tô giáo. Âu tinh thuộc gia đình Thagaste, ở Rôma rồi ở Milan, ngài dấn thân trong việc tìm kiếm Thiên Chúa cách nhiệt thành. Trong đó, yếu tố con người và yếu tố khôn ngoan đan xen trong lo lắng thâm sâu. Sau những do dự lâu dài và những tiếp xúc với thánh Ambrôsiô, ngài “nhận ra” Thiên Chúa tại Cassiciacum (bắc Milan), năm 386. Ngài đã ra đi. Từ đó, tất cả đời sống của ngài dành để tìm hiểu, bảo vệ và trình bày điều ngài đã khám phá. Trở về châu Phi, ngài trở thành giám mục Hippone và giữ vai trò đáng kể trong cả đời sống Giáo hội thời đó.
 
Nơi thánh Âu tinh, tư đức, thần học, triết học hòa trộn lẫn nhau. Nhà thần học không bao giờ tách rời mình với những thực tại Giáo hội và đời sống riêng. Ngài đã tìm cách hiểu Thiên Chúa là ai, và trước tiên ngài đã đi vào học thuyết thiện ác (tin vào sự hiện hữu của hai thần: thần lành và thần dữ). Ngài cũng đã thấm sâu thuyết tân Platon theo cách của Plotin. Cuộc gặp gỡ của ngài với Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô chỉ cho ngài rằng đấy chính là điều thiện thật sự hằng ước muốn, tình yêu duy nhất, sự vui sướng của linh hồn. Tất cả thần học, tu đức, nhân chủng của Âu tinh được chỉ ra bởi khám phá này: Thiên Chúa là hữu thể vô cùng được yêu mến mà chúng ta hướng về và chỉ Ngài lấp đầy chúng ta. Ngài có ý tưởng về Thiên Chúa rất yêu thương, rất mến, trong nền tảng này liên kết với điều ngài biết cách cá nhân. Rất gắn bó với tình bạn, ngài đã hiểu rằng đời sống với Thiên Chúa như là tình bạn. Đời sống đó là như vậy khi Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, trong thánh nhân có cái gì đó của Ba Ngôi, ngài được mời gọi chia sẻ sự hiệp thông yêu thương hiện diện giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Dần dần thời gian trôi qua, Âu tinh ngày càng sử dụng sự hiểu biết triết học sâu rộng để phục vụ đức tin và Kinh Thánh chiếm một chỗ lớn nhờ vào thuyết tân Platon. Điều này quan trọng. Quả vậy, Âu tinh ngày càng xa rời lãnh vực biện luận để tiếp cận với thực tại đời sống. Công trình của ngài là một cố gắng lớn của thuyết duy thực. Vì vậy, trong thực tế, chúng ta thấy gì? Chúng ta là tội nhân. Âu tinh có thể nói về kinh nghiệm đó. Từ đó, một cái nhìn về bản chất con người bị thương tổn do tội, không tự mãn vô ích. Nhưng chúng ta cũng biết rằng Đức Ki-tô cứu chúng ta và sống trong chúng ta. Ngài sống như thế nào? Do ân sủng. Thánh Âu tinh là tiến sĩ của ân sủng, có nghĩa là sự hiện diện hữu hiệu, thực sự, tác động, cụ thể của Đức Ki-tô trong chúng ta. Ngài hiểu và giải thích rằng ân sủng là trước tiên, Thiên Chúa hành động trong chúng ta trước chúng ta. Ân sủng này cần thiết cho cho ơn cứu độ và cho tất cả đời sống thiêng liêng. Thật vậy, một đan sĩ người Brơtông, Pélage (350-430), đồ đệ của phái khắc kỉ và của các Giáo phụ sa mạc, giải thích rằng cố gắng khắc khổ của chúng ta đi trước ân sủng của Thiên Chúa và chính chúng ta có thể cứu mình bằng những cố gắng riêng của mình. Một trong những đan viện, có rất nhiều người giữ kỷ lục khắc khổ đã theo Pélage[1]. Âu tinh chống lại và chỉ ra rằng Thiên Chúa hành động trong sự yếu đuối của chúng ta trước khi chúng ta biết điều đó. Trong đời sống thiêng liêng, không nên chơi kiểu anh hùng, nhưng hãy lắng nghe hành động của Thiên Chúa. Ngài nói thế này: “Lạy Chúa, Ngài kết án con về đức khiết tịnh; hãy cho con điều Ngài kết án và sau đó hãy kết án con điều Ngài muốn.” Cố gắng là cần thiết, nhưng nó không phải là tất cả. Cái đà của con tim, của ước muốn, cầu xin tin tưởng cũng giữ vai trò căn bản. Âu tinh vẫn giữ trọn đời mình là một con người của ước muốn, khát khao tiến lên để yêu Chúa của mình hơn, ngài nói: “Hãy luôn bất bình về tình trạng của mình, nếu bạn muốn tiến đến tình trạng hoàn hảo hơn. Vì ngay khi bạn hài lòng về mình, bạn hết tiến bộ. Nếu bạn nói: Đủ rồi, tôi đã đến hoàn thiện, bạn sẽ mất hết.” “Bản chất của hoàn thiện là nhận ra mình bất toàn”.
 
Trong đời sống ki-tô, tình yêu Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Giáo hội. Nếu thánh Âu tinh là tiến sĩ của ân sủng, ngài cũng là tiến sĩ của Giáo Hội. Chưa bao giờ người ta nhấn mạnh về tình yêu và sự cần thiết của Giáo Hội cho bằng nơi con người này, ngài đã phải đối phó với những dị giáo và ly giáo đủ loại. Vì Giáo Hội là kênh của các bí tích. Âu tinh chỉ cho rằng đời sống thiêng liêng không chỉ được ban bởi tương quan trực tiếp, thuộc thần khí, của Chúa cho tôi. Đời sống thiêng liêng được ban giữa các anh em ki-tô giáo của chúng ta qua phép rửa, Thánh Thể, Truyền chức. Giáo Hội là trung gian của ân sủng và không phải là cái gì phù phép hay thuộc trật tự cơ cấu. Cái nhìn này của Giáo Hội dẫn con người đến ý thức vai trò rất đặc biệt mà Mẹ Maria đang nắm giữ trong Giáo Hội, vì ích lợi của các ki-tô hữu.
 
Thánh Âu tinh được coi như là ánh sáng của Giáo Hội. Thực sự, thuyết của Pélage trong số các thuyết khác, là mối nguy hiểm lớn. Các đức giáo hoàng như Léo cả (+461) hay thánh Giêgôriô cả (540-604) truyền bá học thuyết của mình với tất cả uy quyền của các ngài. Chắc chắn ngài là nền tảng căn bản của thần học sau này ở Tây phương và đã thấm nhuần mọi nền tu đức. Cuốn sách như Tự thú, mà ngài đã kể về sự trở lại của mình, là một tấm gương trong nhiều thế kỷ như là tự sự thiêng liêng. Tác phẩm Thành đô Thiên Chúa cho phép các thế hệ đặt mình vào thế giới họ đang sống. Cuốn Qui luật của ngài là nền tảng luật của đời sống lề luật. Đúng là tác phẩm của ngài, phức tạp, phân tích rộng rãi, gắn với các hoàn cảnh, đưa đến những giải thích trái ngược. Đến nay, người ta gợi lại và làm cứng nhắc vì những lý do ý thức hệ. Cho dù thế nào, ảnh hưởng của nó là không thể phủ nhận, và được thực hành trong ý hướng của tính hiện thực thiêng liêng nơi đó có rất nhiều tình yêu[2], cảm giác tốt, thị kiến thật sự của đời sống thiêng liêng.
 
3. Thánh Biển Đức Nursie
 
Một nhân vật khác giữ vai trò quyết định là thánh Biển Đức (480-547), cha của các đan sĩ Tây phương và bổn mạng (cũng gọi là cha) của châu Âu. Sinh ra trong một gia đình ở vùng tỉnh lẻ của đến quốc Rôma, Nursie, miền Trung nước Ý, sau khi trải qua một hành trình nội tâm, ngài đã lập tu viện ở Núi Cassino, giữa Rôma và Napoli. Em ngài, thánh Scolatica, cũng lập một nhà tương tự cho nữ giới. Ngài viết nội qui, rất giản dị, mà là kiệt tác của văn chương tu đức của mọi thời.
 
Một con người hấp dẫn. Một người Rôma của trường phái cổ, đầy lương tri và quân bình, làm việc và lưu ý tới những nhu cầu và khả năng hữu hiệu của bản chất con người. Ngài có một trái tim phụ tử, đầy lòng thương, vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng, có cái gì rộng mở, dễ dãi, tránh mọi áp lực. Đối với ngài, đan viện là gia đình có cha. Đó cũng là “trường phục vụ của Thiên Chúa” nơi người ta học hỏi từng bước, người này với người kia và người này qua người kia, trong sự vâng phục vui tươi, để lớn lên trong tình yêu của Chúa. Phạt xác, kinh nguyện, cai quản phải hài hòa và giải quyết cho khách quan và không phải là áp đặt của người này với người khác. Một đan viện đối với ngài không phải là mảnh đất của những kỳ tích khắc khổ, cũng không là một thần bí lớn lao – nơi của những xuất thần liên tiếp. Đó là nơi ổn định. Ngài là người đầu tiên dám theo luật vĩnh cư, tức là khấn sống vĩnh viễn tại một đan viện.
 
Yếu tố quan trọng nhất của đan viện là sự hiện diện thường hằng của Thiên Chúa. Tất cả tự sống trong Thiên Chúa của sự hiện diện này, đó là một trong những từ chủ đạo của tu đức biển đức. Thánh Biển Đức nói: “Với tất cả đức tin của chúng ta, chúng ta tin Thiên Chúa hiện diện khắp nơi”. Sự hiện diện này cũng hiện hữu trong đọc và suy niệm Lời Chúa, trong việc làm, trong những tương quan huynh đệ và đương nhiên trong kinh phụng vụ. Thật vậy, kinh phụng vụ là nguồn lớn nhất của đời sống thiêng liêng của đan viện. Thánh nhân đã tuân giữ luật đó một cách cẩn thận, xem xét để không quá nhiều và không quá ít, đặc biệt dựa vào các bài thánh vịnh. Các giờ theo nhịp của giờ khắc cầu nguyện. Như vậy, cả ngày, suốt năm diễn ra dưới cái nhìn của Chúa, trong tình cảm lệ thuộc hoàn toàn và bao quát với Thiên Chúa. Tình cảm hiện diện này như tuyệt đối tự nhiên, tạo nên nhịp thở của đan sĩ.
 
Đan viện là nơi Thiên Chúa ngự trị, mọi thói quen hằng ngày và thường xuyên trong đời sống thế gian không có trong đó. Mọi tranh đua, mọi náo động, mọi áp lực cần xa tránh. Những tình cảm khác được sống thường hằng trong đó. Đó là sự thinh lặng, bình an và niềm vui. Không thinh lặng, người ta không thể đạt tới Thiên Chúa, và chính Thiên Chúa ban cho người xin sự thinh lặng được Ngài hiện diện. Sự thinh lặng hành động, thinh lặng tìm kiếm và thinh lặng suy tư sinh ra hòa bình sâu xa, đạt tới niềm vui giản dị và liên tục, niềm vui của con cái Thiên Chúa.
 
Tầm quan trọng của lối sống đan tu biển đức là nhân tố quyết định. Dần dần, ở Tây phương, gần như tất cả các dòng tu đều thông qua luật thánh Biển Đức và luôn được canh tân. Như vậy, cả thế giới la tinh đã đón nhận cách sâu xa, cái gì đó của tinh thần biển đức qua các đan sĩ. 
 
Minh Sáng chuyển ngữ
Nguồn: Bernard Peyrous, Histoire de la spiritualité chrétienne, Editions de l’Emmanuel 2010
 


[1] Đặc biệt, ở Gaule, một phong trào thần học bán Pélage phát triển. Chính Cassien đã gia nhập vào đó. Giáo hội đã kết án ông, nhất là trong công đồng Orange năm 529.
[2] Những chỉ dẫn không thể đếm nổi chỉ ra vai trò động cơ của tình yêu nơi thánh Âu tinh. Ngài đã tìm ra tình yêu từ rất lâu, ngài nói: “Hỡi Vẻ đẹp luôn cũ và mới, con đã yêu Ngài muộn màng.”