Tại một ngôi làng nằm ở ven biển Quy hòa, ngoại ô thành phố Quy Nhơn, miền trung Việt nam, có khoảng 450 người bệnh phong cùi sinh sống. Ngôi làng được bao quanh bởi núi đồi và bãi biển này đã được cha Paul Maheu, một Linh mục người Pháp, thành lập năm 1929.
Cha Maheu đã tập họp những người bệnh phong đến làng và chăm sóc cho họ. Vào năm 1933, khi sức khỏe suy yếu và phải hồi hương, cha Maheu đã trao sứ vụ chăm sóc người bệnh phong lại cho các nữ tu người Pháp, thuộc dòng Thừa sai Phan sinh Đức Mẹ.
Tiếp tục sứ vụ của cha Maheu, các nữ tu đã chăm sóc cho 500 đến 700 bệnh nhân. Các chị đã xây dựng tu viện, nhà nguyện, các cơ sở chữa trị bệnh và nhà cửa cho các bệnh nhân trong ngôi làng có diện tích 150 mẫu Anh. Năm 1975, sau khi chiến tranh Việt nam chấm dứt, chính quyền cộng sản đã tịch thu tất cả các cơ sở, ngoại trừ một tu viện và nhà thờ. Các nữ tu ngoại quốc cũng bị trục xuất, nhưng một vài chị được phép ở lại và chăm sóc các bệnh nhân tại bệnh viện. Bệnh viện được đặt tên Bệnh viện quốc gia da liễu và phong Quy Hòa và là bệnh viện lớn nhất chữa trị các bệnh về da và phong cùi ở miền trung Việt nam. Các bệnh nhân khắp nơi đến điều trị rồi trở về nhà. Bệnh viện chỉ nhận các bệnh nhân cao tuổi ở lại trong làng. Các Linh mục và các nữ tu ở những vùng khác giới thiệu các người mắc bệnh phong đến bệnh viện để chữa trị, đặc biệt là các bệnh nhân thuộc dân tộc thiểu số sống ở những vùng xa.
Bệnh viện có hơn 400 nhân viên, tuy thế, chỉ có một nữ tu được tiếp tục làm việc tại bệnh viện này. Các nữ tu khác phục vụ tình nguyện, giúp đỡ các bệnh nhân. Mỗi tuần, các chị nấu ăn, phân phát thức ăn cho 100 người già. Các chị còn cung cấp thực phẩm hàng tháng, trợ cấp cho các bệnh nhân và cấp học bổng cũng như chi phí di chuyển đến trường cho con cái của những bệnh nhân. Các bệnh nhân cũng cậy nhờ đến các cách điều trị đặc biệt cho căn bệnh của họ vì bệnh viện không cung cấp cho họ đầy đủ thuốc men. Các nữ tu kêu gọi các ân nhân đóng góp để cải thiện đời sống của các bệnh nhân. Các chị nhân được sự giúp đỡ với sự phục vụ vô vị lợi và chăm sóc tinh thần cho các bệnh nhân và gia đình họ.
Một bệnh nhân chia sẻ: Các nữ tu tranh đấu cho quyền lợi của chúng tôi, nên tất cả chúng tôi kính trọng họ và xem họ như người nhà của minh.” Một bệnh nhân, đã ở làng phong này tử năm 1960, có cha là đảng viên Cộng sản và các anh chị em theo Phật giáo, chia sẻ rằng ông đã trở lại Công giáo vì các nữ tu chăm sóc cho ông như mẹ của ông. Theo gương của các nữ tu, người đàn ông có 3 con này phụ trách việc cắt tóc cho các bệnh nhân lớn tuổi, thăm viếng và an ủi họ.
Hầu hết dân làng sống nhờ sự đóng góp hàng tháng của các nữ tu và các nhà hảo tâm bên ngoài. Con cái của họ, những người không bị ảnh hưởng bởi bệnh phong, làm nghề buôn bán nhỏ trong làng để kiếm sống, hoặc đánh bắt cá trên biển, hoặc mở các nhà hàng nhỏ trong thành phố, hoặc đi tìm việc làm ở các thành phố. Qua sự liên lạc của các nữ tu, nhiều nhóm từ thiện của các tôn giáo đến thăm và đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân.
Các nữ tu Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ đang chia sẻ long thương xót của Chúa với các bệnh nhân phong qua các việc làm đơn giản – những nụ cười, sự chăm sóc dịu dàng và sự hiện diện. Các nữ tu loan truyền lòng thương xót cách thầm lặng mỗi ngày để bắt đầu một sự đổi mới và xóa đi “virus dửng dưng” trong xã hội, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khuyến khích các Kitô hữu trong ngày Năm thánh các bệnh nhân hồi tháng 11 năm 2016: ““Đừng dể các bệnh nhân cô đơn. Chúng ta đừng ngăn cản họ tìm được sự an ủi và đừng ngăn chúng ta được trở nên giàu có khi gần gũi với sự đau khổ. Bệnh viện là ‘thánh đường của đau khổ’, nơi mà sức mạnh của bác ái, đang hỗ trợ và chứng tỏ sự cảm thông, trở nên rõ ràng.”
(Hồng Thủy, RadioVaticana 03.03.2017/
Global Sister Report 09/02/2017)