Madagascar là một trong số các quốc gia nghèo trên thế giới, chính vì thế quốc gia đón nhiều tôn giáo tham gia vào các dự án hỗ trợ người dân. Trong số này, kể từ năm 1962, có “Phong Trào Chiêm niệm Truyền giáo” Charles De Foucauld
Phong trào do cha Andrea Gasparino người Italia đề xướng có mục đích chăm sóc trẻ em nghèo, mồ côi, bụi đời được quy tụ trong các làng thiếu niên. Theo tên gọi, phong trào đặt nền tảng trên sự cầu nguyện và dấn thân phục vụ giới trẻ. Hiện nay Phong trào thành lập nhiều cộng đoàn rải rác trên lục địa Phi Châu và tại một số nước ở Á Châu.
Trong thời gian vừa qua, nhân dịp ĐTC thăm đất nước, cộng đoàn cũng đã chung tay chuẩn bị mọi việc có thể để sống cụ thể niềm vui chung. Trong cộng đoàn có sự hiện diện của ba nữ tu. Sơ Lycy nói về những năm tháng phục vụ người dân ở đây như sau: “Người Madagascar rất thân thiện, với một trái tim nhân hậu. Tôi có những kỷ niệm đẹp về họ; ví dụ khi tôi phục vụ trong nhà ăn cho trẻ em, chúng đã gắn bó với tôi theo một cách riêng. Các em ôm tôi thật chặt. Các em đã cho tôi rất nhiều, tôi cảm thấy mình nhận được nhiều hơn là cho. Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp với các em trong những ngày cùng các em đón tiếp ĐTC Phanxicô”.
Sơ Lalla là một nữ tu trẻ người Madagascar. Sơ tự hào về đất nước của mình. Sơ là một trong số các nữ tu ở Madagascar được đào tạo theo tinh thần của cha Gasparino, tiếp tục công việc cùng với các nhà truyền giáo người Italia. Sơ cho biết chính vì sự nghèo khó của dân tộc mà sơ dễ dàng sống đoàn sủng của dòng: chia sẻ trong khó nghèo. Sơ cho biết gia đình không giàu có cho nên sơ rất vui khi tiếp tục sống một cuộc sống đơn giản trong cộng đoàn. Sơ nói: “Tôi tin ĐTC Phanxicô đã mang lại hy vọng cho dân tộc chúng tôi, cả trong cuộc sống hàng và những dấn thân của giáo hội, đặc biệt là những người trẻ. Giáo hội của chúng tôi ở Madagascar được hình thành từ nhiều người trẻ, họ cần sức mạnh đến từ Thiên Chúa”.
Sứ vụ ở Madagascar được sinh ra ở Anatihazo, một trong những khu dân cư nghèo của thủ đô. Đó là những năm đất nước là thuộc địa của Pháp. Trong số những người sống ở khu ổ chuột, những khu vực thiếu các dịch vụ thiết yếu, có nhiều trẻ em không đi học, một ngôi trường nhỏ được xây dựng cùng với nhà ăn. Các nhà truyền giáo chiêm niệm không chỉ trao ban về những nhu cầu vật chất nhưng trên hết trao ban cho người nghèo những món qùa thiêng liêng, cùng nhau cầu nguyện, thờ lạy Chúa Giesu Thánh Thể, gần gũi trong tình huynh đệ. Họ cũng đã đi đến một hòn đảo nhỏ trong Kênh Mozambique, nơi năm 2002 Huynh đoàn Bethany khai sinh để làm chứng tình yêu Thiên Chúa, đồng hành với sự phát triển của con người và nâng đỡ tinh thần cho người trẻ.
Từ đầu những năm bảy mươi, sơ Rinalda đã sống ở phía bắc của đất nước, trong khi đó Phong trào đã lan rộng, trước hết là để phục vụ nhiều người bệnh bị bỏ rơi và những người phong cùi. Sơ cho biết: “Ban đầu, điều đó không dễ dàng, nhưng với thời gian thì rất tốt đẹp. Khi tôi đến có rất nhiều người phong cùi ở đó. Bây giờ có nhiều cách chăm sóc hơn. Giám mục của chúng tôi rất vui mừng vì sự hiện diện của chúng tôi trong bệnh viện phong. Khi bạn đến một ngôi nhà nơi mọi người không được khỏe, họ nhìn bạn như bạn là mặt trời nhìn vào trái tim họ. Ngay cả khi bạn làm rất ít, đối với họ, chúng tôi là sự hiện diện duy nhất mà họ có thể hy vọng”.
Ánh mắt dịu dàng của sơ Rinalda sáng ngời khi nhắc đến những người Madagascar. Sơ cho biết những người dân ở đây sống rất đơn sơ và chân thật. Mặc dù phải đi bộ nhiều cây số với những con đường khó khăn nhưng họ luôn biết cách trao ban. Sơ kể lại có một lần có một người phụ nữ đi một quãng đường rất xa mang đến cho cộng đoàn hai con gà trong một dịp lễ lớn. Các nữ tu biết gia đình người phụ nữ này nghèo và đông con. Các nữ tu không muốn nhận nhưng bà nói: Khi người ta trao ban thì phải trao ban nhiều hơn những gì đã nhận được. Sơ kết luận: “Đấng sáng lập của chúng tôi dạy chúng tôi rằng khi bạn trao ban đừng cho những gì thừa thải mà cho những gì bạn phải trả giá. Người nghèo là bậc thầy trong vấn đề này”.
Ngọc Yến
(VaticanNews 05.10.2019)