Các nghi thức nào có tính phụng vụ?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

liturgies.jpg

Hỏi: Xin cha cho biết thêm thí dụ về các hành vi phụng vụ khác, ngoài các bí tích, Các Giờ Kinh Phụng Vụ và tuyên khấn trong Dòng tu. – T. C., Manila, Philippines

Đáp: Mặc dù độc giả này đã nêu ra các hành vi phụng vụ quan trọng nhất, đó là các bí tích, Các Giờ Kinh Phụng Vụ, cũng như việc khấn Dòng, ông đã để mở một loạt các khả năng khác, vốn là phụng vụ thực sự, đặc biệt là lĩnh vực rộng lớn của các á bí tích phụng vụ .

Một số hành vi phụng vụ là liên quan mật thiết với các bí tích. Vì vậy, các nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và chầu Mình Thánh Chúa phát sinh từ hy tế Thánh lễ, nhưng tự chúng không phải là các bí tích. Trong cùng một cách thức như thế, tất cả các nghi thức, mà trong đó có việc cho tín hữu Rước lễ.

Nghi thức làm phép các dầu thánh cũng là phụng vụ và, trong khi chúng là cần thiết cho các bí tích, tự chúng không phải là bí tích.

Tương tự như vậy, các lời nguyện khác nhau cho bệnh nhân, người hấp hối và người qua đời, được gắn liền với bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, nhưng cũng có thể được tách ra khỏi bí tích này, cho phù hợp với sách Nghi thức. Tang lễ được cử hành ngoài Thánh Lễ cũng là các nghi thức phụng vụ cách đầy đủ.

Nghi thức đón nhận ứng viên cho chức thánh cũng là một nghi thức phụng vụ. Tương tự như vậy, các nghi thức thiết định thầy đọc sách và thầy giúp lễ là các bước hướng đến bí tích Truyền chức thánh, mặc dù không là độc quyền cho bí tích này.

Tương tự với việc khấn Dòng, nhưng không hoàn toàn giống nhau, là nghi thức Hiến thánh các Trinh nữ trước mặt Giám mục. Cũng có việc chúc phong cho một viện phụ hoặc viện mẫu.

Trong thời gian trước kia, việc hiến thánh một vị vua hoặc nữ hoàng đã được kể vào số các nghi thức này.

Ngoài ra, còn có các kinh nguyện trong Sách các Phép. Các việc làm phép này có thể dao động từ việc làm phép trọng thể nước thánh, đến việc làm phép đơn giản một bữa ăn. Một số trong các việc làm phép này luôn được cử hành trong Thánh lễ, một số khác thì thỉnh thoảng, và một số khác nữa thì không bao giờ cử hành trong Thánh lễ. Tuy nhiên, tất cả đều được coi là phụng vụ, bao gồm cả các việc làm phép bởi giáo dân, trong chừng mực khi cuốn sách được ban hành bởi Giáo Hội như một cuốn sách phụng vụ, và được Giáo Hội xem là kinh nguyện đúng đắn của mình.

Chúng ta không được quên rằng các nghi thức trừ quỷ cũng rơi vào tiêu đề chung của á bí tích phụng vụ, mặc dù việc sử dụng nó là chỉ dành cho các linh mục được ủy quyền mà thôi.

Việc Cử hành Lời Chúa, mặc dù nó đi theo một lược đồ hoặc phác thảo đã được phê duyệt, chứ không phải là một văn bản được chấp thuận, cũng là phụng vụ, vì Giáo Hội đã đặc biệt dự tính khả năng này.

Sách Nghi lễ Giám Mục cũng liệt kê một số nghi thức, vốn thường được dành riêng cho ngài, và một số nghi thức này thường được cử hành trong Thánh lễ. Thí dụ, có việc đặt viên đá đầu tiên, việc cung hiến hoặc làm phép nhà thờ và bàn thờ, và việc làm phép giếng rửa tội, thánh giá và chuông. Ngoài ra còn có việc làm phép trọng thể một ảnh Đức Mẹ, làm phép nghĩa trang, và các lời nguyện sau khi một nhà thờ bị giải thánh.

Có một số nghi thức riêng cho Giám mục, chẳng hạn như nghi thức nhận Giáo phận hay nhà thờ chính tòa, việc nhậm chức với dây pallium (phù hiệu) cho vị Tổng giám mục chính tòa, và các nghi thức cho việc tấn phong các Hồng Y.

Trong các dịp hiếm có, có các nghi thức riêng cho các giai đoạn khác nhau của quá trình phong thánh.

Danh sách này có lẽ là chưa đầy đủ. Tuy nhiên, tôi tin rằng tôi đã đề cập đến các nghi thức phụng vụ quan trọng nhất.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 31-1-2017)