Có lẽ do ảnh hưởng cái phong thái “ung dung tự tại” của người Á Đông, phần đông nam giới ở VN đều có thói quen nhâm nhi cà-phê buổi sáng, dù có phải bận rộn cách mấy trong việc chuẩn bị cho một ngày làm việc. Người thì tạt vào một quán thân quen cùng vài người bạn sau giờ lễ sáng, người thì một mình trước màn hình TV “chào buổi sáng” hoặc lướt trên Internet để cập nhật tin tức, thời sự… bên những ly cà-phê tỏa hương vị nồng nàn, ấm áp.
Một vài câu chuyện được chia sẻ, một vài tin tức được thông báo. Người ta nhanh chóng thưởng thức ít giây phút nhàn nhã buổi sáng để rồi lại tất tả cho những công việc trong ngày. Nhưng cũng không ít lần hương vị cà-phê trở nên ngột ngạt, đắng gắt bởi lời ăn tiếng nói của những người buôn chuyện.
Người xưa trong giao tiếp rất cẩn trọng lời ăn tiếng nói và coi đó là một trong những chuẩn mực đánh giá đạo đức của con người. Từ bao đời nay, cha ông ta luôn nhắc nhở, khuyên răn trước khi nói phải cân nhắc ý tứ, chọn lời. Lời nói xuất ra từ miệng lưỡi thì luôn có sẵn, nhưng “lời hay ý đẹp” mà chúng ta dành cho nhau thì không phải lúc nào cũng có.
Thật hạnh phúc khi trong cuộc sống, sau những lời kinh nguyện dâng ngày và lắng nghe Lời Chúa trong Thánh lễ sáng sớm, ta lại được nghe những những lời hay, ý đẹp. Để từ đó tâm hồn thanh thoát bước vào một ngày mới với tâm tình con người sống thương yêu, gần gũi nhau hơn. Trong kho tàng dân gian VN đã có biết bao câu ca dao về lời ăn tiếng nói đã được chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Quanh ly cà-phê buổi sáng có những con người sống nhân nghĩa, biết đối nhân xử thế đúng mực, đúng chuẩn ở đời. Họ có những lời nói ngọt ngào, dịu dàng bao giờ cũng mang ấn tượng tốt, mang lại cảm tình, niềm vui giao tiếp cho người được tiếp xúc:
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”
” Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”
Nhưng cũng có những con người có tâm địa nhỏ nhen, ích kỷ, với lối nói nửa kín, nửa mở, nửa đùa, nửa thực; khiến cho người nghe áy náy, phân vân, không rõ thực hư thế nào, gây phiền muộn cho nhau:
“Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo”
Bên cạnh đó, người xưa cũng khuyên chúng ta khi hàn huyên, chuyện vãn phải biết dừng lại khi cần. Người nghe sẽ cảm thấy nhàm chán, mất hứng thú khi gặp người nói dai, nói dài và nhiều khi đi đến “nói dốt”
“Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”
Ách giữa đàng đừng mang vào cổ, chuyện người người biết, chuyện mình mình hay; đừng có tài khôn mà chuốc lấy họa vào thân. “Khi nói nhiều, người ta hay nói những điều không nên nói” (Khổng Tử). Thật là vô ích khi mình buôn chuyện của người để rồi tranh chấp, đôi co. Cũng không nên đặt điều nói lời oan ức cho người khác (chuyện có nói không, chuyện không nói có hoặc chuyện bé xé ra to) vì có ngày ta cũng lại “dở khóc, dở cười” vì những lời oan ức.
Hầu như mọi người được giáo dục tốt đều thấy được tầm quan trọng của lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hàng ngày, nghĩa là suy nghĩ cẩn thận về những lời mình sắp nói ra. Đời sống của người Ki-tô hữu và đặc biệt là những người đã được thánh hiến cho Chúa càng phải cẩn trọng hơn trong lời nói, vì miệng lưỡi mình đã được hiến dâng cho Chúa.
Nếu không ý thức được như vậy, rất dễ chúng ta tôn vinh Chúa trong Thánh lễ sáng sớm, rồi lại mách lẻo, nói hành người khác ngay sau đó bên ly cà-phê. Tối đến, cũng môi miệng ta vừa dâng lên Thánh Tâm Chúa những lời kinh đền tạ nhưng sau đó lại tuôn ra những lời bỉ báng người khác. Lời nói của chúng ta có thể đem lại sự xây dựng cho người này hôm nay, nhưng bữa khác lại làm tổn thương cho người khác!
Người Ki-tô hữu cần có môi miệng trong sạch nghĩa là biết dùng lời nói mình trước là để tôn vinh Chúa, sau là nói ra những lời thẳng thắn, góp ý chân thật, chia vui, sẻ buồn với anh em đồng đạo và“đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” cho tha nhân.
Đừng để môi miệng mình trở thành công cụ trong tay ma quỷ khi thốt ra những lời dèm pha, khích bác người khác như lời Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu: “ Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.” (Ep4,29).
Chúa Giê-su cũng nghiêm khắc nhắc nhở chúng ta sẽ bị lên án về lời nói của mình : “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12,33-37; Lc 6,43-45).
Thói buôn chuyện, nói hành nói xấu do miệng lưỡi gây ra làm cho kẻ sân si, người khổ sở, kẻ nộ, người ố. Do miệng lưỡi ton hót, dè bỉu mà gia đình ly tán, bè bạn tránh xa. Do miệng lưỡi nói ra những lời nói cay độc, nhục mạ nhau, chì chiết nhau ngày này qua ngày khác mà gia đình người ta xào xáo, anh em chia lìa…
Trong đời sống cộng đoàn cũng thế, thói buôn chuyện có thể gây chia rẽ, làm tổn thương sự hiệp thông giữa người trên kẻ dưới cũng như giữa các đoàn thể tông đồ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại buổi gặp gỡ với hàng ngàn Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và những người thánh hiến khác tại Nhà thờ chính tòa Napoli ngày 21/03/2015 vừa qua đã gọi thói buôn chuyện, nói hành nói xấu người khác là một thứ“khủng bố”. Ngài nhấn mạnh: “Người nói hành nói xấu là một tên khủng bố ném bom, tự hủy diệt mình và người khác.”
Có miệng nói đương nhiên phải có tai nghe, trong giao tiếp người lãnh đạo cộng đoàn, đoàn thể cũng cần cẩn thận giữ khoảng cách cần thiết với những người miệng lưỡi xun xoe, ton hót. Đừng để tai lắng nghe mà lòng không suy xét, kiểm chứng rồi tin ngay vào những điều xấu họ nói. “Xin cho biết rằng những tên nịnh bợ sống được là nhờ những người nghe chúng nó nói.”(La Fontaine)
Muốn khuyên bảo, trách cứ một người nào đó ta phải cân nhắc, suy tư chín chắn rồi mới nói (người xưa khuyên: uốn lưỡi bảy lần trước khi nói!), không thể trách người khi chưa thực sự tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, hoàn cảnh… đưa đến lỗi lầm của họ. Trách người đến nỗi người phải câm miệng, im tiếng, đỏ mặt, toát mồ hôi; mình tuy hả giận song làm như thế tỏ ra mình còn nông cạn và khe khắt thái quá. (Lã Khôn).
Vua Đa-vít đã nói: “Mình phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm; tôi quyết sẽ ngậm tăm, bao lâu người gian ác còn đối mặt.” (Tv 39,2). Vua Sa-lô-môn nổi tiếng về sự khôn ngoan cũng khuyên rằng: “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn.” (Cn 10,19). Chúng ta phải cẩn trọng giữ gìn lời ăn tiếng nói hàng ngày để tránh đi buôn những chuyện không đâu, vô tình làm hại người khác. Đừng quên rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm về lời ăn tiếng nói của mình đã nói ra trong ngày phán xét trước mặt Thiên Chúa là Đấng thấy rõ và biết hết mọi sự. Amen.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng