« Bởi đâu ông ta được như thế ? (3.2.2016 – Thứ tư, sau Chúa Nhật IV Thường Niên)

« Bởi đâu ông ta được như thế ?
(Mc 6, 1-6)

1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường.

Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? ” Và họ vấp ngã vì Người.

4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

  1. Ngặc nhiên

Tại quê nhà, khi nghe Đức Giê-su giảng dạy, nhiều người rất đỗi ngạc nhiên ; ngặc nhiên đến độ họ nêu ra một loạt năm câu hỏi :

Bởi đâu ông ta được như thế?
Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?
Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?

Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao?
Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?

(c. 2-3)

Sự ngạc nhiên của họ đến từ sự tương phản : một đàng là sự khôn ngoan và hành động thần linh của Đức Giê-su, một đàng là « cái biết chắc chắn » của họ về Người. Và sự tương phản này làm cho họ vấp ngã, thay vì dẫn họ đến lòng tin. Đối với Đức Giê-su, đó là điều thường xẩy ra với một ngôn sứ :

Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.

(c. 4)

Qua câu nói trên, Đức Giê-su đồng hóa mình với một ngôn sứ và đón nhận thân phận của một ngôn sứ ; và trong mặc khải Cựu Ước, hình ảnh tiêu biểu và cũng là điểm tới của mọi ngôn sứ là thân phận của Người Tôi Tớ Đau Khổ (x. Is 52-53). Nhưng điều này cũng làm cho Người ngặc nhiên :

Người lấy làm lạ, vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

(c. 6)

Như thế, bản văn Tin Mừng của chúng ta mở đầu bằng sự kiện người ta « ngạc nhiên » về Đức Giê-su (c. 2) và kết thúc với sự kiện Đức Giê-su « ngạc nhiên » về lựa chọn không tin của họ (c. 6). Họ không tin, nên Người không làm được gì cho họ ; bởi vì, Người cần lòng tin của từng người để có thể nói : « lòng tin của con đã cứu con », và Người bỏ mặc họ để đi đến các làng chung quanh. Nhưng thực ra, họ đã « bỏ mặc » Đức Giê-su trước, khi lựa chọn không tin.

 

  1. Lựa chọn không tin

Vấn đề của người Do thái xưa dường như cũng là vấn đề của con người hôm nay, và có thể của chính chúng ta nữa, khi đối diện với ngôi vị của Đức Giê-su. Thật vậy, ngày nay, qua các phương pháp nghiên cứu sử học, đúng nghĩa hay giả mạo, người ta tự cho mình biết nhiều hơn và khách quan hơn về con người Đức Giêsu Nazareth, về tôn giáo của dân tộc Ngài, về bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị thời đại của Ngài. Người ta thán phục về nhân cách độc nhất vô nhị của Ngài. Có người cho Ngài là một nhà cải cách về tôn giáo, người khác về luân lý, người khác về xã hội, người khác cho Ngài là người duy lý, duy nhân bản,… Tuy nhiên, người ta không thể chấp nhận niềm tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là “Bánh từ trời xuống”. Khó khăn trong việc tin Đức Giê-su Nazareth, con của ông Giuse và bà Maria, là Con Thiên Chúa, là “Bánh từ trời xuống”, cũng chính là khó khăn khi chúng ta tin nơi Thiên Chúa, khởi từ thiên nhiên, lịch sử và những biến cố mà chúng ta đã trải qua.

Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su nói: “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 43-46). Như thế, người ta không thể tin vào Đức Giê-su nếu không tin vào Thiên Chúa; và Đức Giê-su còn nói: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 16, 6). Bởi vì, Chúa Cha và Chúa con là một: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Như thế, người ta phải tin Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa dẫn đưa, mới để có thể đến với Đức Giê-su. Điều tiên quyết, để tin Đức Giê-su, là chúng ta phải có lòng ước ao Thiên Chúa và quảng đại sống theo lòng ước ao này, bởi vì lòng ước ao này sẽ tìm được và chỉ tìm được lời đáp nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa mà thôi. Nhưng làm thế nào lại không thể không ước ao Thiên Chúa được, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Đây chính là lí do tận cùng của sự kiện Đức Giê-su lấy làm lạ vì người Do thái không tin, vì loài người không tin, vì chúng ta không tin.

Vì thế, Đức Giê-su cũng sẽ ngạc nhiên về lựa chọn không tin của con người hôm nay, và có khi của chính chúng ta nữa. Khi đó, Ngài không thể làm gì lạ lùng cho chúng ta được ; hay đúng hơn Ngài đã làm tất cả, làm cho đến tận cùng nơi bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua, nhưng con người không đón nhận, con người « bỏ mặc ». Và vì không có lòng tin, chúng ta sẽ bị bỏ mặc : bỏ mặc cho sự nghi ngờ chết chóc, cho vô nghĩa, cho hỗn mang, cho thú tính, cho lòng ghen tị, cho lòng ham muốn, cho bạo lực, cho sự dữ, cho bóng tối và cho sự chết.

 

  1. Ơn huệ đức tin

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, những người cùng thời với Đức Giê-su, và nhất là những người cùng quê quán với Ngài có thật nhiều ơn phúc, mà chúng ta không có : ơn phúc được thấy Đức Giê-su tận mắt ; ơn phúc được nghe Ngài giảng với sự khôn ngoan và chứng kiến hoặc nghe người ta kể lại những điều lạ lùng Ngài làm ; như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta : « Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? » Và những người cùng quê quán với Đức Giê-su, còn được ơn phúc biết thật rõ về Đức Giê-su, như bài Tin Mừng kể lại : « Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? »

Chắc chắc có những lúc chúng ta ước ao có được những ơn phúc như thế : thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, vì chúng ta thường nghĩ rằng, với những ơn phúc như thế sẽ dễ dàng tin Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Nhưng Lời Chúa trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, kể lại điều hoàn toàn ngược lại : những người thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, lại vấp ngã không tin, đến độ Đức Giê-su lấy làm lạ ; và vì không tin, nên Ngài không thể làm những điều lạ lùng cho họ.

Tại sao lại như vậy ? Điều người ta phải tin, tin Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, thì vượt xa tất những gì người ta thấy, nghe và biết : chúng ta chỉ có thể trao ban lòng tin và được mời gọi đích thân cảm nếm mà thôi. Tin Đức Giê-su Ki-tô là ơn phúc lớn nhất Chúa ban cho các môn đệ, cho Giáo Hội và ngang qua Giáo Hội, cho từng người chúng ta hôm nay, dù chúng ta không có những ơn phúc của những người đồng hương với Đức Giê-su.

* * *

Và chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra, mở cuộc đời của chúng ta ra, mở từng ngày sống của chúng ta ra, để đón nhận Đức Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chính khi đó, chúng ta sẽ cảm nếm được ngôi vị thần linh của Chúa, và Người sẽ làm cho mỗi người chúng ta, cho Gia Đình chúng ta và cho Cộng Đoàn chúng ta những điều lạ lùng.

Xin cho chúng ta mỗi ngày biết nhận ra ơn phúc đức tin Chúa ban và quảng đại đón nhận và sống đức tin, để Chúa làm cho chúng ta những điều lạ lùng mỗi ngày : đó là mầu nhiệm Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ, và những điều xấu xa thuộc về ma quỉ, để làm cho chúng ta hiệp nhất trong tình thương với Chúa và với nhau, với những người còn sống cũng như với những người đã qua đời hôm nay và mãi mãi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc