Chọn một bộ Kinh Thánh thích hợp có phải là một vấn đề khó khăn không? Ðã gọi là Kinh Thánh thì cứ đọc việc gì phải thắc mắc hay đặt vấn đề, chúng ta thường nghĩ như vậy! Chẳng có gì sai lầm trong lập luận ấy nhưng ở một xứ sở như Hoa Kỳ có quá nhiều bản dịch Kinh Thánh lưu hành khiến người công giáo chúng ta đâm ra hoài nghi đâu mới là bản dịch chính thức được Giáo Hội Công Giáo công nhận.
Ðôi khi cũng một đoạn Kinh Thánh nhưng ba ấn bản có ba lối dịch khác nhau khiến chúng ta đôi khi tự đặt câu hỏi chẳng biết đoạn văn nguyên thủy có ý muốn nói gì. Bài viết này không nhằm nêu lên vấn đề đúng sai của các văn bản Kinh Thánh đang lưu hành nhưng chỉ với mục đích lược qua lịch sử các bản dịch để độc giả tự chọn cho mình một bộ Kinh Thánh thích hợp hầu việc suy niệm Lời Chúa đem lại ích lợi cho đời sống chứng nhân của mình.
SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ CÁC BẢN DỊCH KINH THÁNH (ANH NGỮ)
Văn bản Anh ngữ đầu tiên của toàn pho Kinh Thánh ra đời khoảng giữa các năm 1380 và 1382. Ðây là công trình của John Wycliffe đã chuyển dịch từ văn bản La Tinh Vulgata. Bản dịch này bị Giáo Hội lên án và sau này văn bản này bị cháy mất. Năm 1525, William Tyndale hoàn thành việc chuyển dịch bộ Tân Ước từ bản văn Hy Lạp. Pho Tân Ước này cũng không được Giáo Hội công nhận vì thế bản văn này bị tịch thu và người dịch sau này bị án tử.
Khi Giáo Hội Anh ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo Roma dưới thời vua Henry VIII, Thomas Cromwell đã chính thức phê chuẩn bản dịch Anh Ngữ của ông Miles Coverdale. Bộ Kinh Thánh này đặt căn bản vào công trình của William Tyndale. Ngày 10 tháng 2 năm 1604, vua James I ra lệnh chuyển dịch pho Kinh Thánh mới và hoàn hảo hơn bằng Anh ngữ. Ông đã chọn lựa một số dịch giả và các nhà nghiên cứu chuyên môn cho công việc này. Pho Kinh Thánh mới này được chuyển dịch trực tiếp từ bản văn Hy Lạp và Do Thái. Kết quả bản dịch Anh Ngữ này có tầm quan trọng nhất và được những người Thệ Phản (Protestants) sử dụng thường xuyên nhất. Người ta gọi đó là ấn bản King James I năm 1611.
Trong khi đó, một văn bản Anh ngữ khác cũng được chuyển dịch, tuy không cùng năm nhưng cũng cùng kỷ nguyên với văn bản Anh ngữ của King James I, dựa trên văn bản Vulgata được người Công Giáo chú ý và sử dụng (Cuối thế kỷ thứ IV, Giáo Hội bành trướng khắp đế quốc Rôma. Vì ngôn ngữ chính trong đế quốc là tiếng Latinh, nên Thánh Jêrôme đã dịch Kinh Thánh ra tiếng này và sau thường gọi đó là bộ Kinh Thánh Vulgata ( -vulgatus trong tiếng Latinh có nghĩa là thông dụng, thường ngày -). Văn bản này là công trình chuyển dịch của George Martin, một nhà nghiên cứu Kinh Thánh Oxford. Pho Kinh Thánh này được nổi bật nhờ sự bảo trợ của Ðức Hồng Y William Allen (ÐHY Allen đã bị trục xuất khỏi Anh Quốc năm 1565, Ngài sang cư ngụ tại Douay Pháp quốc và mở trường Ðại Học nơi đây nhằm đào tạo các linh mục Công Giáo chuẩn bị cho ngày trở về hoán cải Giáo Hội Anh quốc). Bản dịch này xuất hiện ở hai thành phố Douay và Rheims nước Pháp vào khoảng năm 1609 và 1610, vì vậy được gọi là bản Douay&Rheims. Bản dịch này được người Công Giáo nói tiếng Anh sử dụng trong suốt 350 năm và chỉ được thay thế dần khi ấn bản Kinh Thánh mới của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ chính thức xuất bản vào thập niên 1970.
Trong khi đó, Ấn bản của King James I cũng được giáo phái Thệ Phản thường xuyên sử dụng trong suốt 250 năm. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một vài bản dịch Anh ngữ khác đã xuất hiện. Trong khoảng các năm 1952 và năm 1989, tốc độ chuyển dịch tăng nhanh một cách đột ngột, ít nhất đã có 26 bản dịch Anh ngữ được xuất bản trong thời gian này. Có nhiều lý do người ta dùng để biện hộ cho sự kiện trên:
Trước hết, vì khoa khảo cổ ngày càng tiến bộ nhờ thế các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã thu lượm được nhiều thủ bản Kinh Thánh bằng tiếng Hi Lạp, Do Thái và Aram giúp cho việc phiên dịch thêm chuẩn xác trong nhiều đoạn văn hiện còn tối nghĩa.
Thứ đến, người ta cho rằng ngôn ngữ và nhất là Anh ngữ ngày một biến thiên và thay đổi, việc cập nhật hóa những ngôn từ Kinh Thánh trong Anh ngữ là cần thiết. Một đoạn tiêu biểu chẳng hạn Tin Mừng theo Thánh Matthêu 2,16, bản văn năm 1946 trong ấn bản Revised Standard Version dịch là: “Then Herod saw that he had been tricked by the wise men, was in a furious rage, and he sent and killed all the male children in Bethlehem.” và cũng cùng câu đó trong ấn bản New American Bible’s năm 1986 dịch là: “When Herod realized that he had been deceived by the magi, he became furious. He ordered the massacre of all the boys in Bethlehem.” Giữa hai bản dịch chỉ cách nhau 4 thập niên, chúng ta đã cảm được lối hành văn khác biệt, văn phong nhẹ nhàng và dễ hiểu hơn nhiều thì thử hỏi nếu đọc lên những đoạn văn của John Wycliffe năm 1382 và của King James I năm 1611 làm sao chúng ta hiểu nổi.
Các dịch giả hiện đại vẫn tiếp tục truyền thống chuẩn xác nhưng thêm phần dễ đọc. Chẳng hạn đoạn thư Thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Philippê đoạn 1, 12 được dịch như sau: ” To know now you brethren I want that the things to me rather for the advancement of the gospel have come.” Một vài dịch giả lại dịch bản văn thật sát nghĩa theo từng chữ (word-for-word) và chỉ chuyển đổi vị trí của chữ hoặc những thay đổi khác khi cần thiết và đoạn văn được dịch và viết như sau: ” Now I want you to know, brethen, that the things (which have happened) to me have come for the advancement of the gospel”. Cũng có những dịch giả lại chỉ nhắm vào ý nghĩa câu văn (meaning-for-meaning) hơn là chú trọng vào nghĩa từng chữ và đoạn văn được dịch lại như sau: “Now I want you to know, brothers, that what has happened to me has really served to advance the gospel.” Ða số những dịch giả này chú trọng vào việc truyền bá Tin Mừng cho người nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (English as second language) và các ấn bản Kinh Thánh này được gọi là International version. Trong những ấn bản này ý nghĩa câu văn được coi là “không thay đổi” nhưng những chữ sử dụng đôi khi không còn là những từ ngữ chính xác dùng trong văn bản Do Thái.
KINH THÁNH CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ CỦA GIÁO HỘI THỆ PHẢN.
Pho Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo và pho Kinh Thánh của Giáo Hội thệ phản có hoàn toàn giống nhau không? Công Giáo và Thệ Phản giáo đều công nhận 27 cuốn sách của phần Tân Ước, nhưng phần Cựu Ước lại có nhiều phần khác biệt.
Giáo Hội Công Giáo không xác định chính xác số sách trong Cựu Ước được chấp nhận là có sự Linh Hứng của Chúa Thánh Thần cho mãi tới năm 1546 qua Công Ðồng Trentô. Công Ðồng chỉ công nhận 46 cuốn sách trong Cựu Ước theo truyền thống của Giáo Hội từ thuở sơ khai. Trong khi đó lãnh tụ Thệ Phản Giáo, Lutherô, lại quyết liệt phản đối quyết định này của Công Ðồng. Ông không chấp nhận 7 cuốn sách: Tôbia, Judith, Khôn Ngoan, Sirach, Baruch, Maccabê I và II. Ðồng thời một vài phần trong sách Esther và Daniel cũng bị Ông cho là thiếu sự Linh Hứng của Thánh Linh. Thệ Phản Giáo gọi 7 quyển sách này là Ngụy Thư nhưng Công Giáo thì coi đây là những sách Thứ Luật (Quy điển thứ).
Ngày nay có rất nhiều bản dịch Kinh Thánh hiện đại tại Hoa Kỳ với các ấn bản Công Giáo. Những bản dịch này luôn mang chữ imprimatur (sự bảo đảm của các Giám Mục Công Giáo về văn bản nằm trong đường hướng giảng dạy của Giáo Hội) và bao gồm cả bảy cuốn sách Thứ Luật.
NHỮNG ẤN BẢN KINH THÁNH TẠI HOA KỲ
Revised Standard Version (RSV) Bản dịch này dựa trên văn bản của King James I, có phần tham chiếu cho việc nghiên cứu Kinh Thánh. Bản dịch có tính chính xác và vẫn giữ nguyên các thành ngữ cổ. Có ấn bản Công Giáo.
New Revised Standard Version (NRSV) Bản dịch này vẫn theo đường hướng của bản dịch trên (RSV) nhưng với sự bén nhậy của ngôn ngữ. Những ngôn từ truyền thống khi nói về Thiên Chúa vẫn được giữ nguyên vẹn nhưng với các thành ngữ diễn tả văn hóa của người Hoa Kỳ đã được cập nhật theo văn chương hiện đại. Có ấn bản Công Giáo.
New American Bible With Revised New Testament and Psalms (BAB-RNT) Bản dịch này là ấn bản tiêu chuẩn của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ về Kinh Thánh. Ðây là ấn bản đã được cập nhật do Hội New American Bible (1952-1970) với sự chuẩn xác và cập nhật trong ngôn ngữ. Bản dịch này hiện đang chính thức được sử dụng trong phần Phụng Vụ Lời Chúa tại các thánh đường Công Giáo Hoa Kỳ và nhiều quốc gia sử dụng Anh ngữ khác.
New International Version (NIV) Bản dịch này nhằm mục đích phổ biến Kinh Thánh cho những người sử dụng Anh ngữ trên toàn thế giới. Bản dịch tương đối trung thành với ngôn từ Thánh Kinh hơn bản NRSV ở trên. Không có ấn bản Công giáo.
Today English Version (TEV)/ Good News Bible Bản dịch này được hội American Bible Society bảo trợ và hoàn thành khoảng giữa các năm 1976 và 1979. Các ấn bản của bản dịch này thường được biết đến qua tên gọi Good News Bible. Bản dịch này với mục đích tôn trọng sự chuẩn xác qua ngôn từ giản lược nên đã chuyển dịch theo nghĩa của đoạn văn. Có ấn bản Công Giáo.
Comtemporary English Version (CEV) Ðây là bản dịch mới của hội American Bible Society, phát hành năm 1995 với văn phong nhẹ nhàng, trong sáng và hiện đại. Hiện bản dịch còn đang chờ Giáo quyền phê chuẩn nên chưa có ấn bản Công Giáo.
New Jerusalem Bible (NJB) Lần đầu xuất bản năm 1982. Ấn bản này là hậu thân của bộ Kinh Thánh Jêrusalem Bible (JB) xuất bản năm 1966. Cả hai bản dịch trên được cảm hứng từ những bản dịch Pháp ngữ của các nhà nghiên cứu Công Giáo Dòng Ða Minh tại viện Kinh Thánh Jêrusalem. Bản dịch Anh ngữ này dựa trên nguyên bản tiếng Do Thái, Aram và Hy Lạp và đối chiếu với bản dịch Pháp ngữ. Văn bản đầy tính thơ. Bộ Kinh Thánh Công Giáo này được ca ngợi là đầy đủ tham chiếu và trích dẫn.
New King James Version (NKJV)hoàn thành năm 1982, bộ Kinh Thánh này nhằm cập nhật bản dịch của King James I mà không sửa đổi nhiều trong bản dịch. Những thành ngữ hay những chữ quá cổ như Thou, Thee sẽ được thay đổi hoặc những câu văn quá dài sẽ được cắt đoạn cho gọn gàng hơn. Những từ ngữ không có trong văn bản Do Thái, Aram và Hy Lạp đã được đổi thành chữ nghiêng. Các nhà biên soạn đã dựa phần Tân Ước vào văn bản Hy Lạp thế kỷ XVI thay vì những văn bản Hy Lạp cổ xưa mới tìm thấy. Không có ấn bản Công Giáo.
NHỮNG BỘ KINH THÁNH VIỆT NGỮ (GIÁO HỘI CÔNG GIÁO)
Tại Việt Nam, cũng có nhiều vị đã dịch Kinh Thánh nhưng đa số dịch từng phần chẳng hạn phần Tân Ước, Phúc Âm Nhất Lãm, Thánh Vịnh…. Những bản dịch trọn bộ chỉ có bốn ấn bản sau đây:
Cha Ð. M. Trần Ðức Huân: là người đầu tiên có công dịch trọn bộ Kinh Thánh được Giáo quyền Việt Nam chuẩn ấn. Bộ Kinh Thánh của ngài được coi là bộ Kinh Thánh duy nhất tại Việt Nam được sử dụng cách rộng rãi trong nhiều thập niên. Tuy nhiên vì thiếu sự cập nhật nên một số giáo sư Kinh Thánh cho là nhiều phần thiếu chuẩn xác và nhiều đoạn không rõ nghĩa.
Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn: Bộ Kinh Thánh do Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn chuyển dịch đã sớm được sử dụng nhưng chính thức ra đời khoảng đầu thập niên 80, được phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội Công Giáo Miền Bắc. Văn phong bình dân. Ðây là một nỗ lực rất đáng quí trong hoàn cảnh nhưng lại không có giá trị chuyên môn và thiếu chuẩn xác. Sau biến cố 1975, bộ Kinh Thánh này dường như không còn ai sử dụng nữa.
Cha Nguyễn Thế Thuấn: Năm 1975, bản dịch trọn bộ của Cha Nguyễn Thế Thuấn ra đời. Pho Kinh Thánh này đã được Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chuẩn ấn tháng 11 năm 1975. Ðây là công trình biên soạn được đánh giá rất cao, tiện lợi cho việc tham khảo và nghiên cứu. Lối dịch rất chuẩn xác nhưng không đánh mất vẻ mạch lạc và trong sáng trong văn bản. Tuy nhiên theo một số giáo sư Kinh Thánh, Cha Thuấn đã sử dụng một số ngôn từ địa phương của Ngài nên đôi khi gây khó hiểu cho người đọc.
Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh: Năm 1998, xuất hiện bản dịch của nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh do Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chuẩn ấn phần Tân Ước và Ðức Tổng Giám Mục J.B Phạm Minh Mẫn chuẩn ấn phần Cựu Ước. Bản dịch này được quảng bá rộng rãi và được nồng nhiệt đón nhận. Bộ Kinh Thánh này được dịch theo thể văn hiện đại. Văn phong nhẹ nhàng, dễ đọc và dễ nghe. Tiện ích cho việc sử dụng trong quần chúng, nhưng không tiện cho việc nghiên cứu và tham khảo như bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn. Cũng có nhiều người chê trách việc phiên âm các tên riêng theo kiểu phát âm tiếng Việt làm việc hình dung nhân vật quen tên thêm khó khăn và khó đọc.
CHỌN LỰA MỘT BỘ KINH THÁNH THÍCH HỢP
Giữa một rừng bản dịch như thế chúng ta liệu sẽ chọn cho mình bộ Kinh Thánh nào bây giờ? Ðể đơn giản hóa câu trả lời trước hết chúng ta phải xác định rõ ràng mình là người Công Giáo, chúng ta chỉ chọn những sách có sự bảo đảm của Giáo quyền về văn bản của bộ sách (imprimatur) và những sách có bao gồm bảy cuốn Thứ Luật. Thứ đến chúng ta muốn chọn cho mình một bản dịch thế nào? Bộ Kinh Thánh để đọc hay bộ Kinh Thánh để tham khảo? Một bộ Kinh Thánh dùng để đọc thường không có những phần tham chiếu bên lề hoặc bên dưới trang sách. Nên đọc thử vài phần trong nhiều bộ Kinh Thánh khác nhau để so sánh xem bộ nào mình thấy thoải mái và dễ dàng khi đọc.
Ðiều quan trọng nhất không phải là hay hoặc dở nhưng là chúng ta cảm nhận được gì qua trang sách chúng ta đọc. Nói cách khác, chúng ta nhận ra tiếng Chúa thế nào qua trang Kinh Thánh chúng ta vừa đọc.
____________________
Sách tham khảo: Catholic Digest, Summer 2000
(Ðào Ngọc Ðiệp, Catholic Update, April 1999)