Bí tích Hòa giải – nhịp cầu của Lòng Thương xót

Con người luôn mang trong mình thân phận tội lỗi vì những yếu đuối và bất toàn. Xu thế sa ngã của con người càng trở nên dễ dàng hơn giữa một thế giới đầy dẫy những cám dỗ luôn mời mọc và cuốn hút của thời đại hôm nay.

Cảm thức được điều đó, thánh Gioan Tông đồ đã viết: “Nếu ai nói rằng mình không có tội, thì người đó tự lừa dối mình” (1Ga 1,8). Quả vậy, bao lâu còn tồn tại trong thân xác là bấy lâu chúng ta còn sống trong tội lỗi. Điều này giúp chúng ta ý thức thân phận tội lỗi của mình để luôn khao khát tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa.Và Bí tích Hòa giải là một trong những phương thế hữu hiệu nhất có thể đáp ứng sự mong mỏi đó.

Hội Thánh có nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp các tội nhân ăn năn tội lỗi của mình như: nghi thức sám hối trong Thánh lễ, các cuộc hành hương, các làm việc bác ái, hay ăn chay hãm mình… Tuy nhiên, “không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Hòa giải.” (1)

Thật thế, Bí tích Hòa giải là phương thức hiệu quả nhất để qua đó lòng thương xót của Thiên Chúa đến với phận người tội lỗi. Ngang qua Bí tích Hòa giải, tội nhân thực sự được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Sức mạnh của Lòng Thương xót đã được Đức Giêsu minh chứng cách tột đỉnh nơi cái chết và sự phục sinh của Người. Như Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định một cách rõ ràng trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương xót): “Nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài, tình yêu xóa bỏ tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa trở nên khả thi nhờ mầu nhiệm Vượt qua và qua trung gian của Giáo Hội. Thiên Chúa luôn sẵn sàng để thương xót, và không bao giờ mệt mỏi trong việc thương xót với những cách thức mới mẻ và bất ngờ.” (2)

Bí tích Hòa giải là cầu nối của Lòng Thương xót. Bởi vì, chính Bí tích thiêng liêng đó không những giúp chúng ta được “phục hồi trong ơn nghĩa Chúa và liên kết với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả” (3), mà còn là cơ hội để chúng ta “tái tạo sự hiệp thông huynh đệ, mà tội lỗi làm tiêu hao hay cắt đứt” (4). Bí tích Hòa giải trở nên nguồn ban ân sủng hữu hiệu giúp ta tìm về với chính mình, trở về với Thiên Chúa và đến với tha nhân.

Bí tích Hòa giải chính là ân sủng của Thiên Chúa, ngang qua đó lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn và sống động. Nơi bí tích đó, sức mạnh của lòng thương xót sẽ tha thứ mọi tỗi lỗi, tẩy xóa nhưng vết nhơ do tội lỗi gây ra và giúp ta can đảm chống lại chúng. Thật vậy, “nhờ Bí tích Hòa giải, Thiên Chúa thứ tha tội lỗi, những tội ấy hoàn toàn bị xóa bỏ; tuy nhiên, vẫn còn đó những dấu vết xấu xa do tội lỗi để lại trong lối hành xử và cách suy nghĩ của chúng ta. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn. Lòng thương xót trở thành những ân xá của Chúa Cha, qua trung gian Hiền thê của Đức Kitô, được ban cho tội nhân vừa lãnh ơn giao hòa, sẽ giải gỡ người ấy khỏi tất cả những hậu quả của tội lỗi, để có thể hành động với đức ái và lớn lên trong tình yêu, hơn là lại rơi vào tội lỗi” (5).

Lòng thương xót được xuất phát từ Thiên Chúa là nguồn mạch và là Cha của Lòng Thương xót. Điều này được thể hiện một cách mãnh liệt và rõ ràng nơi lời tha tội trong Bí tích Hòa giải: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa. Và đã ban Thánh Thần để tha tội, xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an” (6). Qua đó, chúng ta thấy tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với con người đến dường nào. Thiên Chúa chính là Cha của lòng thương xót, là cội nguồn của ân huệ tình yêu.

Thật vậy, giá trị vô biên của Lòng Thương xót không chỉ đưa ta về với tình yêu của Thiên Chúa, mà còn nhờ tình yêu đó hàn gắn những vết nạn nứt nơi tình liên đới với con người và thế giới. Cảm nghiệm được điều đó, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Việc giao hòa với Thiên Chúa còn dẫn tới những sự giao hòa khác là chữa lành các vết thương do tội: khi được tha thứ, hối nhân được giao hòa với chính mình, nhờ đó tìm lại được chính mình; được giao hòa với anh em là những người họ đã xúc phạm và gây thương tổn; được giao hòa với Hội Thánh và vạn vật” (7).

Tội lỗi làm con người chạy trốn Thiên Chúa, xa lìa Hội Thánh, xung khắc với đồng loại và vũ trụ vạn vật, mâu thuẫn với chính bản thân và gây ra những bất an trong cuộc sống. Khi chúng ta chạy đến với Chúa nơi tòa cáo giải mỗi lần phạm tội, chính nơi đó, Chúa đang chờ đón chúng ta, Ngài sẽ băng bó vết thương, chữa lành chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài sẽ ban cho chúng ta sự bình an thực sự trong tâm hồn ngay khi còn ở đời này. Một khi trở về với Chúa Giêsu Kitô qua Bí tích Hòa giải, chúng ta lại được dìm vào trong cái chết của Chúa và lại được Ngài ban cho sự sống mới, được hòa giải với Hội Thánh, với anh em và với chính mình. Bí tích Hòa giải chính là dấu chỉ của “sự phục sinh” từ “cái chết thiêng liêng”, mà chúng ta được lãnh nhận mỗi lần ta xưng tội.

Thật vậy, tòa giải tội đã trở nên điểm đến cho những ai tín thác và khát mong lòng thương xót của Thiên Chúa .“Mỗi tòa giải tội là một nơi đặc biệt hồng phúc, từ nơi đó, các sự chia rẽ đã được xóa sạch, sinh ra một con người mới, không tì ố, một con người được giao hòa, một thế giới được giao hòa” (8). Chính nơi đó, mỗi một người chúng ta được thánh hóa và biến đổi để sống với một con người mới trong Đức Giêsu Kitô và sự mới mẻ đó được lan tỏa đến toàn thế giới.

Nơi Bí tích Hòa giải, chúng ta không những được lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, mà hơn thế chúng ta còn được mời gọi trở nên những nhân chứng cho Lòng Thương xót đó bằng cách đem tha thứ và tình thương vào giữa thế giới đang dần trở nên thờ ơ, vô cảm và đầy dẫy bạo lực, hận thù.“Thế giới loài người chỉ có thể ngày càng mang tính người hơn khi nào chúng ta đưa vào trong mọi quan hệ hỗ tương giữa người với người sự tha thứ theo Tin Mừng. Sự tha thứ cho thấy rằng trong thế giới tình thương mạnh hơn tội lỗi. Hơn nữa, tha thứ là điều kiện trước tiên của sự hòa giải, chẳng những trong các tương quan giữa Thiên Chúa với con người, mà còn trong những tương giao giữa người với người” (9).

Quả vậy, Bí tích Hòa giải là nhịp cầu của Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Ngang qua đó, ta cảm nghiệm được ân sủng vô điều kiện mà lòng thương xót Chúa tuôn đổ trên mỗi một người chúng ta. Cũng vậy, Bí tích Hòa giải giúp ta giao hòa với Hội Thánh và nối lại tình bằng hữu, huynh đệ với những anh em đồng loại của mình. Hơn nữa, chính Bí tích Hòa giải sẽ thánh hóa chúng ta trở nên những chứng nhân kiên vững cho Đức Kitô và cho Lòng Thương xót của Thiên Chúa nơi trần gian bằng một đời sống khoan dung và bác ái.

Mong rằng với mỗi một người Kitô hữu, chúng ta ý thức được tầm quan trọng và tính thiêng liêng của Bí tích Hòa giải trong hành trình đời sống Đức tin. Năm Thánh Lòng Thương xót này sẽ là cơ hội tốt cho tất cả chúng ta tìm về với lòng thương xót của Thiên Chúa, tìm về với tình yêu Đức Kitô ngang qua Bí tích Hòa giải. Để từ đó, mỗi chúng ta trở nên những khí cụ đắc lực của Lòng Thương xót cho tha nhân và thế giới.

Xin mượn lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như là lời nhắn nhủ để kết thúc bài viết này: “Anh chị em hãy cùng hướng về trái tim Đức Kitô, dấu chứng hùng hồn của lòng thương xót Thiên Chúa, “của lễ đền tội chúng ta”, “niềm bình an và hòa giải của chúng ta”, hầu kín múc nơi đó sức mạnh nội tâm dẫn đưa chúng ta ra khỏi tội lỗi và quy hướng chúng ta về Thiên Chúa, đồng thời tìm thấy nơi đó lòng nhân ái của Thiên Chúa như lời đáp trả thân tình cho hối nhân (10).

J.B Lê Đình Nam

————————————–

(1) Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 28.

(2) Giáo hoàng Phanxicô, Misericordiae vultus – Dung mạo Lòng Thương xót, số 22.

(3) Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1468.

(4) Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1469.

(5) Misericordiae vultus – Dung mạo Lòng Thương xót, số 22.

(6) Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1449.

(7) Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 31.

(8) Reconciliatio et Paenitentia –  Hòa giải và Sám hối, số 31.

(9) Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Dives in misericordia – Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 14.

(10) Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 35.