Chuông này có từ thế kỷ thứ 9, còn xưa cổ hơn cả đền thánh. Nguồn gốc của nó thì không ai biết, nhưng bí ẩn của cái chuông là mỗi khi có thủy thủ lâm nạn cầu cứu xin Đức Mẹ giúp thì chuông tự động rung, không ai kéo chuông cũng không theo giờ ấn định.
Qua bao nhiêu thế kỷ, 120 phép lạ đã được công nhận nhờ xin ơn với Đức Mẹ. Câu chuyện do chính từ miệng nhân chứng kể lại: các thủy thủ và các người đi hành hương đền thánh. Các phép lạ được một tu sĩ của vùng Tulle thế kỷ 12 ghi lại trong “quyển sổ phép lạ”. Lần cuối chuông rung là ngày 31 tháng 12 năm 1612 khi thủy thủ Jacques Jas, người vùng Breton và cả thủy thủ đoàn của ông được Đức Mẹ cứu thoát trong một cơn bão lớn.
Những tấm bia tưởng niệm khắc ở bốn bức tường ghi lại những ngày chuông rung cứu các thủy thủ lâm nạn. Các lễ vật tạ ơn được làm dưới dạng chiếc tàu treo trong nhà nguyện, để tạ ơn Đức Mẹ đã làm phép lạ.
Trả lời cho báo La Dépêche, người hướng dẫn ở đền thánh cho biết, nguồn gốc lòng tôn kính Đức Mẹ của các thủy thủ có thể giải thích theo ba cách: “Trước hết, trong tiếng hêbrơ, Maria có nghĩa là “Sao Biển”, các thủy thủ đều biết tích sự này. Kế đó, ông Henri de Plantagenet (1133-1189), người chồng thứ nhì của bà Aliénor d’Aquitaine, sau này sẽ là vua Henri II của nước Anh, ông được ơn Đức Mẹ Rocamadour. Ông đi hành hương ở đây hai lần. Về lại Bretagne, ông làm một bàn thờ Camaret-sur-Mer, trong vịnh Brest để kính Đức Mẹ. Từ đó, Đức Mẹ Rocamadour là quan thầy của các nhà thám hiểm và người đi biển. Và cuối cùng là ông Jacques Cartier, người khám phá bang Québec, Canada. Thủy thủ đoàn của ông được lành bệnh thiếu sinh tố C (scorbut) sau khi dự thánh lễ trước tượng Đức Mẹ Rocamadour năm 1536. Đức Mẹ Rocamadour được tôn kính ở một giáo xứ lớn nhất của Québec.
Năm 2016, Đức Mẹ Đen Rocamadour được chọn làm quan thầy cho chuyến đi vòng quanh thế giới của cuộc đua Vendée Globe. Cha sở của Sables d’Olonne nói đùa, mình sẽ “mượn” Đức Mẹ. Khi đến Rocamadour, chúng tôi sẽ “bắt cóc” Đức Mẹ. Như lời nói đùa, vài tuần sau Đức Mẹ có mặt từ khi khởi đầu đến khi về đích của cuộc đua.
Một chuyện lạ lùng liên quan đến câu chuyện cái chuông: một giáo sư nổi tiếng về ngành khảo cổ và nghệ thuật thiêng liêng ở Toulouse, giáo sư cũng là tu sĩ, ông nghiên cứu câu chuyện về các phép lạ của cái chuông ở Rocamadour, nhưng ông rất cẩn thận về vấn đề này và tỏ ra không tin về các phép lạ đã được ban. Cách đây mười mấy năm, trong một ngày gió mạnh, ông bị sóng cuốn ở bãi biển Sète. Ngày hôm đó chuông không rung.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn tin: Phanxico