1/ Ngày Thế giới Người nghèo là sáng kiến của Đức Phanxicô. Chúng ta có rất nhiều “ngày thế giới”, ngày cho hòa bình (1 tháng 1), ngày cho ơn gọi, ngày cho phương tiện truyền thông xã hội, ngày cho người di dân tị nạn… vv. Đức Phanxicô mong muốn ngày chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ sẽ dành cho “ngày thế giới người nghèo”. Như các ngày thế giới khác, một sứ điệp của Đức Giáo hoàng sẽ được viết cho dịp này và được công bố nhiều tháng trước để kip chuẩn bị các nghi thức phụng vụ, các tài liệu và thông báo sứ điệp này trong các thư sinh hoạt. Sứ điệp ngày người nghèo năm 2017 được công bố vào ngày 13 tháng 6 năm 2017.
2/ Sứ điệp. Sứ điệp này dài bốn trang, khá dài so với các ngày thế giới khác. Ở đây chúng ta thấy bàn tay của Đức Giáo hoàng qua nội dung các chủ đề và qua phong cách.
3/ Sáng tạo. Ngày Thế giới Người nghèo là sáng kiến của Đức Phanxicô. Các vị tiền nhiệm của ngài đã có những ngày thế giới với chủ đề thiết thân của họ như ngày ơn gọi, ngày hòa bình, ngày di dân…
4/ Những gì Đức Giáo hoàng không nói. Điểm đặc biệt trong sứ điệp này là tìm hiểu tinh thần và nội dung của sứ điệp ngày thế giới người nghèo, những gì không có trong nội dung và những gì không nói ra. Một định nghĩa tiêu cực, sau đó sẽ dần dần hiểu nội dung của ngày người nghèo này.
– Ngày thế giới người nghèo không phải là ngày của lòng độ lượng, vị tha, bác ái… nội dung không nhấn mạnh trên nhân cách của người độ lượng, của người “cho”, nhưng nhấn mạnh trên nhân cách của người nghèo.
– Ngày thế giới người nghèo không khuyên phải giúp người nghèo, nhưng phải dự vào với họ. Đức Phanxicô nói phải lắng nghe người nghèo, họ có một cái gì để nói, để góp phần vào xã hội. Không phải các tổ chức vị tha của các tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffet…, cũng không phải những người nhà giàu sẽ cứu thế giới. Thế giới sẽ được cứu khi tất cả mọi người có tiếng nói và cùng đóng góp hòn đá của mình để xây dựng căn nhà chung.
– Ngày thế giới người nghèo không phải là ngày hội của lòng quảng đại, của các thiện nguyện viên, của các tổ chức Phi Chính Phủ… Cũng không phải là ngày tự ca tụng đức ái của những người tham dự. Cũng không phải là ngày của ân nhân, người cho thì giờ, cho tiền bạc.
5/ Tiếp cận của Đức Giáo hoàng hội nhập vào chiều kích chính trị, một lời kêu gọi thay đổi đường hướng chính trị quần chúng. Có một mối liên hệ giữa sứ điệp này với Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Phải giải quyết vấn đề tận gốc, phải sửa đổi các cơ cấu (bất công). chính trị không bao giờ đi quá xa. Mối liên hệ được lập ra với lời kêu gọi khẩn thiết phải cứu quả đất và phải nghe tiếng kêu đau thương của cả hành tinh và của cả người nghèo (Laudato Si).
6/ Trong sứ điệp này, chúng ta thấy các trực giác trọng tâm của Đức Phanxicô: phải có thái độ lắng nghe, đối thoại, tháp tùng, hội nhập… Lắng nghe người nghèo muốn nói gì, đối thoại với họ (vì thế phải thành lập một quan hệ bình đẳng giữa những người đối thoại với nhau chứ không phải đơn thuần chỉ là người được giúp hay lời nói có tính cách rao giảng phúc âm…). Chăm sóc đến sự hội nhập của họ trong xã hội.
7/ Phần kết luận của sứ điệp rất mạnh: người nghèo không tạo thành vấn đề nhưng là nguồn để chúng ta tìm các giải pháp cho các vấn đề tập thể của chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch