Vài ngày trước khi khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon, Vatican loan tin rằng Hiệp Hội Sứ Giả Tin Mừng (Heralds of the Gospel), một hiệp hội theo xu hướng duy truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, đang bị đặt dưới sự giám sát đặt biệt.
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã chỉ định một vị Hồng Y người Brazil, Raymundo Damasceno, làm đặc uỷ giám sát những hoạt động của Hiệp Hội này, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quản trị, huấn luyện và chuyện gây quỹ. Hiệp Hội này cũng bị đặt vấn đề về những dấu hiệu lạm dụng quyền lực trong cách tổ chức những buổi tĩnh tâm và những chương trình huấn luyện cho người trẻ. Đây là Hiệp Hội những người giáo dân sống độc thân và mặc trang phục nhìn giống như thời Trung Cổ với áo choàng màu nâu sậm, biểu tượng Thập Giá thật lớn trước ngực, và mang ủng kỵ sĩ màu đen.
Dù Vatican đã cẩn trọng không dùng từ “trừng phạt”, nhưng đây quả thật là một cách quản chế đối với nhóm theo chủ nghĩa duy truyền thống này. Hiệp Hội này trước nay vốn được ủng hộ tại Roma và trên một số phương tiện truyền thông, nhưng thời gian này lại có xu hướng chống lại việc tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon. Họ tuyên bố rằng Thượng Hội Đồng này là một hoạt động thấm nhuần tinh thần ngoại giáo và đi ngược lại với tư tưởng Ki-tô giáo. Thậm chí, họ còn cho rằng ý tưởng tổ chức Thượng Hội đồng này đến từ những thế lực ma quỷ.
Không ngạc nhiên khi căng thẳng dâng cao. Những người tổ chức Thượng Hội Đồng vốn hy vọng rằng Thượng Hội Đồng này sẽ giúp cho cuộc cải tổ của Đức Giáo Hoàng tiến thêm một bước xa hơn, bằng việc can đảm đối diện với những vấn đề cấp bách về môi trường và về mục vụ trên vùng đất đang bị tàn phá thảm hại bởi các trận hoả hoạn và nạn phá rừng. Những người chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng này đã có cơ hội lắng nghe nguyện vọng của khoảng 87.000 người, con số chưa từng có tiền lệ, đến từ 9 quốc gia thuộc vùng Amazon. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, nhiều vấn đề gai góc được đặt ra cho Giáo Hội bao gồm cả chuyện truyền chức cho những người có gia đình đã lớn tuổi, cũng như xem xét việc trao những tác vụ chính thức cho phụ nữ trong Giáo Hội.
Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã chính thức mời vị cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là Ban Ki-moon và một số những chuyên gia trong lãnh vực biến đổi khí hậu tham dự vào những cuộc tranh luận của Thượng Hội Đồng.
Những kẻ chống đối Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự lo lắng. Họ cho rằng trong vòng thời gian tới, các Giám Mục của Thượng Hội Đồng sẽ trở thành những phương tiện chỉ để lo chuyện bao đồng, với những việc nằm ngoài lãnh vực mục vụ. Họ chỉ trích rằng việc quyết định nằm trong tay của một nhóm từ các văn phòng ở Roma, rồi việc thực thi quyết định lại đẩy cho các Giám mục địa phương. Ấy là chuyện khó kiểm soát và cũng chẳng lường trước được. Họ cũng chẳng thích việc các chuyên gia từ bên ngoài, những người chưa qua cuộc kiểm tra giáo lý chính thống nào, lại đặt chân vào phòng họp của Thượng Hội Đồng.
Việc chống đối Thượng Hội Đồng không chỉ đến từ bên trong. Tổng Thống Brazil, Jair Bolsonaro, cũng đã cao giọng lên tiếng. Bolsonaro là người bị chỉ trích nhiều trong thời gian gần đây vì những chính sách phá rừng và thái độ thờ ơ của ông với những cuộc hoả hoạn trên vùng Amazon. Ông gởi một nhóm uỷ viên đến Roma để gây ảnh hưởng trên những người tổ chức Thượng Hội Đồng. Đồng thời, mật vụ của ông cũng gởi những thông điệp cảnh cáo đến các Giám Mục nghị phụ được mời tham dự Thượng Hội Đồng. Vị Tổng Thống này tỏ ra lo sợ rằng việc Giáo Hội bảo vệ những người thổ dân và môi trường ở vùng Amazon sẽ trở thành một cái gai trong đường lối chính trị theo chủ nghĩa dân tuý của ông ta.
Có vẻ như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô và những vị cố vấn đã không bị tác động trước những chống đối này. Hình thức nhóm họp Thượng Hội Đồng, trong đó các Giám Mục, Linh Mục và Giáo dân “bước đi cùng nhau”, thực ra vốn là điều bắt rễ từ tinh thần của Công Đồng Vatican II. Những người chống đối mạnh mẽ cuộc cải tổ của Đức Giáo Hoàng và việc tổ chức Thượng Hội Đồng lần này có cùng một điểm chung: thái độ nghi ngờ và thậm chí chối bỏ giá trị của Công Đồng Vatican II và Giáo Hội hậu Công Đồng. Hiệp Hội Sứ Giả Tin Mừng và những người chống đối Thượng Hội Đồng trong thực chất là những người theo chân Plinio Corrêa de Oliveira, một nhà hoạt động chính trị người Brazil. Corrêa và là người sáng lập mạng lưới “Tradition, Family and Property” (TFP), hoạt động như một bức tường chống lại xu hướng chính trị và thần học cấp tiến. Corrêa là người được tham dự Công Đồng Vatican II, và sau đó miêu tả Công Đồng như là “một điểm buồn trong lịch sử. Buồn như lúc Chúa chết!”
Người sáng lập Hiệp Hội Hiệp Sĩ Tin Mừng, Đức Ông João Scognamiglio Clá Dias vốn là một đồ đệ trung thành và là thư ký riêng của nhà hoạt động Plinio Corrêa de Oliveira trong vòng 40 năm. Hiệp Hội này được thành lập năm 1999 và được Đức Giáo Hoàng Biển Đức tuyên dương trong việc làm “tái sinh một Giáo Hội Công Giáo ở Brazil”. Hiệp Hội này bị Roma đặt nghi vấn vào năm 2017. Ngay sau đó Đức Ông Clá Dias phải từ nhiệm. Có một video cho thấy vị Đức Ông này từng tuyên bố rằng Satan đã nói với một nhóm các linh mục rằng Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô là người “ngu muội” và chỉ có thể làm theo tất cả những gì Satan muốn. Vị Đức Ông này còn giải thích rằng “Mạc Khải” này diễn ra trong khi mình đang thực hiện một cuộc trừ quỷ, và rằng nhà hoạt động Corrêa từ trên trời đang cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô mau chết. Ông còn thêm: “Vị Giáo Hoàng sắp tới sẽ tốt hơn!”
Mạng lưới TFP đã vỡ, nhưng các nhóm phò nhà hoạt động Corrêa lại lập nên những trang mạng khác để chống đối Thượng Hội Đồng. Dự báo rằng nhiều nhóm theo hướng bảo thủ và duy truyền thống sẽ hiện diện tại Roma trong thời gian của Thượng Hội Đồng.
Những lo sợ dành cho Thượng Hội Đồng lần này thật ra là tiếng nói của những gì đã thuộc về quá khứ, từ những nhóm từ chối Công Đồng Vatican II. Trong số đó có thể có cả những người thuộc thế hệ trẻ nhưng lại xem Giáo Hội như là một pháo đài chống lại cả thế giới đương đại. Đức Giáo Hoàng từ chối lối nhìn này, lối nhìn đặt Giáo Hội ở thế đối cực với thế giới. Tại Roma, một số nhân vật vị vọng cũng tham gia vào nhóm những người chỉ trích việc tổ chức Thượng Hội Đồng. Trong số đó, có thể kể đến Hồng Y Raymon Burke, Hồng Y Gerhard Müller và Robert Sarah. Đức Hồng Y Burke đã gọi những tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng là “lạc giáo”, trong khi đó Hồng Y Müller, nguyên tổng trưởng thánh bộ Giáo Lý và Đức tin, thì nói rằng những tài liệu này trình bày “giáo huấn sai lạc”. Họ từ chối việc thích nghi sứ mạng của Giáo Hội trước những nhu cầu của vùng Amazon. Thái độ của họ gợi nhớ đến bộ phim “Giáo Điểm Trên Cao” của đạo diễn Roland Joffe. Trong bộ phim này, các Tu Sĩ Dòng Tên ở vùng Nam Mỹ đã phải đối mặt với một vị Hồng Y quyền lực của Châu Âu, là người muốn dẹp bỏ các vùng sứ mạng của Dòng Tên trên vùng đất của người Guarani. Khác biệt lúc này đó là: đối tượng mà nhóm một số Hồng Y quyền lực của Châu Âu muốn chống là một Tu Sĩ Dòng Tên làm Giáo Hoàng.
Những người chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng nói rằng các tài liệu chuẩn bị chỉ là những hướng dẫn để thảo luận. Tài liệu cuối cùng khi đã được các nghị phụ phê chuẩn chắc chắn sẽ rất khác. Và đương nhiên, vai trò của Thượng Hội Đồng chỉ có tính cố vấn. Đức Giáo Hoàng vẫn là người có quyền phê duyệt hay không phê duyệt. Những gì Thượng Hội Đồng bàn thảo về môi trường có lẽ không đụng chạm gì đến Curia Roma, nhưng chủ đề về việc độc thân của giáo sĩ chắc chắn sẽ gặp nhiều chống đối. Một số nhân vật quan trọng của Roma thậm chí từ chối việc bàn thảo về đề tài này.
Tuy nhiên, điều quan trọng nên biết rằng Thượng Hội Đồng lần này bén rễ từ chính tình trạng thực tế của toàn vùng Amazon. Rất nhiều cộng đoàn không có Thánh Lễ trong suốt vài tháng và cũng không có cơ hội cử hành các Bí Tích. Những buổi Phụng Vụ của họ được hướng dẫn bởi các Phó Tế đã có gia đình, hoặc bởi phụ nữ là những người không có một tác vụ hợp pháp. Việc thiếu thốn linh mục đang làm suy yếu nghiêm trọng Giáo Hội trong vùng này. Càng ngày càng có nhiều người bỏ theo các nhóm đặc sủng. Những người chống lại việc thay đổi cho rằng nên gởi nhiều linh mục thừa sai đến vùng này. Nhưng mọi sự không đơn giản như vậy. Ngôn ngữ của thổ dân trên vùng Amazon rất khó để học. Trong khi đó những người hướng dẫn cộng đoàn ở đây đa số là các Phó Tế lập gia đình và giáo dân. Liệu có thể mong đợi việc truyền chức cho họ, như trường hợp của Giáo Hội Anh Giáo đã truyền chức cho những người đã có gia đình?
“Sự ổn định và sự vĩ đại của Huấn Quyền không được phép bắt Giáo Hội phải làm ngơ trước những nhu cầu khẩn thiết của con người, theo cách thức thích hợp”, Cha Michael Czerny, vị thư ký đặc biệt của Thượng Hội Đồng và là người mới được tấn phong Hồng Y đã viết như thế trên tạp chí Civiltà Cattolica. Cha nói: “Chỉ nhìn một mặt thì không đánh giá được tất cả. Tại thời điểm này, trên vùng đất này, thách đố cho Giáo Hội đó là phải trở nên một Giáo Hội với một gương mặt của vùng Amazon và của những người thổ dân”.
Cha Aguste Zampini Davies, một người sẽ tham dự Thượng Hội Đồng cho biết: “Khi bạn thật sự lắng nghe, bạn mới có thể nghe được những điều nằm ngoài vùng não trạng của mình”. Cha Davies hy vọng rằng nhờ Thượng Hội Đồng lần này mà Giáo Hội sẽ trở thành một người tiên phong trong việc giải quyết cơn khủng hoảng toàn cầu này.
Thượng Hội Đồng Amazon sẽ tập trung vào câu hỏi làm cách nào để Giáo Hội thực sự trở nên ngôn sứ và một người Samari nhân hậu cho vùng đất vốn mỏng manh và bị lãng quên này. Những người tổ chức hy vọng rằng Giáo Hội có thể mang lấy “vui mừng và hy vọng, lo lắng và sầu khổ” của toàn vùng Amazon.
Tháng 10 này sẽ là một khoảng thời gian không dễ dàng đối với Đức Phan-xi-cô. Ngài đang thực hiện một cuộc mạo hiểm. Gregorio Día Mirabal, một nhà lãnh đạo của 4500 thổ dân vùng Amazon, đã nói: “Người anh em Phan-xi-cô đang mạo hiểm cuộc sống của mình vì chúng ta. Người đang ra sức cứu chúng ta, cứu lấy cả hành tinh này”.
Tác giả: Christopher Lamb
Người lược dịch: Cao Gia An, S.J.
(dongten.net 09.10.2019/ Tạp chí The Tablet)