“Thiên Đàng”, hơn là một nơi chốn, đó là một “tình trạng” của tâm hồn, trong đó những ước vọng sâu xa nhất của chúng ta sẽ được thể hiện một cách phong phú và con người của chúng ta là những tạo vật và con cái của Thiên Chúa, sẽ đạt đến mức trưởng thành trọn vẹn. Cuối cùng chúng ta sẽ được mặc lấy niềm vui, sự bình an và tình yêu của Thiên Chúa một cách đầy đủ, không còn một giới hạn nào, và chúng ta sẽ trực diện với Ngài! (x. 1Cor 13:12).
Bài Giáo Lý 16 của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh: Cuộc HànhTrình về Nước Trời
“Hội Thánh không phải là một thực tại bất động, bất biến, và lấy chính mình làm cùng đích, nhưng là một cuộc hành trình liên tục trong lịch sử, hướng về mục đích cuối cùng và tuyệt vời, là Nước Trời, trong đó Hội Thánh dưới thế là hạt giống và khởi đầu.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh. Ngài giải thích về Hội Thánh Lữ Hành.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em.
Hôm nay trời hơi xấu một chút, nhưng anh chị em thật dũng cảm, xin chúc mừng anh chị em! Chúng ta hy vọng sẽ cùng nhau cầu nguyện hôm nay.
Khi trình bày Hội Thánh cho dân của thời đại chúng ta, Công Đồng Vaticanô II đã nghĩ đến một chân lý cơ bản, là chân lý mà chúng ta không bao giờ được quên: Hội Thánh không phải là một thực tại bất động, bất biến, và lấy chính mình làm cùng đích, nhưng là một cuộc hành trình liên tục trong lịch sử, hướng về mục đích cuối cùng và tuyệt vời, là Nước Trời, trong đó Hội Thánh dưới thế là hạt giống và khởi đầu (x. Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh Lumen Gentium, 5). Khi hướng về phía chân trời này, chúng ta nhận ra rằng trí tưởng tượng của chúng ta ngừng lại, chứng tỏ rằng chính nó chỉ có thể trực giác được phần nào vẻ huy hoàng của mầu nhiệm vượt trên giác quan của chúng ta. Và tự nhiên trong chúng ta nảy ra một vài câu hỏi: khi nào thì bước cuối cùng này sẽ đến? Chiều kích mới mà Hội Thánh bước vào sẽ ra sao? Khi ấy nhân loại sẽ như thế nào? Còn các tạo vật chung quanh chúng ta thì sao? Nhưng những câu hỏi này không có gì mới lạ, các môn đệ Chúa Giêsu thời đó cũng đã đặt ra: “Nhưng khi nào những điều ấy sẽ xảy ra? Khi nào Thần Khí sẽ chiến thắng thế gian, tạo vật và mọi sự …”. Chúng là những câu hỏi của con người, những câu hỏi có từ xưa. Chúng ta cũng đặt ra những câu hỏi này.
1. Khi đối diện với những câu hỏi này là những câu hỏi luôn vang dội trong tâm hồn con người, Hiến Chế Gaudium et Spes của Công Đồng khẳng định: “Chúng ta không biết khi nào là thời tận cùng của thế giới và nhân loại, và chúng ta không biết vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Chắc chắn là bộ mặt của thế giới này, đã bị biến dạng vì tội lỗi, sẽ qua đi. Tuy nhiên, nhờ mặc khải, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đang chuẩn bị một chỗ ở mới và một đất mới, trong đó công lý ngự trị, trong đó hạnh phúc sẽ lấp đầy và vượt trên tất cả những mong ước an bình phát sinh từ tâm hồn con người” (s. 39). Đây là mục tiêu mà Hội Thánh hướng tới, như Thánh Kinh nói, là “thành Giêrusalem mới”, là “Thiên Đàng”. Hơn là một nơi chốn, đó là một “tình trạng” của tâm hồn, trong đó những ước vọng sâu xa nhất của chúng ta sẽ được thể hiện một cách phong phú và con người của chúng ta là những tạo vật và con cái của Thiên Chúa, sẽ đạt đến mức trưởng thành trọn vẹn. Cuối cùng chúng ta sẽ được mặc lấy niềm vui, sự bình an và tình yêu của Thiên Chúa một cách đầy đủ, không còn một giới hạn nào, và chúng ta sẽ trực diện với Ngài! (x. 1Cor 13:12). Thật là tốt đẹp khi nghĩ đến điều này, nghĩ đến Thiên Đàng. Tất cả chúng ta sẽ được lên đó, tất cả. Thật là tốt đẹp, và ban sức mạnh cho linh hồn.
2. Theo viễn tượng này, thật là tốt đẹp khi cảm nhận rằng có một sự liên tục và sự hiệp thông sâu xa giữa Hội Thánh trên Thiên Đàng và Hội Thánh còn đang lữ hành dưới thế. Những người đang sống trước Thánh Nhan Thiên Chúa thực sự có thể giúp đỡ và cầu bầu cho chúng ta, cầu cho chúng ta. Mặt khác, chúng ta luôn luôn được mời gọi dâng các việc lành, lời cầu nguyện và chính Thánh Lễ để làm giảm bớt sự đau khổ của linh hồn những người vẫn còn đang chờ đợi hạnh phúc vĩnh cửu. Vâng, bởi vì theo quan điểm Kitô giáo, không có sự khác biệt giữa những người đã chết và người là còn sống, nhưng giữa những người ở trong Đức Kitô và những người không ở trong Đức Kitô! Đây là yếu tố quyết định, thực sự quyết định cho phần rỗi của chúng ta và cho hạnh phúc của chúng ta.
3. Đồng thời, Thánh Kinh dạy chúng ta rằng việc thể hiện kế hoạch tuyệt vời này không thể không ảnh hưởng đến tất cả mọi sự chung quanh chúng ta, và điều đó xuất phát từ tư tưởng và con tim của Thiên Chúa. Thánh Phaolô Tông Đồ khẳng định một cách rõ ràng, khi ngài nói rằng, “Chính tạo vật sẽ được giải thoát khỏi nô lệ của sự hư nát, và được hưởng tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Romans 8:21). Các văn bản khác dùng hình ảnh “trời mới” và “đất mới” (x. 2 Proverbs 3:13; Kh 21:1), theo nghĩa toàn thể vũ trụ sẽ được đổi mới và sẽ được giải thoát một lần khỏi mọi dấu vết của sự dữ và chính sự chết. Điều được mong đợi, như việc hoàn thành một sự biến đổi mà trong thực tế đã sẵn sàng từ cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, và do đó, là một cuộc tạo dựng mới; cho nên đó không phải là một sự hủy diệt của vũ trụ và tất cả những gì chung quanh chúng ta, nhưng đem tất cả mọi sự đến sự viên mãn của nó, là chân lý và vẻ đẹp. Đây là kế hoạch mà Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, luôn muốn đạt đến và đang xây dựng.
Các bạn thân mến, khi nghĩ đến những thực tại tuyệt vời đang chờ đợi chúng ta, chúng ta ý thức rằng thuộc về Hội Thánh thực sự là một hồng ân tuyệt vời như thế nào, nó ghi khắc một ơn gọi rất cao cả! Chúng ta hãy cầu cùng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, để xin Mẹ canh giữ cuộc hành trình của chúng ta và giúp chúng ta trở nên, giống như Mẹ, dấu chỉ hân hoan của đức tin và đức cậy giữa các anh chị em của chúng ta.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ