Bài Giảng Mùa Chay của Cha Raniero Cantalamessa (Bài I)

“Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu ở mọi nơi, tại lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì ‘không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến'”, Evangelii Gaudium, n.3.
Bài Giảng Mùa Chay của Cha Raniero Cantalamessa (Bài I)

CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN CHÚNG TA VÀO MẦU NHIỆM VƯƠNG QUYỀN CHÚA KITÔ 

1- “Người sẽ làm chứng cho Thầy”

Một điều làm tôi ấn tượng khi đọc lời cầu nguyện nhập lễ của thánh lễ Chúa Nhật I Mùa Chay năm nay. Chúng ta không cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa Cha, xin ban sức mạnh cho chúng con để chúng con thực hiện những việc làm truyền thống của Mùa Chay là ăn chay, cầu nguyện, bố thí; nhưng chúng ta cầu xin một điều duy nhất: xin làm cho chúng con được “lớn lên trong sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô.” Tôi tin rằng đây quả là điều đẹp đẽ và đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả. Đây cũng là mục đích mà tôi muốn đóng góp trong những suy niệm Mùa Chay năm nay.

Tiếp theo suy niệm đã bắt đầu trong Mùa Vọng về Chúa Thánh Thần, Đấng phải đi vào trong toàn bộ đời sống và lời loan báo của Giáo Hôi (“Thần học về Tín Khoản Thứ Ba!”), trong những suy niệm Mùa Chay này, tôi muốn chuyển từ tín khoản thứ ba sang tín khoản thứ hai của Tín Biểu. Nói cách khác, chúng ta sẽ cố gắng làm sáng tỏ Chúa Thánh Thần “hướng dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn” như thế nào về Chúa Kitô và mầu nhiệm Phục Sinh của Người, đó là, về con người và công trình của Đấng Cứu Thế. Liên quan đến công trình của Chúa Kitô, theo sát phụng vụ Mùa Chay, chúng ta sẽ cố gắng đào sâu vai trò Chúa Thánh Thần hoạt động trong cái chết và sống lại của Chúa Kitô và trong cái chết và sống lại của mỗi người chúng ta.

Trong công thức đầy đủ của nó, tín khoản thứ hai của Tín Biểu được trình bày như sau:

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa,

Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,

Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,

Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,

được sinh ra mà không phải được tạo thành,

đồng bản thể với Đức Chúa Cha;

nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

Tín khoản trung tâm này của Tín Biểu phản ánh hai giai đoạn khác biệt của đức tin. Câu: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô” phản ánh đức tin sơ khai nhất của Giáo Hội ngay sau Phục Sinh. Câu tiếp theo trong tín khoản của Tín Biểu: “Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời” phản ánh giai đoạn sau, một gian đoạn được phát triển hơn, sau lạc giáo Ariô và Công Đồng Nicêa vào năm 325. Chúng ta hãy dành suy tư hiện tại cho phần thứ nhất của Tín Biểu này, “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô,” và tìm hiểu xem Tân Ước nói với chúng ta điều gì về Chúa Thánh Thần với tư cách là tác giả của sự hiểu biết đích thực về Chúa Kitô.

Thánh Phaolô khẳng định rằng Chúa Giêsu Kitô được bày tỏ “nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4), nghĩa là nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô đi đến quả quyết rằng: “Không ai có thể nói rằng “Đức Giêsu là Chúa,” nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1 Cr 12,3), nghĩa là nhờ mạc khải bên trong của Người. Ngài gán cho Chúa Thánh Thần là “sự thông hiểu của mầu nhiệm Chúa Kitô,” được ban cho thánh nhân cũng như cho tất cả các thánh Tông Đồ và các tiên tri (x. Ep 3,4-5). Ngài nói rằng các tín hữu sẽ có khả năng “thấu hiểu mọi chiều kích dài, rộng, cao, sâu và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá mọi sự hiểu biết” (Ep 3,16-19) chỉ khi nào họ được Chúa Thánh Thần ban cho sức mạnh.

Trong Tin Mừng Gioan, chính Chúa Giêsu loan báo hoạt động này của Đấng Bảo Trợ đối với các môn đệ của Người. Chúa Thánh Thần sẽ thay thế Người và loan báo Người cho các môn đệ; Thần Khí sẽ nhắc lại cho họ tất cả những gì mà Đức Giêsu đã nói; Người sẽ hướng dẫn họ tới chân lý toàn vẹn về tương quan của Chúa Giêsu với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần sẽ làm chứng cho Người (x. Ga 16,7-15). Từ đây cho đến sau này, tiêu chuẩn để nhận biết nếu chúng ta nói về Thần Khí đích thực của Thiên Chúa hay thuộc một thần khí khác, đó là: Thần Khí nào thúc đẩy chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu đã đến và trở nên người phàm (x. 1 Ga 4,2-3).

Một số người nghĩ rằng việc nhấn mạnh như thế về Chúa Thánh Thần có thể làm che mờ công trình của Chúa Kitô như thể là công trình này chưa đầy đủ và cần hoàn thiện. Đây là một sự hiểu lầm hoàn toàn. Chúa Thánh Thần không bao giờ nói: “tôi”; Người không bao giờ nói trong ngôi thứ nhất; Người không có ý định thiết lập một công trình riêng, nhưng luôn quy chiếu về Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần không tạo ra những điều mới lạ, nhưng làm mới mẻ mọi sự! Người không thêm gì vào những gì được Chúa Giêsu đã ‘thiết lập”, nhưng Người làm sống động và canh tân chúng. Người hướng dẫn các tín hữu đến với Người. Chúa Kitô là Đường, là Chân Lý, và Sự Sống; Chúa Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta hiểu tất cả những điều này!

Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần mang lại một sự soi sáng bất ngờ cho toàn thể công trình và con người Chúa Kitô. Thánh Phêrô kết thúc huấn từ của mình trong ngày lễ Ngũ Tuần với một tuyên bố long trọng, mà ngày hôm nay ta gọi là “Urbi et Orbi”: “Vậy toàn thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa (Kyrios) và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).

Từ ngày đó về sau, cộng đoàn sơ khai bắt đầu nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, cái chết, và sự phục sinh của Người theo một cách thế khác biệt; mọi sự xem ra đã rõ ràng, giống như một tấm màn được cất khỏi những con mắt của họ (x. 2 Cr 3,16). Dẫu họ sống bên cạnh Người, nhưng không có Chúa Thánh Thần, họ không thể đi sâu vào mầu nhiệm của Người.

Ngày hôm nay đã có sự giao hảo giữa thần học Chính Thống Giáo và Công Giáo liên quan đến chủ đề về tương quan giữa Chúa Kitô và Thánh Thần. Trong một cuộc hội thảo ở Bologna vào năm 1980, nhà thần học John D. Zizioulas, một đàng, đã bày tỏ những nhận định về Giáo Hội học của Vatican II, bởi vì theo ông, “Chúa Thánh Thần đã được đưa vào trong Giáo Hội học sau khi tòa nhà Giáo Hội đã được xây dựng hoàn toàn chỉ với chất liệu Kitô học;” đàng khác, ông nhìn nhận rằng cả nền thần học Chính Thống Giáo cũng cần phải tái suy tư về tương quan giữa Kitô học và Thánh Linh học để tránh xây dựng một nền Giáo Hội học chỉ dựa trên Thánh Linh học.[1] Nói cách khác, chúng ta những người La Tinh được mời gọi để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống toàn thể Giáo Hội (đây là điều đã xảy ra sau Công Đồng Vatican II) trong khi anh em Chính thống được mời gọi để đào sâu sự hiểu biểu của họ về vai trò của Chúa Kitô và về sự hiện diện của Giáo Hội trong lịch sử.

2- Sự hiểu biết chủ quan và khách quan về Chúa Kitô

Chúng ta hãy trở lại với vai trò của Chúa Thánh Thần đối với sự hiểu biết về Chúa Kitô. Tân Ước đã phác họa hai loại hiểu biết về Chúa Kitô, hoặc hai phạm vi trong đó Chúa Thánh Thần hoạt động. Có một sự hiểu biếtkhách quan về Chúa Kitô – về con người, mầu nhiệm, và ngôi vị của Người; và có một sự hiểu biết chủ quan,thiết thực và nội tâm hơn mà nó hướng tới sự hiểu biết điều Chúa Giêsu “làm cho tôi” (for me) hơn là điều Người “là trong chính mình” (in se).

Đối với Phaolô, ngài đặc biệt quan tâm đến sự hiểu biết về điều Chúa Kitô đã làm cho chúng ta, về những gì Chúa Kitô đã thực hiện, và đặc biệt là mầu nhiệm vượt qua của Người; đối với Gioan thì ngược lại, ngài ưu tiên quan tâm đến sự hiểu biết về Chúa Kitô là ai trong chính Người: Ngôi Lời hằng hữu đã ở với Thiên Chúa và đã trở thành nhục thể, Đấng đã nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Đối với Gioan, Chúa Kitô trước hết là Đấng Mạc Khải; đối với Phaolô trước hết là Đấng Cứu Độ. Nhưng chỉ từ những phát triển tiếp theo mà hai khuynh hướng này trở thành hiển nhiên. Tôi đề cập đến chúng một cách vắn gọn bởi vì điều này sẽ giúp chúng ta đón nhận đâu là quà tặng mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội hôm nay liên quan đến vấn đề này.

Trong thời đại Giáo Phụ, Chúa Thánh Thần xuất hiện trước hết như là người bảo đảm của truyền thống Tông Đồ liên quan đến Chúa Giêsu, để chống lại những sai lạc mới của Ngộ Đạo Thuyết.

Thánh Irênê quả quyết rằng Chúa Thánh Thần là Quà Tặng Thiên Chúa ban cho Giáo Hội; Những ai tự tách mình khỏi chân lý được Giáo Hội loan báo mà theo những học thuyết sai lầm của họ, thì không phải là những người tham dự viên của Người.[2] Tertullianô biện luận rằng những Giáo Hội tông truyền không thể sai lầm trong lời rao giảng của họ về chân lý. Suy nghĩ ngược lại có nghĩa là “Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Kitô sai đến và khẩn cầu từ Chúa Cha vì mục đích như là thầy dạy chân lý, là “vị đại diện Chúa Kitô – vicarius Christi,” và là giám quản của Người, có lẽ đã không thực hiện sứ vụ của mình.”[3]

Trong thời đại của những cuộc tranh luận lớn về tín điều, Chúa Thánh Thần được xem như là người gìn giữ sự chính thống thuộc Kitô học. Trong những công đồng, Giáo Hội khẳng định chắc chắn rằng Giáo Hội được “linh hứng” bởi Chúa Thánh Thần trong việc định tín chân lý liên quan đến hai bản tính của Chúa Kitô, sự hiệp nhất ngôi vị của Người, và sự đầy đủ về nhân tính. Như thế, rõ ràng đây là sự nhấn mạnh về sự hiểu biết khách quan, thuộc tín điều và thuộc Giáo Hội về Chúa Kitô.

Khuynh hướng này vẫn còn thống trị trong thần học cho đến thời Cải Cách. Tuy nhiên, có một sự khác biệt. Tại thời điểm định tín, các tín điều là những vấn nạn sống động và là thành quả của sự tham dự tích cực của toàn thể Hội Thánh, nhưng một khi đã phê chuẩn và truyền ban, chúng có khuynh hướng đánh mất tính sắc bén và trở thành công thức. “Hai bản tính trong một ngôi vị” trở thành một công thức có sẵn hơn là một điểm đến của một tiến trình lâu dài và khó khăn. Trong suốt thời gian đó, đã không thiếu những kinh nghiệm tuyệt vời về sự hiểu biết thân mật, cá vị về Chúa Kitô, một sự hiểu biết tràn đầy lòng yêu mến nồng nàn dành cho Người như lòng mến của thánh Bênarđô hay thánh Phanxicô Assisi. Nhưng chúng lại không có ảnh hưởng nhiều lắm trên thần học. Những kinh nghiệm như thế hôm nay chỉ được đề cập trong lịch sử của tu đức chứ mà không được đề cập trong lịch sử thần học.

Các nhà Cải Cách lưu ý tình trạng này và nói: “Biết Chúa Kitô nghĩa là biết những ân huệ Người, không phải tìm hiểu bản tính và những cách thức nhập thể của Người.”[4] Chúa Kitô “vì tôi” nhảy vào chỗ thứ nhất. Một sự hiểu biết thân mật và chủ quan được thay thế ngược lại cho sự hiểu biết thuộc tín điều và khách quan; một “chứng tá nội tâm” đến từ Chúa Thánh Thần về Chúa Giêsu trong tâm hồn của mỗi người tín hữu được thay thế cho chứng tá bên ngoài của Giáo Hội về Chúa Kitô. Khi sự mới mẻ này thuộc thần học trong phái Cải Cách chính thức, sau này có khuynh hướng bị biến thành một “sự chính thống chết,” thì lần lượt xuất hiện những phong trào như phái Mộ Đạo trong giới Lutherô và Hội Giám Lý trong giới Anh Giáo, nhằm đưa chúng trở lại với sự sống. Đỉnh cao của sự hiểu biết về Chúa Kitô xuất hiển các ngẫu nhiên trong những phong trào này, với thời khắc trong đó, được Chúa Thánh Thần tác động, các tín hữu đã ý thức rằng Chúa Giêsu đã chết “vì họ,” vì mỗi người trong họ một các đặc biệt, và họ nhận biết Người như là Đấng Cứu Độ của họ:

“Lần đầu tiên với trái tim con tin,

Con tin với đức tin thần linh,

và trong Chúa Thánh Thần con nhận được quyền năng

Để gọi Ngài là Đấng Cứu Độ con.

Con được nuôi bằng máu châu báu Chúa con

Đấng trực tiếp nâng đỡ tâm hồn con.”[5]

Chúng ta hãy kết thúc thoáng nhìn này về lịch sử bằng việc điểm lại giai đoạn thứ ba trong cách nhận thức về tương quan giữa Chúa Thánh Thần và sự hiểu biết về Chúa Kitô, một cách thức đã ghi dấu những thế kỷ của phong trào Ánh Sáng mà chúng ta là những người thừa kế trực tiếp nó. Một sự hiểu biết độc lập, khách quan giờ đây đang trở lại thịnh hành, nhưng nó không còn theo kiểu hữu thể học nữa, như trong thời cổ đại, nhưng theo kiểu lịch sử. Nói cách khác, sự quan tâm không phải là hiểu biết Chúa Kitô là ai trong chính Người (như sự tiền hữu, bản tính, ngôi vị của Người) nhưng Người là ai trong lịch sử. Đây là thời đại của việc tìm kiếm xung quanh điều được gọi là “Đức Giêsu lịch sử”!

Trong giai đoạn này, Chúa Thánh Thần không còn đóng một vai trò nào nữa trong việc hiểu biết về Chúa Kitô; Người hoàn toàn vắng mặt ở đó. “Chứng tá nội tâm” về Chúa Thánh Thần bây giờ được đồng hóa với lý trí và tinh thần con người. “Chứng tá bên ngoài” là duy nhất quan trọng, nhưng với nó người ta không còn hiểu biết chứng tá tông truyền của Giáo Hội nữa, nhưng duy nhất chứng tá của lịch sử, được bảo đảm với nhiều phương pháp phê bình khác nhau. Những giả định chung của cố gắng này là để tìm kiếm Đức Giêsu thực, thì cần tìm bên ngoài Giáo Hội, khi tháo cởi Người “khỏi những tấm bọc của giáo huấn Giáo Hội.”[6]

Chúng ta biết đâu là kết quả của tất cả sự nghiên cứu này về Đức Giêsu lịch sử: đó là một sự sai lầm, mặc dầu nó mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, liên quan đến điều này, nó vẫn còn kéo dài một sự mập mờ từ sâu thẳm. Chúa Giêsu Kitô – và sau Người, những người khác như thánh Phanxicô Assisi – đã không đơn giản sống trong lịch sử nhưng đã tạo nên một lịch sử và bây giờ họ sống trong lịch sử mà họ đã tạo dựng, giống như một âm thanh tồn tại trong sóng mà nó tạo ra. Cố gắng mạnh liệt của các nhà sử học duy lý xem ra là để tách biệt Chúa Kitô khỏi lịch sử Người đã tạo nên để có thể đưa Người lại với lịch sử chung và hoàn vũ, giống như một người có thể nhận thức tốt hơn một âm thanh trong tính xác thực của nó bằng việc tách nó khỏi sóng mà nó chuyển tải. Lịch sử mà Chúa Giêsu khởi sự, hoặc sóng mà Người tạo ra, là đức tin của Giáo Hội được Chúa Thánh Thần làm cho sống động, và nó chỉ qua đức tin này mà một người có thể lần tới nguồn gốc của nó.

Tính pháp lý của việc nghiên cứu bình thường thuộc lịch sử về Chúa Kitô không được loại bỏ vì tất cả những điều này, nhưng phương pháp này cần phải ý thức về những giới hạn của nó và nhìn nhận rằng nó không khám phá hết tất cả mọi điều có thể được biết về Người. Chỉ như là hành vi cao thượng nhất của lý trí là nhận thức rằng “có điều gì vượt lên trên nó,”[7] như thế hành vi chân thành nhất của sử gia là nhận biết rằng có điều gì đó hiện hữu mà không thể được tìm kiếm với một mình lịch sử.

3- Sự hiểu biết tối thượng về Chúa Kitô

Khi kết thức công trình kinh điển của mình về lịch sử của chú giải Kitô giáo, Henri de Lubac đi đến một kết luận khá tiêu cực. Ông nói rằng chúng ta, những người hiện đại, thiếu những điều kiện để có thể tái hiện lại một lối đọc tu đức giống như lối đọc của các Giáo Phụ. Chúng ta thiếu một đức tin đầy lòng say mê, một cảm thức về viên mãn và tính duy của Kinh Thánh mà các Giáo Phụ đã có. Ngày nay việc khát khao bắt chước sự dũng cảm của họ trong việc đọc Kinh Thánh có lẽ hầu như đang có nguy cơ trở thành một sự phạm thánh bởi vì chúng ta đang thiếu tinh thần từ đó những cách đọc như thế xuất hiện.[8]

Tuy nhiên, ông đã không hoàn toàn đóng cửa cho niềm hy vọng; trong một công trình khác ông nói rằng: “Nếu chúng ta khát khao tìm kiếm điều gì đó mà cách chú giải tu đức về Kinh Thánh có trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, trước hết chúng ta cần tái sinh một trào lưu tu đức.”[9]

Điều mà de Lubac đề cập liên quan đến sự hiểu biết tu đức của Kinh Thánh có thể được áp dụng với một lý do mạnh mẽ, cho sự hiểu biết tu đức về Chúa Kitô. Không đủ để viết nên những khảo luận mới mẻ và cập nhật hơn về Thánh Linh học. Nếu chúng ta thiếu một sự trợ giúp của một kinh nghiệm sống động về Thần Khí, tương tự như điều đã đồng hành với việc soạn thảo đầu tiên của thần học về Chúa Thánh Thần trong thế kỷ IV, bất cứ điều gì được nói sẽ vẫn còn là ở ngoài đối với vấn đề đích thực. Chúng ta có lẽ thiếu những điều kiện cần thiết để đưa chúng ta tới mức độ mà tại đó Đấng Bảo Trợ hoạt động: sự nhiệt thành, tính dũng cảm, và đó là “sự hoan lạc của Thần Khí” liên quan đến điều mà hầu hết các tác giả của thế kỷ này đã nói. Chúng ta không thể trình bày một Đức Kitô được Thánh Thần xức dầu nếu chúng ta không sống trong cùng một cách thế, cùng sự xức dầu này.

Bây giờ chính là lúc phải thực hiện sự mới mẻ mà Cha de Lubac đã hy vọng. Trong thế kỷ qua đã nổi lên một “phong trào tu đức”, và nó tiếp tục lớn lên, phong trào này đã tạo nên nền tảng cho một sự canh tân về Thánh Linh học khởi đi từ kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần và đặc sủng của Người. Tôi đang nói về hiện tượng Ngũ Tuần và Đặc Sủng. Trong năm mươi năm đầu tiên của nó, phong trào này – được sinh ra trong sự phản ứng trước khuynh hướng tự do và duy lý của thần học, giống như phái Mộ Đạo và Hội Giám lý đã được đề cập ở trên – đã chủ tâm phớt lờ thần học và đối lại nó đã bị thần học phớt lờ (và còn bị giảm thiểu nữa!).

Tuy nhiên, khoảng giữa thế kỷ qua, phong trào này đã thấm nhập vào các giáo hội truyền thống vốn sở hữu một hệ thống thần học rộng lớn và đã nhận một đón nhận căn bản từ những cơ chế tương xứng của những giáo hội này, thần học có lẽ không còn phớt lờ nó nữa. Trong một cuốn sách được gọi là Erfahrung und Theologie des Heiligen Geistes (Kinh nghiệm và Thần học về Chúa Thánh Thần), các nhà thần học nổi tiếng của ngày hôm nay, Công Giáo và Thệ Phản, đã xem xét ý nghĩa của hiện tượng Ngũ Tuần và Đặc Sủng cho việc canh tân giáo huấn về Chủa Thánh Thần.[10]

Tất cả điều mà chúng ta quan tâm trong lúc này là theo cái nhìn liên quan đến sự hiểu biết về Chúa Kitô. Đâu là sự hiểu biết về Chúa Kitô đang nổi lên trong bầu khí mới thuộc tu đức và thần học? Sự kiện ý nghĩa nhất không phải là việc khám phá về những viễn tượng mới và những phương pháp mới mà nền triết học thời nay đề nghị (như chủ nghĩa cấu trúc, phân tích ngôn ngữ, etc.) nhưng là việc tái khám phá về một dữ liệu căn bản của Kinh Thánh: Chúa Giêsu Kitô là Chúa! Vương quyền của Chúa Kitô là một thế giới mới mà trong đó chúng ta vào chỉ nhờ “hành động của Chúa Thánh Thần.”

Thánh Phaolô nói về một sự hiểu biết “cao cấp” hay “tối thượng” về Chúa Kitô hệ tại trong việc biết Người và loan báo Người một cách chính xác như là “Chúa” (x. Pl 3,8). Đây là sự loan báo mà, được kết hợp với đức tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, nó làm cho một người “được cứu độ”: “Nếu anh em tuyên xưng ngoài miệng rằng Chúa Giêsu là Chúa và anh em tin trong lòng rằng Thiên Chúa đã cho Người chỗi dậy từ cái chết, anh em sẽ được cứu độ” (Rm 10,9). Như thế, sự hiểu biết này chỉ có thể có được nhờ Chúa Thánh Thần: “Không một ai có thể nói rằng Chúa Giêsu là Chúa nếu không bởi Chúa Thánh Thần” (1 Cr 12,3). Dĩ nhiên mỗi người có thể nói trên miệng những lời này mà không nhờ Chúa Thánh Thần, nhưng có lẽ nó sẽ không phải là điều cao cả mà chúng ta vừa nói, nó không làm cho con người được cứu độ.

Phải chăng có điều gì đặc biệt trong khẳng định này mà sao nó lại có tính quyết định như thế? Chúng ta có thể giải thích điều này theo nhiều quan điểm khác nhau, chủ quan hoặc khách quan. Sức mạnh khách quan của tuyên xưng “Chúa Giêsu là Chúa” hệ tại trong điều nó làm cho lịch sử và đặc biệt mầu nhiệm phục sinh được hiện tại. Nó là kết luận đến từ hai biến cố: Chúa Kitô đã chết vì tội chúng ta; và Người được chỗi dậy vì sự thánh hóa chúng ta; vì thế, Người là Chúa. “Vì Đức Kitô đã chết và sống lại là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,9). Những biến cố mà chúng dẫn tới điều đó được đúc kết trong kết luận này và trong nó chúng được làm cho hiện tại và có hiệu lực. Trong trường hợp này lời nói thực sự là “ngôi nhà của Hữu Thể.”[11] Lời tuyên xưng: “Chúa Giêsu là Chúa” là hạt giống từ đó mà toàn bộ Kerygma và lời rao giảng Kitô Giáo sau đó được phát triển.

Từ cái nhìn chủ quan, nghĩa là đối với điều phụ thuộc từ chúng ta, sức mạnh của sự loan báo này hệ tại trong sự kiện mà nó đòi hỏi một sự quyết định. Bất kỳ ai tuyên xưng nó, thì cũng quyết định ý nghĩa cuộc sống mình. Như có người nói rằng: “Ngài là Chúa tôi”: Tôi phó dâng mình tôi cho Ngài, và tôi tự do nhận biết Ngài như là cứu tinh của tôi, chúa tôi, thầy dạy của tôi, người có mọi quyền trên tôi. Tôi thuộc về ngài hơn là tôi thuộc về chính tôi bởi vì ngài đang chuộc tôi với một giá đắt” (x. 1 Cr 6,19-20).

Khía cạnh của quyết định vốn có trong lời tuyên xưng về Chúa Giêsu là “Chúa” ngày hôm nay có tính thời sự đặc biệt. Nhiều người tin rằng rất có thể và còn cần thiết, là phải gác sang một bên khẳng định về duy nhất tính của Chúa Kitô để cổ võ cho sự đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, để tuyên xưng Đức Giêsu như là “Chúa” một cách chính xác có nghĩa là tuyên xưng sự duy nhất tính của Người. Không vì bất cứ khoản nào làm chúng ta nói: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô.” Thánh Phaolô viết:

“Thật thế, mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất – quả thật – thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều – nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1 Cr 8,5-6).

Thánh Tông Đồ đã viết những lời này vào thời điểm khi đức tin Kitô giáo vừa mới sinh ra và nhỏ bé, với một thế giới bị thống trị bởi những nghi lễ và những tôn giáo đầy sức mạnh và có thế giá. Sự can đảm mà hôm nay cần có để tin rằng Chúa Giêsu là “Chúa duy nhất” thì không có gì được so sánh với sự can đảm mà nó cần trong thời đó. Nhưng “quyền năng của Chúa Thánh Thần” không được ban trừ khi một người tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa trong ý nghĩa mạnh mẽ nguyên thủy của nó. Đó là một dữ kiện thuộc kinh nghiệm. Chỉ sau khi một nhà thần học hoặc một nhà thuyết giảng đã có quyết định để đánh đổi mọi thứ vì Chúa Giêsu Kitô, “Chúa duy nhất” – ngay cả khi phải trả giá là bị “đuổi ra khỏi hội đường” – chỉ khi đó họ có kinh nghiệm về một sự chắc chắn và về một sức mạnh mới mẻ trong đời sống của mình.

4- Từ “Nhân vật” của Chúa Giêsu đến “Ngôi Vị” của Chúa Giêsu

Sự khám phá rõ ràng này về Chúa Giêsu là Chúa, như tôi đã nói, là sự canh tân và ân sủng mà Thiên Chúa đang ban cho Giáo Hội trong thời đại chúng ta. Tôi đã ý thức điều này khi tôi tra vấn Truyền Thống liên quan đến tất cả những chủ đề khác và Lời Kinh Thánh, những chứng tá của các Giáo Phụ ùn ùn đến trong tâm trí tôi. Nhưng khi tôi cố gắng tra vấn nó theo quan điểm này, Truyền Thống hầu như im lặng. Trong thế kỷ III, tước hiệu “Chúa” đã không còn được hiểu theo ý nghĩa thuộc Kerygma. Ngoài phạm vi tôn giáo thuộc Do Thái, ý nghĩa của từ này không đầy đủ để diển tả duy nhất tính của Chúa Kitô. Origene, chẳng hạn, suy nghĩ “Chúa” (Kyrios) là tước hiệu được dùng do ai đó đang còn ở trong giai đoạn sợ hãi; tương quan Chúa – tôi tớ thấp hơn tương quan Thầy – môn đệ.[12]

Dĩ nhiên con người tiếp tục nói về “Chúa” Giêsu, nhưng nó trở thành một danh hiệu cho Chúa Kitô giống như những danh hiệu khác, và thường nó là một trong những yếu tố thuộc danh xưng đầy đủ của Chúa Kitô: “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.” Nhưng có khi thì nói: “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” và khi khác thì nói: “Giêsu Kitô là Chúa chúng ta!” Một dấu hiệu của sự thay đổi này là cách thức mà bản văn của Philiphê 2,11 đã được dịch trong bản Vulgata: “Omnis lingua confiteatur quia Dominus noster Iesus Christus in gloria est Dei Patris,” “mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ở trong vinh quang của Thiên Chúa Cha.” Có khi thì nói: “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ở trong vinh quang của Thiên Chúa Cha” và khi khác thì nói: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng ta vì vinh quang của Thiên Chúa Cha.” Trong cách thức này, điều mà những bản dịch hiện nay nói, nó không chỉ được gọi như một danh xưng mà nhưng là một lời tuyên xưng về đức tin.

Trong tất cả điều này, đâu là bước nhảy về chất lượng mà Chúa Thánh Thần làm chúng ta trong sự hiểu biết về Chúa Kitô? Nó hệ tại trong sự kiện mà lời tuyên xưng về Chúa Kitô là Chúa hướng dẫn chúng ta tới sự hiểu biết về Đức Kitô sống lại và đang sống! Chúa Kitô không còn là một nhân vật, nhưng là một con người; không còn là một sưu tập những luận điểm, những tín điều (và những lạc giáo liên quan); Người không còn chỉ là một đối tượng của phụng tự và tưởng nhớ, nhưng là một người sống động và luôn hiện diện trong Thần Khí.

Sự hiểu biết hiện sinh và tu đức này về Chúa Giêsu như là Chúa không đưa tới việc sao nhãng sự hiểu biết khách quan, tín lý, và thuộc Giáo Hội về Chúa Kitô, nhưng làm sống động nó. Thánh Irênê nói: “Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa chân lý đã mạc khải, “như bảo vật quý hiến đựng trong chiếc bình quý giá, nó luôn làm cho mới mẻ và nó làm cho mới mẻ cả bình chứa đựng nó nữa.”[13] Chúng ta sẽ dành suy niệm tiếp theo của chúng ta nếu Chúa muốn cho một trong những chân lý này, tín điều cấu thành phần hai của tín biểu này trong Tín Biểu: “Được sinh ra, mà không được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha.”

Tôi không biết đưa ra một sự đề nghị thực hành tốt hơn mà chúng ta có thể dùng ở cuối những suy tư này hơn điều chúng ta đọc thấy ở đầu Tông Huấn Evangelii gaudium do Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu ở mọi nơi, tại lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến.”[14]

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ

[1] See John D. Zizioulas, “Cristologia, pneumatologia e istituzioni ecclesiastiche: un punto di vista ortodosso,” in Cristianesimo nella storia, 2 (1981): pp. 111-127.

[2] St. Irenaeus of Lyons, Against Heresies, 3, 24, 1-2, eds. Alexander Roberts et al. (South Bend, IN: Ex Fontibus, 2012), p. 356.

[3] Tertullian, Prescription against Heretics, 28, 1 (Pickerington, OH: Beloved Publishing, 2015), p. 35; see also CC 1, p. 209.

[4] Philip Melanchthon, The Loci communes [1521], trans. Charles Hill (Boston: Meador, 1944), p. 69; see also Corpus Reformatorum, ed. Henricus Ernestus Bindseil (Brunsvigae: C. A. Schwetschke, 1854), p. 85.

[5] Charles Wesley, hymn, “Glory to God and Praise and Love,” in The United Methodist Hymnal, #58.

[6] See Albert Schweizer, The Quest of the Historical Jesus, trans. William Montgomery (Mineola, NY: Dover, 2005), p. 397.

[7] Blaise Pascal, Pensées, trans. A. J. Krailsheimer (New York: Penguin Classics, 1995), p. 54; #267, Brunschvicg edition.

[8]Henri de Lubac, Medieval Exegesis: The Four Senses of Scripture, vol. 2, trans. E. M. Macierowski (Grand Rapids: Eerdmans, 2000), p. 63.

[9] Henri de Lubac, History and the Spirit: The Understanding of Scripture According to Origen (San Francisco: Ignatius Press, 2007), p. 450.

[10] See Claus Heitmann and Heribert Mühlen, eds., Erfahrung und Theologie des Heiligen Geistes (Munich: Kösel, 1974); see also Yves Congar, I Believe in the Holy Spirit, Part 2, trans. Geoffrey Chapman (New York: Crossroad Publishing, 1983), pp. 151ff; Jürgen Moltmann, The Spirit of Life, trans. Margaret Kohl (Minneapolis: Augsburg Fortress, 1992); Michael Welker, God the Spirit, trans. John F. Hoffmeyer (Eugene, OR: Wipf and Stock, 2013), p. 7ff.

[11] A famous formulation by the philosopher Martin Heidegger in his “Letter on Humanism,” in Martin Heidegger: Basic Writings, ed. David Farrell Krell (New York: HarperCollins, 2008), p. 217.

[12] See Origen, Commentary on the Gospel According to John 1, 201-203, trans. Ronald Heine, vol. 80, The Fathers of the Church (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1989), p. 74; SCh 120, p. 158.

[13] St. Irenaeus of Lyons, Against Heresies, 3, 24, 1, p. 355.

[14] Pope Francis, Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, n. 3.