Bài 18: Tình Yêu, Lề Luật Và Niềm Vui

 

TY 3Thứ năm 02-05-1991 – Tuần 5 Phục Sinh 

Cv 15, 7-21; Ga 15, 9-11 

Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, tiếp tục diễn đạt tư tưởng của Chúa Giêsu về tầm quan trọng của việc liên kết với Chúa để được sự sống dồi dào như cành nho gắn liền với thân nho. Sự liên kết này được trình bày qua ba tư tưởng nổi bật. Đó là: tình yêu, lề luật và niềm vui. Và có thể nói, cuộc đời của người Kitô hữu muốn được trọn lành, đều phải sống trọn vẹn sự kết hợp này. Thật vậy, muốn nên thánh, điều kiện trước tiên là phải yêu mến Chúa. Không phải bằng một tình yêu hời hợt, bên ngoài, nhưng yêu chân thành, yêu trọn vẹn, yêu như Chúa đã chỉ dạy trong Mười Điều Luật: “Yêu Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn, hết sức lực”. Và một sự thật trong tình yêu này là chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và Ngài đã làm tất cả cho chúng ta vì yêu thương, ngay cả điểm khởi đầu là cho chúng ta được làm người. Vì thế, khi yêu Ngài, chúng ta đáp lại tình thương Ngài dành cho chúng ta. 

Tình yêu luôn phải đi đôi với hành động. Thiên Chúa đã chứng tỏ điều đó trong việc tạo dựng con người và cứu chuộc con người. Tình yêu bằng môi miệng là thứ tình yêu giả dối. Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án loại tình yêu này: “Dân này chỉ thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”. Hành động yêu thương đối với Chúa được tỏ hiện trong việc thực hành ý muốn của Ngài. Vì thế, chúng ta giữ luật Chúa không phải vì sợ bị phạt, sợ bị bắt lỗi nếu làm sai như trong các luật pháp khác, nhưng trên hết đó là hành động vì lòng yêu mến. Chính Chúa Giêsu cũng đã giữ luật vì yêu thương: “Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15, 10). Và Ngài cũng bảo đảm với các môn đệ: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”. Người yêu thương nhiều là người luôn thực hiện điều người mình yêu mong muốn. 

Và một khi đã chu toàn lề luật, thực hành điều Chúa muốn, niềm vui sẽ tràn ngập trong tâm hồn của chúng ta, vì trước hết chúng ta đã làm vui lòng Chúa, người mình yêu mến. Đó là một niềm vui trọn vẹn, không ai có thể lấy mất đi được, vì được chính Chúa làm nguồn vui. “Niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15, 11).