Bắc Kinh lạnh lùng đáp lại mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô

WHĐ (06.02.2016) – Như tin đã đưa, ngày 02-02-2016, tờ Asia Times, trụ sở tại Hong Kong, ấn bản Anh ngữ, đã đăng bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô do Francesco Sisci thực hiện (x. Đức Thánh Cha Phanxicô: “Trung Quốc cần phải hoà giải với lịch sử của mình” đăng trên WHĐ).

Ngay sau đó, ngày 04-02, nhật báo Global Times (Hoàn Cầu thời báo) của Trung Quốc, ấn bản Anh ngữ của tờ Nhân Dân nhật báo, đăng bài xã luận “Pope’s China comments sound kind note” (tạm dịch: Giọng điệu Giáo hoàng bàn về Trung Quốc nghe có vẻ tử tế). Trong bài xã luận này, Hoàn Cầu thời báo tiếp tục khẳng định Giáo hội Công giáo Trung Quốc dứt khoát phải tự trị và Bắc Kinh sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào về vấn đề này, đồng thời nhắc lại “ba nguyên tắc cơ bản về độc lập” của Giáo hội Công giáo Trung Quốc, là: tự trị – tự quản – tự truyền.

Bài xã luận của Hoàn Cầu thời báo vừa được đăng tải, tờ La Croix của Pháp liền có bài của Dorian Malovic, nhà báo và nhà văn Pháp, Trưởng ban châu Á của nhật báo La Croix, đồng thời là chuyên gia về Trung Quốc.

Trên tờ La Croix, Dorian Malovic đã điểm bài xã luận của Hoàn Cầu thời báo như sau:

***

Bắc Kinh lạnh lùng đáp lại mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô”

Đáp lại bàn tay Đức giáo hoàng Phanxicô đang chìa ra, Trung Quốc trả lời bằng một thông điệp với “kiểu nói lắt léo” đặc trưng nhất. Bài xã luận không ký tên người viết được đăng tải hôm thứ Năm, 4 tháng Hai, trên tờ Hoàn Cầu thời báo cực kỳ chính thống, ấn bản Anh ngữ của tờ Nhân Dân nhật báo, trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, với nhan đề: “Giọng điệu Giáo hoàng bàn về Trung Quốc nghe có vẻ tử tế”.

Nhưng sau nhan đề ra điều khích lệ này, là một bài viết thoạt đầu rất tế nhị, để rồi kết thúc bằng quan điểm chính thức của Đảng về tôn giáo và các Giáo hội tại Trung Quốc là không được dính dáng đến nước ngoài, đồng thời Bắc Kinh sẽ không có bất cứ thỏa hiệp nào về nguyên tắc độc lập đó.

‘Giáo hoàng gửi lời chúc Tết Nguyên đán đến Trung Quốc là một sự kiện vui mừng đối với người Công giáo tại Trung Quốc nói riêng và nhân dân Trung Hoa nói chung (…) và báo chí thế giới ghi nhận Giáo hoàng trong thời gian vừa qua đã gửi nhiều thông điệp thiện chí đến Trung Quốc’. Sau khi viết như thế, bài xã luận liền đặt ngay vấn đề về ‘con đường tương lai của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican’. Đồng thời chuyển sang vấn đề về ‘quan hệ ngoại giao còn đang diễn ra giữa Vatican với Đài Loan’ nhưng lại nhấn mạnh mối quan hệ này ‘không phải là một trở ngại đối với việc bình thường hóa’ giữa Roma và Bắc Kinh.

Thẩm quyền nào trên các giám mục Trung Quốc?

Bài xã luận dành một đoạn dài để minh định một lần nữa rằng ‘bất đồng lớn nhất là thẩm quyền bổ nhiệm giám mục cho Giáo hội tại Trung Quốc (…) đã được Trung Quốc thực thi nhưng Vatican lại tuyên bố là quyền của mình’.

Bài viết nhấn mạnh Đức Thánh Cha Phanxicô có thiện chí và ‘thái độ tích cực’ nhằm cải thiện quan hệ, nhưng ‘sẽ không dễ đạt đến thành công trên vấn đề cốt yếu (…) Trung Quốc rất coi trọng sự độc lập của các tôn giáo đối với nước ngoài (…) và sẽ không có bất cứ sự thỏa hiệp nào về vấn đề này’.

Nóng và lạnh

Thông điệp của bài xã luận rất rõ ràng và hẳn chỉ có lợi cho những người đang phàn nàn Giáo hội đã hy sinh lợi ích của họ vì chủ trương hoà giải.

Thế nhưng, luận điệu bài xã luận lại lấp lửng, khi nóng khi lạnh, một mặt nhìn nhận ‘Bắc Kinh và Vatican sẽ tìm ra giải pháp’, nhưng mặt khác lại kết luận bằng giọng điệu hùng hổ: ‘Những bàn luận của giáo hoàng Phanxicô về Trung Quốc có giọng điệu tích cực. Nhân dân Trung Hoa đón nhận một cách thiện chí. Nhưng khách quan mà nói, để thắt chặt những mối liên hệ, Vatican phải chấp nhận những nguyên tắc độc lập của người Công giáo Trung Quốc’.

Tuy nhiên, câu trả lời thực sự của Bắc Kinh trước bàn tay Đức giáo hoàng Phanxicô đang chìa ra hướng về phía Trung Quốc sẽ không được bày tỏ công khai trên tờ Hoàn Cầu thời báo, mà trong những cuộc mật đàm giữa hai phái bộ ngoại giao tinh tế nhất thế giới” (Dorian Malovic, La Croix).

 

Thành Thi