Mặc dù được cả Thế Giới kính phục vì đức bác ái và khiêm nhượng, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô hình như vẫn chưa ‘lấy đuợc lòng’ một quốc gia Hồi Giáo cực đoan là Saudi Arabia.
Mới đây, số Tháng 8 cuả tờ nguyệt san nổi tiếng trong giới văn học khoa học nghệ thuật là báo ‘National Geographic’ đã bị cấm không được phân phôí tại Saudi Arabia vì trên bià có in hình cuả Đức Thánh Cha Phanxicô.Bức hình trình bày chiếc lưng áo trắng cuả Ngài trước những bức hoạ lộng lẫy cuả Michelangelo trong nguyện đường Sistine.Tại sao vậy?
Tuy Vatican và Saudi Arabia chưa thiết lập toà đại sứ với nhau, nhưng những quan hệ ngoại giao thì đã phát triển tốt đẹp qua ngã toà đại sứ Ý từ nhiều năm nay. Qua ngưỡng cửa này, vị quân vương cuả Saudi Arabia đã gửi lời chúc mừng ĐGH nhân dịp Ngài đăng quang.
Đươc biết Vatican vẫn chưa có ngoại giao với 7 quốc gia là Afganistan, Bhutan, Trung Hoa, Bắc Hàn, Oman, Saudi Arabia và Việt Nam (không kể Maldives và Tuvalu là hai đảo quốc tí hon ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.)
Riêng Việt Nam thì đang có những quan hệ bán chính thức với Vatican, nghiã là những liên lạc không còn phải nhờ qua ngã một toà đại sứ trung gian nào nữa, hai bên chỉ chưa có một vị đại sứ thường trực cư ngụ tại chỗ.
Trở lại câu hỏi vì lý do nào mà hình cuả ĐGH bị cấm đoán ở Saudi Arabia? Theo lời giải thích chính thức cuả vị chủ bút Ả Rập là Alsaad Omar al-Menhaly thì đây là “lý do văn hoá”.
“Bạn đọc ở Ả Rập Saudi thân mến, chúng tôi xin lỗi quí bạn đã không nhận được tạp chí Tháng 8,” ông viết như vậy trên chương mục Twitter cuả National Geographic tiếng Ả Rập, “Theo tin tức từ công ty phân phối, thì tạp chí đã bị từ chối nhập cảnh vì lý do văn hóa.”
“Lý do văn hoá” là một cái cớ chung mỗi khi quốc gia hồi giáo này cảm thấy bị đe doạ, thường là vì lý do tôn giáo chứ không vì lý do lãnh thổ, quân sự, kinh tế hay xã hội.
Mỗi khi các đạo sĩ cuả giáo phái Wahhabi cảm thấy quyền lực cuả họ bị thách thức, thì chính quyền sẽ áp dụng những chính sách quá khích để bảo vệ họ.
Sự liên kết giữa chính quyền Saudi Arabia và giáo phái Wahhabi bắt đầu từ năm 1744. Lúc đó một vị đạo sĩ là ibn ‘Abd al-Wahhab đã cổ võ một phong trào ‘thanh tẩy’ Hồi giáo chống lại những thói tục mà ông coi là xai lầm như ‘tôn kính các vị thánh’ hoặc ‘đi viếng mộ người chết’ hay đi ‘hành hương các thánh địa’…ông bị tẩy chay và phải chốn chạy nay đây mai đó. Một vị tù trưởng tên là Muhammad ibn Saud đã mời ông ta ở lại với mình và hai người cam kết với nhau rằng, giáo phái cuả Wahhab sẽ được giòng tộc Saud bảo vệ; đổi lại thì giòng tộc Saud sẽ được tuyên xưng là sở hữu chủ hợp pháp dưới quyền Thiên Chuá tất cả mọi đất đai cuả loài người mà họ chiếm được.
Từ đó gia đình Saud xua quân xâm chiếm các bộ lạc lân cận, có khi họ tàn sát toàn diện nam giới và bắt toàn thể phụ nữ làm nô lệ, tàn ác không khác gì đám ISIS ngày nay. Qua nhiều giai đoạn biến chuyển và nhờ ở cái may được Anh Quốc hậu thuẫn trong cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Ottoman, thêm vào nữa là cái may khám phá ra dầu hoả vào năm 1938, họ đã trở thành một quốc gia Saudi Arabia giàu có như ngày nay. Trong quốc gia này thì miêu duệ cuả Wahhab luôn làm đạo sĩ nắm độc quyền tôn giáo và miêu duệ cuả Saud nắm độc quyền dân sự.
Một mô hình độc quyền như thế thì khó mà tồn tại vững bền được, bất công và tham nhũng trở thành một cái gánh nặng khó vác và sự tranh giành quyền lực giữa những đạo sĩ cũng như giữa các ông hoàng thì luôn luôn âm ỉ chờ dịp để bùng nổ.
Và tuy là một quốc gia giàu có vào bậc nhất dựa vào lợi nhuận dửng dưng cuả dầu hoả, số người sinh ra ở đây bị liệt vào loại ngheò khổ (vì thu thập dưới 17 đôla một ngày) vẫn lên tới một tỷ số bất thường là 25%.
Nếu không dựa vào dầu hoả, và do đó là sự bảo vệ vô điều kiện cuả Hoa Kỳ, và vào sự độc tài chuyên chế cũng như vào sự bưng bít triệt để các tin tức bất lợi, thì khó mà tưởng tượng nổi chế độ này còn có thể tồn tại cho tới ngày hôm nay.
Cho nên trước tình trạng giá dầu tuột giốc lôi kéo theo nhiều khó khăn về kinh tế xã hội, và loạn quân Al Queda và ISIS đang tìm cách xâm nhập, và thế lực cuả phái phái thù địch Shi’a (điển hình là Iran) đang lấn lướt ở nhiều nơi như Irak, Yemen và Bahrain, thì người ta không ngạc nhiên khi thấy Saudi Arabia đã có những hành động ‘tự vệ’ quá đáng để sống còn.
Nhưng người ta vẫn ngạc nhiên phải hỏi tại sao là Đức Giáo Hoàng?
Dĩ nhiên là việc đưa vị Đại Diện Chúa Kitô lên bìa cuả một tạp chí có thể gây nên sự ganh tị giữa các đạo sĩ Hồi Giáo ở đây. Nhưng hơn thế nữa, sự kiểm duyệt cũng hé lộ cho thấy cách mô tả về ĐGH cuả báo National Geographic có thể gây nên những tác động mà một nhà nước Wahhabi cho là nguy hiểm. Trang bià National Geographic mô tả Đức Thánh Cha Phanxicô đang dẫn đầu một “cuộc cách mạng thầm lặng” để cải cách Giáo Hội Công Giáo.
Dù đó là một quan điểm về Công Giáo mà thôi, và quan điểm này cũng không được chia sẻ ngay cả trong nội bộ Công Giáo, nhưng đối với giới đạo sĩ Wahhabi thì đây là một quan điểm nguy hiểm vượt ra khuôn khổ đạo Công Giáo. Nó chứng tỏ là các tổ chức tôn giáo phải thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. ” Những tín điều trụ cột,” bài viết cuả National Geographic lập luận, “chỉ là công cụ nhằm để giữ gìn một cái gì đó, và nếu chúng không còn có khả năng đó, chúng phải được thay đổi.”
Thay đổi là điều không thể chấp nhận được ở Saudi Arabia, lại càng khó nghe cho phái Wahhabi là môn phái giải thích kinh Qur’an theo từng chữ từng vần một. Người theo phái Wahhabi phấn đấu cho sự thực hiện trở lại những lối sống cuả những thế hệ đầu tiên của người Hồi giáo ở thế kỷ thứ bảy; một quan điểm cho rằng tôn giáo phải di dịch và thay đổi với thời gian là điều mà họ phải dàn trận để chống trả mãnh liệt.
Vị quân vương cuả Saudi Arabia đã có một vài cử chỉ chứng tỏ ông mong muốn có những đối thoại liên-tôn, nhưng cho tới nay thì hình như đó chỉ là những câu chuyện ngoại giao cho có lệ mà thôi.
Câu hỏi là nếu chế độ không có sự cải thiện, thì liệu họ có thể cầm cự được bao lâu? Những nguồn tin cho thấy rằng mỗi khi có lời kêu gọi nổi dậy ở trên Mạng (Web) từ đám ISIS đưa ra, thì những ‘chatters’ (tiếng dội) vang lên từ các điạ điểm trên Mạng cuả Saudi Arabia là nhiều vô kể và từ khắp nơi trong nước!
Trong khi Saudi Arabia vẫn bế quan toả cảng, thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại đang cố gắng để xây dựng một chiếc cầu nối với thế giới Hồi giáo. Ngài tin rằng Hồi giáo là một tôn giáo có khả năng hòa bình, và gần đây hơn Ngài kêu gọi các giáo xứ Châu Âu hãy cung cấp nơi cư trú cho những người tị nạn từ Trung Đông, trong đó rất nhiều người là Hồi giáo.
“Đối mặt với bi kịch của hàng chục ngàn người tị nạn đang chạy trốn cái chết vì chiến tranh và đói khát, và đang đi tìm một niềm hy vọng cho cuộc sống, Tin Mừng mời gọi chúng ta phải là người láng giềng tốt cho những người nhỏ nhất và dễ bị bỏ rơi nhất, và cung cấp cho họ một hy vọng cụ thể, ” Ngài nói.
Saudi Arabia, trong khi đó, vẫn chưa hề nhận một người tị nạn từ Syria nào cả.
Trần Mạnh Trác
Nguồn tin: vietcatholic