

Dẫn nhập
Tại Hội nghị thường niên kỳ II năm 2023, Hội đồng Giám mục Việt nam đã gửi Thư mục vụ đến cộng đồng dân Chúa về Giáo hội tham gia. Đây cũng là trọng tâm của năm mục vụ 2024, mời gọi mọi thành phần dân Chúa tham gia vào đời sống Giáo hội. Vậy, tham gia vào đời sống Giáo hội là gì? Tại sao mỗi Kitô hữu, cách riêng anh chị em dân tộc thiểu số thuộc miền núi Cao bằng – Lạng Sơn phải tham gia vào đời sống Giáo hội? Họ tham gia vào đời sống Giáo hội như thế nào? Và làm cách nào để họ có thể tham gia vào đời sống của Giáo hội?
Bài viết này chỉ là những suy tư vụn vặt, dựa trên chính những gặp gỡ, chia sẻ, trải nghiệm mục vụ thường nhật mà người viết đã, đang và sẽ thực thi tại giáo điểm truyền giáo – giáo điểm Thành Công, thuộc giáo xứ Cao Bình, giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, nơi người viết đang phục vụ. Vì vậy, không mang tính thần học, tín lý, hay đúng sai. Mong độc giả thông cảm.
1. THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Tham gia là góp phần hoạt động của mình vào một hoạt động, một tổ chức chung nào đó.
Tham gia vào đời sống Giáo hội là mỗi người – các Kitô hữu tùy theo vai trò, khả năng của mình, làm hết sức có thể, để cho Nước Chúa được tỏa lan.
Tại sao vậy? Thưa, vì đó là bản chất của chúng ta, của các Kitô hữu và đó là lệnh truyền Chúa đã ủy thác cho các Tông đồ, đến lượt mình, các ngài ủy thác lại cho Giáo hội và cho mọi người chúng ta. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Và khi chúng ta thực hiện điều đó, là chúng ta đang thực thi sứ mạng của Chúa, vì như lời của thánh Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9,16). Hay như lời khẳng định của Đức thánh cha Bênêđictô XV trong Tông thư Maximum illud: “Mỗi môn đệ Chúa Kitô, tùy theo địa vị của mình, đều có bổn phận truyền bá đức tin”.
Thật vậy, bất cứ ai, một khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, đều có trách nhiệm tham gia xây dựng Giáo hội cách cụ thể theo khả năng và bậc sống của mình. Trong tư cách là người giáo dân, mỗi thành viên của gia đình có vai trò và sứ mạng xây dựng Giáo hội cùng với hàng giáo phẩm và các tu sĩ nam nữ. Họ cần tham gia với tâm thức mình vừa thuộc về Giáo hội, vừa là chính Giáo hội, tham gia trong tinh thần đạo đức và hiểu biết, tham gia cách tích cực và hài hòa, tham gia trong sự hiệp thông. Đó cũng là lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong diễn từ khai mạc Thượng Hội dồng Giám mục Thế giới XVI, ngày 09/10/2021: “Tất cả những người đã được rửa tội, đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội.” Như vậy, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, là chúng ta đã mang trong mình một đặc quyền của người tín hữu, vừa có quyền lợi nhưng cũng phải nỗ lực thực hiện những gì chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa và Giáo hội ngang qua 3 chức năng: tư tế, vương đế và ngôn sứ của Chúa Kitô. Vậy làm thế nào để chúng ta – anh chị em dân tộc thiểu số, tham gia vào đời sống của Giáo hội?
2. LÀM THẾ NÀO ANH CHỊ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI?
Có rất nhiều cách thức, con đường khác nhau, để giúp cho anh chị em dân tộc thiểu số có thể tham gia vào đời sống của Giáo hội; tùy mỗi nơi có thể áp dụng phương pháp, cách thức khác nhau… riêng nơi tôi đang làm mục vụ – giáo điểm Thành Công, lúc đầu chỉ có 2 – 3 hộ gia đình là người Công giáo, họ từ miền xuôi lên làm ăn, cách Giáo điểm mấy chục cây số, còn xung quanh 99,9 % là anh chị em dân tộc thiểu số – người Tày; xa hơn một chút trên các triền núi cao là người Nùng, người H’mông, họ là lương dân, nên chẳng ai biết đến đạo Công giáo là gì. Dĩ nhiên, nói đến Giáo hội thì họ lại càng không biết. Vậy làm sao để cho họ biết đến đạo Công giáo, biết đến Giáo hội đây?
2.1 Đối với anh chị em chưa nhận biết Chúa – chưa rửa tội
Khi được Nhà dòng sai đến mục vụ tại giáo xứ Cao Bình, khi đến nơi, sau một thời gian sống, làm quen môi trường, tôi đã thực hiện cuộc điều tra xã hội học và nhận thấy rằng, cứ mỗi 1.134 người, thì mới có 1 người Công giáo, tỷ lệ chưa đến 0,1% dân số; xung quanh khu vực tôi sống thì 99,9% là người Tày – họ sống ở vùng thấp, chỗ nào có nước, làm ăn được thì họ sinh sống; khu vực cao hơn một chút là người Nùng; trên các triền núi cao thật cao là người H’mông… hầu như chưa có ai biết Chúa, chưa có ai theo đạo. Vậy làm sao để cho họ biết Chúa, biết đạo, biết Giáo hội đây? Làm sao để Loan Báo Tin Mừng cho họ?
Đó là điều tôi suy nghĩ, trăn trở nhiều nhất khi đặt chân tới vùng truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng. Từ những suy nghĩ, trăn trở và đặc biệt là qua lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho tôi. Chúa thúc đẩy tôi lên đường mỗi ngày, để đến với họ, loan Tin mừng của Chúa cho họ, trên các bản làng người H’mông. Vậy, tôi đã đến, loan báo Tin mừng cho họ như thế nào?
Trước tiên, tôi loan báo Tin mừng bằng cách đi thăm người dân. Tôi đã tìm đến hết nhà này tới nhà khác, hết bản này đến bản khác, hết con đường này đến con đường khác trên các triền núi cao. Lúc đầu, tôi đến với họ trong tư cách là người con, người cháu, người bạn – thuần túy là con người đến với con người. Tôi nghe họ kể về cuộc sống của họ, những khó khăn, vất vả, những thao thức… gặp trẻ con thì chơi với trẻ con, gặp cụ già thì chơi với cụ già, gặp người lớn đang làm ruộng, thì cùng làm ruộng với họ… Cũng xin được nói thêm, để nghe được họ, để nói được với họ, trước khi đến với họ, tôi đã phải học ngôn ngữ của họ – tiếng H’mông. Bởi tôi ý thức rất rõ rằng, muốn làm việc hiệu quả, thì ngôn ngữ là điều bắt buộc phải học. Khi biết được một chút ngôn ngữ, tôi đến với họ, vừa thăm họ, vừa học – học cùng dân, với dân.
Khi đến thăm anh chị em người H’mông trên các triền núi cao, lúc đầu cũng có người dè chừng, vì không biết tôi là ai, tôi đến để làm gì. Nhưng đa phần anh chị em ấy rất cởi mở, dễ gần và cũng thật dễ mến. Khi thăm anh chị em người Tày xung quanh tôi sống, họ thắc mắc về tôi nhiều. “Sao lại có ông sư về trụ trì ở ngôi nhà này nhỉ? Ông sư này sao lại không cạo đầu giống ông sư khác? Ông ấy sao lại không lấy vợ?”. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi tôi đến thăm và hiện diện ở đây. Dần dần, qua thời gian, họ đã biết được tôi không phải là ông sư, mà là ông cha đạo – đạo Công giáo, chỗ ông ấy ở không phải là nhà Chùa, mà là Nhà thờ…
Khi đã thân quen, đến thăm họ nhiều lần, tỉ tê nhiều câu chuyện, lắng nghe nhiều nỗi niềm, tôi mời gọi họ thăm giáo điểm – nhà thờ, nơi tôi đang ở. Đối với anh chị em trên các bản làng người H’mông, tôi nói họ rằng khi nào “mày” (tôi dùng ngôn ngữ thường ngày của người H’mông vẫn xưng hô) đi đâu qua nhà “tao”, hay mày đi chợ ngang qua nhà tao, ghé nhà tao chơi uống ly nước. Nếu mày có đồ gì mang đi chợ mà bị ế, cứ mang vào tao mua ủng hộ; còn nếu mày muốn xuống tham dự Thánh lễ vào mỗi buổi chiều Chúa nhật, để xem đạo Công giáo họ cử hành như thế nào, nghi lễ nó ra sao, thì cứ xuống với cộng đoàn Công giáo chúng tao, lúc 4g30 mỗi Chúa nhật tại giáo điểm Thành Công để xem lễ.
Cứ thế, tôi đi, đi và đến với họ, chia sẻ cuộc sống cùng họ và nhất là lắng nghe họ. Kinh nghiệm này tôi đã học được từ chính những vị tiền bối của tôi – cha Giuse Trần Sĩ Tín, ngài đã lân la hết làng này tới làng khác, khi đặt chân tới vùng truyền giáo Pleikly, ngài đã từng chia sẻ với tôi rằng: “Người thừa sai phải là người đi tìm dân”, chứ không phải dân tìm mình, phải ra đi, không ra đi làm sao người ta biết đến Chúa, biết đến Giáo hội. Đó cũng là điều mà Đức thánh cha Phanxicô nhắc nhở mỗi người chúng ta “hãy đến với vùng ngoại biên.” Và rồi ngài đã mong ước: “Tôi thà có một Giáo hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc, vì đi ra ngoài đường, hơn là một Giáo hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”. Ngày xưa, Chúa của chúng ta cũng vậy mà, Ngài đã đi hết làng này đến làng khác, để loan báo Tin mừng. “Chúng ta hãy đến các làng chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38).
Khi đến với họ, mời họ xuống giáo điểm, họ đã xuống, đã ở lại và dần dần họ đã trở thành anh chị em với chúng tôi – khi họ quyết định mong muốn được rửa tội. Chính họ là người quyết định, bản thân tôi không quyết định cho họ. Khi họ xuống tham dự Thánh lễ, tôi vẫn thường nói với họ rằng: “Nếu anh chị em tới đây tham dự Thánh lễ, mà khi ra về, lòng anh chị em không cảm thấy bình an, tâm anh chị em không được tịnh, anh chị em không cảm thấy niềm vui, hạnh phúc thì cứ ở nhà nghỉ, không tội gì mà mất công lặn lội đi bộ 6 km từ đỉnh núi xuống chân núi, xong lại phải bắt thêm 18 km xe buýt mới xuống giáo điểm dự lễ, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền”… nói thế, nhưng họ vẫn xuống, ngày một đông.
Vâng! Tôi đã đến với họ, loan báo Tin mừng cho họ ngang qua việc thăm viếng dân. Tôi đã đi tìm, tìm và tìm không ngừng mỗi ngày, trên các triền núi cao, để họ biết về Chúa, về Giáo hội. Đi, đi và đi mãi, đôi chân của tôi đã thấm mệt, nó đã biểu tình. Vì đi quá nhiều, leo đèo, vượt núi trên các triền núi cao, nên đôi chân tôi bị giãn tĩnh mạch. Bác sĩ yêu cầu tôi phải nghỉ ngơi và không được đi lại nhiều; nhưng làm sao tôi nghỉ ngơi được, khi ngoài kia biết bao con người chưa biết Chúa, biết bao con người chưa biết Giáo hội là ai, đạo Công giáo là gì. Biết bao con người đang gặp đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần…
Nhiều đêm tôi nằm trăn trở, suy nghĩ và cầu nguyện cùng Chúa và rồi, trong thinh lặng, Ngài lại mách bảo tôi, “bây giờ con không đi được nhiều, thì con quy tụ dân về chỗ con – nơi giáo điểm con đang ở qua việc bác ái xã hội…”.
Thứ đến, loan báo Tin mừng qua công việc bác ái– cụ thể là mở shop quần áo 0 đồng tại giáo điểm
Khi đôi chân không cho phép đi nhiều, tôi suy nghĩ và cầu nguyện, và chính Chúa đã soi sáng, để tôi biết phải làm gì… Một lần kia, tôi đi thăm một số gia đình gần chợ Nà Rị – nơi tôi đang sống, tôi ghé chợ thăm bà con, tôi quan sát thấy rất nhiều anh chị em trên các bản làng người H’mông cũng đi chợ, họ mua bán trao đổi những gì mình có, mình trồng được ở trên bản cho anh chị em khác, và khi họ đến quầy quần áo, tôi thấy họ chăm chú nhìn, lựa đi lựa lại, hỏi giá cả, rồi lại không mua nữa. Quan sát thấy có vẻ họ rất muốn mua, nhưng chưa biết tại sao họ lại không mua, hỏi ra mới biết là họ không có tiền; những phiên chợ sau tôi lại tiếp tục đến và quan sát, thì cảnh tượng tương tự lại diễn ra, rất nhiều bậc cha mẹ người H’mông muốn mua quần áo, nhưng lại không có tiền. Lúc ấy, trong đầu tôi nảy ra ý định: À! Tại sao mình lại không mở một cái shop quần áo 0 đồng cho bà con nhỉ? Mình có thể kêu gọi anh chị em họ hàng, những người thân gửi lên giúp mình làm việc đó. Nghĩ xong mình gọi điện cho ông anh nhà bác có shop quần áo ở quê, nói ý định như thế, anh bảo anh sẽ ủng hộ chú, chú cứ mở shop, anh sẽ gửi quần áo lên cho. Nghĩ là làm, mình xin phép cha Bề trên, rồi khi được ngài cho phép, mình tiến hành luôn. Mình bắt đầu gom quần áo, sửa sang nhà cửa, mua sắm móc áo, kệ và những vật dụng cần thiết…
Vậy là “Shop 0 đồng” đã hình thành, sau đó 1 tuần; với phương châm: “AI CẦN MỜI LẤY, AI CÓ MỜI CHO”. Shop mở cửa vào mỗi buổi sáng của chợ phiên Nà Rị, để phục vụ anh chị em trên các bản làng người H’mông, anh chị em người nghèo – người Tày vùng phụ cận và dành cho tất cả mọi người – những ai không có điều kiện để mua những bộ đồ cho mình, cho gia đình và cho con cái mình.
Khi mở shop, biết bao người từ khắp nơi đổ về, nhất là anh chị em nghèo người H’mông từ trên các triền núi cao. Lúc đầu, họ không biết đến ông cha là ai, không biết Giáo hội như thế nào, đạo Công giáo là gì. Nhưng dần dần, qua những lần gặp gỡ, trao đổi, hỏi han khi họ đến với Shop 0 đồng, họ đã mường tượng thế nào là ông cha đạo, nhà thờ là gì, công việc bác ái của đạo Công giáo như thế nào… Rất nhiều câu chuyện đã được kể lại khi họ nhận được những bộ quần áo từ Shop 0 đồng và được rỉ tai đến người khác… Một lần kia, một bà lão đến kể với tôi rằng: kể từ khi mang 2 bộ đồ quần áo từ nhà thờ về cho thằng con trai mặc, nó đi bắt cá đêm không sợ ma nữa. Mọi khi nó không dám bước ra đường buổi tối, nhưng từ khi mặc chiếc áo nhà thờ ông cha cho, nó không sợ nữa, nó vui lắm. Cám ơn ông cha, cám ơn nhà thờ. Từ đó, các bà truyền tai nhau kể về câu chuyện này và nhiều người khác cũng nói khi mặc quần áo của nhà thờ, họ cảm thấy an tâm, ngủ bình an, không sợ ma… Cũng xin nói thêm rằng, với anh chị em dân tộc thiểu số nói chung, anh chị em người Tày và người H’mông nói riêng, họ rất sợ bóng tối – sợ ma, nên nói đến việc đi đâu vào buổi tối một mình, họ rất ngại, phải có 2 – 3 người thì họ mới dám đi.
Một câu chuyện khác, một lần kia, tôi thấy rất nhiều anh chị em người H’mông đang thập thò ở ngoài cửa, không dám vào Shop 0 đồng để lấy đồ, tôi ra ngoài mời họ, nhưng họ do dự, tôi nói rằng ở đây miễn phí, không phải trả tiền, anh chị em cứ vào. Họ nói rằng họ là người Tin lành, thì có được lấy đồ không? Tôi nói rằng shop mở ra là dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, màu da… khi họ vào lấy đồ, họ mới kể rằng các mục sư và trưởng nhóm của họ nói là không được nhận đồ từ người Công giáo cho, chỉ được nhận đồ của người Tin lành cho mà thôi… tôi giải thích cho họ rằng, Chúa yêu thương tất cả mọi người, tình thương của Ngài dành cho tất cả mọi người, và Ngài cũng muốn chúng ta dành tình thương ấy cho nhau, không phân biệt chúng ta là ai, là sắc tộc nào, là tôn giáo nào… họ đã vỡ òa khi tôi nói điều đó, vì không giống như những gì họ được nghe từ mục sư và trưởng nhóm của họ. Những lần sau, họ tới lấy đồ không còn e dè nữa, nhưng là sự thân thiện, trìu mến, những khúc mắc về đạo lần lượt được tháo gỡ qua việc trò truyện và rồi, một thời gian sau, một trong những người trong nhóm Tin lành ấy đã xin trở lại đạo Công giáo.
Rất nhiều người từ các bản làng khác nhau đã đến với Shop 0 đồng, tôi đã tiếp đón họ. Với anh chị em ở gần thì cứ phiên chợ tại Nà Rị tôi mở cửa, với anh chị em ở xa – trên các bản làng xa, cách riêng anh chị em người H’mông, bất kỳ lúc nào anh chị em ấy xuống với tôi, tôi sẵn sàng mở cửa tiếp đón họ. Bởi hơn ai hết, tôi biết nỗi khổ của họ. Tôi cho họ số điện thoại, nói rằng khi nào xuống, thì nhớ gọi xem tôi có ở nhà hay không để khỏi phải chờ, phải đợi hoặc xuống mà không gặp… Một số người có điện thoại nhưng có rất nhiều người không có điện thoại, họ cứ xuống và ngồi chờ đợi… Có những tháng, nhất là vào dịp mùa đông, hay có những dịp mưa nhiều, họ xuống rất đông, vì con cái họ nheo nhóc không có quần áo mặc, những lúc ấy, tôi chẳng có thì giờ để nghỉ ngơi, vì cứ vào giờ trưa họ tới, vì họ tranh thủ làm lụng, hoặc có những bản ở xa, họ phải đi bộ từ đỉnh núi xuống chân núi mất 2 tiếng đồng hồ, sau đó đi bộ thêm 3 tiếng, hoặc người nào có xe máy thì mất 30 phút nữa mới tới giáo điểm để lấy đồ. Lắm lúc tôi mệt lả, chỉ muốn nghỉ ngơi, vừa ăn cơm trưa xong, đang chuẩn bị đóng cửa, thì một đoàn người đông thật đông đang í a í ới ở ngoài cửa, vậy là lại vui vẻ ra đón họ, họ nói mưa quá, đói quá, nghe nói nhà thờ có quần áo, thì xuống xin mấy bộ, vì hết quần áo mặc rồi lại không có tiền mua… Mỗi người, mỗi bản làng mỗi hoàn cảnh khác nhau, chẳng ai giống ai… họ như đoàn chiên bơ vơ không người chăm sóc…
Khi anh chị em đến với Shop 0 đồng, họ đã kể rất nhiều cảnh đời khác nhau và họ gặp rất nhiều khó khăn, bệnh tật, đói khổ… Tôi thấy rằng, chỉ quần áo không thì chưa đủ và rồi tôi quyết định mở thêm Tủ thuốc gia đình 0 đồng và Túi gạo Clementê. Ai giúp gì, tôi gom lại, để mua gạo, mua thuốc, mua mì gói cho anh chị đói khổ trên các bản làng.
Khi tôi mở “Tủ thuốc Nhà thờ” (tủ thuốc gia đình), các cụ già neo đơn, anh chị em bệnh tật khắp nơi kéo đến xin thuốc. Người kể bệnh này, người kể bệnh kia; người đau cái này, người kêu đau cái kia… Tôi bảo tôi không phải là bác sĩ, vậy ông bà anh chị em đã đi khám bệnh ở đâu, nếu không có tiền mua, cứ mang toa thuốc về đây, tôi sẽ xin ân nhân mua cho; còn nếu ai bị bệnh thông thường như nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm, thì tôi có sẵn thuốc vì đây là thuốc không cần kê đơn. Rất nhiều người được chữa lành từ Tủ thuốc Nhà thờ, ơn của Chúa đã tới với họ ngang qua những viên thuốc. Khi họ nhận thuốc, tôi hướng họ nhìn lên tượng Lòng Chúa Thương Xót và tượng Đức Mẹ Ban Ơn được đặt trên tủ thuốc và nói họ nhìn lên ông Chúa, bà Maria, xin ông ấy và bà ấy cất đi những đau khổ của bệnh tật. Họ đã nhìn lên cầu xin và nhiều người đã được chữa lành.
Tiếng lành đồn xa, mỗi phiên chợ, khắp nơi họ tuôn về, các cụ già, người neo đơn, anh chị em trên bản ùn ùn kéo đến, kêu đau cái này, nhức cái kia, mỏi cái nọ… tôi lại nói là tôi không phải bác sĩ, tôi không có chuyên môn về lĩnh vực này, xin ông bà anh chị em thông cảm, có toa thuốc của bác sĩ mà không có tiền mua, cứ mang tới, tôi sẽ xin ân nhân mua thuốc cho. Họ nói thuốc của Nhà thờ uống linh lắm, uống vào là khỏi à! Có người bị đau khớp mấy chục năm, đi lại rất khó khăn, tôi đưa cho 3 hộp thuốc y học cổ truyền, vậy mà khi họ uống thì đi lại được, lại khỏe ra, họ tới cám ơn ông cha và mang đến 1 ký thịt heo để tạ ông cha nữa chứ…. Có lần, họ xuống gần như cả bản, mấy chục người, ai cũng nổi mụn hết xung quanh người. Họ nói năm nào mùa mưa cũng bị, hỏi thăm và xem kỹ mới biết họ bị bệnh đậu mùa, nó lây cho cả bản, tôi lấy thuốc bôi cho họ, mấy ngày sau họ được chữa lành. Chợ phiên, họ xuống chợ, họ vào cám ơn Nhà thờ, cám ơn ông cha đã thương đến họ…
Nhận thấy tủ thuốc gia đình thôi cũng chưa đủ so với nhu cầu thực tế của người dân nơi đây, tôi tiếp tục mở thêm “Túi gạo Clementê” để hỗ trợ khẩn thiết cho các hộ gia đình thiếu ăn trong tháng; những anh chị em nghèo trên các bản làng xa xôi hẻo lánh. Mỗi 1 bản, tôi lập thành 1 nhóm để liên lạc, khi có đoàn từ thiện, hay khi có ai giúp đỡ gạo, mì tôm… tôi báo cho trưởng nhóm, trưởng nhóm báo lại cho mọi người để tới nhận, cứ thế xoay vòng các bản làng khác nhau, bản nào cũng có phần cả, vì tôi biết rõ họ, bởi tôi đã đến nhà họ. Khi lên thăm họ, vào nhà họ mới thấy họ nghèo thật sự, trong nhà không có gì giá trị, có gia đình sống ở lưng chừng núi, nơi đó chưa có điện, nước và không trồng được lúa. Thịt thà với họ là rất xa xỉ. Hôm Tết, có ân nhân giúp tôi 2 tạ thịt heo, tôi chia ra mỗi gia đình 3 kg, khi mang tới cho họ, họ òa lên khóc, họ nói rằng nhà họ 4 – 5 tháng nay cả gia đình chưa có một miếng thịt bỏ vào bụng, nay được cha mang tới, họ mừng lắm, cám ơn ông cha, cám ơn Nhà thờ.
Rất, rất nhiều gia đình nghèo, các cụ già neo đơn, các bản làng trên các triền núi cao nhận được món quà yêu thương từ quý vị ân nhân chuyển trao qua Shop 0 đồng, khi thì họ đến trực tiếp nhận quà, khi thì đích thân tôi mang đến nhà cho họ. Chính những việc làm bác ái tại Shop 0 đồng hay việc đi đến thăm từng gia đình họ, đã giúp họ biết đến bác ái Kitô giáo là gì, biết đến đạo yêu thương là thế nào, biết đến Nhà thờ ra sao và đặc biệt, họ biết rằng có một ông Chúa (Tswv Ntuj – tiếng H’mông) yêu thương họ và nhìn đến nỗi khổ đau của họ và rồi, họ đã xin học đạo. Từ một giáo điểm lúc đầu hình thành chưa có một ai là người Công giáo (năm 2022 chỉ có 9 anh chị em người miền xuôi lên làm ăn là có đạo), nay đã có 26 anh chị em thuộc các sắc tộc khác nhau được rửa tội và khoảng 40 anh chị em dự tòng đang muốn xin gia nhập đạo Công giáo.
Có được những thành quả như vậy tất cả là nhờ ơn Chúa, chính Chúa Thánh Thần đã tác động lên cõi lòng họ, để họ đón nhận Tin mừng của Chúa. Bản thân chúng tôi chỉ là công cụ, để Chúa sai chúng tôi đi và thực hiện sứ mạng mà Ngài đã ủy thác: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…”
2.2 Đối với những người đã biết Giáo hội – đã được rửa tội
Khi làm cho người dân trở thành Kitô hữu – được rửa tội, điều tôi trăn trở nhất là làm sao để cho đời sống đức tin của họ được nuôi dưỡng, được trưởng thành và triển nở trong cuộc sống của họ, để họ có thể tham gia vào đời sống của Giáo hội, để họ sẵn sàng ra đi loan báo Tin mừng của Chúa cho anh chị em của mình, nhất là những anh chị em chưa nhận biết Chúa.
Từ những trăn trở ấy, chúng tôi quyết định mở lớp đào tạo họ, để chính họ sẽ về giúp cho anh chị em của mình tại các bản làng. Chúng tôi đã chọn ra những người ưu tú trong cộng đoàn của họ, để mời gọi họ lên đường thực thi sứ mạng của mình. Vậy, chúng tôi đã đào tạo họ điều gì?
Trước tiên, chúng tôi đã dạy Giáo lý cho họ, tóm tắt những gì căn bản nhất của Giáo lý cho họ.
Thứ đến, chúng tôi kết hợp dạy Giáo lý với việc đọc Kinh Thánh cầu nguyện. Chúng tôi phân phát Kinh Thánh viết bằng tiếng H’mông và tiếng Việt cho mỗi người, tập cho họ biết đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Chúa qua Kinh Thánh. Với những người không biết đọc, chúng tôi đã thâu âm những bài hát, bộ lễ tiếng H’mông, Kinh Thánh, các Kinh, các bài giáo lý vào thẻ nhớ, để bỏ vào máy phát và căn dặn họ đi đâu cũng nghe, để biết về Chúa…
Bên cạnh đó, chúng tôi nói về Kerygma cho họ. Kerygma là lời rao giảng tiên khởi. Nội dung nói về mầu nhiệm nhập thể, thương khó, phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng tôi nhấn mạnh nhiều lần về điều này cho họ. Nói giáo lý, họ chẳng hiểu gì, nhưng khi nói về một Thiên Chúa yêu thương thì họ tiếp thu rất nhanh, họ cảm nhận được Chúa yêu họ, thương họ, vì Chúa đã thấu cảm được nỗi đau của họ.
Ngoài việc đào tạo kiến thức căn bản về Giáo lý, Kinh Thánh, chúng tôi cũng hướng dẫn họ áp dụng các kiến thức ấy vào cuộc sống thường ngày qua việc đi Nhà thờ tham dự Thánh lễ, ra đi loan báo Tin mừng cho người khác…
3. ANH CHỊ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI NHƯ THẾ NÀO?
Sau khi đã được trang bị những kiến thức căn bản, những hiểu biết về Giáo lý, Kinh Thánh và nhất là cảm nhận được Chúa thương yêu mình, giờ đây, họ sẵn sàng tham gia vào đời sống của Giáo hội, hay nói cách khác, họ sẵn sàng ra đi loan báo Tin mừng cho người khác. Vậy họ tham gia vào đời sống Giáo hội hay họ loan báo Tin mừng như thế nào?
Trước tiên, anh chị em dân tộc thiểu số tham gia vào đời sống Giáo hội như là men, là muối, ngay trong chính gia đình, bản làng của họ. Vì sống ở vùng dường như trắng tôn giáo, nên trước và sau khi anh chị em dân tộc thiểu số (người H’mông, Tày và Nùng) tại đây trở lại đạo Công giáo, họ đã phải đối diện với rất nhiều thách đố, rất nhiều kỳ thị từ mọi phía: gia đình, người thân, làng xóm… chẳng hạn trường hợp chị X (Maria Hoàng Thị Vui), nhà sát ngay giáo điểm, khi chị bắt đầu trở lại đạo Công giáo, hàng xóm láng giềng kỳ thị nói rằng mày theo đạo của ông cha là mày đi ngược lại với gia đình, với truyền thống của dân tộc thiểu số Nùng, mày đi đạo là bỏ ông bà tổ tiên… gia đình cũng cấm, nếu mày theo đạo thì phải ra khỏi dòng họ… nhưng cuối cùng, chị ấy vẫn kiên trì chịu đựng tất cả, vẫn âm thầm sống, yêu thương, giúp đỡ người khác… qua một thời gian dài, mọi người thấy rằng cho dù hàng xóm xa lánh, kỳ thị nhưng chị không ghét bỏ, trái lại, luôn yêu thương giúp đỡ; từ đó họ có thiện cảm với đạo và yêu thương chị trở lại; đặc biệt, sau một thời gian, chị đã hoán cải được người chồng và anh đã trở thành người Công giáo cách đây vài tháng.
Hay một trường hợp khác tại giáo điểm Lũng Nậm – Bắc Kạn, có gia đình vợ chồng A Sinh, khi bắt đầu trở lại đạo, họ bị cả làng ghét bỏ, cả nhóm Tin lành xa lánh, vì không sinh hoạt với nhóm Tin lành mà trở lại đạo Công giáo. Họ ghét, tìm cách ngăn cản không được, họ phá nhà anh; trong một đêm nọ, họ đã tấn công nhà anh bằng gạch đá, toàn bộ mái ngói lợp bằng fibro ximăng bị bể. Mặc dù bị khinh miệt, ghét bỏ, phá hoại, nhưng hai vợ chồng anh không một lời ca thán, không một lời trách móc, chửi rủa… trái lại, luôn yêu thương, giúp đỡ, chan hòa với anh chị em, họ hàng, làng xóm… qua một thời gian dài, người dân ngạc nhiên tự hỏi rằng: tại sao chúng ta ghét bỏ vợ chồng thằng A Sinh, mà nó lại không ghét bỏ chúng ta vậy nhỉ? Chắc là cái đạo nó theo phải là đạo thật, nên nó mới sống được điều đó. Và rồi sau đó, họ tới gặp hai vợ chồng. Vợ chồng A Sinh đã nói về Thiên Chúa yêu thương cho họ và một thời gian sau, họ đã trở lại đạo, nay dường như cả bản đã trở lại đạo Công giáo.
Thứ đến, anh chị em dân tộc thiểu số tham gia vào đời sống Giáo hội như là chứng nhân. Như là chứng nhân, vì họ đã chứng kiến những ơn lành từ người khác hay do chính họ được gặp. Đó là trường hợp của ông Phùng Văn Lý thuộc giáo điểm Lũng Gà; trước khi ông trở lại đạo Công giáo, con trai và cháu ông đã theo đạo trước. Một lần kia, ông kêu thầy mo về cúng, trong lần cúng ấy, con ma đã nhập vào đứa cháu đích tôn của ông. Mặt mày đứa cháu tím tái, nó tru tréo la ó om sòm… thấy vậy, bố mẹ cháu hoảng sợ và họ gọi điện thoại cho chúng tôi. Chúng tôi bảo mang ngay cháu xuống nhà thờ, họ đã mang cháu xuống trong đêm đó. Chúng tôi đưa cháu vào nhà thờ, đọc kinh, cầu nguyện và đặt tay xin Chúa chữa lành. Một lúc sau, cháu được giải thoát, mặt mày từ tím tái trở lại hồng hào… chính Chúa đã giải thoát cháu khỏi sự kìm kẹp của ma quỷ. Khi đứa cháu được giải thoát, người ông đã hối hận và hôm sau ông xuống xin lỗi quý cha. Ông mời quý cha lên làm phép nhà cho đứa con trai của mình và gỡ bỏ lá bùa mà ông đã nhờ thầy mo đặt ở góc nhà. Một thời gian sau, ông và cả nhà đã trở lại đạo Công giáo. Từ đó trở đi, ông sống tốt lành, đi đâu ông cũng nói về lòng thương xót và tình thương của Thiên Chúa dành cho mọi người. Và rồi biết bao người được đánh động bởi chứng từ của ông mà họ cũng bắt đầu xin học đạo…
Kết luận
Tóm lại, để anh chị em dân tộc thiểu số tham gia vào đời sống của Giáo hội, mỗi chúng ta – những linh mục, tu sĩ, anh chị em tín hữu phải là người tham gia vào đời sống Giáo hội một cách tích cực, để làm chứng tá cho những anh chị em khác – những người chưa được biết Chúa, để họ cũng trở thành con cái của Chúa, sau đó chính họ sẽ là người ra đi loan báo Tin mừng, chính họ sẽ là người làm cho Tin mừng của Chúa được lan tỏa khắp nơi; nhưng muốn làm được điều đó, những người lãnh đạo dân Chúa – các linh mục phải đào tạo, động viên, khuyến khích để họ tham gia vào sứ mạng chung của Giáo hội, lên đường ra đi loan báo Tin mừng của Chúa cho muôn loài thọ tạo.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 144 (Tháng 11 & 12 năm 2024)
Để lại một phản hồi