Án xin phong thánh cho Các Vị Tử Đạo Giáo Phận Qui Nhơn từ năm 1859-1862

Nhân dịp lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin trích dịch và giới thiệu bản tin “Le procès des Martyrs”, trong Mémorial, Mission de Quinhon, số 53, ngày 24 tháng 5 năm 1909, tr. 85-88. Đây là những hoa trái đức tin của giáo phận trong những năm 1859-1862. Đã hơn 100 năm trôi qua (từ năm 1909) kể từ khi đơn này được đệ trình lên Toà Thánh và chúng ta có thể hy vọng một kết quả đáng phấn khởi trong tương lai khi chào đón 400 năm Tin Mừng đến với Giáo Phận Qui Nhơn…

CacThanhTuDao-VietNam.jpg

Chúng tôi vui mừng thông báo cho các đồng sự cũng như các linh mục bản xứ và qua họ đến với các thầy giảng và giáo dân của miền truyền giáo, rằng Án Thẩm Vấn (procès informatif) về các vị tử đạo từ năm 1859-1862 của chúng ta, được bắt đầu từ tháng Tư 1904, vừa mới kết thúc mỹ mãn.

Vào thứ Bảy ngày 1 tháng 5, Giám mục Thẩm phán R.P. Tardieu và Lục sự đã có buổi họp trọng thể để ký tên và đóng ấn trên Bản chính và Bản sao của đơn xin, trước sự hiện diện của cha Tổng Đại Diện và các nhân chứng là cha Maheu và cha Bonhomme. Bản chính được lưu tại văn khố của Toà Giám Mục ad perpetuam rei memoriam (để muôn đời ghi nhớ sự việc). Bản sao được gởi đến cho cha Cazenave ngày 10 tháng 5, chính ngài sẽ trao cho Đức Hồng Y Bộ trưởng Thánh Bộ Lễ Nghi.

Có sự trùng hợp rất đáng phấn khởi này là: chính vào thời điểm các Chân Phước Cuénot và Năm Thuông của chúng ta vinh dự được phong Chân Phước tại Roma thì vụ việc của những người đồng hành dũng cảm của họ cũng đã bước vào trình tự theo giáo luật để nếu hợp thánh ý Chúa thì họ cũng được cùng một vinh quang. Chúng ta thành kính gởi đến các đấng này nhờ sự bầu cử của các đấng kia lời nguyện chúc của Thánh Cyprianô gởi các Đấng Tử Đạo thành Carthage: “Quos vinculum confessionis et hospitium carceris simul junxit, jungat etiam consummatio virtutis et corona caelestis” (Mối dây liên kết đức tin và việc ra tù vào khám đã cùng gắn bó các ngài với nhau, thì ước chi việc thành toàn nhân đức và triều thiên thiên quốc cũng sẽ liên kết các ngài lại với nhau).

Các vị giám mục đã lập danh sách này vào năm 1904 gồm có gần 60 danh tính. Hơn 30 vị đã được để lại hoặc là bởi vì họ thuộc về miền truyền giáo khác hoặc có nghi ngờ chút ít về tiếng tăm của họ hoặc vì không đủ chứng cứ.

Sau đây là danh tính 20 vị Tôi Tớ Chúa đã được thẩm tra và vụ việc vừa mới được gởi về Roma.

I.      Phaolô Châu, linh mục bản xứ, xứ Gò Thị (Bình Định)
     Phêrô Qườn, thầy chức nhỏ, xứ Lò Giấy (Phú Yên)
     Tađêô Qui, giáo dân, Tân Hội (Bình Định)
     Phêrô Me, tân tòng, xứ Gò Thị

     Tất cả bị xử trảm vì ganh ghét về đức tin tại Gò Chàm, tỉnh Bình Định, vào ngày thứ hai của tháng thứ ba năm Tự Đức thứ mười lăm, tức vào tháng 5 năm 1862.

II.   Giuse Stêphanô Chung, linh mục bản xứ, thuộc xứ Thợ Lĩnh mà nay đã bình địa, gần Cảnh Hàn (Bình Định)
     Giuse Trinh, thầy giảng thuộc xứ Phú Cốc (Phú Yên)
     Giuse Bảo, chú giúp cho cha Chung, thuộc xứ Xóm Quán (Bình Định)
     Cả ba đều bị xử trảm ở Gò Chàm, ngày hai mươi ba, tháng mười hai, năm Tự Đức thứ mười hai, tức là đầu năm 1860.

     Hứa, Nam, TânGiáo, giáo dân thuộc xứ Phú Cốc, bị xử trảm ở Gò Chàm, ngày hai mươi bảy, tháng mười, năm Tự Đức thứ mười ba, tức khoảng cuối năm 1860.

     (Lưu ý: năm 1860 đồng thời là năm thứ mười hai và năm thứ mười ba của triều Tự Đức: năm thứ mười hai từ ngày 1 tháng 1 cho đến ngày đầu năm dương lịch, năm thư mười ba từ ngày Tết cho đến cuối năm).

III. Giacôbê Tuyên, thầy chức nhỏ, thuộc xứ Trà Kiệu (Quảng Nam)
     Giuse Nghiêm, chú nhà trường, xứ Lò Giấy.
     Gioakim Quả, giáo dân xứ Xóm Quán.
     Mađalêna Lưu, giáo dân xứ Vĩnh Thạnh (Bình Định).

     Tất cả bị xử trảm tại Gò Chàm, ngày hai mươi mốt, tháng hai, năm Tự Đức thứ mười lăm, tức tháng 4 năm 1862.

IV. Giuse Thủ, linh mục bản xứ, con của Chân phước Năm Thuông, thuộc giáo xứ Gò Thị, bị xử trảm  ở Gò Chàm, ngày mười ba, tháng năm, năm Tự Đức thứ mười lăm, tức khoảng đầu tháng 7 năm 1862.

V.   Đôminicô Cảnh, linh mục bản xứ, xứ Vân Đoả (Quảng Nam), bị xử trảm  ở Phan Rí, tỉnh Bình Thuận, năm Tự Đức thứ mười bốn, tức năm 1861.
     Anê SoạnAnna Trị, nữ tu, người đầu tiên thuộc xứ Diêm Điền (Bình Định); người thứ hai thuộc xứ Dinh Thuỷ (Phan rang); cả hai bị xử giảo ở Phan Rí, năm Tự Đức thứ mười lăm, tức năm 1862.

VI. Giuse Hữu, chú giúp của một linh mục, thuộc xứ Chợ Mới (Nha Trang), bị xử trảm ở Nha Trang vào năm Tự Đức thứ mười hai, tức năm 1860.

Cũng nên thêm vào danh sách này tên của Giuse Sĩ, linh mục bản xứ, thuộc xứ Tân Quan (Bình Định). Bị bắt tại Phú Yên, bị lưu đày tại Thái Nguyên (Đàng Ngoài) vào năm 1853 hoặc 1854 rồi bị chém đầu tại tỉnh này, vào ngày mười sáu, tháng mười hai, năm Tự Đức thứ mười bốn, tức đầu năm 1862.

Vụ việc của ngài đã được đệ trình về Roma vào năm 1894. Giám mục Velasco, Đại Diện Tông Toà Bắc Đàng Ngoài, qua bức thư chính thức gởi cho Giám mục Grangeon, đã cam kết sẽ đưa thi hài của vị Tử đạo rất hiển vinh này trở về miền truyền giáo gốc của mình, ngay sau khi Toà Thánh công bố ngài là Chân Phước.

Tạ ơn Chúa vì kết quả đáng phấn khởi của công trình lâu dài này, đồng thời cũng cám ơn tất cả những ai gần xa đã cộng tác để công cuộc được hoàn thành. Mong rằng những cuộc Phong Chân Phước mới sẽ nên nguồn phúc lành mới cho chúng ta.
 

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính trích dịch và giới thiệu