Một thực tế là giáo dân rất ít nói về Kinh Thánh cho người khác. Thậm chí nhiều người tách Kinh Thánh hoặc Lời Chúa hoàn toàn với đời sống của mình. Tuy là người có đạo, nhưng Kinh Thánh là cái gì đó vẫn còn rất xa lạ với nhiều người. Cũng có người cho rằng giải thích Kinh Thánh là công việc của các linh mục hoặc các nhà chuyên môn. Một lý do nữa: tôi sợ nói về hoặc giải thích Kinh Thánh, vì không được phép của Giáo hội. Bài viết dưới đây chúng ta không đi vào khoa chú giải Kinh Thánh vốn rất phức tạp, nhưng tiếp cận vài cách giải thích Kinh Thánh theo truyền thống của Giáo hội.
Kinh Thánh dành cho mọi người
Ai cũng có quyền đọc Kinh Thánh. Lời Chúa dành cho hết thảy mọi người, mọi dân tộc và quốc gia. Chẳng phải chính Chúa Giêsu đề nghị các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15-16). Tin Mừng là Kinh Thánh, là những ai đón nhận Lời của Chúa; nhờ đó họ được cứu độ. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta giới hạn Kinh Thánh cho một thành phần nào đó. Càng buồn thay nếu chúng ta nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ dành cho người tin vào Chúa Giêsu. Không phải thế! Kinh Thánh dành cho bạn, cho tôi và cho cả những người chưa tin vào Thiên Chúa. Thật tốt để chúng ta giải thích Kinh Thánh cho càng nhiều người càng tốt.
Có người phản đối ý trên khi trích dẫn câu này: “Không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh” (2 Pr 1,20). Lần khác, thánh Phêrô còn quả quyết rằng trong các thư của tông đồ Phaolô: “Có những chỗ khó hiểu, những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy hoạ diệt vong.” (2 Pr 3,16). Một mặt Giáo hội khuyến khích mọi người đọc và chia sẻ Lời Chúa. Mặt khác Giáo hội muốn bảo vệ con cái mình trước những nhóm người dùng Kinh Thánh như là công cụ để gây hoang mang cho nhiều người. Đây đó vẫn có người đọc Kinh Thánh với ý hướng không mấy tốt lành. Nhất là họ trích dẫn những câu Kinh Thánh để tiên báo về tương lai, phê bình hiện tại và phủ nhận quá khứ! Nói chung Kinh Thánh không mang lại cho người ta bình an, nếu hiểu và giải thích Kinh Thánh theo lối này.
Ngược lại, Giáo hội đề nghị chúng ta mạnh dạn tiếp cận với Kinh Thánh cùng với Giáo hội và với nhau. Thập chí có lần Giáo hội còn nhắc nhở những nhà chuyên môn với câu Tin Mừng: “Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết, các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản” (Lc 11,52; Mt 23,13). Tôi rất vui khi nhiều Giáo xứ có những nhóm chia sẻ Tin Mừng, nhiều bạn trẻ cùng nhau đọc Kinh Thánh. Trong bầu khí của nguyện cầu, họ có thể chia sẻ Lời Chúa cho nhau. Với khả năng của mình, và trong hoàn cảnh hiện tại, mỗi người sẽ hiểu lời Chúa một cách khác nhau: Lời Thiên Chúa trong hiện tại. “Lời vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em… vì Lời ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,11.14). Ở đây, không hẳn cách hiểu ấy sai hay đúng, cho bằng Thiên Chúa đang muốn nói gì với họ. Rồi từng chia sẻ ấy sẽ giúp mỗi người thấy sự phong phú của Tin Mừng. Nếu có những chỗ khó hiểu, liên quan đến chuyên môn, hoặc có thể hỏi những người am tường về Kinh Thánh. Theo cách này, tôi tin Kinh Thánh thực sự dành cho hết mọi người.
Giáo hội vài lần đã đưa ra những tiêu chí để chúng ta thấy mình đang hiểu hoặc giải thích Kinh Thánh đúng hay sai. Ví dụ, Vì chính Thiên Chúa nói khi người ta đọc Sách Thánh trong Hội Thánh (Sacrosanctum Concilium, số 7). Họ lắng nghe Lời này với “cảm thức đức tin-sensus fidei” vốn là nét đặc biệt của toàn thể Dân Thiên Chúa. “Nhờ cảm thức đức tin được Thần Khí sự thật khơi dậy và nâng đỡ, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền thánh mà họ trung thành đi theo, Dân Thiên Chúa đón nhận không phải lời nói của nhân loại nhưng là chính Lời của Thiên Chúa (x. 1Tx 2,13), họ trung thành gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các thánh chỉ một lần là đủ (x. Gđ 1,3), họ thấu hiểu cách sâu xa hơn với một nhận thức chính xác và thực thi đức tin cách hoàn hảo hơn.” (Lumen Gentium, 12). Theo nghĩa này, Kinh Thánh có thể liên kết mọi người lại với nhau, giúp tiến trình hiệp hành được bền chặt và phát triển hơn.
Bắt chước các nhà chú giải Thánh Kinh
Khi học môn chú giải thánh Kinh, tôi được tiếp cận với tài liệu rất quan trọng của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng: Văn Kiện Hướng Dẫn Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh – 1993. Trong đó, Giáo hội hướng dẫn những ai chú giải hoặc giải thích Thánh Kinh cần tuân thủ. Thiết tưởng tài liệu này cũng rất hữu ích cho những ai đang đọc và muốn chia sẻ Tin Mừng.
- Nghĩa theo chữ (sens littéral)
Nếu mở Kinh Thánh Tiếng Việt ra đọc, dĩ nhiên bạn cũng có thể hiểu mặt chữ. Từng đoạn, từng câu, hoặc từng chữ bạn có thể hiểu được một cách chung chung hoặc chi tiết. Đây là bước đầu tiên và tối quan trọng để bạn có thể đi sâu vào bản văn. Nếu với các nhà chú giải, họ sẽ “chẻ từng chữ” để hiểu nội hàm và tất cả những gì liên quan đến chữ đó. Tuy nhiên, chúng ta không cần thiết dấn sâu vào điều này.
Một lưu ý của tài liệu trên rằng chúng ta cũng đừng chỉ hiểu theo nghĩa đen của từ, của câu. Chẳng hạn Tin mừng viết: “Hãy thắt lưng” (Lc 12,35), có nghĩa tương ứng với cách dùng các từ theo ám dụ: “Hãy sẵn sàng hành động”. Kiểu như “nghĩa ẩn dụ–Thắt lưng buộc bụng–ăn tiêu dè dặt, tiết kiệm lại, sợ thiếu thốn về sau”. Thật tốt để ta đặt câu chữ trong nội dung của câu chuyện Tin Mừng. Hoặc Giáo hội khuyên rằng: “Ta nhận ra được nghĩa theo chữ nhờ phân tích rõ bản văn, đặt nó vào bối cảnh văn chương và lịch sử của nó.” Lúc đó nghĩa của chữ sẽ rõ hơn.
- Nghĩa thiêng liêng
Dường như chúng ta rất quen với lối giải thích này. Nhất là lúc cầu nguyện hoặc chia sẻ với Kinh Thánh, chúng ta cảm thấy Thiên Chúa muốn nói, muốn trao cho mình bài học gì từ đoạn Tin Mừng. Hoặc mỗi câu chuyện gợi lên cho bạn những tâm tình thiêng liêng; và mình hiểu rằng Chúa đang nói với mình. “Theo cách chung, ta có thể định nghĩa ý nghĩa thiêng liêng, hiểu theo đức tin Kitô giáo, là nghĩa được các bản văn Kinh Thánh diễn tả, khi người ta đọc các bản văn đó dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô và đời sống mới phát xuất từ mầu nhiệm đó. Bối cảnh này có thật.” Theo định nghĩa này, chúng ta đang ở giữa: một bên là bản văn, bên kia là Thiên Chúa. Nhờ bản văn, Thiên Chúa đang soi sáng cho chúng ta nhận ra sứ điệp cụ thể của Tin mừng. Thường thì sứ điệp ấy tác động hoặc liên hệ trực tiếp đến tâm tình, cảm xúc và bối cảnh của chúng ta.
Bạn có thể áp dụng những câu chuyện trong Kinh Thánh vào cuộc sống thường ngày. Hãy viết lại một mẩu chuyện trong cùng một câu truyện! Sáng tạo, một số hư cấu, nhưng không lấy đi bản chất sự thật của mạc khải gốc trong câu truyện Thánh Kinh. Truyền thống anh em Do Thái Giáo gọi lối viết này là “Midrashim” hay còn gọi là “Midrash stories”. Thuật ngữ Midrash (מדרשׁ) trong tiếng Do Thái có nghĩa là “xem xét” (examiner), “giải thích” (expliquer). Thể văn midrash là loại văn chương chú giải (exégèse) sách Kinh Thánh của các thầy Ráp-bi. Theo đó, người viết hay người kể những câu truyện này được gọi là “Darshanim – người chuyển tải Lời cho người khác”. Thực vậy, người Do Thái đã dùng cách thức này rất tuyệt vời để chuyển đạt, truyền tải những gì Kinh Thánh không viết ra, nhưng lại bỏ ngỏ để hậu thế thêm kinh nghiệm phản hồi, suy tư sâu rộng hơn. Nhờ đó, độc giả có thể hiểu sâu Kinh Thánh hơn, có thể đối thoại với Thiên Chúa cách sống động hơn và chia sẻ niềm tin của mình cách dễ dàng hơn.
Một điểm quan trọng là chúng ta đừng đi quá xa với bản văn. Giáo hội đặt ra làn ranh đỏ để bạn biết mình đi quá xa hay không: “Bản văn Kinh Thánh, mầu nhiệm vượt qua và những hoàn cảnh hiện tại của đời sống trong Thánh Thần”. Nghĩa là những tâm tình thiêng liêng giúp bạn liên kết với Thiên Chúa hơn, tâm hồn gần gũi với Chúa Thánh Thần hơn.
- Nghĩa sung mãn (sensus plenior)
Cách chú giải này không phải ai cũng tiếp cận được. Trong Giáo hội có khoa chú giải Thánh Kinh tụ hợp những nhà chuyên môn để phân tích và chú giải Kinh Thánh. Ở đây, một mặt Kinh Thánh dành cho mọi người, mặt khác tầng nghĩa và sự phong phú của Thánh Kinh là vô cùng. Suốt dòng lịch sử, biết bao nhà chuyên môn chú giải Kinh Thánh, nhưng họ vẫn chưa vươn đến mọi ngóc ngách của ý nghĩa Thánh Kinh, kể cả nghĩa sung mãn.
Tuy nghĩa sung mãn gần giống với nghĩa thiêng liêng, nhưng khác ở chiều sâu của bản văn. Chính Chúa Thánh Thần giúp tác giả viết đoạn văn này, mà các tác giả cũng không thấu triệt được trọn vẹn chiều sâu của nó. Càng chú giải, chân lý càng tỏ ra để chúng ta có thể hiểu hơn về bản văn.
Như vậy, lúc bạn đọc hoặc cầu nguyện với Kinh Thánh, thật tốt để tâm đến ba điểm trên. Nếu bạn có cuốn Kinh Thánh do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (2011 ) phiên dịch, bạn cũng có thể đọc được những chú giải xúc tích. Hoặc cuốn Lời Chúa Cho Mọi Người cũng cung cấp cho bạn những cách hiểu đơn sơ nhất. Mục đích là giúp mỗi người chúng ta từ từ bước vào thế giới của Thánh Kinh. Đừng quên: “Tin Mừng tiếp tục được nhập thể ở mọi nơi trên thế giới, theo một cách thức luôn mới mẻ.” (Tông hiến Veritatis Gaudium, 4d). Trong đó, mỗi người đều có quyền được Lời Chúa soi sáng.
Để kết thúc, chúng ta nghe lại những lời chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các nhà thần học, trong đó có các nhà chú giải thánh Kinh: “Cũng như bất kỳ mọi ơn gọi Kitô hữu, sứ vụ của nhà thần học, vượt lên yếu tố cá nhân, còn mang tính cộng đoàn và tập thể. Do đó, sự hiệp hành của Giáo hội buộc các nhà thần học phải thực hiện thần học dưới hình thức hiệp hành, thúc đẩy giữa họ khả năng lắng nghe, đối thoại, phân định và hội nhập những yêu cầu và đóng góp đa dạng và phong phú.” Ở mức độ nhóm nhỏ hoặc giáo xứ, thật quan trọng để chúng ta chia sẻ Lời Chúa với nhau, cùng nhau hiểu Lời Chúa như chính Giáo hội và Thiên Chúa ước mong.
Nếu có những chỗ chưa hiểu, bạn có thể hỏi những ai đã học Thánh Kinh. Với tâm tình khiêm tốn và nguyện cầu, bạn cứ chia sẻ, giải thích Kinh Thánh trong sự hiểu biết và tình yêu của mình. Chính Thiên Chúa và Giáo hội luôn ở với bạn, cổ vũ bạn chú giải Thánh Kinh hiểu theo nghĩa chia sẻ Lời Chúa cho mọi người.
Tái bút: Trong lãnh vực xuất bản, chỉ có những nhà chuyên môn mới có quyền chú giải Kinh Thánh với sự phê chuẩn của Tòa Thánh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ rằng: “Các nhà thần học phải đi xa hơn, tìm kiếm xa hơn. Về điều này, các nhà thần học phân biệt với các giáo lý viên. Các giáo lý viên phải đưa ra giáo lý đúng đắn, giáo lý vững chắc; trong khi các nhà thần học phải mạo hiểm đi xa hơn và huấn quyền sẽ chỉ đến đâu thì phải ngừng. Nhưng ơn gọi của nhà thần học luôn phải mạo hiểm đi xa hơn, bởi vì chính việc tìm kiếm sẽ làm cho thần học trở nên rõ ràng hơn. Nhưng đừng bao giờ dạy cho trẻ em và người bình dân những giáo thuyết mới và chưa chắc chắn”.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ