Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 6 Thường Niên năm C (Lc 6,17.20-26)

Nếu bạn là người nghèo, bài Tin Mừng này nói với bạn điều gì? Nếu bạn là người giàu, bài Tin Mừng này nói với bạn điều gì?

PHÚC ÂM: Lc 6,17.20-26

17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 20 Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 21 “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. 22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. 26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Sau khi chọn mười hai Tông đồ, Đức Giêsu cùng với họ xuống núi (Lc 6,17). Ngài giảng Bài Giảng ở Luca 6,20-49 cho ai? ở đâu?

2. Hãy so sánh Bài Giảng trên Núi trong Tin Mừng Mát-thêu ở chương 5-7, với Bài Giảng trên Đất Bằng trong Tin Mừng Lu-ca ở chương 6,20-49. Tìm vài điểm giống và khác nhau.

3. Tìm một số điểm giống nhau và khác nhau giữa các Mối Phúc của Mát-thêu 5,3-12 và các Mối Phúc của Lu-ca 6,20-23.

4. Đọc Luca 6,20-23. Tại sao những người nghèo, đói, khóc than, bị bách hại, lại được coi là những người có phúc?

5. Đọc các Mối Phúc của Luca 6,20-23 bạn có bị sốc không? Tại sao đây lại là những mối phúc? Đâu là những giá trị thường được người đời thèm muốn và ca tụng?

6. Đọc các bản văn sau đây Lc 10,4; 12,16-21; 16,13.19-22; 18,24; 21,2-4. Cho biết ích lợi thiêng liêng của cái nghèo vật chất.

7. Đọc Lc 6,24-26. “Khốn cho…” có nghĩa gì? Đây có phải là một lời chúc dữ không? Tại sao Đức Giêsu lại nói “khốn cho” người giàu, người no nê, người vui cười, người được mọi người ca tụng?

GỢI Ý SUY NIỆM:

Nếu bạn là người nghèo, bài Tin Mừng này nói với bạn điều gì? Nếu bạn là người giàu, bài Tin Mừng này nói với bạn điều gì?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Sau khi lên núi và chọn mười hai ông mà Ngài gọi là tông đồ (apostolos, Lc 6,13), Đức Giêsu xuống núi cùng với các ông (Lc 6,17). Ngài đứng ở một chỗ đất bằng để giảng Bài giảng này (Lc 6,20-49) cho các môn đệ (mathêtês, Lc 6,20). Nhóm môn đệ này hẳn bao gồm cả Nhóm Mười Hai tông đồ. Hơn nữa, chắc đám đông dân chúng từ khắp nơi trong nước Ítraen và cả vùng dân ngoại là Tia và Xi-đôn cũng được nghe Bài giảng này. Tin Mừng Luca phân biệt tông đồ và môn đệ. Đức Giêsu có mười hai tông đồ, nhưng có bảy mươi hay bảy mươi hai môn đệ (Lc 10,1.17).

2. Bài giảng ở Lc 6,20-49 tương ứng với Bài giảng ở Mt 5,1 – 7,27. Hai bài giảng có những điểm giống nhau. Cả hai đều có các Mối Phúc; thính giả là các môn đệ và có đám đông nữa. Tuy nhiên, Bài giảng ở Mát-thêu diễn ra ở trên núi, Đức Giêsu ngồi giảng như một vị Thầy, các môn đệ kéo đến gần Ngài. Còn bài giảng ở Luca diễn ra trên đất bằng. Đức Giêsu đứng và đông đảo môn đệ cũng như dân chúng kéo đến để được nghe giảng và chữa lành.

3. Các Mối Phúc ở Mt 5,3-12 giống với các Mối Phúc ở Lc 6,20-23 ở một số điểm. Tất cả Mối Phúc đều bắt đầu bằng câu “Phúc cho…” (makárioi), đều nói đến người nghèo, người đói và đau buồn (sầu khổ, khóc), bị bách hại vì Đức Giêsu. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm khác biệt giữa các Mối Phúc ở Mát-thêu và Luca. Mát-thêu có 8 hay 9 mối phúc, Luca chỉ có 4 mối phúc. Các mối phúc trong Mát-thêu thì ở ngôi thứ ba: “Phúc cho những ai…”, còn các mối phúc trong Luca thì ở ngôi thứ hai: “Phúc cho anh em…”. Các mối phúc trong Mát-thêu mang ý nghĩa luân lý, đạo đức nhiều hơn, còn các mối phúc trong Luca mang ý nghĩa kinh tế, xã hội nhiều hơn. Thí dụ: Mt nói đến “nghèo khó trong tinh thần” (Mt 5,3), còn Lc nói đến “nghèo khó”, nghiêng theo nghĩa vật chất (Lc 6,20); Mt nói đến “đói khát sự công chính” (Mt 5,6), còn Luca lại nói đến cái “đói bây giờ” của thân xác (Lc 6,21). Luca không nói đến các mối phúc có tính đạo đức như phúc cho người hiền lành, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, và xây dựng hòa bình như Mát-thêu. Một khác biệt nữa là ngoài 4 mối phúc, Tin Mừng Luca còn có 4 mối họa, tương phản với 4 mối phúc (Lc 6,24-26).

4. Các mối phúc ở Lc 6,20-23 nhắc đến những người nghèo, những người bây giờ đang đói hay đang khóc, những người bị bách hại dưới nhiều hình thức vì Chúa Giêsu. Những người ấy có phúc không phải chỉ vì họ nghèo, đói, khóc lóc hay bị bách hại. Họ có phúc vì Thiên Chúa thương họ và thi ân, khi thấy họ phải chịu tình cảnh đáng thương. Ngài thi ân bằng cách ban cho họ những điều họ đang thiếu. Người đói được no, người khóc được cười, người bị bách hại vì Chúa Giê-su thì vui mừng nhảy múa. Còn người nghèo lại được một điều đặc biệt, đó là được Nước Thiên Chúa làm sở hữu, ngay từ bây giờ. Như thế các mối phúc là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người, chứ không phải là chuyện tự nhiên do nguyên lý nhân quả.

5. Khi đọc các mối phúc của Luca (6,20-23), ta có thể bị sốc, vì theo quan niệm thông thường, người có phúc là người được Chúa ban cho giàu có, no đủ, cười nói hả hê, được danh thơm tiếng tốt. Không ai coi người nghèo khổ hay đói khát là có phúc. Tuy nhiên, nếu đọc cả hai vế của từng mối phúc, chúng ta mới thấy tại sao người nghèo, người đói lại có phúc. Cần để ý đến liên từ  nối hai vế. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang đói”  “anh em sẽ được no.” Anh em có phúc không phải vì đang đói, nhưng vì Thiên Chúa sẽ làm cho anh em được no (x. Lc 1,53). Ngài sẽ đáp ứng nhu cầu thân xác hiện nay của anh em (x. Lc 9,11-17). Anh em có phúc không phải vì đang khóc hay chịu bách hại, nhưng vì Thiên Chúa sẽ làm cho anh em vui mừng hân hoan (Lc 6,21; 7,13-16; 8,52-56). Các Mối Phúc nói lên niềm hy vọng ngay giữa lúc gặp gian nan thử thách.

6. Nghèo khó về mặt vật chất có thể giúp người ta siêu thoát hơn để tín thác vào Chúa và mở lòng trước tha nhân. Khi được Thầy sai đi, các môn đệ không được đem theo những điều cần thiết, nhờ đó họ có thể tựa nương hoàn toàn vào Thiên Chúa (Lc 10,4). Bà góa nghèo nhưng quảng đại khi bỏ tiền dâng cúng trong Đền thờ vì bà tín thác vào Chúa (Lc 21,2-4). Ngược lại, giàu sang về mặt vật chất có thể làm người ta không cần đến Thiên Chúa và không quan tâm đến tha nhân (Lc 12,16-21; 16,19-22). Vị thủ lãnh giàu có đã không đáp lại lời mời của Đức Giêsu (Lc 18,18-23), vì thế ông khó vào Nước Thiên Chúa (Lc 18,24).

7. Đối lập với bốn mối phúc là bốn “mối họa” (Lc 6,24-26). Các mối họa đều bắt đầu bằng lối nói “khốn cho…” (ouài), nhắm vào những người đang giàu, đang no nê, đang cười, hay đang được mọi người ca tụng. Tuy nhiên, đừng hiểu là Đức Giêsu cấm chúng ta sống no đủ, sống vui tươi, hay bảo chúng ta phải sống sao để cho mọi người phỉ báng! Ngài chỉ muốn dạy chúng ta là đừng để của cải, tiếng tăm và lạc thú ở đời khiến chúng ta không cần Thiên Chúa và quay lưng với anh em. Mối họa thật sự, hậu quả của thái độ này, là ta sẽ không được Ngài an ủi nữa, sẽ bị đói, bị khóc than, và được đối xử như các tiên tri giả ngày xưa. Lời “khốn cho” không phải là một lời Chúa chúc dữ cho người giàu có, no đủ, vui vẻ hay được ca tụng, nhưng đây là một lời cảnh báo về hình phạt sẽ xảy đến nếu họ giữ thái độ khép kín. Người giàu sẽ là người có phúc nếu biết chia sẻ cho người thiếu thốn (Lc 10,29-37; 14,12-14; 19,1-10).

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*