Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho quý viên chức của Tòa thượng thẩm Rota ở Roma năm 2025

Sáng ngày 31/01/2025, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thẩm phán của Tòa Thượng thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc Năm Tư Pháp 2025. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

DÀNH CHO QUÝ VIÊN CHỨC CỦA TÒA THƯỢNG THẨM ROTA Ở ROMA

NHÂN DỊP KHAI MẠC NĂM TƯ PHÁP 2025

Hội trường Clementine

Thứ Sáu, ngày 31 tháng 01 năm 2025

Quý thẩm phán của Tòa Thượng thẩm thân mến,

Dịp khai mạc Năm Tư pháp của Tòa Thượng thẩm Rota Rôma mang đến cho tôi cơ hội để một lần nữa bày tỏ sự trân trọng và biết ơn của tôi đối với công việc của quý vị. Tôi nồng nhiệt chào đón Đức Ông Chánh án cùng tất cả quý vị đang phục vụ tại Tòa Thượng thẩm này.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm ban hành hai Tự sắc, Mitis Iudex Dominus Iesus và Mitis et Misericors Iesus, qua đó tôi đã cải cách quy trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Nhân dịp gặp mặt truyền thống này, tôi muốn cùng với quý vị nhớ lại tinh thần đã thấm nhuần cuộc cải cách này – một tinh thần mà quý vị đã áp dụng với năng lực và sự tận tâm, và vì lợi ích của toàn thể tín hữu.

Nhu cầu sửa đổi các quy tắc liên quan đến thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu đã được nêu rõ trong Thượng Hội đồng Ngoại thường năm 2014, khi các Nghị phụ đề nghị làm cho các thủ tục xét xử trở nên dễ tiếp cận và hợp lý hơn (x. Relatio Synodi 2014, số 48). Qua đó, các Nghị phụ đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hoàn thành sự chuyển đổi mục vụ của các cơ cấu trong Giáo hội, vốn đã được kêu gọi trong Tông huấn Evangelii gaudium (x. số 27).

Sự chuyển đổi này càng trở nên thích hợp hơn khi liên quan đến việc thực thi công lý, nhằm đáp ứng cách tốt nhất đối với những ai tìm đến Giáo hội để làm sáng tỏ tình trạng hôn nhân của họ (x. Bài diễn văn dành cho Tòa Thượng thẩm Rota Rôma, ngày 23/01/2015).

Tôi mong muốn giám mục, giám mục giáo phận, giữ vai trò trung tâm trong cuộc cải cách. Thật vậy, giám mục chịu trách nhiệm thực thi công lý trong giáo phận của mình, vừa là người bảo đảm sự gần gũi và giám sát các tòa án, vừa là thẩm phán, người trực tiếp đưa ra quyết định trong những trường hợp mà sự vô hiệu của hôn nhân dường như hiển nhiên, hoặc thông qua processus brevior (thủ tục rút gọn) như một sự biểu hiện của sự quan tâm đến salus animarum (phần rỗi các linh hồn).

Vì vậy, tôi đã thúc giục việc lồng ghép hoạt động của các tòa án vào hoạt động mục vụ giáo phận, đồng thời hướng dẫn các giám mục bảo đảm rằng các tín hữu nhận thức được sự tồn tại của quy trình này như một giải pháp khả thi cho hoàn cảnh khó khăn mà họ đang gặp phải. Đôi khi, thật đáng buồn khi biết rằng nhiều tín hữu không hề hay biết về sự tồn tại của con đường này. Hơn nữa, điều quan trọng là “các tiến trình xét xử phải được miễn phí, để Giáo hội thể hiện… tình yêu nhưng không của Chúa Kitô, mà nhờ đó tất cả chúng ta đã được cứu độ” (Mitis et Misericors Iesus, Lời mở đầu, VI).

Cụ thể, sự quan tâm của giám mục được thể hiện qua việc bảo đảm, theo luật định, việc thành lập tòa án trong giáo phận của mình, với đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản – gồm cả giáo sĩ và giáo dân – phù hợp với nhiệm vụ này; đồng thời bảo đảm rằng họ thực thi công việc của mình với sự công bằng và tận tâm. Việc đầu tư vào công tác đào tạo những người thi hành nhiệm vụ này — bao gồm đào tạo về khoa học, nhân bản và thiêng liêng—luôn mang lại lợi ích cho các tín hữu, những người có quyền được xem xét cẩn trọng các thỉnh cầu của họ, ngay cả khi họ nhận được phản hồi không thuận lợi.

Cuộc cải cách này đã được định hướng—và việc thực thi việc cải cách cũng phải được định hướng—bởi mối quan tâm đến phần rỗi các linh hồn (x. Mitis Iudex, Lời mở đầu). Chúng ta được mời gọi bởi nỗi đau và niềm hy vọng của rất nhiều tín hữu đang tìm kiếm sự rõ ràng liên quan đến khả năng tham gia trọn vẹn vào đời sống bí tích. Đối với nhiều người đã “trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, việc xác minh sự tồn tại hoặc thiếu tính hiệu lực của dây hôn nhân là một khả năng quan trọng; và những người này cần được hỗ trợ trên hành trình này một cách nhanh chóng nhất” (Diễn văn dành cho tham dự viên khóa học do Tòa Thượng thẩm Rota Rôma tổ chức, ngày 12/03/2016).

Các chuẩn mực quy định thủ tục tố tụng phải bảo đảm một số quyền và nguyên tắc nền tảng, trước hết là quyền được bào chữa và giả định tính hiệu lực của hôn nhân. Mục đích của tiến trình này không phải là “để làm cho đời sống tín hữu trở nên phức tạp một cách vô ích, và càng không phải để làm trầm trọng thêm các tranh tụng của họ, mà đúng hơn là để phục vụ sự thật” (Đức Bênêđictô XVI, Diễn văn dành cho Tòa Thượng thẩm Rota Rôma, ngày 28/01/2006).

Tôi nhớ đến lời của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI sau khi hoàn tất cuộc cải cách được thực hiện qua Tự sắc Motu Proprio Causas matrimoniales. Ngài nhận định rằng: “Trong những sự đơn giản hóa […] được đưa vào việc xử lý các vụ án hôn nhân, mục đích là làm cho tiến trình này trở nên dễ dàng hơn, và do đó mang tính mục vụ hơn, mà không làm phương hại đến các tiêu chí về sự thật và công lý, vốn là điều mà một phiên tòa phải tuân thủ một cách trung thực, với tin tưởng rằng trách nhiệm và sự khôn ngoan của các vị Mục tử được dấn thân cách đạo đức và trực tiếp hơn” (Diễn văn dành cho Tòa Thượng thẩm Rota Rôma, ngày 30/01/1975).

Tương tự như vậy, cuộc cải cách gần đây nhằm thúc đẩy không phải là việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu, mà là đẩy nhanh tiến trình—tốc độ—cũng như sự đơn giản cần thiết, để những đám mây nghi ngờ không che phủ tâm hồn các tín hữu (Mitis Iudex, Lời mở đầu). Thật vậy, để tránh tình trạng do thủ tục quá phức tạp mà câu nói “summum ius, summa iniuria” (công lý tối cao có thể trở thành bất công tột cùng – CiceroDe Officiis, I, 10, 33) trở thành hiện thực, tôi đã bãi bỏ yêu cầu về phán quyết đồng thuận kép và khuyến khích việc ra quyết định nhanh chóng hơn trong các vụ án mà sự vô hiệu là hiển nhiên, nhằm phục vụ lợi ích của các tín hữu và mong muốn mang lại sự bình an cho lương tâm họ. Thật là hiển nhiên—nhưng tôi muốn nhấn mạnh lại ở đây—là cuộc cải cách đặt ra một thách thức lớn đối với sự khôn ngoan của quý vị trong việc áp dụng các quy phạm. Và điều này đòi hỏi hai nhân đức lớn: khôn ngoan và công lý, cả hai phải được soi sáng bởi đức ái. Có một mối liên kết mật thiết giữa khôn ngoan và công lý, bởi vì việc thực hànhprudentia iuris (sự khôn ngoan trong pháp luật) nhằm đạt đến sự nhận biết điều công chính trong từng trường hợp cụ thể” (Diễn văn dành cho Tòa Thượng thẩm Rota Rôma, ngày 25 /01/2024).

Mỗi người tham gia vào tiến trình này đều tiếp cận thực tại hôn nhân và gia đình với sự tôn kính, bởi vì gia đình là một phản chiếu sống động của sự hiệp thông tình yêu nơi Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Amoris laetitia, số 11). Hơn nữa, những người phối ngẫu được kết hợp trong hôn nhân đã lãnh nhận ân huệ bất khả phân ly, vốn không phải là một mục tiêu mà họ phải đạt được bằng nỗ lực của mình, cũng không phải là một sự hạn chế đối với tự do của họ, mà là một lời hứa từ Thiên Chúa—Đấng mà lòng trung tín của Ngài làm cho sự trung tín của con người trở nên khả thi. Công việc phân định của quý vị về sự tồn tại hoặc không tồn tại của một hôn nhân thành sự chính là một sứ vụ, một sứ vụ phục vụ salus animarum (phần rỗi các linh hồn), bởi vì nó giúp các tín hữu nhận biết hoặc đón nhận sự thật về hoàn cảnh cá nhân của họ. Thật vậy, “mỗi phán quyết công bằng về tính thành sự hoặc vô hiệu của hôn nhân đều đóng góp vào nền văn hóa về tính bất khả phân ly của hôn nhân, cả trong Giáo hội lẫn trong thế giới (Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn trước Tòa Thượng thẩm Rota Rôma, ngày 29/01/2002).

Anh chị em thân mến, Giáo hội trao phó cho anh chị em một nhiệm vụ không chỉ với trách nhiệm lớn lao, mà trước hết còn mang vẻ đẹp cao cả: đó là giúp thanh luyện và phục hồi các mối tương quan liên vị. Bối cảnh Năm Thánh mà chúng ta đang sống càng làm cho công việc của anh chị em được tràn đầy hy vọng, một niềm hy vọng không làm thất vọng (x. Rm 5,5).

Tôi cầu xin cho tất cả anh chị em, peregrinantes in spem (những người hành hương của hy vọng), được tràn đầy ân sủng của sự hoán cải vui tươi và ánh sáng để đồng hành với các tín hữu đến với Chúa Kitô, Đấng là vị Thẩm phán hiền lành và giàu lòng thương xót. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em, và xin anh chị em, làm ơn cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (31/01/2025)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*