Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô với phái đoàn các bộ trưởng tham dự Hội nghị G7 về việc hoà nhập và người khuyết tật ngày 17/10/2024

Tiếp kiến các bộ trưởng và các đại biểu tham gia G7 về chủ đề khuyết tật, được tổ chức tại Ý từ ngày 14 đến 16 tháng 10 năm 2024, Đức Phanxicô nhắc lại sự cần thiết phải bao gồm tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là những người khuyết tật hoặc “có khả năng khác”. Đối mặt với “nền văn hóa vứt bỏ”, việc dành một chỗ cho tất cả mọi người “không phải là vấn đề trợ giúp mà là vấn đề công lý và tôn trọng phẩm giá”. Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỚI PHÁI ĐOÀN CÁC BỘ TRƯỞNG THAM DỰ HỘI NGHỊ G7 VỀ VIỆC HOÀ NHẬP VÀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Hội trường Consistory

Thứ Năm, ngày 17 tháng 10 năm 2024

_________

Thưa quý vị Bộ trưởng và quý vị Đại biểu,

thưa quý Bà, quý Ông,

Xin thứ lỗi cho tôi vì đến muộn, nhưng có nhiều điều đang xảy ra vào sáng nay. Tôi chào mừng tất cả quý vị với lòng biết ơn và đánh giá cao những nỗ lực của quý vị nhằm thăng tiến phẩm giá và quyền lợi của những người khuyết tật. Có lần khi tôi nói về những người khuyết tật, có người đã nói với tôi, “hãy cẩn thận vì hết thảy chúng ta đều khuyết tật!”. Tất cả chúng ta. Thật chính xác. Cuộc gặp gỡ này, nhân dịp hội nghị G7, là một bằng chứng cụ thể của niềm khát khao dựng xây một thế giới hoà nhập và công bằng hơn, nơi mà mỗi người, với khả năng riêng của mình, có thể sống trọn vẹn và đóng góp cho sự phát triển xã hội. Thay vì nói về những khuyết tật, chúng ta hãy nói về những khả năng khác biệt bởi vì mọi người đều có những khả năng. Chẳng hạn, tôi nhớ lại một nhóm từ một nhà hàng đã viếng thăm nơi đây, bao gồm cả người làm bếp và người hầu bàn, và tất cả họ đều là những thanh niên nam nữ khuyết tật. Họ làm việc rất tốt. Tôi cảm ơn Bộ trưởng Italia về Người Khuyết tật, ngài Alessandra Locatelli, người đang hiện diện hôm nay, vì đã thúc đẩy sáng kiến quan trọng này. Xin cảm ơn bà.

Hôm qua, quý vị đã ký kết ‘Hiến Chương Solfagnano’, thành quả của công việc của quý vị về những vấn đề cơ bản như sự hoà nhập, khả năng tiếp cận, việc sống tự lập và trao quyền cho mọi người. Những đề tài này cũng hiện diện trong cái nhìn của Giáo Hội về phẩm giá con người. Thật vậy, mỗi người là một phần không thể thiếu của gia đình nhân loại phổ quát, và không ai phải trở thành nạn nhân của một nền văn hoá vứt bỏ, tuyệt đối không một ai. Loại văn hoá này sinh ra định kiến và huỷ hoại xã hội.

Trước hết, sự hoà nhập của những người khuyết tật phải được công nhận như một quyền ưu tiên bởi mọi quốc gia. Tôi không thích từ ‘khuyết tật’, tôi thích từ ‘có khả năng khác’ hơn. Đáng buồn thay, thậm chí ngày nay ở một vài quốc gia, người ta thấy khó để nhận thức được phẩm giá bình đẳng của những người như thế (x. Fratelli Tutti, 98). Việc tạo nên một thế giới mang tính hoà nhập đòi hỏi không chỉ đón nhận những cấu trúc nhưng còn thay đổi não trạng, để những người khuyết tật có thể được xem như những người tham gia trọn vẹn vào đời sống xã hội. Chẳng thể có được sự phát triển con người chân thật nào mà không có sự bao gồm những thành viên dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Vì thế, khả năng tiếp cận phổ quát là một mục tiêu lớn cần được theo đuổi, để mọi rào cản thể lý, xã hội, văn hoá và tôn giáo có thể được loại trừ và mọi cá nhân có thể được quyền phát triển khả năng của mình và góp phần vào lợi ích chung ở mọi giai đoạn của đời sống, từ thời thơ ấu cho đến tuổi già. Tôi lấy làm đau lòng khi người ta sống trong nền văn hoá vứt bỏ người cao tuổi. Người cao tuổi trao tặng sự khôn ngoan, nhưng họ bị loại bỏ như thể họ là một đôi giày cũ.

Việc cung cấp những phương tiện và các dịch vụ đầy đủ cho những người khuyết tật không chỉ là vấn đề trợ giúp xã hội – nó cũng không phải là chính sách an sinh – nhưng nó liên quan đến công lý và lòng tôn trọng đối với phẩm giá của họ. Mọi quốc gia đều có trách nhiệm bảo đảm những điều kiện cần thiết cho sự phát triển toàn diện của mỗi các nhân trong các cộng đồng hội nhập (x. Fratelli Tutti, 107).

Vậy nên, thật quan trọng để cùng nhau làm việc để những người khuyết tật có thể chọn lựa đường đi của mình trong cuộc sống, thoát khỏi sự giam hãm của định kiến. Mỗi nhân vị – chúng ta hãy ghi nhớ – không bao giờ là một phương tiện, nhưng luôn là một cứu cánh! Điều này có nghĩa làm nổi bật khả năng của mỗi người và cung cấp cơ hội có việc làm xứng với phẩm giá. Việc loại trừ con người khỏi khả năng làm việc là một hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng (x. Fratelli Tutti, 162). Công việc là sự xức dầu cho phẩm giá. Nếu loại bỏ khả năng này, quý vị cũng sẽ tước đi điều đó khỏi họ. Điều tương tự có thể được nói đến đối với việc tham gia vào các sự kiện văn hoá và các hoạt động thể thao: loại trừ người khuyết tật là một sự xúc phạm đến nhân phẩm.

Những công nghệ mới cũng có thể chứng tỏ là một phương tiện đầy sức mạnh để làm tăng thêm sự hoà nhập và tham gia, miễn là chúng dễ tiếp cận với mọi người. Những công nghệ này cần hướng đến lợi ích chung và phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ và liên đới. Công nghệ nên được sử dụng cách khôn ngoan, để tránh tạo thêm những bất bình đẳng và giúp vượt qua những chênh lệch đã tồn tại.

Sau cùng, khi nói về sự hoà nhập, chúng ta phải lưu tâm đến nhu cầu cấp bách của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta không thể dửng dưng trước các tình trạng nhân đạo khẩn cấp gắn liền với khủng hoảng khí hậu và những cuộc xung đột, vốn gây nên tác động khủng khiếp nhất trên những người yếu thế nhất, bao gồm những người khuyết tật (x. Laudato Si’, 25). Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm rằng những người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau trong những hoàn cảnh như thế, và họ cần được chăm sóc cũng như được bảo vệ đúng mức. Những gì cần đến là một hệ thống ngăn ngừa và lời đáp trả khẩn cấp lưu tâm đến những nhu cầu đặc biệt của họ và đảm bảo rằng không ai bị loại trừ khỏi sự bảo vệ và trợ giúp.

Thưa Quý vị, tôi xem công việc của quý vị như một dấu chỉ hy vọng cho một thế giới thường coi thường người khuyết tật hoặc không may loại bỏ họ trước khi họ được chào đời, “trả về cho người gửi” sau khi xem phim chụp X-quang. Tôi kêu gọi quý vị hãy kiên nhẫn trong những nỗ lực của mình, nhờ đức tin gợi hứng và niềm xác tín rằng mỗi người là một quà tặng quý giá cho xã hội. Thánh Phanxicô Assisi, người đã làm chứng cho một tình yêu không biên giới đối với người dễ bị tổn thương nhất, nhắc nhớ chúng ta rằng sự giàu có thực sự được tìm thấy trong việc gặp gỡ với người khác – nền văn hoá gặp gỡ này cần được phát triển – đặc biệt với những ai có khuynh hướng bị ‘vứt bỏ’ bởi nền văn hoá hạnh phúc giả tạo. Trong số những nạn nhân của việc bị loại bỏ có cả ông bà. Các bậc ông bà và người cao tuổi bị bỏ lại trong những viện dưỡng lão, Đây thực là điều rất tệ hại. Nó gợi nhớ tôi về một câu chuyện hay. Có một cụ ông sống với gia đình của mình, nhưng khi già đi, ông đã làm mọi thứ rối tung trong khi ăn. Một ngày kia, người cha đã làm một chiếc bàn rời trong bếp và nói với đứa con, ‘Ông nội sẽ ăn trong bếp, để chúng ta có thể mời khách đến’. Sau một thời gian, người cha đi làm về thì thấy đứa con năm tuổi của mình đang chơi đùa với những chiếc bàn. Anh ta hỏi đứa bé, ‘Con đang làm gì thế?’. Đứa con đáp ‘Con đang làm một cái bàn nhỏ’. ‘Cái bàn nhỏ ư? Tại sao vậy?’, người cha hỏi. Đứa bé trả lời: ‘để dành cho bố khi về già’. Những gì chúng ta làm với người già, thì con cái cũng sẽ làm như thế với chúng ta. Chúng ta đừng quên điều đó. Cùng với nhau, chúng ta có thể dựng xây một thế giới nơi mà phẩm giá của mỗi người được công nhận và tôn trọng cách trọn vẹn.

Xin Chúa chúc lành và luôn đồng hành với quý vị trong công việc quan trọng này. Xin cảm ơn.

Cồ Ngọc Hải

Chuyển ngữ từ: vatican.va

Nguồn: xuanbichvietnam.net