Những người khuyết tật từ hơn 20 quốc gia tham gia phiên họp trực tuyến do Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức vào ngày 19. 5. 2022.
NGƯỜI CÔNG GIÁO KHUYẾT TẬT ĐÓNG GÓP CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH
Hôm thứ Tư 21. 9 vừa qua, sau buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, một số anh chị em khuyết tật đã gặp Đức Thánh Cha và trao cho ngài một bản tổng hợp mà họ chuẩn bị cho Thượng hội đồng về Hiệp hành.
Đây là bản tổng hợp của phiên họp trực tuyến do Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức vào ngày 19. 5. 2022 với sự tham gia của 35 người Công giáo khuyết tật, đến từ 20 quốc gia và trải dài khắp 5 châu lục.
Vittorio Scelzo, người giám sát lãnh vực chăm sóc người khuyết tật của Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống cho biết sáng kiến tổ chức một phiên họp lắng nghe bắt nguồn từ sự suy tư mà Bộ đưa ra cách đây khoảng 2 năm trước liên quan đến việc bao gồm người khuyết tật và sự tham gia đầy đủ của họ vào đời sống của Giáo hội: Đây là không chỉ đơn giản là một lãnh vực mới của hoạt động mục vụ, mà là một sự khẳng định mang tính quyết định, rằng ơn gọi phép rửa thực sự dành cho tất cả mọi người, không có loại trừ.
Từ tiến trình lắng nghe và thỉnh ý được thực hiện thời gian vừa qua, kết quả là cần phải thực hiện một số bước cụ thể.
Trước hết và quan trọng nhất, đó là phải có sự thay đổi tâm lý liên quan đến việc dùng từ “chúng tôi” thay vì “ họ” khi nói về người khuyết tật;
Thứ đến, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện gần đây – rằng có một “huấn quyền về sự yếu đuối” thực sự; làm sao để các cộng đồng giáo hội trở nên dễ tiếp cận, cả về phương diện loại bỏ các rào cản kiến trúc và cho phép sự tham gia của những người khuyết tật về giác quan hoặc nhận thức; tái khẳng định rằng “không ai có thể từ chối các Bí tích đối với người khuyết tật”;
Cuối cùng, cần hiểu rằng khuyết tật không chắc chắn liên quan đến đau khổ và xã hội và Giáo hội có thể làm nhiều hơn nữa để tránh phân biệt đối xử bao nhiêu có thể.
Cha Justin Glyn, SJ, một linh mục khiếm thị
Cha Justin Glyn, SJ, đến từ Úc, nói với Thông Tấn Xã Công Giáo (CNA – Catholic News Agency) hôm 21. 9 rằng:
Có một lịch sử trong Giáo hội Công giáo coi những người khuyết tật là những người nhận từ thiện, là đối tượng của lòng thương hại. Giờ đây, tôi nghĩ rằng sứ điệp quan đang được lắng nghe hiện nay, là những người khuyết tật thực sự là thành viên đầy đủ của Giáo hội. Chúng tôi là Dân Chúa, những thành viên của một Giáo hội hiệp hành – bước đi cùng nhau.
Bị khiếm thị, cha Justin Glyn, SJ cho biết kinh nghiệm của cha trong Giáo hội như là một người đàn ông khuyết tật rất đa dạng, nhưng kinh nghiệm của cha như là một linh mục khuyết tật “thực sự rất thuận lợi”. Một cách cụ thể, khi đề cập đến vấn đề giáo sĩ trị, Cha giải thích rằng:
Nếu bạn là một linh mục, người biết rằng bạn dễ bị tổn thương, bạn yếu đuối, bạn cần sự giúp đỡ của người khác, thì sự cám dỗ nghiêng về giáo sĩ trị không mạnh như bình thường, bởi vì chúng ta biết rằng chúng ta cần nhau.
Cha Glyn cũng chia sẻ thêm: Tôi nghĩ quan niệm coi sự khuyết tật như là “một vết tích của tội nguyên tổ”, một ngày nào đó sẽ được cải thiện.
Ngồi trên xe lăn, cô Giulia Cirillo nói lên quan điểm của mình:
Là một tín hữu, tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có một ơn gọi mà chúng ta cần khám phá; chẳng ai trong chúng ta là vô dụng cả. Do đó, chúng ta có thể đóng góp cho một Giáo hội ngày càng bao gồm hơn, trong đó có những người khuyết tật.
Tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ. Yêu cầu sự giúp đỡ không phải là một điều xấu hổ, nhưng đó là sứ vụ của chúng ta. Ngay cả khi tình trạng khuyết tật mang lại cho chúng ta thêm khó khăn, chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta vui vẻ, và khi chúng ta đau bệnh, thì Ngài cũng đau bệnh với chúng ta. Tuy nhiên, sứ mạng của chúng ta là phải vui vẻ”.
Cô Giulia Cirillo trao cho Đức Giáo hoàng Phanxicô bản tổng kết của những người Công giáo khuyết tật vào ngày 21.9. 2022. Vatican Media
Cô Giulia Cirillo, người đã đại diện nhóm để trực tiếp trao cho Đức giáo hoàng Phanxicô bản tổng kết, cho biết cô cảm ơn Đức thánh cha “vì ngài đã cho tất cả chúng tôi cơ hội để nói, nghĩa là, ngay cả chúng tôi, là những người trực tiếp sống với sự khuyết tật“.
Sơ Marie Claire Rolland, một nữ tu người Pháp mắc hội chứng Down, cũng tham gia phiên họp và soạn thảo bản tổng hợp. Sau khi ôm Đức Phanxicô, vị giáo hoàng thứ ba mà Sơ đã gặp trong đời – Sơ đã chúc lành cho Đức Thánh Cha qua việc làm dấu thánh giá trên trán của ngài.
Sơ Marie Claire Rolland chúc lành cho Đức Thánh Cha hôm 21. 9. 2022.
Thượng Hội đồng thực sự là một hành trình bao gồm những người khuyết tật. Đây là cơ hội để những anh chị em khuyết tật cùng đi trên lộ trình đó để hiểu sâu sắc hơn, để sống hết mình, để không coi mình là người thiếu thốn mà cũng như bao người khác, được kêu gọi để trao tặng cho tha nhân.
Được biết, sau phiên họp trực tuyến hồi tháng 5. 2022 với chủ đề “Giáo hội là nhà của bạn. Sự đóng góp của người khuyết tật vào Thượng Hội đồng về tính Hiệp hành“, những người tham dự được mời gửi bản văn của riêng họ, bắt đầu với bản thăm dò cơ bản của Thượng Hội đồng về Hiệp hành. Sau đó, từ ngày 20 – 22. 9, một nhóm đại diện cho tất cả những người tham gia đã nhóm họp tại Vatican để hoàn thành việc soạn thảo bản tổng kết.
Vào ngày 20. 9, bản tổng kết này đã được gửi tới ban Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng và đảm bảo rằng, lần đầu tiên, tiếng nói của những tín hữu khuyết tật đến được với các nghị phụ Thượng hội đồng XVI, sẽ được nhóm họp tại Vatican vào tháng 10. 2023.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: laityfamilylife.va (21.9.2022)
Và catholicnewsagency.com (21. 9. 2022)