Josef Ratzinger – Sáu lý do đừng quên Mẹ Maria

Đức Hồng y Josef Ratzinger
(Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI)

Lòng sùng kính Đức Mẹ của Đức Bênêđictô XVI, được thể hiện một cách tuyệt vời trong “sáu lý do đừng quên Mẹ Maria” được Ngài nêu rõ trước đây. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1984 với Vittorio Messori, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã xác định Đức Mẹ là “phương thuốc” cho những thách thức và những khủng hoảng đương thời đối với Giáo hội và thế giới ngày nay. Sau đây là đoạn về “Sáu lý do đừng quên Mẹ Maria” trích từ sách “The Ratzinger Report”, Nhà xuất bản Ignatius, 1985.

Đối với cuộc khủng hoảng trong sự hiểu biết về Giáo hội, cuộc khủng hoảng về luân lý, cuộc khủng hoảng về nữ giới, vị Tổng trưởng đã đề xuất một phương thuốc, trong số những phương thuốc khác, “cho thấy hiệu quả cụ thể của phương thuốc đó trong suốt nhiều thế kỷ.” “Một phương thuốc mà ngày nay danh tiếng của nó dường như bị che mờ đối với một số người Công giáo nhưng lại là một phương thuốc phù hợp hơn bao giờ hết.” Đó là phương thuốc được Ngài chỉ định với cái tên ngắn gọn: Maria.

Đức Hồng y Joseph Ratzinger ý thức rất rõ ràng rằng chính Thánh Mẫu học thể hiện một khía cạnh của Kitô giáo mà một số nhóm nhất định chỉ có thể tiếp cận lại một cách khó khăn, mặc dù điều đó đã được Công đồng Vatican II xác nhận là đỉnh cao của Hiến chế Tín lý về Giáo hội. Ngài nói: “Bằng cách đưa mầu nhiệm Đức Maria vào mầu nhiệm Giáo hội, Công đồng Vatican II đã đưa ra một quyết định quan trọng đáng lẽ đã tạo ra được một động lực mới cho việc nghiên cứu thần học. Thay vào đó, trong giai đoạn đầu sau công đồng, đã có một sự suy giảm đột ngột về phương diện này – gần như là một sự sụp đổ, mặc dù bây giờ có những dấu hiệu của một sức sống mới.”

Vào năm 1968, mười tám năm sau khi công bố tín điều về việc Đức Maria hồn xác lên trời vinh hiển, vị giáo sư Ratzinger thời ấy đã nhận thấy khi nhớ lại sự kiện: “Định hướng cơ bản vốn dĩ hướng dẫn cuộc sống của chúng ta đã thay đổi quá nhiều chỉ trong một vài năm đến độ ngày nay chúng ta khó mà hiểu được lòng nhiệt thành và niềm vui đã từng ngự trị ở rất nhiều nơi của Giáo hội Công giáo… Kể từ đó, nhiều điều đã thay đổi, và tín điều mà vào thời điểm đó đã nâng cao chúng ta lên thì ngày nay thay vào đó đã vượt ra khỏi chúng ta. Chúng ta tự hỏi phải chăng với tín điều đó, chúng ta lại không đang đặt ra những trở ngại không cần thiết trên con đường tái hiệp nhất với những anh em Kitô hữu Tin Lành của chúng ta hay sao, lại sẽ không dễ dàng hơn nhiều sao nếu hòn đá này không nằm trên con đường, hòn đá mà chính chúng ta đã đặt ở đó trong quá khứ gần đây. Chúng ta cũng tự hỏi liệu với một tín điều như vậy, chúng ta lại không đe dọa đến định hướng của lòng đạo đức Kitô giáo sao. Phải chăng tín điều đó sẽ không bị định hướng sai lầm sao, thay vì hướng về Thiên Chúa Cha và về Đấng trung gian duy nhất, Chúa Giêsu Kitô, Đấng trong tư cách con người là anh em của chúng ta và đồng thời là một với Thiên Chúa đến nỗi chính Ngài là Thiên Chúa ?”

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn, Ngài nói với tôi, “Nếu vị trí mà Mẹ Maria có được là điều cần thiết cho sự quân bình của Đức tin, thì ngày nay, như trong một vài thời đại khác của Giáo hội, điều cấp bách là phải khám phá lại vị trí đó của Mẹ Maria.”

Chứng từ của Ratzinger cũng rất quan trọng về mặt con người, khi đạt đến được con đường tái khám phá của cá nhân, đào sâu dần dần, gần như theo nghĩa của một sự “hoán cải” đầy đủ về mầu nhiệm Đức Mẹ. Thật vậy, Ngài tâm sự với tôi: “Là một nhà thần học trẻ vào thời trước (và cả trong) Công đồng, tôi cũng như nhiều người khi ấy đã thực hiện và vẫn thực hiện cho đến ngày nay, một số dè dặt đối với một số công thức cổ xưa, ví dụ, công thức nổi tiếng De Maria nunquam satis, nghĩa là: ‘người ta không bao giờ có thể nói đủ về Mẹ Maria’. Điều đó dường như bị cường điệu đối với tôi. Vì vậy, sau này tôi rất khó hiểu ý nghĩa thực sự của một cách diễn đạt nổi tiếng khác (hiện có trong Giáo hội từ những thế kỷ đầu tiên — sau một cuộc tranh cãi đáng nhớ — khi Công đồng Êphêsô, vào năm 431, đã tuyên bố Maria Theotokos, Mẹ Thiên Chúa). Cụ thể là, tuyên bố đó đã xác định Đức Trinh Nữ là ‘người chinh phục tất cả các lạc giáo.’ Bây giờ – trong thời kỳ nhiễu loạn này, nơi mà mọi loại sai lầm lạc giáo dường như đang đè nặng lên cánh cửa của đức tin đích thực – tôi hiểu rằng đó không phải là vấn đề cường điệu của lòng đạo đức, nhưng là sự thật mà ngày nay có giá trị hơn bao giờ hết.”

Ngài tiếp tục: “Đúng thế, cần phải quay lại với Mẹ Maria nếu chúng ta muốn quay trở lại với ‘sự thật về Chúa Giêsu Kitô’, ‘sự thật về Giáo hội’ và ‘sự thật về con người’ mà Đức Gioan-Phaolô II đã đề xuất như một chương trình cho toàn thể Kitô giáo vào năm 1979, khi Ngài khai mạc hội đồng giám mục Mỹ Latinh ở Puebla. Các giám mục đã đáp lại đề nghị của Đức Giáo Hoàng bằng cách đưa vào những tài liệu đầu tiên (những tài liệu chỉ riêng một số người được đọc một cách không trọn vẹn) sự mong muốn và mối quan tâm đồng nhất của họ: ‘Hơn bao giờ hết, Mẹ Maria hẳn là khoa sư phạm để loan báo Tin Mừng cho những con người của ngày hôm nay.’ Chính tại lục địa đó, nơi mà truyền thống sùng kính của người dân dành cho Đức Mẹ đang suy giảm, kết quả là khoảng trống đang được lấp đầy bởi các hệ tư tưởng chính trị. Đó là một hiện tượng có thể được ghi nhận ở hầu hết mọi nơi ở một mức độ nhất định.

Đức Hồng Y liệt kê sáu điểm trong đó — mặc dù theo một cách rất súc tích và do đó tất nhiên là chưa đầy đủ — Ngài thấy tầm quan trọng của Đức Maria liên quan đến sự quân bình và trọn vẹn của Đức tin Công giáo.

Điểm thứ nhất: “Khi người ta công nhận vị trí được định rõ cho Đức Maria theo tín điều và truyền thống, người ta được cắm rễ vững chắc trong Kitô học đích thực. (Theo Công đồng Vatican II: ‘Nhờ thành kính tưởng nhớ Ðức Maria và chiêm ngưỡng Ngài dưới ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội cung kính tiến sâu hơn vào mầu nhiệm cao thẳm, tức là mầu nhiệm nhập thể, và nên giống Phu Quân mình ngày một hơn.’ Lumen Gentium, số. 65). Hơn nữa, chính vì để phục vụ trực tiếp cho đức tin vào Chúa Kitô — do đó, không phải chủ yếu vì lòng sùng kính Đức Mẹ — mà Giáo hội đã công bố các tín điều về Đức Mẹ: trước hết tín điều về sự khiết trinh trọn đời và tình mẫu tử thần thiêng của Mẹ, và rồi, sau một thời gian dài suy tư chín chắn, Giáo hội công bố các tín điều về sự Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ và việc cả xác hồn của Mẹ Lên trời vinh quang. Những tín điều này bảo vệ đức tin nguyên tuyền vào Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là con người thật: hai bản tính trong một Ngôi vị duy nhất. Những tín điều này cũng đem lại sự bảo đảm cho sự mong chờ đầy trương lực hướng về ngày cánh chung vốn tuyệt đối cần thiết bằng cách chỉ rõ việc Đức Maria Hồn Xác Lên Trời như là định mệnh bất tử đang chờ đợi tất cả chúng ta. Và những tín điều này cũng bảo vệ đức tin – vốn đang bị đe dọa ngày nay – tin vào Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa, là Đấng cũng có thể tự do can thiệp vào sự việc, (và điều này, cũng như trong nhiều điều khác, là ý nghĩa của sự thật về sự trinh khiết trọn đời của Đức Maria, mà ngày nay không được hiểu rõ hơn bao giờ hết). Cuối cùng, Đức Maria, như Công đồng nhắc lại: ‘Thật vậy, Đức Maria đã tham dự mật thiết vào lịch sử cứu độ và một cách nào đó, Ngài đã nối kết và làm vang vọng nơi mình những mầu nhiệm đức tin quan trọng nhất” (Lumen Gentium, số 65).

Điểm đầu tiên này được tiếp nối bởi điểm thứ hai: “Nền tảng Thánh mẫu học của Giáo hội bao gồm mối tương quan đúng đắn, sự dung hợp cần thiết giữa Thánh Kinh và truyền thống. Bốn tín điều về Đức Mẹ có nền tảng rõ ràng trong Sách Thánh. Nhưng trong Sách Thánh đó, Thánh mẫu học giống như một hạt giống nảy nở và sinh hoa kết trái trong đời sống truyền thống cũng như được diễn tả trong phụng vụ, trong nhận thức của đoàn dân tin Chúa và trong suy tư thần học được Huấn Quyền hướng dẫn”.

Điểm thứ ba: “Trong chính con người của mình là một cô gái Do Thái trở thành mẹ của Đấng Mêsia, Đức Maria gắn kết Dân tộc cũ và Dân tộc mới của Thiên Chúa, Israel và Kitô giáo, hội đường và nhà thờ với nhau, một cách sống động và không thể tách rời. Như vốn dĩ là như vậy, Mẹ là sợi dây liên kết mà không có sợi dây đó thì Đức tin (như đang diễn ra ngày nay) có nguy cơ mất cân bằng bằng cách hoặc từ bỏ Tân ước để lấy Cựu ước hoặc không cần đến Cựu ước. Thay vào đó, trong Mẹ, chúng ta có thể sống sự thống nhất của Sách thánh trong sự toàn vẹn của Sách thánh.”

Điểm thứ tư: “Sự sùng kính Mẹ Maria cách đúng đắn đảm bảo cho đức tin có được sự tồn tại chung của ‘lý trí’, vốn không thể thiếu được, với ‘lý lẽ của trái tim’ vốn cũng không thể thiếu được, như Pascal từng nói. Đối với Giáo hội, con người không chỉ là lý trí cũng không phải là cảm giác đơn thuần, con người là sự hợp nhất của hai chiều kích này. Cái đầu phải suy tư một cách sáng suốt, nhưng trái tim phải cảm thấy sự ấm áp: là lòng sùng kính Mẹ Maria (một mặt ‘tránh mọi sự phóng đại sai lầm, và mặt khác tránh lòng hẹp hòi quá mức khi chiêm ngưỡng phẩm giá cao cả của Mẹ Thiên Chúa,’ như Công đồng thúc giục) do đó đảm bảo cho đức tin chiều kích nhân bản đầy đủ của mình.”

Tiếp tục phần tổng hợp của mình, Ratzinger liệt kê điểm thứ năm: “Để sử dụng chính công thức của Công đồng Vatican II, Đức Maria là ‘hình tượng’, ‘hình ảnh’ và ‘hình mẫu’ của Giáo hội. Bằng cách nhìn ngắm Mẹ, Giáo hội được bảo vệ chống lại mô hình nam tính hóa đã nói ở trên, coi Mẹ như một khí cụ cho một chương trình hành động xã hội-chính trị. Nơi Đức Maria, như một hình tượng và nguyên mẫu, Giáo hội một lần nữa tìm thấy hình ảnh của chính mình là Người Mẹ và không thể suy thoái thành sự phức tạp của một đảng phái, một tổ chức hay một nhóm áp lực khi phục vụ lợi ích của con người, dù là lợi ích cao đẹp nhất. Nếu Đức Maria không còn tìm thấy chỗ đứng trong nhiều nền thần học và giáo hội học, thì lý do là hiển nhiên là: các nền thần học và giáo hội học đó đã giảm đức tin xuống mức một sự trừu tượng. Và một sự trừu tượng thì không cần đến một người Mẹ ”.

Đây là điểm thứ sáu và là điểm cuối cùng của sự tổng hợp này: “Với vận mệnh của mình, đồng thời là vận mệnh của người Trinh Nữ và của người Mẹ, Mẹ Maria tiếp tục chiếu ra ánh sáng mà Đấng Tạo Hóa đã dự định cho phụ nữ ở mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta, hoặc, nói đúng hơn, có lẽ chính xác là trong thời đại của chúng ta, trong thời đại đó – như chúng ta biết – chính bản chất của nữ tính đang bị đe dọa. Nhờ sự khiết trinh và tình mẫu tử của mình, mầu nhiệm của người phụ nữ nhận được một vận mệnh rất cao cả mà người phụ nữ không thể bị cướp đi mất khỏi đó. Mẹ Maria công bố Lời Kinh ngợi khen – Magnificat một cách mạnh dạn, nhưng Mẹ cũng là người làm cho sự im lặng và ẩn dật trổ sinh kết quả. Mẹ là người không sợ hãi khi đứng dưới Thánh giá, là người hiện diện trong buổi khai sinh của Giáo hội. Nhưng Mẹ cũng là người, như thánh sử đã nhấn mạnh hơn một lần, ‘hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng’ những điều diễn ra chung quanh Mẹ. Là một thụ tạo đầy lòng can đảm và vâng phục, Mẹ đã và vẫn là một tấm gương mà mọi Kitô hữu – nam cũng như nữ – có thể nhìn ngắm và nên nhìn ngắm.”

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: crossroadsinitiative.com (07.12.2019)

Joseph Ratzinger, Hồng y

Tiểu sử của Joseph Ratzinger, Giáo hoàng Bênêđictô XVI tương lai, tất nhiên bắt đầu bằng việc sinh ra tại Bavaria, nước Đức, vào ngày 16 tháng 4 năm 1927, Thứ Bảy Tuần Thánh, và được rửa tội cùng ngày, trong nước Phục sinh mới được làm phép. Phép rửa tội đặc biệt này ngay từ đầu đời của Ngài đã được xem như một phúc lành rất đặc biệt của Chúa Quan Phòng. Mặc dù Ngài và gia đình Ratzinger coi Chủ nghĩa Quốc xã là tinh thần Phản Kitô, Joseph đã bị buộc vào quân đội Đức gần cuối Thế chiến thứ hai. Ngài trốn thoát, đầu hàng quân đội Hoa Kỳ, và ở một trại tù binh vài tháng. Sau khi được thả, Ngài và anh trai Georg vào chủng viện và cùng nhau thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 6 năm 1951. Sau khi nhận bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Munich năm 1953, Cha Joseph Ratzinger trở thành giáo sư thần học tín lý tại Đại học Bonn. Khi Công đồng Vatican II bắt đầu vào năm 1962, Cha Ratzinger, lúc đó mới 35 tuổi, được bổ nhiệm làm trưởng ban “peritus – chuyên viên thần học” hoặc cố vấn thần học cho Tổng giám mục Cologne, Đức Hồng y Joseph Frings, và đã cùng Tổng giám mục tham dự tất cả bốn phiên họp của Công đồng, có ý kiến ​​đóng góp vào việc soạn thảo một số Văn kiện của Công đồng. Từ năm 1969 đến năm 1977 Cha Ratzinger giảng dạy thần học tại Đại học Regensburg và, từ năm 1969 đến năm 1980, Ngài là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế của Vatican. Năm 1972, cùng với nhà thần học người Pháp Henri de Lubac và linh mục người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar, Ratzinger đã thành lập tạp chí thần học Communion hiện có ấn bản tại 14 quốc gia. Đáng chú ý là ấn bản tiếng Ba Lan của Communio được thực hiện bởi tổng giám mục của Krakow, Karol Wojtyla. Cha Joseph Ratzinger được tấn phong làm tổng giám mục của Munich-Freising vào ngày 28 tháng 5 năm 1977 và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong làm hồng y đẳng linh mục vào ngày 27 tháng 6 năm 1977, nhà thờ hiệu tòa của Ngài ở Rôma là St. Mary of Consolation – Đức Bà An Ủi (ở Tiburtina). Vào ngày 5 tháng 4 năm 1993, Đức Hồng Y Ratzinger được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chuyển thành hồng y đẳng giám mục làm giám mục hiệu tòa Velletri-Signi ngoại thành Rôma. Năm 1981, Đức Hồng Y Ratzinger trở thành Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, bộ phận của Vatican phụ trách việc bảo vệ kho tàng đức tin thánh thiêng được truyền lại từ các tông đồ. Do đó, Ngài là phụ tá chính của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc trình bầy giáo huấn và bản văn viết của Đức Giáo Hoàng. Có lẽ không có ai làm việc chặt chẽ hơn với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong suốt triều đại giáo hoàng của Ngài. Đức Hồng Y Ratzinger thường có các cuộc gặp riêng kéo dài với Đức Giáo Hoàng hai lần mỗi tuần. Trước khi được bầu làm Giáo Hoàng Benedict XVI, Đức Hồng Y Ratzinger cũng từng là chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Thần học và Kinh thánh. Ngày 6 tháng 11 năm 1998, Đức Hồng Y Ratzinger được bổ nhiệm làm Phó Niên trưởng của Hồng Y Đoàn. Trước khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng Y Ratzinger từng là thành viên của Bộ Giám mục, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Bộ Giáo dục Công giáo, Bộ Truyền bá Phúc âm cho các Dân tộc, Bộ Các Giáo hội Đông Phương, Hội đồng Hiệp nhất Kitô giáo, Hội đồng Văn hóa, Ủy ban Ecclesia Dei, và Ủy ban Châu Mỹ Latinh. Với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng y Ratzinger có vai trò quyết định trong việc viết “Tuyên bố chung về Học thuyết Công chính hóa,” được Tòa thánh và Liên đoàn Luther Thế giới ký vào tháng 10 năm 1999 tại Augsburg, Đức. Tuyên bố này, một trong những bước đại kết quan trọng nhất kể từ khi Martin Luther chia rẽ với Giáo hội Công giáo vào thế kỷ 16, diễn ra nhờ cuộc đối thoại được tổ chức vào tháng 11 năm 1998 giữa Hồng y Ratzinger và Giám mục Luther Johannes Hanselman ở Munich. Khi gần đến tuổi bảy mươi, Đức Hồng Y Ratzinger đã nhiều lần cố gắng xin nghỉ hưu, nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không chấp nhận đơn từ chức của Ngài. Có vẻ như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II biết Chúa có những kế hoạch khác cho vị Hồng y người Đức này. Ở tuổi 78, Hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 19 tháng 4 năm 2005, chỉ trong ngày thứ hai của mật nghị. Cuộc bầu cử nhanh chóng này thể hiện sự đồng thuận đáng chú ý của 115 Hồng y, những người đã bầu Ngài với đa số 2/3. Lá phiếu của các Hồng Y là dành cho một người bảo vệ chân lý, một người cầu nguyện, một tôi tớ khiêm hạ trong các tôi tớ của Thiên Chúa. Bên cạnh các bài báo học thuật và các tài liệu chính thức của Giáo hội, Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cung cấp cho chúng ta một cánh cửa đi vào tâm trí và trái tim của Ngài qua một số cuốn sách, Báo cáo Ratzinger (1996), Tinh thần của Phụng vụ (2000), Thiên Chúa và Thế giới (2002) và Dẫn nhập vào Kitô giáo. Joseph Ratzinger là vị hồng y lớn tuổi nhất được phong làm giáo hoàng kể từ ĐGH Clêmentê XII, cũng đã 78 tuổi khi trở thành giáo hoàng năm 1730. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng người Đức đầu tiên kể từ ĐGH Victor II (1055-1057). Tiểu sử được viết bởi Tiến sĩ Marcellino d’Ambrosio, thường được biết đến là Dr. Italy.