Ngọc Yến
Ngày 05/8, Tòa Thánh đã công bố báo cáo kinh tế của Tòa Thánh cho năm 2021 – một bản tóm tắt dài 11 trang do Bộ Kinh tế chuẩn bị – sau đó, vào ngày 06/8, báo cáo tài chính năm 2021, gồm 95 trang, từ Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh gọi tắt là APSA cũng đã được công bố. Vatican News đã có cuộc phỏng vấn Đức cha Nunzio Galantino, Chủ tịch Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh về báo cáo tài chính này.
Thưa Đức cha Galantino, đây là lần thứ hai báo cáo tài chính của APSA được công bố. Tại sao điều này không được thực hiện trong những năm trước?
Không phải là trước đó APSA không thực hiện báo cáo tài chính hoặc báo cáo tài chính của APSA không được phân tích và kiểm soát. Đây là thời điểm quan trọng để cung cấp cho những ai muốn biết sự việc đầy đủ để đưa ra một sự xem xét sáng suốt và tránh nói những điều tầm thường về tài sản của Giáo hội. Chỉ bằng cách này mới có thể tránh những việc gây bất ngờ hoặc tai tiếng cho những người thiện chí liên quan đến tài sản của Giáo hội. Công bố là điều cần thiết. Đó là một hành động tôn trọng những người – và có rất nhiều người – tiếp tục giao phó cho Giáo hội tài năng và các nguồn lực của họ để hỗ trợ Giáo hội trong sứ vụ. Hơn nữa, Đức Thánh Cha đang nhấn mạnh sự minh bạch, rõ ràng hơn trong quản lý của chúng ta, và còn cách nào tốt hơn để chứng tỏ sự minh bạch bằng công khai tài chính?
Những con số chính cần nhấn mạnh từ báo cáo tài chính APSA 2021 này là gì?
Trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng phức tạp và khó dự đoán, APSA phải hoạt động với sự hoạch định kỹ lưỡng không chỉ trong ngắn hạn nhưng cả dài hạn để đạt được các mục tiêu hiệu quả. Để làm được điều này và hơn thế nữa, APSA đang hợp lý hóa các hoạt động của mình nhằm mục đích cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ hữu ích cho toàn Giáo triều.
Kết quả hoạt động của APSA, liên quan đến các hoạt động của ba lĩnh vực mà Cơ quan quản lý điều hành, cho năm 2021 là 38,11 triệu euro, tăng 16,1 triệu euro so với năm 2020.
Đặc biệt cần nhấn mạnh ba điểm. Đầu tiên: quản lý tài sản đạt kết quả tích cực là 19,84 triệu euro, tăng 4,5 triệu so với năm 2020. Điểm thứ hai: quản lý bất động sản đạt được 20,77 triệu euro, với mức tăng so với năm 2020 là 5,5 triệu. Sự cải thiện này là do giá thuê tăng nhẹ và chi phí bảo trì giảm. Điểm thứ ba: việc quản lý các tài sản khác bị lỗ 2,5 triệu euro nhưng cải thiện so với năm 2020 là 6,1 triệu. Sự cải thiện này có thể là do mức thâm hụt thấp hơn từ Peregrinatio ad Petri Sedem, một khoản chi về vé và tổ chức hậu cần cho các chuyến đi của Toà Thánh, và về cơ bản, mức thâm hụt thấp hơn của quản lý phụ trợ là do đạt được doanh thu cao hơn để có được các kết quả cuối cùng.
Tác động của đại dịch và những dự báo cho năm nay như thế nào?
Sau đại dịch, có một cảm thức thiếu chắc chắn và sự đan xen giữa hy vọng và thất vọng đối với các hoạt động kinh tế và kết cấu xã hội. Năm 2021 chúng ta được hưởng lợi rất nhiều từ những hiệu quả do các chiến dịch tiêm chủng được thực hiện rộng khắp và có trách nhiệm. Có một cảm giác rõ ràng về sự mới mẻ và thay đổi đã tạo ra động lực mới cho giai đoạn phục hồi chung, cũng ở cấp độ nền kinh tế toàn cầu, tạo ra một kết nối trực tiếp với một lộ trình phục hồi.
Tuy nhiên, giai đoạn này đã bị chậm lại do nhiều hạn chế về phía nguồn cung, với việc giá nguyên liệu thô tăng đáng kể trong nhiều lĩnh vực, năng lượng, kinh doanh nguyên liệu thô và linh kiện điện tử và lĩnh vực xây dựng. Khung dự báo cho Ý đối với năm 2022 bị suy giảm bởi các kịch bản địa chính trị bắt nguồn từ cuộc chiến ở Ucraina và bối cảnh đại dịch và bởi cú sốc giá năng lượng. Thực tế, triển vọng hoạt động trong khu vực châu Âu trở nên rất không chắc chắn và phụ thuộc một cách quan trọng vào những gì đang xảy ra ở Ucraina. Xung đột bùng nổ gần đây đã gây thêm áp lực lên việc tăng giá hàng hóa, làm suy yếu áp lực tăng trưởng trong ngắn hạn.
APSA đang hoạt động như thế nào đối với lĩnh vực bất động sản?
Chúng tôi đã hoàn thành dữ liệu thống kê về các tòa nhà và đất đai ở Ý. Đối với tòa nhà: có 4.086 toà nhà với diện tích thương mại khoảng 1,5 triệu mét vuông, được chia thành các loại danh mục sau: thị trường tự do, giá thuê ưu đãi, cho thuê không phải trả tiền.
Về đất đai, không bao gồm những khu đất đang cho thuê, tổng cộng có 493 thửa đất với diện tích khoảng 9,3 triệu mét vuông. Để cải thiện hiệu suất tổng thể của bất động sản, nhiều hoạt động khác đang được tiến hành, bao gồm tái kết cấu các khu đất không có người thuê do tình trạng bảo trì kém để đưa chúng trở lại thị trường, một chiến lược phát triển tài sản với các hoạt động chuyển nhượng các phần tài sản không mang tính chiến lược hoặc có khả năng sinh lời thấp hoặc phức tạp trong quản lý.
APSA có sự quan tâm nào đối với những người thuê nhà gặp khó khăn về kinh tế do đại dịch?
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội bắt nguồn từ đầu năm 2020, APSA dự định thiết lập ngay một biên bản thoả thuận với các bên tiến hành các hoạt động thương mại, với mục đích là đảm bảo tính liên tục, mặc dù ở một mức độ hạn chế, đối với dòng chảy của khả năng thanh toán, và để giảm bớt, càng nhiều càng tốt, những thiệt hại về mặt kinh tế của chính các hoạt động thương mại. Trong nửa đầu năm 2021, APSA tiếp tục áp dụng chính sách viện trợ và hỗ trợ cho những bên thuê thực hiện các hoạt động thương mại trong khuôn viên cho thuê. Một phần tiền thuê, dao động từ 30% đến 50%, tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, không phải trả, trong khi một phần ba tiền thuê khác, theo thỏa thuận với các đối tác, đang được thuê lại.
Ngoài hoạt động quản trị thông thường, APSA có tham gia vào các hoạt động khác không?
Tôi chỉ có thể nghĩ đến hai điều. Đức Thánh Cha đã giao cho APSA nhiệm vụ bán tài sản nổi tiếng ở Luân Đôn, giải thoát chúng ta khỏi tài sản từng là nguồn gốc của một vụ tai tiếng mà chắc chắn không tốt cho Giáo hội. Tạ ơn Chúa, cuối cùng chúng tôi đã thoát khỏi tòa nhà ở Luân Đôn, và số tiền có được đã trở lại Quỹ Đồng tiền Thánh Phêrô.
Tiếp đến, hoạt động khác gần đây đã làm APSA bận rộn, cùng với các cơ quan khác của Vatican, đặc biệt là Bộ Kinh tế, là giúp Bệnh viện Fatebenefratelli-Isola Tiberina khỏi phá sản. Sau nhiều nỗ lực cuối cùng chúng tôi đã thành công qua một thỏa thuận với Bệnh viện Đa khoa Gemelli, và thông qua những nỗ lực, cuộc họp, thỏa thuận và cam kết, để có thể cứu thực thể vốn là đầu tàu của ngành chăm sóc sức khỏe Công giáo này.
Đức Thánh Cha muốn bệnh viện này không rời khỏi mạch của các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công giáo. Tại sao? Không phải vì ham mê sở hữu, nhưng là vì tầm quan trọng của bệnh viện này. Bệnh viện không chỉ sử dụng cho các cá nhân, nhưng đó là một tài sản phục vụ cho tất cả mọi người, thực sự là của tất cả.
Rõ ràng là dấn thân của APSA và các tổ chức khác của Tòa Thánh chỉ được biện minh cho điều này, nghĩa là cho phép tất cả mọi người, ngay cả những người rốt hết, được hưởng lợi từ cơ sở chuyên môn với sự cộng tác có trình độ cao của Bệnh viện Gemelli.
Chúng ta đã đề cập nhiều lần đến ý muốn thay đổi do Đức Thánh Cha yêu cầu. Với những cải cách của Đức Thánh Cha Phanxicô, những sai lầm và bê bối trong quá khứ có dễ bị lặp lại không?
Tôi nghĩ, sai lầm không bao giờ có thể tránh được hoàn toàn nếu còn có sự tham gia của con người. Nhưng những cải cách đang được thực hiện nhằm mục đích tránh càng nhiều càng tốt, theo cách nói của con người, có thể có những sai lầm hoặc tệ hơn, những hành động không chỉ làm tổn hại đến tài sản của Giáo hội nhưng còn làm xói mòn uy tín và danh tiếng của Giáo hội. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, bởi vì đối với một thực tế như Giáo hội, đánh mất danh tiếng, mất uy tín có nghĩa là giảm đi thẩm quyền và suy yếu sứ vụ của Giáo hội.
Tông hiến mới Praedicate evangelium định hướng hoạt động của APSA như thế nào?
Tôi đã viết trong thư trình bày báo cáo tài chính năm nay, nhấn mạnh một điều. Một số người nghĩ rằng Tông hiến Praedicate evangelium chỉ có thể được coi là một loại tái tổ chức kỹ thuật của Giáo triều Roma, với các hợp nhất, phân chia, làm rõ các vai trò, v.v. Trái lại, Tông hiến Praedicate evangelium đã định hướng lại một cách dứt khoát mọi hoạt động của Giáo triều vào một sứ vụ duy nhất của Giáo hội, đó là loan báo Tin Mừng. Tại sao tôi lại nói điều này? Đâu là tính mới của Tông hiến? Tính mới được nhìn thấy theo thứ tự các bộ: trước đây vị trí đầu tiên là Bộ Giáo lý Đức tin: nghĩa là, điều quan trọng nhất là giáo lý. Thay vào đó, trong Tông hiến Praedicate evangelium nói: sự chú ý, mối quan tâm hàng đầu của Giáo hội là loan báo Tin Mừng. Do đó, chúng tôi, với tư cách là Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh phải liên tục ghi nhớ rằng chúng tôi được kêu gọi loan báo Tin Mừng qua những gì chúng tôi làm. Nghĩa là, qua những lựa chọn, chúng tôi phải tự hỏi: tôi có đang loan báo Tin Mừng hay không? Chắc chắn, chúng tôi không thể loan báo Tin Mừng khi Cơ quan Quản trị Tài sản đánh mất các mục đích cụ thể, từ đó tài sản được thiết lập bị mất đi.
Nếu tôi bắt đầu đầu tư theo kiểu đầu cơ, chắc chắn tôi không loan báo Tin Mừng. Tôi cũng không truyền giáo khi vì sự lơ là hoặc không đủ năng lực để quản trị tài sản mà Giáo hội phải vất vả để đạt đến mục đích cung cấp những gì cần thiết cho hoạt động bình thường cho sứ vụ của Giáo hội và Giáo triều.
Tôi nhắc lại: uy tín và danh tiếng của Giáo hội, như chúng ta đã biết, cũng đòi hỏi sự quản lý tài sản minh bạch và có năng lực, vì vậy việc công khai báo cáo tài chính là một cách cụ thể để cám ơn những người, theo những cách khác nhau, vẫn quảng đại giao phó nguồn lực cho sứ vụ của Giáo hội.
Nguồn: vaticannews.va (11.08.2022)