Kitô giáo đã bị bách hại trong một thời gian dài ở Ba Tư, nhưng dưới thời trị vì của vua Isdegerdes, Kitô giáo đã hưởng được yên bình trong khoảng hai mươi năm. Thế rồi, có một giám mục kia, tên là Abdas, đã phóng hỏa đốt cháy một ngôi đền, trong đó có một tượng thần được người Ba Tư tôn thờ; và hoàn cảnh này đã dẫn đến một cuộc bách hại khốc liệt đối với các Kitô hữu, vì tức giận trước sự việc, nên Isdegerdes đã ra lệnh rằng tất cả các nhà thờ Kitô giáo phải bị san bằng trên khắp mặt đất, và tất cả các thần dân của ông chỉ được tin theo tôn giáo của người Ba Tư.
Cuộc tử đạo của Thánh James – Wiki
Có một người tên James, vì bị khuất phục bởi nỗi sợ hãi về việc mất đi tài sản và những vinh dự mà mình được hưởng tại chốn quan quyền, nên anh đã tuân theo sắc lệnh trái với đạo lý này. Nhưng mẹ và vợ anh, những Kitô hữu gương mẫu nhất, lúc đó vắng mặt, khi nghe tin anh đã sa ngã, đã viết cho anh một bức thư, trong đó, sau khi khuyên anh sửa chữa lỗi lầm tai hại của mình, họ đã nói rằng: “Nếu anh không trở lại với con đường tốt đẹp mà mình đã khởi sự, thì chúng ta sẽ coi anh như người xa lạ, và xa lìa anh; Chúng ta không nên giao thiệp với kẻ đã lìa bỏ Thiên Chúa của mình để làm vui lòng loài người, và bảo đảm cho mình bằng những thứ dễ hư mất đời này, những thứ sẽ khiến người đó phải bị hư mất đời đời.”
Với một lương tâm không ngừng giày vò vì việc bỏ đạo của mình, James đã bị tác động mạnh mẽ bởi bức thư; và anh ấy bắt đầu ngẫm nghĩ rằng nếu những người thân cận nhất của mình còn buông lời khiển trách, thì anh ấy sẽ còn phải sợ hãi lời khiển trách của vị Thẩm Phán đời đời biết chừng nào. Trong khi thương tiếc về tội lỗi công khai của mình, anh đã quyết tâm rằng việc hối cải của mình cũng phải rõ ràng như vậy, và đã tìm cơ hội để thường xuyên tự mình bày tỏ những lời lẽ sau: “Tôi là một Kitô hữu, và tôi hối hận vì đã từ bỏ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.”
Khi nghe biết điều này, nhà vua đã rất đỗi tức giận và tự cho rằng bản thân mình cũng bị xúc phạm vì lời phạm thượng dành cho các vị thần mà ông tôn kính, nên đã ra lệnh cho điệu anh đến trước mặt mình. Vị thánh đã xuất hiện trước tên bạo chúa, kẻ đã mắng nhiếc ngài vì tính không kiên định, và đe dọa ngài bằng cái chết tàn nhẫn nhất trừ khi ngài ngay lập tức cúng tế cho các vị thần của người Ba Tư. Nhưng thánh nhân đã trả lời rằng mình là một Kitô hữu, đã thành tâm hối cải về việc bỏ đạo của mình, và không muốn tiếp tục bất trung với Thiên Chúa của mình nữa. Tên bạo chúa, trong lúc vô cùng giận dữ, đã ra lệnh phải chặt xác vị thánh ra thành từng mảnh, từng chi thể một, vì hắn cho rằng phải làm như vậy để can ngăn những người khác có thể noi theo gương của ngài.
Vị thánh nhân đã anh dũng hiến mình cho cuộc tra tấn khủng khiếp này. Trước tiên, đao phủ đã chặt ngón cái nơi bàn tay phải của ngài, nói với ngài rằng nếu ngài chịu tuân phục nhà vua, thì những đau khổ của ngài sẽ chấm dứt tại đây. Nhưng thánh James ao ước được hiến dâng mạng sống của mình cho Chúa Giêsu Kitô, và để đền bù tai tiếng mà mình đã gây ra vì đã chối bỏ Người; do đó, ngài đã trao nộp từng chi thể cho bọn đao phủ, ngài đã để cho từng chi thể của mình bị chặt ra thành từng mảnh mà không một lời kêu than. Các tín hữu đã chứng kiến cuộc tử đạo của ngài với một sự soi sáng lớn lao, cho đến khi cơ thể của ngài chỉ còn lại mỗi một thân mình, thì đầu của ngài mới bị chém đứt lìa. Sự kiện này đã xảy ra vào ngày 27 tháng 11, năm 420, và vì cuộc tử đạo của mình, nên vị thánh đã được gọi là Intercisus, nghĩa là bị cắt thành nhiều mảnh.
Sự kiên định của vị tử đạo này làm cho chúng ta hiểu rõ hơn về hiệu quả từ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, vì nhờ đó mà ngài mới có thể chịu đựng được sự giết chóc tàn ác này không chỉ bằng lòng nhẫn nhục, mà còn bằng niềm vui thiêng liêng lớn lao. Tất cả những vị tử đạo, về bản thân và trong thân phận con người, đều thấp hèn và yếu đuối, nhưng các ngài đã được nâng đỡ bởi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã thêm sức mạnh cho các ngài, để các ngài chịu đựng thử thách một cách kiên cường và giành lấy chiến thắng. Chúng ta cũng hãy đặt niềm tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa Giêsu Kitô, và bất cứ khi nào chúng ta nhận thấy sức mạnh hay lòng can đảm của mình đang chùn bước trước những thử thách hay cám dỗ, chúng ta hãy ngay lập tức trông cậy vào Người, cầu xin Người cứu giúp chúng ta nhờ công nghiệp từ máu thánh châu báu của Người. Nếu chúng ta thi hành điều này bằng một đức tin nhiệt thành, thì chúng ta cũng có thể chắc chắn về một cuộc chiến thắng khải hoàn.
Tác giả: Thánh Alphonsus Liguori
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
(giaophanvinhlong.net / OnePeterFive)