Đánh Pháp thì đánh, bỏ đạo thì không
“Tên trung làm cơ đội Tuyên văn Phong, trước đây bị cáo về tội gian lận trong kỳ thi sát hạch, phải giáng chức và xử trọng tội, nay xin gia nhập sổ lính đi đánh giặc nhưng lại không chịu quá khóa nên đáng xử trảm”.Đọc lại bản án của ông cai đội Phanxicô Trần Văn Trung trên đây, mọi người hiểu ngay tấm lòng của vị thánh. Cũng như hầu hết những người công giáo thời vua Tự Đức, ông Trung tình nguyện tham gia việc chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, nhưng vẫn trung thành với Thiên Chúa.
Phanxicô Trần Văn Trung, sinh khoảng năm 1825 tại Phan Xá, tỉnh Quảng Trị, dưới thời vua Minh Mạng, thuộc gia đình Công Giáo. Thân phụ cậu trước cũng là cai đội. Khoảng năm 24 tuổi, anh Trung kết hôn với một thiếu nữ cùng làng, và sinh được bốn người con. Như các gia đình Công Giáo khác, ông cai đội chu toàn trách vụ Kitô hữu.
Vì một lý do đặc biệt, ông đã bị giam trong tù. Một lần kia, cùng với mười một bạn đồng ngũ, ông phải dự cuộc khảo thí. Trong tình hình bất an thời bấy giờ, muốn việc thi cử trót lọt dễ dàng, phải hối lộ với quan trên. Dù đủ điều kiện trúng tuyển, ông không thể làm khác hơn. Không may, vì việc chia tiền không đồng đều, các quan tranh cãi với nhau. Vua Tự Đức biết tin liền cho cả 12 cai đội vào ngồi tù.
Yêu nước và tin chúa
Sau khi cửa Hàn bị quân Pháp dưới sự chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouilly đánh chiếm ngày 01.09.1858, vua Tự Đức liền cho phóng thích các binh lính giam giữ để bổ sung vào số quân bảo vệ kinh thành Huế. Ông cai đội Trung và các bạn hăng hái hưởng ứng. Nhưng khi sắp được xuất trận các quan bắt ép các ông phải bước qua Thập Giá. Mười một người kia liền theo lệnh, còn ông Trung nhất định không chịu nghe.
Các quan hỏi:
– Tại sao không chịu đạp lên Thập Giá? Có phải mi theo đạo không?
– Thưa phải, tôi là người Công Giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi lại bỏ đạo.
Câu nói khẳng khái trọn vẹn đôi đàng của người công dân tổ quốc và người con của Thiên Chúa ấy đã đưa ông cai đội Trung trở lại nhà ngục. Một tháng bị giam, ông bị điệu ra tra hỏi nhiều lần, bị tra tấn ba lần, mỗi lần 50 roi. Những trận đòn đó không làm cho người chiến sĩ đức tin bỏ cuộc. Dự đoán mình sẽ bị xử tử, ông chẳng những không sợ lại tỏ ra chờ mong ngày đó nữa.
Người gia trưởng gương mẫu
Dầu sắp chịu án tử, ông đội Trung đã bình tĩnh thu xếp việc gia đình cách khéo léo. Ông căn dặn vợ: “Tôi có bị chết, mình lo săn sóc các con nhé ! Hãy hết lòng yêu thương các con, đừng tái hôn với ai nữa nhé !”. Đứa con nhỏ tám tuổi của ông tên là Catarina Thông được phép ở lại giúp đỡ ông một tháng. Đến khi nghe tin ở xứ nhà để theo học giáo lý và khuyên con vâng lời dạy bảo của các linh mục.
Khi nhớ ra còn thiếu nợ một vài người, ông tỏ vẻ lo lắng vì sợ các chủ nợ bắt các con mình ở đợ để trừ nợ, vừa cực khổ lại vừa có thể quên cả đạo nghĩa nữa, nên ông căn dặn vợ rất kỹ lưỡng, những đồ đạc nào trong nhà phải bán đi và thanh toán nợ nần cho chu đáo.
Thánh Giá trên cổ
Khi không còn hy vọng làm cho ông đội Trung mất niềm tin, các quan liền làm án tâu xin vua Tự Đức cho lệnh trảm quyết. Nhà Vua liền châu phê. Sáng 06.10.1858, ông đội Trung được dẫn ra pháp trường An Hòa (Huế). Năm viên quan cưỡi ngựa và 60 lính đi bộ hộ tống. Cha Anrê Thoại ở họ dương sơn biết tin, liền cải trang đi với một thày giảng tới giải tội cho ông. Cha nhắn một người bà con của ông tín hiệu nhận ra cha: người sẽ cầm một điếu thuốc giơ cao ngang mặt. Ông đội đã chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận Bí tích Giải tội lần cuối cùng.
Nhưng sự việc lại diễn tiến thể khác: các quan đình việc xử lại, và cho người về xin nhà vua tha cho ông, lấy cớ việc xử án có thể bị hiểu lầm là khiêu khích quân Pháp, họ sẽ đánh thì nguy. Đoàn người chờ đến 18 giờ chiều vẫn chưa có tin, liền kéo nhau vào quán nghỉ ngơi, và dẫn ông đội Trung đã bị trói cẩn thận đi theo. Chờ đến khoảng 20 giờ tối, chiếu chỉ vua Tự Đức gởi tới nơi ra lệnh xử tức khắc và đe phạt những quan đã dám xin ân xá cho ông.
Được tin, ông đội Trung hỏi tìm cha Thoại nhưng cha đã trở về vì tưởng ngày mai mới xử án. Lúc đó, ông liền quỳ xuống nền đất, xin đao phủ lấy vôi vẽ trên cổ hình Thánh Giá, để chứng tỏ mình trung kiên với Đức Kitô đến cùng. Sau đó, ông hiên ngang đưa cổ cho lý hình chém. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày để làm gương, rồi mới được đem chôn. Hiện nay thi hài của vị chứng nhân được lưu giữ ở nhà thờ họ Dương Sơn.
Đức Thánh Cha Piô X suy tôn ông đội Phanxicô Trần Văn Trung lên bậc các Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lm. Đào Trung Hiệu, OP