5 phút Lời Chúa tháng 05.2020

01.05.20

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 3 PS

Thánh Giu-se lao công

Mt 13,54-58

THÀNH KIẾN CẢN TRỞ ĐỨC TIN

 

Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi. Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin. (Mt 13,57-58)

Suy niệm: Mặc dù nhiều người Do Thái vẫn tin nhận Đức Giê-su là một ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa và Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền (x. Lc 7,16; Mc 1,22), nhưng khi trở về quê hương Na-da-rét, Đức Giê-su lại bị dân làng “rẻ rúng” và “không tin.” Chính vì thành kiến về thân thế bình dân của Ngài –chỉ là con của bác thợ mộc Giu-se, và Mẹ và anh chị em của Người là những người hàng xóm, đồng hương quá đỗi quen thuộc với họ– mà họ bị ngăn cản không nhận ra căn tính đích thực của Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ nhân loại. Nếu có nhận Người là Đấng Mê-si-a con vua Đa-vít thì cũng chỉ là một vị vua theo nghĩa trần tục mà thôi. Chính vì thế họ đánh mất cơ hội được giải thoát họ khỏi tội lỗi và lãnh nhận sự sống mới nơi Đức Giê-su phục sinh.

Mời Bạn: Ai cũng mang trong mình ít nhiều những thành kiến về người khác, những thành kiến đó cản trở ta sống đức tin, cản trở ân sủng của Thiên Chúa và cản trở ta sống bác ái với tha nhân. Do vậy, ta cần thanh tẩy “óc thành kiến” bằng cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tự xét mình và gỡ bỏ đi một thành kiến không tốt về một người nào đó đã từng làm bạn tổn thương, hay làm thiệt hại cho bạn.

Cầu nguyện: Lạy ChúaLời Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Xin Chúa dùng Lời hằng sống của Ngài mà thanh tẩy tâm hồn con, để con nên giống Chúa mỗi ngày.

 

 

 

 

 

02.05.20

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 PS

Thánh A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT

Ga 6,60-69

LỜI CHÚA LÀ THẦN KHÍ VÀ LÀ SỰ SỐNG

 

“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (Ga 6,63)

Suy niệm: Sau hơn 4 tháng hoành hành, con virút Corona đã có mặt ở hầu hết mọi quốc gia, lây nhiễm cho hơn 3 triệu người, với trên 200.000 người thiệt mạng vì nó. Cuộc sống của mọi người trên thế giới bị đảo lộn với những thiệt hại nặng nề: không chỉ những người buôn thúng bán bưng mà cả những tập đoàn đa quốc gia, các nền kinh tế lớn đều bị chao đảo. Ngay cả đến những hoạt động tôn giáo, tưởng chừng rất “thiêng liêng” cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, Lời Chúa mời gọi chúng ta hướng về điều thiết yếu nhất cho cuộc sống của chúng ta: “Thần khí mới làm cho sốngchứ xác thịt chẳng có ích gì.” Quả thật, Thần khí Chúa là nguồn mạch mọi sự sống. Và mọi sự sống trên trần gian đều phải quy hướng về Chúa Ki-tô để hoàn thành viên mãn trong cuộc sống đời đời. Và điều đó cũng được thực hiện trong Thần Khí Chúa.

Mời Bạn: Trong điều kiện phải cách ly xã hội, các tín hữu chỉ có thể hiệp thông bằng việc rước lễ thiêng liêng trong thánh lễ trực tuyến. Chúng ta cảm nhận được cách cụ thể hơn sự hiện diện và hoạt động của Thần khí khi các yếu tố vật chất bị cất đi. Dù hoàn cảnh nào đi nữa tình Chúa yêu thương ta luôn tồn tại mãi, điều quan trọng là làm sao để có được Thần khí sự sống của Ngài.

Sống Lời ChúaDành thời gian đọc và suy niệm Lời Chúa để kết hiệp với Chúa cách thân tình hơn, hầu kiên vững trước mọi thách đố.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần khí và và sự sống, xin cho con mạnh mẽ sống Lời Chúa, giữa những thách đố hôm nay. Amen.

 

 

 

 

 

03.05.20

CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – A

Ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu

Ga 10,1-10

CHÚA CHĂN NUÔI TÔI

 

“Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10)

Suy niệm: Cửa ràn chiên ngăn ngừa thú dữ, cũng như trộm cướp, bảo đảm an toàn cho đoàn chiên. Người chăn chiên vừa bảo vệ chiên trong ràn, vừa chăm sóc chiên trên đường đi, vừa dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, suối nước trong lành. Thật tuyệt vời khi một người vừa đóng vai là cửa ràn chiên, vừa đóng vai là mục tử, và nhất là người mục tử đó có thể gọi tên từng con chiên, và chiên biết và nghe theo tiếng mục tử của chúng. Người mục tử đó không tiếc gì, kể cả mạng sống mình, miễn sao đàn chiên được bảo vệ, được sống và phát triển tới mức tối đa. Chúa Giê-su tự nhận mình là người mục tử như thế, Ngài nói: “Tôi là mục tử nhân lành… hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên,” Ngài đến “để chiên được sống và sống dồi dào. Mức độ dồi dào nhất mà Đức Giê-su mang đến cho chúng ta là sự sống lại và sự sống đời đời. Để thực hiện lời Ngài nói, người Mục Tử mang tên Giê-su đã ban cho chúng ta một thứ lương thực có sức mang lại sự sống thường tồn. Đó là chính Mình Máu Thánh của Ngài.

Mời Bạn: Trong hoàn cảnh “giãn cách xã hội” vì đại dịch Covid-19, các tín hữu phải tham dự thánh lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng, chúng ta cảm nhận được cơn đói khát lương thực thường tồn này cách cụ thể hơn bao giờ hết. Bạn hãy khắc sâu cảm nhận này để từ nay không còn thờ ơ, nguội lạnh, nhàm chán đối với bí tích Thánh Thể nữa.

Sống Lời Chúa: Thực hành rước lễ thiêng liêng nhiều lần trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa ban chính Mình Máu Chúa để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con khao khát Chúa và chuẩn bị tâm hồn xứng đáng mỗi khi đón rước Chúa.

 

 

 

 

 

04.05.20

THỨ HAI TUẦN 4 PS

Ga 10,11-18

TRẬT TỰ TÌNH YÊU

 

“Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,14-15)

Suy niệm: Chúa Giê-su phục sinh thiết lập một trật tự mới cho nhân loại. Trật tự cũ đặt trên nền tảng của Lề Luật Cựu Ước không còn hiệu lực nữa; trái lại, giờ đây, trật tự của Tân Ước được thiết lập: không còn nô lệ hay tự do, cắt bì hay không cắt bì, nhưng “tất cả chỉ là một trong Đức Ki-tô” (x. Gl 3,28;5,5-6). Trật tự mới chính là trật tự của tình yêu, một tình yêu vô cùng lớn của Thiên Chúa, lớn đến nỗi đã thí mạng sống của chính Con Một Ngài để cứu chuộc hết thảy nhân loại (x. Ga 3,16; Rm 8,32). Trật tự tình yêu đó đưa chúng ta vào mối tương quan mới với Ngài, đặt nền tảng trên tình thương: tình thương của người cha nhân hậu luôn chờ đợi, tha thứ, và bao dung; tình thương của người mục tử nhân lành, không chỉ biết chiên mà còn hy sinh cả mạng sống vì chiên.

Mời Bạn: Tông đồ Phê-rô đã thề thốt trung thành với Thầy nhưng sau đó đã chối Thầy ba lần trước những chất vấn của người lạ. Trật tự tình yêu nơi ông bị đảo lộn: Ông tưởng rằng mình đang yêu Chúa nhưng thực ra đang đặt ý riêng của mình bên trên tình yêu Chúa. Là môn đệ Chúa, bạn đã sống theo trật tự tình yêu của Ngài chưa? Bạn có sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân để phục vụ tha nhân như Đức Ki-tô, Mục Tử nhân lành “thí mạng sống mình vì đoàn chiên” chưa?

Sống Lời Chúa: Sống theo trật tự tình yêu của Chúa: – đối tượng ưu tiên: vì tha nhân đặc biệt những người bé mọn; – mục tiêu tối hậu: hạnh phúc vĩnh cửu và sự sống đời đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đến, và ở lại trong lòng con luôn mãi. Amen.

 

 

 

 

 

05.05.20

THỨ BA TUẦN 4 PS

Ga 10,22-30

NÓI HOÀI KHÔNG NGHE

 

Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.” (Ga 10,25)

Suy niệm: Dân gian có câu: “Nói như nước đổ lá môn” để ám chỉ đến những người cố chấp, không chịu đón nhận khiến cho lời họ nghe không thể lọt tai, và không đem lại tác dụng gì. Thái độ như thế thật đúng với những người Do-thái không chịu tin Đức Giê-su mặc dù Ngài đã nhiều lần giảng dạy và tỏ cho họ biết Ngài là Đấng Ki-tô; bên cạnh đó, Ngài đã thực hiện bao việc tốt đẹp và những dấu lạ để minh chứng. Nhưng họ vẫn cố tình bịt tai che mắt trước những chứng từ đó, bởi vì họ cứ khăng khăng đòi hỏi một Đấng Mê-si-a theo ý muốn của họ, nghĩa là một “vị cứu tinh” thế tục, một vị vua bách thắng đập tan ách thống trị Rô-ma, và làm cho đất nước hùng mạnh như thời Đa-vít. Họ không chấp nhận vương quốc thiêng liêng mà Chúa Giê-su rao giảng, nơi người ta sống yêu thương hoà bình, luôn tha thứ và hiến thân phục vụ, kể cả cho những người thù ghét và bách hại mình.

Mời Bạn: Chúa Giê-su nói: con chiên nhận biết và nghe theo tiếng chủ chiên của chúng. Bạn là con chiên của Chúa, bạn có nhận biết tiếng Chúa nói và vâng nghe Lời Ngài chưa? Qua Thánh Kinh, Chúa ngỏ lời với chúng ta. Và Ngài tiếp tục nói với chúng ta qua mỗi biến cố, mỗi giây phút của cuộc đời. Điều quan trọng là bạn có bình tâm và nhạy bén để nghe được tiếng Chúa nói trong lòng bạn hay không.

Sống Lời Chúa: Dành ít là năm phút mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con đừng cứng lòng nhưng biết mau mắn nhận ra và thực hành điều Chúa muốn trong cuộc đời con. Amen.

 

 

 

 

 

06.05.20

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 PS

Ga 12,44-50

TIN VÀO CHÚA GIÊ-SU: TIN VÀO THIÊN CHÚA

 

Đức Giê-su nói: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi.” (Ga 12,44-45)

Suy niệm: Mặc dầu bị dân Do Thái kịch liệt chống đối, thậm chí bị họ ném đá, đòi giết, Chúa Giê-su vẫn một mực khẳng định Ngài là Con Thiên Chúa và luôn kết hiệp nên một với Chúa Cha: “Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha.” Và hơn nữa, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su còn mặc khải cho chúng ta biết Ngài là ánh sáng, là con đường sống, là nguồn ơn cứu độ cho trần gian và cho mỗi người. Sở dĩ Ngài nhắc đi nhắc lại mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha và vai trò thiết yếu của Ngài trong chương trình cứu độ, bất chấp vì vậy mà Ngài phải trả giá bằng cả mạng sống, đó là vì chúng ta, vì: “Ai tin vào Ngài thì sẽ được cứu độ” (Ga 5,24; 6,40).

Mời Bạn: Tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho nhân loại chúng ta hồng ân đức tin. Nhờ đức tin và trong đức tin, chúng ta được nhận biết Thiên Chúa là Cha yêu thương và đón nhận Đức Giê-su là Người Con mà Chúa Cha sai đến làm Đấng Cứu Chuộc loài người chúng ta. Phần còn lại là của bạn, Chúa mời gọi bạn nói lên lời tuyên xưng đầy xác tín của mình: Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha, tôi tin kính Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Chúa cùng là Chúa chúng ta.

Chia sẻBạn có cảm thấy bình an khi tín thác cuộc sống của bạn vào Thiên Chúa là Cha yêu thương không?

Sống Lời Chúa: Khởi đầu một ngày, bạn dâng lên Chúa ngày sống mới của mình và bày tỏ một cử chỉ cung kính nói lên lòng tin của mình nơi Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Chuộc của bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Tin.

 

 

 

 

 

07.05.20

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 PS

Ga 13,16-20

LUẬT SỐNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

 

“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em.” (Ga 13,17)

Suy niệm: Những lời Chúa nói trong Tin Mừng hôm nay dường như là những lời độc thoại, nhưng có thể nói đây là những lời trăn trối, là di ngôn của người sắp lìa xa những người thân thiết nhất của mình. Đã là di ngôn thì chỉ nói những điều chắt lọc, những gì là thiết yếu nhất. Di ngôn của Chúa chính là quy luật sống dành cho các môn đệ của Ngài. Đó là bài học rút ra từ hành động mẫu mực Ngài rửa chân cho các ông trong bữa tối sau hết. Luật sống mà Đức Giê-su muốn nói với các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng là hãy ăn ở khiêm nhu, phục vụ anh em mình như chính Người đang làm. Sau khi đã rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su giải thích về ý nghĩa về việc làm này, việc làm của một đầy tớ, một người nô lệ. Ngài là Thầy, là Chúa mà còn cúi sâu xuống bàn chân các ông mà rửa thì các ông cũng phải cúi xuống mà phục vụ nhau.

Mời Bạn: Chúng ta đã từng nghe Lời Chúa nói, chúng ta cũng từng chứng kiến biết bao việc thiện, những việc phục vụ trong khiêm tốn và vô vị lợi của biết bao người chung quanh ta. Những việc đó có đánh động tâm hồn bạn, có nhắc bạn nhớ tới hành động rửa chân của Chúa và lời dặn dò của Ngài: “Anh em cũng hãy rửa chân cho nhau” không?

Chia sẻ: Điều gì làm bạn khó cúi xuống phục vụ tha nhân như Đức Giê-su đã làm và đã dạy chúng ta?

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ âm thầm trong cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hôm nay Chúa mời gọi chúng con bắt chước Chúa rửa chân cho nhau. Xin cho chúng con luôn biết cúi mình trước anh chị em để phục vụ hầu làm vinh danh Chúa.

 

 

 

 

 

08.05.20

THỨ SÁU TUẦN 4 PS

Ga 14,1-6

CHÍNH THẦY LÀ ĐƯỜNG

 

Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Ga 14,6)

Suy niệm: Các môn đệ Đức Giê-su đang sợ hãi lắm: Thầy các ông sắp lìa đi, bỏ các ông ở lại một mình. Để trấn an các ông, Ngài mời gọi các ông hãy tin tưởng vào Chúa Cha, tin tưởng nơi Ngài. Ngài ra đi để dọn chỗ cho các ông trong Nhà Cha trên trời, và sẽ trở lại để đón các ông về với Chúa Cha. Ngài chính là con đường dẫn đến với Chúa Cha (c. 6). Trong thực tế, biết đường đi cũng có nghĩa là biết đích đến. Đích đến không chỉ là điểm tận cùng, nhưng có thể nói là toàn bộ con đường. Trong trường hợp này, Đức Giê-su muốn các môn đệ nhận ra con đường, cũng như đích đến ở nơi chính bản thân Người, hầu khỏi bối rối “không biết Thầy đi đâu” để mà đến. Khi bắt đầu cuộc sống môn đệ, các ông đã đi trên con đường mang tên Giê-su, cũng như đang dần tiến về đích là Nhà Cha, nơi Thầy trò sẽ gặp lại nhau. Bao lâu còn kết hiệp với Người, các ông vẫn ở trên con đường của Thầy, và sẽ tiến đến đích điểm trong sự thật và sự sống.

Mời Bạn: Hằng ngày bạn đi trên nhiều con đường: đường đến công sở, phố chợ, quán xá, rồi con đường về nhà… Nhưng con đường nào mang lại bình an và ý nghĩa đích thực cho đời bạn? Chắc chắn đó là con đường Giê-su, Đấng là sự thật và sự sống. Bước đi theo Ngài, bạn sẽ được đưa dẫn đến với Chúa Cha.

Sống Lời Chúa: Bạn luôn dành thời gian mỗi ngày để đọc và suy niệm một đoạn Lời Chúa vì bạn ý thức rằng: Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường bạn đi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trước những thử thách của cuộc sống, xin cho con bước đi trên đường Ngài bằng một lòng tín thác và cậy trông. Amen.

 

 

 

 

 

09.05.20

THỨ BẢY TUẦN 4 PS

Ga 14,7-14

HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG

 

Đức Giê-su nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha… Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” (Ga 14,9.11)

Suy niệm: Có một loài hươu có một hạch nội tiết trong bụng dưới phát ra một mùi đặc trưng rất thơm, gọi là xạ hương, khiến cho người ta dù chưa trông thấy nó, chỉ cần ngửi thấy mùi hương là biết sự có mặt của nó. “Hữu xạ tự nhiên hương” là thế. Hình ảnh đó có thể là một gợi ý giúp ta hiểu Lời Chúa nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Quả thật, không ai thấy Thiên Chúa chỉ trừ Đức Giê-su, Đấng từ Thiên Chúa mà đến (x. Ga 6,46). Mà “Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài” nên Ngài mặc khải Chúa Cha không chỉ bằng cách nói cho nhân loại về Cha, mà còn phản ánh dung mạo của Cha qua chính đời sống của mình. Chí ít, dù không thấy Chúa thì người ta vẫn có thể thấy “công việc Chúa làm” mà tin vào Ngài.

Mời Bạn: Chúa Ki-tô luôn kết hiệp nên một với Chúa Cha cách hoàn hảo: những gì Ngài nói là Cha nói qua Ngài, những gì Ngài làm là Cha làm trong Ngài. Phần chúng ta, một khi được chiếm hữu bởi Chúa Ki-tô, chúng ta cũng được kết hiệp với Chúa Cha và đời sống ta cũng phản ánh dung mạo của Ngài, để rồi cũng nói được như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Sống Lời Chúa: Thực hành hai việc giúp bạn kết hiệp với Chúa: thường xuyên cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin chiếu sáng tâm hồn con bằng Lời của Chúa, để con nên hình ảnh sống động về Ngài. Amen.

 

 

 

 

 

10.05.20

CHÚA NHẬT TUẦN 5 PS – A

Ga 14,1-12

ĐỪNG SỢ NHƯNG HÃY TIN

 

“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 14,1)

Suy niệm: Các môn đệ chưa hết hoang mang vì tin dữ mà Đức Giê-su vừa tiết lộ: có một người trong các ông sẽ phản bội Thầy, thì Ngài lại cho biết Ngài sẽ đi rất xa, đi một nơi mà “các ông không đến được”, và ngay cả Phê-rô, người môn đệ “sẵn sàng thí mạng vì Thầy,” thế mà cũng sẽ “chối Thầy ba lần” (x. Ga 13,1tt). Bữa tiệc thân mật Thầy trò bỗng trở nên trĩu nặng. Các môn đệ bàng hoàng xao xuyến. Trong bầu khí ảm đạm đó, Chúa Giê-su vực dậy lòng tin đang chao đảo của các ông. Ngài dạy: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Chính sự kết hợp giữa Ngài với Chúa Cha bảo đảm điều đó. Quả thật, Chúa là con đường và là sự sống, nên Chúa ở đâu chúng ta cũng ở đó với Ngài; và ai đến với Ngài thì cũng sẽ gặp được Chúa Cha, vì Ngài nói: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.”

Mời BạnKhông ít lần chúng ta đã rơi vào nỗi sợ hãi. Nhất là hiện nay, chúng ta đang hoang mang lo lắng vì cơn dịch bệnh và những hậu quả dây chuyền của nó: nỗi lo thất nghiệp, nạn đói, bạo lực, chiến tranh… Mời bạn dành một khoảnh khắc thinh lặng để lắng nghe lời Chúa trấn an bạn: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Lời mời gọi của Chúa không cất những khó khăn khỏi bạn nhưng ban cho bạn nghị lực, vì Chúa nói: “Ơn Thầy đủ cho con” (2Cr 12,9).

Sống Lời Chúa: Dành một giây để xin Chúa thánh hoá công việc bạn sắp làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cần lắm lời trấn an của Chúa trong từng giây phút của đời sống con. Xin cho con đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho con, cho dù cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt.

 

 

 

 

 

11.05.20

THỨ HAI TUẦN 5 PS

Ga 14,21-26

ĐỂ ĐƯỢC “RỒNG ĐẾN NHÀ TÔM”

 

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)

Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Khách đến nhà không gà thì gỏi”. Lòng hiếu khách như vậy thật là tuyệt vời; nhưng dù thế cũng không thể diễn tả hết tâm tình thắm thiết đậm đà của cụ Nguyễn Khuyến khi ông bạn vong niên của mình là cụ Dương Khuê tới thăm: “Bác đến chơi đây, ta với ta.” Tình bạn bằng vai bằng lứa đã thế huống chi là thân phận con người chúng ta đã được Chúa “đến chơi nhà” và còn “ở lại” với chúng ta nữa. Thật chẳng khác nào được “rồng đến nhà tôm”! Mà Ngài đâu có đòi hỏi phải dọn cho Ngài những món ‘đặc sản’ nào ngoại trừ một tình yêu, một tấm lòng với tấm lòng, một tình bằng hữu giữa “ta với ta”: chỉ cần “yêu” và “giữ Lời Chúa” là đủ để Ngài kết mối tình thân mật đó rồi.

Mời Bạn: Thân ‘tôm’ chúng ta còn mong được vinh dự và hạnh phúc nào hơn thế nữa không? Bạn đã chuẩn bị đón Chúa “đến chơi nhà” linh hồn mình thế nào? Bạn đã dọn sạch tâm hồn mình khỏi những tham lam ích kỷ, những ham mê thú vui bất chính chưa? Bạn đã làm theo Lời Chúa dạy là tha thứ cho người xúc phạm bạn, phục vụ người anh em bé mọn nhất của bạn chưa?

Chia sẻ cảm nhận của bạn qua lời mẹ Têrêxa Calcutta: “Tôi yêu Đức Giê-su trong mỗi con người. Đức Giê-su hiện diện trong bí tích Thánh Thể và trong người nghèo khổ.”

Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái phục vụ tha nhân để làm món quà dâng lên Chúa Giê-su Thánh Thể mỗi khi bạn tham dự Thánh lễ và tiếp rước Ngài.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

 

 

 

 

 

12.05.20

THỨ BA TUẦN 5 PS

Thánh Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô, tử đạo

Ga 14,27-31a

“MỘT CÕI ĐI VỀ” VỚI CHÚA KI-TÔ

“Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.”(Ga 14,28)

Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với một tâm hồn nhạy cảm sâu sắc diễn tả nỗi niềm khắc khoải của mình: hết “lên non cao” lại “về biển rộng,” đi khắp cõi nhân gian “chưa từng độ lượng” này để đi tìm một chốn quê nhà vĩnh cửu:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

Thế nhưng ông vẫn ngậm ngùi như đang lạc vào cõi hư vô:

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.

Để đáp lại nỗi niềm của những tâm hồn thao thức đó, Đức Kitô Phục sinh cho thấy ý nghĩa mới cho cuộc nhân sinh này. Ngài bộc lộ “cõi đi về” của Ngài là chính Chúa Cha, Đấng mà Ngài gọi tên với tất cả tình yêu mến: “Abba, Cha ơi!” Thật vậy Ngài “từ Chúa Cha mà đến thế gian,” và giờ đây Ngài “lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 17,28). “Cõi đi về” của Chúa Kitô cũng là “cõi” dành cho chúng ta, bởi vì: “Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).

Mời Bạn: Bạn có đang khắc khoải tìm về Đấng Phục Sinh không? Hay bạn đang gặp trở ngại trên con đường trở về của bạn: bất mãn chán nản vì gương xấu của ai đó? vì thất bại, vì rủi ro trong cuộc sống? vì một tật xấu cố hữu?

Sống Lời Chúa: Viếng Thánh Thể và đọc Tv 121 để cảm nghiệm niềm vui “Một Cõi Đi Về” với Chúa.

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, đi về nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi; đi về nhà Chúa, ôi bao nhiêu mến thương ngập trời. (Trầm Hương)

 

 

 

 

 

13.05.20

THỨ TƯ TUẦN 5 PS

Đức Mẹ Fatima

Ga 15,1-8

NHƯ CÀNH LIỀN CÂY

 

“Cành nho không thể sinh trái nếu không ở lại với thân nho.” (Ga 15,4)

Suy niệm: Ngày nay y học tiến bộ, trong nhiều trường hợp người ta có thể nối lại một cánh tay hay một cẳng chân lỡ bị đứt lìa. Nhiều nạn nhân nhờ đó khỏi bị mất tay, chân một cách oan uổng. Nhưng ai cũng rõ, công việc này phải được làm nhanh hết sức, vì một chi thể đứt rời không thể sống được lâu ngoài cơ thể. Ta dễ hiểu hàm ý của Đức Giê-su qua hình ảnh cành và thân nho: cành nho không thể sống nếu đứt lìa khỏi thân nho, nói chi đến chuyện sinh hoa trái! Nhưng điều Đức Giê-su muốn nói không phải là chuyện cây cỏ mà là lời xác quyết: “Ai ở lại trong Thầy thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” Một trong những phương thế để ở lại trong Chúa Kitô là “Giê-su hoá” đời mình như thánh Phao-lô đề nghị: “Không phải là tôi sống mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi.”

Mời Bạn: Mời bạn nhìn ngắm một cây nào đó và liên tưởng tới Chúa Giê-su là cây mà bạn là cành. Bạn cần gắn chặt với Chúa Giê-su như cành cần dính liền với thân cây, để thực sự sống và để thực sự sinh hoa kết trái. Trong nhịp sống quay cuồng hôm nay, ta phải làm sao để không bị nuốt chửng trong những miệt mài săn đuổi các giá trị phàm tục và tạm bợ? Phải làm sao để không những biết dành cho Chúa Giê-su một chỗ trong cuộc sống mình mà hơn thế nữa để nhận Người là chính trung tâm của đời mình, là giá trị nền tảng của mọi giá trị khác?

Sống Lời Chúa: “Giê-su hóa” đời mình bằng cách thường nghĩ đến Người, nói về Người, tìm gặp Người, nói với Người, nghe Người nói, ngắm Người làm…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cây nho, còn con là cành, xin cho con biết luôn gắn kết với Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

14.05.20

THỨ NĂM TUẦN 5 PS

Thánh Mát-thi-a, tông đồ

Ga 15,9-17

VỊ TÔNG ĐỒ ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG

 

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái anh em tồn tại.” (Ga 15,16)

Suy niệm: Thoạt nhìn, dường như sự có mặt của Mát-thi-a trong số các tông đồ chỉ để điền vào chỗ trống cho tròn con số 12 chẵn chòi đẹp đẽ. Sẽ là quá nông cạn nếu nghĩ số 12 chỉ như một con số để “lấy hên”. Mát-thi-a được chọn vào nhóm Mười Hai sau khi các tông đồ hiệp thông cầu nguyện. Mát-thi-a là người đã từng cùng các tông đồ theo Chúa ngay từ những ngày đầu và do đó đủ tư cách làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô phục sinh. Như thế, sự hiện diện của Mát-thi-a trong hàng ngũ Nhóm Mười Hai làm cho lời chứng của các tông đồ được toàn vẹn. Lời tuyên xưng của Phê-rô hay một cá nhân tông đồ nào khác được cả cộng đoàn các tông đồ chứng thực, bảo đảm cho lời chứng các ngài là xác thực. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã mang đặc tính duy nhất và tông truyền.

Mời Bạn: Dù bạn là người vô danh tiểu tốt trong cộng đoàn, lời chứng của Hội Thánh vẫn còn thiếu nếu không có sự góp phần của bạn. Dù bạn chỉ hiện diện trong sự hiệp thông với mọi chi thể khác của Hội Thánh bằng cách trung thành sống cuộc sống chứng tá cho một niềm tin công giáo và tông truyền, bạn đang làm công việc không khác gì một tông đồ chính hiệu.

Chia sẻ về một kinh nghiệm cho thấy việc làm chứng tập thể mang lại rất nhiều hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng (vd. Cả nhóm.giáo xứ bạn cùng làm chung một công việc bác ái nào đó).

Sống Lời Chúa: Chọn một việc tông đồ cho cả nhóm làm chung.

Cầu nguyện: Hiệp thông với Giáo Hội, bạn sốt sắng đọc kinh Tin Kính.

 

 

 

 

 

15.05.20

THỨ SÁU TUẦN 5 PS

Ga 15,12-17

YÊU ĐẾN HIẾN TRAO MẠNG SỐNG

 

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình… Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,13.15)

Suy niệm: Chúa Giê-su không chỉ dạy các môn đệ Ngài yêu thương mà thôi. Ngài còn dạy và nêu gương cho họ biết phải yêu thương như thế nào: yêu như Chúa yêu, yêu đến mức sẵn sàng hy sinh tính mạng mình vì người mình yêu! Tình yêu đó được Ngài thể hiện qua những nét chính như sau: 1. Yêu người là hiện diện và cùng chia sẻ với người trong mọi tình huống của cuộc sống: Chúa Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế… (x. Pl 2,6-7). 2. Yêu người là nhìn nhận phẩm giá của người, tích cực làm cho người được tôn lên, cho người đó được thăng tiến: Chúa Giê-su bị ‘mang tiếng’ là thường xuyên giao du, ăn uống với những người thu thuế và phường tội lỗi (x. Lc 15,1-2), Ngài gọi các môn đệ là bạn hữu! 3. Yêu người là yêu cho đến cùng, không tiếc một thứ gì – kể cả sinh mạng mình: Chúa Giê-su chấp nhận cái chết tận cùng sỉ nhục trên thập giá để đền bù tội lỗi và cứu chuộc chúng ta!

Mời Bạn: Nhìn lên và chiêm ngắm tấm gương yêu thương của Chúa Giê-su trên thập giá. Bạn đừng ngại mình không kham nổi, vì Chúa Giê-su đã chọn bạn, và tất cả những gì bạn xin cùng Chúa Cha nhân danh Ngài thì bạn sẽ được ban cho! (câu 16).

Sống Lời Chúa: Tập yêu người cho đến chết, bắt đầu từ những ‘cái chết nhỏ’ cho người, chẳng hạn nhịn một ý nghĩ oán trách, nhịn một lời nói hằn học, vui vẻ lắng nghe và cảm thông người.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

 

 

 

 

 

16.05.20

THỨ BẢY TUẦN 5 PS

Ga 15,18-21

THUỘC VỀ CHÚA, GIỮA THẾ GIAN

 

“Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19)

Suy niệm: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một” (Ga 3,16). Thế nhưng, tình yêu ấy, thế gian đã không đón nhận. Còn những ai đón nhận mối tình tuyệt vời của Thiên Chúa qua việc tin vào Người Con Một, thì được Ngài “tách riêng ra khỏi thế gian” để “không thuộc về thế gian” nữa, mà thuộc trọn về Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa lớn lao, vượt khỏi mọi giới hạn của thế gian, lớn đến mức “hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), ngõ hầu những ai thuộc về Chúa được đưa vào mối tương quan đầy dịu ngọt và hạnh phúc bất diệt trong tình yêu. Vì thế, không lạ gì, người môn đệ Chúa Ki-tô, “ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”, sẽ bị thế gian thù ghét.

Mời Bạn: Thế gian, theo cách diễn tả của thánh Gio-an, đó là bóng tối, là tội lỗi, là vắng bóng yêu thương. Nó sẽ ghét bạn, vì bạn là môn đệ của Thầy Giê-su là Tình Yêu, là Ánh Sáng và là Sự Thiện. Bạn phải nhận ra điều đó để đừng ngạc nhiên hay hoảng sợ khi bị thế gian thù ghét và bách hại, nhưng hãy can đảm lên, vì “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Sống Lời Chúa: Can đảm sống theo những giáo huấn của Tin Mừng: trung thực, khiết tịnh, bảo vệ sự sống, dù phải lội ngược dòng với lối sống thế gian.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết hướng lên tiếp nhận sức mạnh nơi Chúa, mỗi khi vì Chúa mà con bị thế gian thù ghét, vì con tin Chúa đã thắng thế gian, đã phục sinh khải hoàn, đem niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại.

 

 

 

 

 

17.05.20

CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – A

Ga 14,15-21

CHÚA VẪN ĐANG TỎ MÌNH CHO TA

 

“Ai yêu mến Thầy, thì Cha của Thầy yêu mến, Thầy sẽ  yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su nói những lời này khi từ biệt các môn đệ trước khi Ngài chịu tử nạn. Có thể nói đây là di chúc của người ra đi gửi cho người ở lại. Và Chúa Giê-su lo lắng cho các môn đệ, vì các ông sẽ chao đảo khi không có Thầy ở bên. Do đó, Ngài dặn dò những lời căn cốt nhất để vững tâm các ông: Mặc dù Thầy ra đi, nhưng các môn đệ vẫn có thể gặp được Thầy. Vì Ngài đã hứa, ai yêu mến Thầy, Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. Hơn thế nữa, người ấy còn được Chúa Cha yêu mến. Như thế, việc Chúa Giê-su phục sinh và lên trời, không phải là lúc con người vụt mất Chúa, nhưng Ngài là niềm hy vọng cho con người. Vì giờ đấy, chúng ta có thể gặp được Chúa Giê-su khắp mọi nơi, được ở với Ngài mãi mãi nếu chúng ta yêu mến Ngài.

Mời Bạn: Được gặp Chúa là ao ước của cả cuộc đời chúng ta. Nhưng nhiều Ki-tô hữu không khỏi băn khoăn, tại sao con cầu nguyện, dự lễ mà con không gặp được Chúa? Nhưng bạn thử hỏi, Chúa sẽ gặp bạn cách nào đây? Không phải vì Chúa không hiện ra với bạn, nhưng bạn đã bắt Chúa hiện ra theo cách của bạn. Chẳng hạn như, Chúa phải hiện ra với tôi cách hữu hình như Chúa đã từng hiện ra với các tông đồ xưa, hay với các thánh. Không! Bạn yêu mến Chúa thì bạn thấy Chúa đang tỏ mình cho bạn.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, ở nhà, đi chợ hay đến công trường, đi học hay đi làm, tôi nhớ Chúa đang tỏ mình cho tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn ghi nhớ lời hứa dành cho chúng con, còn chúng con thì rất hay quên Chúa. Xin cho chúng con hằng nhớ rằng, Chúa đang sống và tỏ mình ra với chúng con.

 

 

 

 

 

18.05.20

THỨ HAI TUẦN 6 PS

Thánh Gio-an I, giáo hoàng, tử đạo

Ga 15,26-16,4a

ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ LÀM CHỨNG

 

“Thần Khí sự thật… sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” (Ga 16,26)

Suy niệm: Hoạt động của Thánh Thần được ví như gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi… Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8). Chính vì thế mà ngay viên sĩ quan trưởng đội hành quyết Chúa Giê-su cũng có thể làm chứng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Thế nhưng sứ mạng làm chứng cho Đức Giê-su được trao một cách đặc biệt cho những người là môn đệ của Ngài. Lời Chúa hôm nay cho thấy hai điều kiện để lời chứng cho Đức Giê-su là lời chứng có giá trị. 1. “Chúa Thánh Thần sẽ làm chứng về Thầy,” vì thế ai làm chứng cho Chúa Giê-su thì phải làm chứng cùng với Chúa Thánh Thần. 2. Việc làm chứng không chỉ là một lời nói, một việc làm riêng lẻ, mà phải là cả một cuộc sống xuyên suốt và trung thành với lời chứng của mình, của người “vẫn ở với Chúa ngay từ đầu.”

Mời Bạn: Dù bạn chưa là ki-tô hữu bạn vẫn có thể làm chứng cho Đức Ki-tô. Nhưng khi bạn ở lại với Chúa Ki-tô, để Ngài biến đổi bạn trong Chúa Thánh Thần, lúc đó bạn đích thực là môn đệ trọn vẹn của Ngài, và lúc đó, việc cùng với Chúa Thánh Thần làm chứng cho Đức Ki-tô trở nên lẽ sống của bạn trong mọi giây phút của cuộc sống, ngay cả trong những hoàn cảnh bi đát nhất.

Sống Lời Chúa: Làm thật tốt việc phục vụ tha nhân hay việc bổn phận thường ngày của mình với ý hướng làm chứng cho Chúa Giê-su, Đấng phục sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa khi chúng con là chứng nhân cho Chúa, Đấng đã chịu chết và sống lại để cứu chuộc thế nhân.

 

 

 

 

 

19.05.20

THỨ BA TUẦN 6 PS

Ga 16,5-11

DI SẢN THÁNH THẦN

 

“Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em.” (Ga 16,7)

Suy niệm: Chúa Giê-su không để lại cho các môn đệ bạc vàng bổng lộc hay quyền cao chức trọng như các ông mơ tưởng. Ngài để lại một di sản các ông không bao giờ nghĩ tới là chính Thánh Thần. Quả thật, Thánh Thần luôn hiện diện trong mọi hoạt động của Chúa Giê-su. Trong Thánh Thần, Ngài đến cùng Chúa Cha (Lc 10,21); trong Thánh Thần, Ngài đem Tin Mừng cho người nghèo (Lc 4,28). Khi tiên báo về giờ ra đi của mình, Ngài hứa ban Thánh Thần, Đấng Bầu cử từ nơi Chúa Cha và nơi Ngài sẽ đến ở với các ông, giúp các ông trung thành theo Chúa và làm chứng cho Ngài. Điều Chúa Giê-su hứa đã được hiện thực. Sau ngày Chúa lên trời, Thánh Thần đã được ban xuống, biến các môn đệ nhát đảm sợ sệt thành những chứng nhân hăng say rao giảng Tin Mừng.

Mời Bạn: Giữa cảnh đại dịch đau thương chết chóc, biết bao con người đang sống và chết cho tình yêu với những hy sinh, chia sẻ, rất sống động và sáng tạo. Điều đó cho thấy Thánh Thần đang làm việc mạnh mẽ trong các tâm hồn. Chúng ta hãy mở rộng cõi lòng để Thánh Thần Chúa đến ban bình an và biến đổi chúng ta nên những sứ giả cho tình yêu Chúa cho anh em.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn dành một khoảnh khắc thinh lặng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và trợ giúp bạn làm theo thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến đổi mới tâm hồn con. Trong cảnh gian nan khốn khó, xin giúp con giữ vững niềm tin tưởng và hi vọng nơi Chúa; không bao giờ quên rằng Chúa đang ở bên và cùng đồng hành với con trên mọi nẻo đường. Amen.

 

 

 

 

 

20.05.20

THỨ TƯ TUẦN 6 PS

Thánh Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, linh mục

Ga 16,12-15

THIÊN CHÚA VẪN PHÁN DẠY

 

“Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn… Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,13.15)

Suy niệm: Cuốn sách cuối cùng của bộ Thánh Kinh là Sách Khải Huyền được viết vào khoảng năm 100, nhưng không phải là kể từ ngày ấy Thiên Chúa đã lặng im không còn nói, không còn dạy bảo con người điều chi nữa. “Trong thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con…” (Dt 1,2). Những điều Thiên Chúa muốn nói qua Người Con đã được ghi lại trong bộ Thánh Kinh, còn Chúa Thánh Thần dần dần vén màn cho chúng ta thấu hiểu được sự thật toàn vẹn. Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy các tông đồ phải đợi đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống mới hiểu được những lời Chúa Giê-su đã nói. Và cũng không lấy làm lạ khi những lời đã được viết ra cả hằng ngàn năm nay, mỗi khi được tuyên đọc, vẫn khơi dậy trong chúng ta những tâm tình những sự hiểu biết và những sứ vụ luôn luôn mới.

Mời Bạn: Thiên Chúa vẫn luôn phán dạy bạn: Mỗi khi bạn đọc hoặc nghe Lời Chúa, chính Chúa Giê-su trực tiếp nói với bạn vì Ngài là Đấng Phục Sinh, “Đấng đã chết mà nay vẫn đang sống,” và Chúa Thánh Thần giúp bạn hiểu Lời Chúa Ki-tô vì “Người lấy của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Chia sẻ: Nhìn lại chính việc chia sẻ Lời Chúa: Bạn đang chia sẻ điều Chúa Thánh Thần nói với bạn hay bạn chỉ nói ý kiến riêng của mình?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi đọc Lời Chúa, bạn chân thành cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn dạy dỗ bạn.

Cầu nguyện: Hát: “Xin cho con biết lắng nghe…”

 

 

 

 

 

21.05.20

THỨ NĂM TUẦN 6 PS

Thánh Ki-tô-phô-rô Ma-ga-la-nê, linh mục, tử đạo

Ga 16,16-20

BUỒN-VUI: HAI NHỊP CỦA ĐỜI SỐNG

 

“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)

Suy niệm: Vui-buồn là hai nhịp đập của đời sống. Điều quan trọng là khi buồn, ta không để nỗi buồn dìm ta xuống hố sâu tuyệt vọng; cũng thế, lúc vui ta cũng không quá đà, đánh mất kiểm soát bản thân để rồi phải ân hận. Nghe Chúa Giê-su báo tin “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy”, các môn đệ buồn sầu là đúng. Nhưng Chúa không muốn để nỗi buồn đó khiến các ông chán nản, thất vọng. Ngài báo trước cũng chỉ “ít lâu nữa” thôi thì “nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Khoảng thời gian giữa lúc ra đi tới lúc gặp lại cả là một chiến trường đầy thử thách cam go. Ai vượt qua được, người ấy mới chứng minh được mình là môn đệ đích thực của Thầy Giêsu.

Mời Bạn: Dẫu biết rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”, “hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, nhưng hy vọng ánh sáng ở cuối đường hầm mãi luôn là thách thức cho mọi người. Người tín hữu đứng trước những khó khăn thách đố của cuộc sống, không trở nên bi quan tiêu cực, vẫn luôn hăm hở hoạt động cho “Nước Chúa trị đến” vì họ luôn hy vọng chắc chắn rằng “ít lâu nữa sẽ được thấy Thầy” và “nỗi buồn của mình sẽ trở thành niềm vui”, và niềm vui cao cả nhất chính là “phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).

Sống Lời Chúa: Sống đức trông cậy là biết loại bỏ những suy nghĩ bi quan, nhưng luôn lạc quan và hành động tích cực để “cho Nước Chúa trị đến.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, xin ban cho con sức mạnh của tình yêu, thứ sức mạnh khiến Chúa chiến thắng tử thần, để đức tin con thêm mạnh mẽ, đức cậy thêm vững vàng.

 

 

 

 

 

22.05.20

THỨ SÁU TUẦN 6 PS

Thánh Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu

Ga 16,20-23a

VUI VÌ SỰ SỐNG

 

“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đã đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.” (Ga 16,20-21)

Suy niệm: Niềm vui của những người theo Đức Giê-su không phải là một niềm vui tinh quái: vui trên những đau khổ của người khác; càng không phải là thứ niềm vui bệnh hoạn: lấy sự đau khổ của mình làm vui. Như người mẹ phải ưu phiền đau đớn để sinh con, và niềm vui vì đã sinh cho đời một con người vượt quá cơn đau đớn. Cơn đau của các thánh tử đạo trở thành niềm vui vì hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên quốc mà các ngài được hưởng. Các ki-tô hữu tìm thấy niềm vui ngay giữa những đau khổ lớn lao, vì những đau khổ ấy dẫn tới niềm vui đích thực không thể mất đi và cũng không bao giờ tàn lụi: đó chính là niềm vui vì được sống, được sống đời đời.

Mời Bạn: Cái nhìn ki-tô giáo về thế giới bể khổ này vừa thực tế (chấp nhận sự thật khổ não của nó) vừa lạc quan (có thể vượt qua nó để đem lại một cái gì đó tốt đẹp cho người khác, dù nhỏ bé). Bạn có dám chấp nhận một cái nhìn lạc quan như thế không?

Chia sẻ: Tôi và bạn làm gì để cùng với Chúa Giê-su biến điều khổ nhục nhất (thập giá) trở thành niềm vui lớn lao nhất (sự sống lại và sự sống đời đời)?

Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh, phục vụ tự nguyện với ý hướng đem niềm vui cho những người lân cận mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi cầu nguyện con thấy Chúa là niềm vui; trong đời thường, Chúa dạy con phải phục vụ. Xin cho con biết bắt chước Chúa biết tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi dấn thân phục vụ anh em.

 

 

 

 

 

23.05.20

THỨ BẢY TUẦN 6 PS

Ga 16,23b-28

ĐỨC GIÊ-SU LÀ CHÚA

 

“Thầy từ Chúa Cha mà đến.” (Ga 16,28)

Suy niệm: Một điểm đặc biệt trong phương pháp sư phạm của Đức Giê-su là giảng dạy bằng dụ ngôn. Người ta tính trong bốn sách Tin Mừng có khoảng 40 dụ ngôn, chiếm tỉ lệ khá cao trong các bài giảng của Ngài. Trong dụ ngôn, Ngài dùng những hình ảnh mộc mạc gần gũi: cây lúa, hạt cải, nắm men, chim sẻ, bông huệ… để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời mà trọng tâm là dung mạo đích thực của Chúa Cha qua Con Một Ngài, dung mạo của một Thiên Chúa yêu thương, trắc ẩn với nhân loại. Dung mạo ấy được diễn đạt trọn vẹn qua cuộc Vượt qua của Đức Giê-su: nhìn lên thập giá và chiêm ngắm Ngài phục sinh, ta nhận ra tình yêu quá lớn, tình yêu đến tận cùng của Người Con Một Thiên Chúa. Từ nay, ta không cần dụ ngôn, các dấu chỉ nữa, vì đã nhìn thấy trọn vẹn dung mạo của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Các môn đệ Đức Giê-su thưa: “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự… Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (c. 29). Vì sao các môn đệ có được niềm tin như thế? Còn bạn, bạn đã hoàn toàn tin tưởng vào Ngài chưa? Bạn có nhận ra dung mạo của Chúa Cha qua đời sống, con người của Ngài chưa? Việc Ngài phục sinh có đem lại điều gì mới cho cuộc đời bạn không?

Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa qua các dụ ngôn để nhận ra dung mạo yêu thương của Chúa và siêng năng rước Thánh Thể để kết hiệp trực tiếp với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tuyên xưng Ngài từ Thiên Chúa mà đến, Ngài có quyền năng cho chúng con sống lại. Xin giúp chúng con CHỈ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Amen.

 

 

 

 

 

24.05.20

CHÚA NHẬT TUẦN 7 PS – A

Chúa Thăng Thiên

Mt 28,16-20

RỒI NGÀI SẼ TRỞ LẠI

 

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20)

Suy niệm: Dân Do Thái ngày xưa không đi theo con đường thẳng từ Ai Cập để vào đất Ca-na-an, nhưng phải vòng quanh sa mạc vượt sông Gio-đan mới vào được Đất Hứa. Các môn đệ cũng muốn “theo đường chim bay” để “bay thẳng” lên thiên đàng, nhưng Chúa không muốn thế. Chúa lên trời để định hướng lại cái nhìn của các môn đệ. Sứ mạng của Đức Ki-tô đã hoàn tất trên thập giá nhưng sứ mạng của các ông thì chưa. Các ông phải quay trở lại Ga-li-lê, điểm hẹn của Chúa, để tiếp tục sứ mạng của mình tại chính điểm mà Đức Giê-su đã bắt đầu và thực hiện mệnh lệnh tối hậu của Ngài: loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc.

Mời Bạn: Mừng mầu nhiệm Chúa về trời, bạn bước vào một mùa vọng mới, mùa mong đợi Đức Ki-tô lại đến. Chúng ta, “những người Ga-li-lê” ngày nay không được phép cứ đứng nhìn trời mà không làm gì cả, nhưng hãy quay trở lại công trường của mình là cuộc sống trần thế này, sắn tay áo xây dựng nó xứng tầm với “thành đô Giê-ru-sa-lem mới” trong ngày Đức Ki-tô lại đến.

Chia sẻ: Phác thảo một số việc cụ thể bạn có thể làm để đưa mệnh lệnh của Chúa trước khi về trời áp dụng vào cuộc sống của bạn ngày hôm nay.

Sống Lời Chúa: Bạn làm thật tốt bổn phận của bạn ngày hôm nay để cầu nguyện cho việc rao giảng Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành tông đồ, để con loan báo Tin Mừng Chúa cho chính những người chúng con gặp gỡ. Amen.

 

 

 

 

 

25.05.20

THỨ HAI TUẦN 7 PS

Thánh Grê-gô-ri-ô VII, giáo hoàng

Ga 16,29-33

CÙNG CHIẾN THẮNG VỚI ĐỨC KI-TÔ

 

“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33)

Suy niệm: Ceasar đã ngạo nghễ tuyên bố trước Nguyên Lão Viện Rô-ma: “Veni, vidi, vici” (Ta đã đến, Ta đã thấy, và đã chiến thắng), để nói về chiến thắng thần tốc của ông tại Ponto (năm 47 tCN) trong công cuộc chinh phục các nước. Thế nhưng, ông chỉ triệt hạ được các thành trì, chứ không chinh phục được lòng người. Đức Giê-su cũng đã đến trần gian, đã nhìn thấy những nỗi khổ đau của con người và đã chiến thắng. Ngài chiến thắng thế gian, sự chết, quyền lực sự dữ. Khác với Ceasar, Ngài chinh phục lòng người, chinh phục không bằng phô trương sức mạnh, nhưng bằng cách tỏ tình yêu thương. Ngài chiến thắng cái ác bằng điều lành, thắng hận thù bằng tình thương, và thắng sự chết bằng sự sống lại.

Mời Bạn: Nhớ lại đêm Canh thức Phục sinh, khi thắp ngọn nến của mình từ nến Phục sinh, bạn tuyên xưng niềm tin vào chiến thắng của Đức Giê-su. Bạn tuyên xưng tình thương thắng hận thù, chân lý thắng gian tà, sự sống mạnh hơn sự chết.

Chia sẻ: Tôi có tin tưởng vào chiến thắng của Đức Giê-su không?

Sống Lời Chúa: Tập tham dự vào chiến thắng của Đức Giêsu qua việc nỗ lực chiến thắng tính ươn lười, hay vượt thắng một đam mê bất chính.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chiến thắng sự chết, hận thù, sự dữ. Xin cho chúng con được tham dự vào chiến thắng của Chúa, qua việc chiến thắng chính bản thân chúng con. Xin ban sức mạnh cho chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

26.05.20

THỨ BA TUẦN 7 PS

Thánh Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục

Ga 17,1-11a

ĐỨC GIÊ-SU KHÔNG LỢI DỤNG

 

“Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.” (Ga 17,9)

Suy niệm: Thời đại ngày nay có rất nhiều người lợi dụng người khác để làm lợi cho mình: có người lợi dụng sự nghèo khó của người khác để bóc lột họ, có người lạm dụng sự đơn sơ của trẻ em để làm những chuyện đồi bại, có người còn khai thác sự nhẹ dạ của người khác để làm tiền, có người lợi dụng chức quyền để vinh thân phì gia… Tình yêu chân chính là một tình yêu không tính toán, không vụ lợi, nhưng luôn luôn tôn trọng người mình yêu mến. Chúa Giê-su đã thực hiện điều ấy khi Ngài tâm tình với Chúa Cha: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế giannhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha”. Chúa Giê-su không lợi dụng ai cả. Ngược lại, các môn đệ là những người mà chính Ngài đã tuyển chọn, Ngài rất đỗi yêu thương cầu xin cho họ để họ tiếp tục công việc rao truyền ơn cứu độ cho nhân loại.

Mời Bạn: Trong cuộc sống, bạn có lợi dụng lòng yêu mến của người khác để bán rẻ địa vị Ki-tô hữu của mình bằng cách lừa đảo, nói dối để thủ lợi cho mình không?

Chia sẻ: Người thích lợi dụng người khác là người không có tâm hồn quảng đại và là người không biết thông cảm với người khác, họ thường trở nên gánh nặng cho mọi người: gánh nặng tâm lý và khó nhọc của thân xác vì bị họ bóc lột. Bạn có nghĩ như vậy không?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy xin lỗi một người đã bị bạn xúc phạm và làm tổn thương tình cảm và danh dự.

Cầu nguyện: Giữa cuộc đời đầy gian dối lọc lừa, xin Chúa giúp chúng con dám sống và làm chứng cho Sự Thật.

 

 

 

 

 

27.05.20

THỨ NĂM TUẦN 7 PS

Thánh Au-gút-ti-nô Can-tơ-bơ-ri, giám mục

Ga 17,11b-19

ƯỚC MONG HIỆP NHẤT

 

“Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” (Ga 17,21)

Suy niệm: “Hiệp nhất để loan báo Tin Mừng” là châm ngôn truyền giáo của nhiều tổ chức trong đạo chúng ta. Mong ước này phát xuất từ Chúa Giê-su, thông qua các môn đệ và đến với những ai tin vào lời các ngài giảng dạy. Nói đến hiệp nhất là gián tiếp nhìn nhận có nguy cơ  hoặc thực sự đã có phân hóa, bất đồng, chia rẽ. Sự phân hóa này không theo trình tự của lý thuyết biện chứng: phải có đối kháng để đi tới một hợp nhất mới mẻ hài hoà hơn. Trên thực tế những sự phân hoá, bất đồng thường gây ra những phân ly, đổ vỡ kéo dài rất khó hoặc không thể hàn gắn về sau. Chúa Giê-su thấy trước nguy cơ này trước khi Ngài từ bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Lời cầu của Ngài còn là một mệnh lệnh cho các tông đồ phải xây dựng, bảo vệ sự hiệp nhất trong Hội Thánh, coi đó như điều kiện tiên quyết cho việc loan báo Tin Mừng. Sự hiệp nhất của Hội Thánh phải theo khuôn mẫu của sự hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi, để qua đó thế gian nhận biết Chúa Cha và Đấng Ngài sai đến là Giê-su Ki-tô, để mọi người được ơn cứu độ (Ga 17,3).

Mời Bạn: Tiếp nối sứ vụ của Chúa Giê-su và các môn đệ Ngài, mỗi tín hữu chúng ta cần phải canh cánh bên lòng châm ngôn: “hiệp quần tạo nên sức mạnh”, và sức mạnh này sẽ biến thành sức bật cho công cuộc truyền giáo hiện mọi thời và mọi nơi.

Sống Lời Chúa: Cùng với cộng đoàn hoặc nhóm của mình, thực hiện chung một công tác tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, như tình yêu trong Chúa Ba Ngôi, hầu cho thế gian tin vào Chúa và được ơn cứu độ.

 

 

 

 

 

28.05.20

THỨ NĂM TUẦN 7 PS

Ga 17,20-26

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CHÚA

 

“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.” (Ga 17,24)

Suy niệmCác tông đồ đầu tiên được biến đổi từ những ngư dân hồ Ga-li-lê trở thành môn đệ Chúa Giê-su qua ba hành động: đến, xem và ở lạiỞ lại là một quá trình dài lâu, không chỉ vài ba ngày, dăm ba tháng, đôi ba năm, nhưng là cả cuộc đời. Nhờ ở lại với Thầy Giê-su, các môn đệ nhận biết Thầy mình là Thiên Chúa ở giữa con người, rất mực yêu thương đến độ trở thành bạn hữu của họ. Ngài còn muốn nâng họ lên một tầm cao hơn nữa: “Con muốn rằng con ở đâu, những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.” Đó là sự hiệp thông sâu xa nhất mà tình yêu có khả năng đem lại, một sứ điệp có sức biến đổi ý nghĩa cả cuộc đời ta khi biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương như vậy.

Mời bạn – Chia sẻĐến lượt mình, chúng ta cũng được mời gọi diễn tả tình thương yêu ấy cho người khác. Trong những tháng qua, dịch bệnh Covid-19 làm cản trở nhịp sinh hoạt của đời sống xã hội và tôn giáo. Bị cách ly xã hội nhưng các tín hữu vẫn cảm nếm được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, qua các sáng kiến mục vụ của các vị mục tử, qua các Thánh lễ, giờ Chầu Thánh Thể, cầu nguyện trực tuyến; các sáng kiến của lòng cảm thương đối với những phận người nghèo khó. Bạn đã sống đức tin, tình yêu trong hoàn cảnh này như thế nào?

Sống Lời Chúa: Sau Thánh lễ, thinh lặng cầu nguyện trước Chúa Giê-su Thánh Thể, hay tìm một “góc riêng” để học biết cảm nếm tình thương của Chúa dành cho mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra Chúa vẫn luôn ở với con và yêu thương con mọi ngày. Amen.

 

 

 

 

 

29.05.20

THỨ SÁU TUẦN 7 PS

Thánh Phao-lô VI, giáo hoàng

Ga 21,15-19

CHÚA BIẾT CON MẾN CHÚA

 

Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: “Này anh Si-mon, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con mến Thầy.” (Ga 21,15)

Suy niệm: Chỉ có Chúa mới khẳng định một cách chắc chắn về tình yêu của Ngài đối với chúng ta: – một tình yêu luôn đi bước trước; – một tình yêu luôn trung thành; – một tình yêu đã yêu là yêu tới cùng. Còn Phê-rô dù đã từng mạnh miệng tuyên bố “có phải chết vì Thầy cũng không bỏ Thầy,” ông cũng “run” khi phải trả lời Thầy câu hỏi “có yêu không”. Dù biết mình thực sự yêu Thầy với tất cả tấm lòng, nhưng Phê-rô cũng quá hiểu tình yêu của mình thật nhỏ bé mong manh, lại hay thay đổi, nên ông chỉ biết dựa vào tình yêu của Chúa để bảo đảm cho tình yêu của mình: “Thầy biết con mến Thầy”.

Mời Bạn: Ít nhiều chúng ta kinh nghiệm cay đắng về tình yêu mong manh và hay thay đổi của chúng ta. Và chúng ta cũng cảm thấy như thánh Phê-rô, cần phải đặt tình yêu của mình ở trong một tình yêu lớn hơn: đôi tân hôn cam kết trước bàn thờ Chúa “để tình yêu của họ được Thiên Chúa đóng ấn” là vì thế. Nói rộng hơn, tôi tha thứ cho người khác là vì tôi đã được Chúa tha thứ nhiều hơn gấp bội phần; tôi dấn thân phục vụ người khác là vì Ngài đã phục vụ tôi đến độ hiến dâng cả mạng sống mình.

Chia sẻ: Yêu người như Chúa yêu là cách lý tưởng để thăng tiến các mối quan hệ nhân loại.

Sống Lời Chúa: Trước hoặc sau mỗi việc làm cho người khác, tôi tự hỏi: “Trong hoàn cảnh này của tôi, Chúa sẽ cư xử như thế nào?”

Cầu nguyện: Hát: “Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con.”

 

 

 

 

 

30.05.20

THỨ BẢY TUẦN 7 PS

Đức Ma-ri-a thăm viếng bà Ê-li-sa-bét

Lc 1,39-56

NIỀM VUI CỦA THĂM VIẾNG

 

“Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,45)

Suy niệm: Nhà văn Antoine de Saint-Exupéry tâm sự: “Nếu bạn đến thăm lúc bốn giờ chiều, tôi sẽ cảm thấy vui từ lúc ba giờ.” Trong sự kiện Thăm viếng, người cảm thấy vui trước hết không phải là bà Ê-li-sa-bét, nhưng là Đức Ma-ri-a. Niềm vui đã chớm nở nơi ngài từ lúc nhận được tin người chị họ son sẻ có thai lúc tuổi đã cao. Niềm vui ấy khiến ngài vội vã vượt quãng đường dài, núi đồi cách trở, để đến thăm và ở lại ba tháng phụ giúp bà Ê-li-sa-bét. Sự hiện diện của Đức Ma-ri-a ở ngôi nhà ở Ain-Karim đem lại niềm vui cho người chị họ. Một niềm vui quá lớn khiến bà phải “kêu lớn tiếng” chúc tụng, cũng như làm cho thai nhi Gio-an trong dạ mẹ nhảy lên vui sướng. Được cả hai Mẹ Con Đấng Cứu thế ưu ái viếng thăm là một vinh dự lớn lao, chứ đâu phải chuyện nhỏ.

Mời Bạn: Đến nhà người quen, bạn bỏ giày dép dính bụi đất ngoài cửa rồi mới bước vào nhà. Cũng vậy, bạn hãy rũ  bỏ những dự tính ích kỷ, những giận hờn nhỏ nhen, để bước vào thế giới của người quen thân. Tựa như Đức Mẹ đưa Chúa Giê-su đến thăm gia đình bà Ê-li-sa-bét, bạn cũng hãy đem Chúa Giê-su, niềm vui của Tin Mừng, đến với các gia đình bạn thăm viếng, để nhờ vậy, các gia đình ấy cảm nhận sự hiện diện của Chúa giữa gia đình mình.

Sống Lời Chúa: Tôi tập thói quen dành thời gian ngày Chúa Nhật để đi thăm các gia đình nghèo túng, ốm đau, tang chế, kém may mắn…

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã hy sinh thời gian đi thăm viếng, ở lại nâng đỡ người chị họ. Xin cho con biết noi gương Mẹ, sẵn sàng dành thời giờ cho việc thăm viếng các gia đình khác.

 

 

 

 

 

31.05.20

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Ga 20,19-23

GIỐNG NHƯ CHÚA KI-TÔ

 

“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21)

Suy niệm: “Sứ vụ chính của Chúa Thánh Thần không phải là đem lại sự xúc động, nhưng tạo nên nơi ta tính cách giống như Đức Ki-tô” (Thần học gia J. Packer). Ki-tô giáo trình bày cho nhân loại một hướng đi, một mục đích rõ ràng cho cuộc đời con người: tôn vinh Chúa và cứu độ mình cùng với người khác. Đồng thời Ki-tô giáo cũng giới thiệu cho ta một hình tượng lý tưởng rất gần gũi, rất thật với con người. Đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là mẫu gương hoàn hảo cho ta về cung cách sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha, cũng như sống tình huynh đệ với người khác như anh em, chị em với nhau. Thánh Thần, Đấng hiện diện trong ta, sẽ giúp ta tập có những tâm tình, cũng như sống các tính cách như-Giê-su ấy trong cách hành xử mỗi ngày.

Mời Bạn: “Tôi không muốn thế gian định nghĩa Chúa cho mình. Tôi muốn Thánh Thần mạc khải Chúa cho mình” (A. Tozer). Chúa Thánh Thần giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn với Thiên Chúa qua Chúa Giê-su, để sống tình cha-con với Ngài như Chúa Giê-su đã từng làm gương. Bạn hãy nhớ đến Thánh Thần mỗi khi khởi đầu ngày sống, trước các việc đạo đức, cũng như trước mỗi lựa chọn lớn nhỏ trong ngày, để bạn càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Người Anh Cả của mình.

Sống Lời Chúa: Trước các công việc của ngày sống, tôi hướng về Thánh Thần, xin Ngài giúp tôi biết tâm tình phải có để sống đẹp lòng Chúa Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, cảm tạ Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn con. Xin giúp con có những tâm tình, tính cách như Chúa Ki-tô. Amen.