Với Tông thư dưới dạng Tự sắc “Aperuit illis”- “Người mở trí cho các ông” ĐTC thiết lập: “Chúa nhật thứ ba mùa thường niên dành cho việc cử hành, suy niệm và phổ biến Lời Chúa”. Văn kiện được công bố thứ hai ngày 30 tháng 9, phụng vụ kính nhớ Thánh Giêrônimô, cũng là ngày kỷ niệm 1600 năm ngày mất của dịch giả Kinh thánh nổi tiếng, người đầu tiên dịch bộ Cựu ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh. Chính Thánh nhân là người đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa kitô”.
Chúa Giêsu mở tâm trí để hiểu Kinh Thánh
ĐTC giải thích rằng với quyết định này, ngài muốn đáp ứng yêu cầu của nhiều tín hữu, muốn Giáo hội cử hành Chúa nhật của Lời Chúa. Tự sắc bắt đầu bằng đoạn Tin mừng của Thánh Luca (Lc 24,45), thuật lại việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ “trong khi các ông tập hợp, Người bẻ bánh với các ông và mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”. Các môn đệ đang sợ hãi và thất vọng, Chúa mạc khải ý nghĩa mầu nhiệm vượt qua: theo kế hoạch đời đời của Chúa Cha, Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, Người từ cõi chết sống lại để trao ban ơn hoán cải và tha thứ tội lỗi; và Người hứa Chúa Thánh Thần sẽ ban cho họ sức mạnh để làm chứng về Mầu nhiệm cứu độ này.
Tái khám phá Lời Chúa trong Giáo hội
ĐTC nhắc lại những sự kiện và văn kiện quan trọng liên quan đến Lời Chúa. Trước hết là Công đồng Vatican II với Hiến chế “Dei Verbum” đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tái khám phá Lời Chúa. Tiếp đến, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã triệu tập Thượng hội đồng Giám mục vào năm 2008 về chủ đề “Lời Chúa trong cuộc sống và trong sứ mệnh của Giáo hội”. ĐGH Biển Đức đã viết Tông Huấn “Verbum Domini”, thiết lập một giáo huấn không thể thiếu cho cộng đoàn.Tông Huấn nói đến “Đặc tính huấn luyện của Lời chúa được đào sâu, trước hết trong khi cử hành phụng vụ”.
Lời Chúa thúc đẩy hiệp nhất
ĐTC nhấn mạnh rằng Chúa nhật của Lời Chúa được bố trí vào thời điểm trong năm, mời gọi củng cố mối tương quan với người Do Thái và cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo: “Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên của thời gian: cử hành Chúa nhật của Lời Chúa biểu lộ một giá trị đại kết, bởi vì Sách Thánh chỉ cho người nghe con đường đi đến sự hiệp nhất đích thực và vững chắc”.
Cách thức cử hành
ĐTC khuyến khích sống Chúa nhật này như một ngày lễ trọng. Điều cần lưu ý là trong khi cử hành Thánh lễ, bản văn Kinh Thánh được cung nghinh, để cho những người tham dự phụng vụ thấy được giá trị chuẩn mực của Lời Chúa. Vào Chúa nhật này, các Giám mục cử hành nghi thức trao ban thừa tác vụ Lời Chúa hoặc ủy thác cho một thừa tác vụ cử hành, để nhắc lại tầm quan trọng của việc công bố Lời Chúa trong phụng vụ.Trong thực tế, điều quan trọng là cần phải chú ý đến việc chuẩn bị tốt cho một số tín hữu công bố Lời Chúa. Cha xứ có thể tìm các hình thức trao Kinh Thánh cho cộng đoàn phụng vụ, để chỉ cho cộng đoàn thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục đọc, đào sâu, và cầu nguyện với Sách Thánh.
Kinh Thánh, sách của Dân Chúa
ĐTC viết: “Kinh Thánh không thể là di sản, bộ sưu tập chỉ dành cho một số người. Người ta hay có xu hướng độc quyền Kinh Thánh, chỉ dành cho các nhóm được chọn. Không thể như thế. Kinh thánh là sách của dân Chúa. Khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa, Lời Chúa sẽ giúp chúng ta đi từ sự phân tán và chia rẽ đến hiệp nhất. Lời Chúa hiệp nhất các tín hữu và làm cho họ trở thành một dân duy nhất.
Trong dịp này, ĐTC cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc chuẩn bị bài giảng. ĐTC viết: “Các vị mục tử có trách nhiệm lớn trong việc giải thích Kinh Thánh, giúp người nghe có thể hiểu bằng ngôn ngữ đơn giản phù hợp. Thực tế, đối với nhiều tín hữu thì đây là cơ hội duy nhất để họ nắm bắt được vẻ đẹp của Lời Chúa và suy niệm Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Giải thích Kinh Thánh không thể thực hiện theo kiểu ứng biến; trái lại, các nhà giảng thuyết phải quyết tâm không đi quá xa hoặc ra ngoài nội dung của các bài đọc. Khi chúng ta dừng lại, suy niệm và cầu nguyện trên chính Sách Thánh, chúng ta có thể nói bằng trái tim và đi vào tâm hồn những người lắng nghe”.
Kinh Thánh được viết vì ơn cứu độ con người
Liên hệ đến sự kiện các môn đệ trên đường Emmaus, ĐTC nói “không thể tách rời mối tương quan giữa Sách Thánh và Thánh Thể”. Kinh Thánh không phải là một bộ sách lịch sử, nhưng Kinh Thánh được viết ra vì ơn cứu độ con người. Tính lịch sử của Sách Thánh không làm cho chúng ta quên mục đích đầu tiên đó là: Ơn cứu độ của chúng ta. Mục đích này được diễn tả trong Kinh Thánh, như một lịch sử cứu độ. Trong đó Thiên Chúa nói và hành động để gặp gỡ và cứu con người khỏi sự ác và cái chết. Để đạt được mục đích cứu độ này, Thánh Kinh dưới tác động của Chúa Thánh Thần đã biến lời của con người thành Lời Chúa. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Kinh thánh là nền tảng. Nếu không có hành động của Thánh Thần, chúng ta sẽ dễ có nguy cơ nhốt bản văn theo chữ viết, khiến cho việc giải thích bản văn trở nên dễ dàng. Vì thế chúng ta phải cẩn thận để không phải bội đặc tính linh hứng, năng động, thánh thiêng của Sách Thánh. Như thánh Phaolô nhắc nhở: “Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2Cr, 3,6).
Vai trò của Chúa Thánh Thần
ĐTC nhắc đến những khẳng định quan trọng của Công đồng Vatican II; theo Công đồng, Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, thì cũng phải được đọc và giải thích nhờ chính Thánh Thần” (Dei Verbum, 12).
Với Chúa Giêsu Kitô, mạc khải của Thiên Chúa đã hoàn thành và trọn vẹn; nhưng Chúa Thánh Thần tiếp tục hành động. Do đó, cần phải tin tưởng vào hoạt động của Thánh Thần, Đấng tiếp tục linh hứng khi Giáo hội dạy Kinh thánh, khi Huấn quyền giải thích một cách xác thực và khi mọi tín hữu biến nó thành chuẩn mực tâm linh.
Kinh Thánh và Truyền thống: nguồn mạc khải duy nhất
Nói về việc Nhập thể của Ngôi Lời, ĐTC lưu ý rằng “chúng ta thường có nguy cơ tách rời Kinh Thánh và Truyền thống thiêng liêng, nhưng lại không hiểu rằng cả hai là nguồn Mạc Khải duy nhất. Tin vào Kinh Thánh dựa trên Lời hằng sống, không phải trên một cuốn sách. Khi Sách Thánh được đọc dưới sự linh hứng của cùng một Thánh Thần đã viết ra, Sách Thánh luôn luôn mới. Do đó, bất cứ ai được Lời Chúa nuôi dưỡng mỗi ngày đều trở nên giống như Chúa Giêsu, người đó không bị rơi hoài niệm quá khứ, cũng không rơi vào những điều không tưởng hướng tới tương lai.
Lời Chúa không bao giờ nhàm chán
ĐTC khuyến khích đừng bao giờ làm cho Lời Chúa trở nên nhàm chán. Chúng ta phải luôn để Lời Chúa nhắc nhở chúng ta theo một cách mới “về tình yêu thương xót của người Cha đòi yêu cầu con cái sống đức ái. Lời Chúa mở mắt chúng ta, mở cho chúng ta con đường chia sẻ và liên đới, cho phép chúng ta thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa làm chúng ta ngạt thở và cằn cỗi.
Văn kiện kết thúc với tâm tình hướng đến Đức Maria, Người đồng hành với chúng ta “trong hành trình đón nhận Lời Chúa” dạy chúng ta các mối phúc của những người lắng nghe và tuân giữa Lời Chúa.
Sergio Centofanti
Ngọc Yến chuyển ngữ
(VaticanNews 01.10.2019)