“Cơn bảo toàn diện ” (A perfect storm), thành ngữ tiếng Anh mô tả cuộc khủng hoảng tác hại trên Giáo hội công giáo. Trận cuồng phong làm rung chuyển Giáo hội tích tụ nhiều yếu tố nặng nề làm tăng thêm sức mạnh của nó.
Ở đây chữ “perfect” của tiếng Anh không có nghĩa là “hoàn hảo” nhưng là “toàn diện”, “trọn vẹn”. Đó là cơn bão toàn diện. Các lý do của cơn bão không phải do gần đây cũng không phải ở bề mặt. Các lời giải thích muốn làm giảm cơn choáng của Giáo hội công giáo thành âm mưu xoàng xỉnh của những người “bảo thủ” muốn chống một giáo hoàng cải cách, các lời giải thích này quá đơn giản. Đúng là giáo hoàng Argentina này đã thay đổi phong cách và tầm nhìn của giáo hoàng. Điều đáng kể là sóng thần đã nổ ra năm năm sau cuộc bầu chọn Đức Phanxicô ngày 13 tháng 3 năm 2013. Giữa gốc rễ của các vấn đề đã có từ trước triều giáo hoàng của ngài. Sự hỗn loạn này có khả năng kéo dài. Nếu hôm nay còn quá sớm để ước tính mức độ các hệ quả, nhưng có thể năm 2018 – cũng như năm 1054, năm xảy ra vụ ly giáo lớn lao của Phương Đông, hay năm 1517 của cuộc cải cách tin lành – sẽ là năm nằm trong biên niên sử của Giáo hội. Thêm nữa một số các giám chức gọi trận động đất này là trận “thanh tẩy” thì trong đó lại ẩn giấu một đức tính nghịch lý. Đức tính này cảm nhận được trong hàng ngũ giáo dân: sự rung chuyển làm mất uy tín thể chế công giáo nhưng nó lại kích thích đức tin kitô, củng cố sự gắn kết của cộng đoàn chung quanh các mục tử chân chính và nhất quán. Đó là một Giáo hội được đổi mới có thể tái sinh từ sự hạ thấp này.
Trước khi phân tích sự kiện này, điều quan trọng là phải xem lại ẩn ý của hiện tượng. Nó liên kết ít nhất ba động lực riêng biệt cho đến nay: một là cấu trúc, một là trí tuệ và một là đạo đức.
Yếu tố đầu tiên là yếu tố cấu trúc đụng đến sự khó khăn của việc thay đổi quản trị trong hệ thống cai quản giáo triều thế tục Rôma. Đức Phanxicô, người có sức hấp dẫn đã thay đổi, nhưng ngài tự cắt đứt mình khi ngài đả kích một phần lớn ban quản trị mà đa số là người Ý. Đức Bênêđictô XVI cũng thất bại trong cuộc cải cách tương tự ở giáo triều, một thất bại giải thích phần nào cho việc từ nhiệm của ngài. Đức Gioan-Phaolô II cuối cùng cũng đầu hàng. Do đó ở trung tâm Vatican luôn có cuộc đối đầu liên tục không phải giữa nhóm bảo thủ và tiến bộ, nhưng giữa hai quyền lực tối cao: một là giáo hoàng được chọn, một là nhóm mà trong thời gian mật nghị người ta gọi là “đảng giáo triều”. Đó là “quản trị” theo đúng nghĩa của thuật ngữ Mỹ. Trung tâm quản trị của ngài chính yếu là người Ý. Văn phòng kỹ thuật áo chùng này bảo đảm sự trường kỳ của thể chế đứng trước các lập dị có thể có của giáo hoàng. Loại Quốc gia trong Quốc gia này, so sánh với đẳng cấp hành chánh ở Pháp, họ có thể là người bảo thủ hay tiến bộ tùy theo chính sách của giáo hoàng, nhưng họ canh giữ để thể chế được trường tồn. Vatican là vật sở hữu của họ. Đối với họ, các giáo hoàng nếu không phải là người Ý thì vẫn là người nước ngoài. Đức Karol Wojtyłsau một phần tư thế kỷ ở ngôi giáo hoàng vẫn bị gọi là “giáo hoàng Ba Lan.” Đức Phanxicô bằng cách tấn công trực diện nhiều lần “các bệnh” của giáo triều, ngài đã mất đi phần nào sự hỗ trợ cho các dịch vụ của mình. Họ im lặng. Ở Ý, người ta không có thói quen chỉ trích công khai giáo hoàng.
Làn sóng tấn công cơ bản thứ nhì là về mặt trí tuệ: nó phản đối các quan điểm trái ngược về những gì Giáo hội công giáo nên là, trong sứ mạng, trong phong cách của mình. Với cuộc tranh luận trọng tâm: chủ nghĩa hiện đại trong Giáo hội và thẩm quyền của giáo hoàng. Vấn đề này đã tiềm ẩn ở Công đồng Vatican I năm 1869, ngay sau khi các Quốc gia giáo hoàng bị mất. Năm 1963, vấn đề này lại được nêu lên rõ ràng khi mở công đồng hiện đại Vatican II. Và lại được đưa ra một lần nữa trong lần chuyền tiếp giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô. Giáo hoàng Bênêđictô, người bảo vệ Công đồng Vatican II từ chối “phá vỡ” truyền thống Giáo hội. Ngài muốn dung hòa cái cũ và cái hiện đại. Nhưng chủ nghĩa cải cách cấp tốc của Đức Phanxicô, về “tính làm việc đồng đội” trong Giáo hội, chỗ đứng của những người đồng tính và ngày mai, hôn nhân của các linh mục đã khơi lên các đối nghịch cũ. Tuy nhiên trên lãnh vực này, người bảo thủ, người tiến bộ không cùng ở trong một chiến trường cải cách về cơ cấu.
Làn sóng thứ ba là đạo đức: việc tiết lộ các vụ tai tiếng có tầm mức rộng lớn toàn cầu, các linh mục ấu dâm trong những năm 2000 và vụ cấm nói của các giám mục trong việc quản trị các vụ này từ năm 2015, đã tạo cuộc khủng hoảng về uy tín của thẩm quyền đạo đức cả bên ngoài và bên trong Giáo hội. Nhưng ở đây cũng vậy, vấn đề đến từ rất xưa. Luôn có các vụ bê bối đạo đức trong Giáo hội. Các vụ được phát triển trong một bí mật tội lỗi chống lại trẻ em vô tội và các nạn nhân từ những năm 1950 với cuộc cách mạng tình dục ở Mỹ. Trong những năm 2000, các vụ này đã công khai bùng nổ ở Ai-len và Boston. Ở đây Đức Phanxicô đương đầu cùng một thách đố giống Đức Bênêđictô XVI, người đầu tiên đã có can đảm đưa vấn đề này ra công khai dù phải trả bất cứ giá nào. Và ở đây, trong vấn đề này, các người “bảo thủ” cũng không phải lúc nào cũng ở nơi chúng ta có thể hình dung được.
Hiếm khi một doanh nghiệp nào, dù công giáo không phải là một doang nghiệp, lại chịu cùng lúc và bị đánh thẳng vào đích làm mất quân bình bởi một sự kết hợp hung bạo của ba mũi nhọn loại này, cấu trúc, trí tuệ, đạo đức. Khác biệt, ba hồ sơ gây tranh cãi này có nhịp điệu và nơi chốn diễn tả rất khác nhau. Nhưng bây giờ chúng lại liên kết trong một chiến trường toàn cầu, kèm theo một sự nhầm lẫn chung của trái tim và tâm trí. Tinh thần của các nhóm, hàng giáo sĩ, hàng ngũ cấp cao ủ rủ tang tóc. Tại các nước có các vụ tai tiếng, con số chủng sinh đã giảm trong mùa tựu trường năm 2018 ở các chủng viện. Một số người công giáo còn đi xa hơn đến mức, họ xin bỏ tên ra khỏi sổ rửa tội. Cách đây hai mươi năm, vào thời Đức Gioan-Phaolô II, niềm tự hào là người công giáo ở cao điểm, nhưng bây giờ giáo dân lại cảm thấy xấu hổ mình là người công giáo. Đức Phanxicô còn cho đây là là hành động của “ma quỷ”. Tháng 10 năm 2018, ngài xin tín hữu đọc kinh mân côi để tránh sự xuống cấp này. Nhưng làm thế nào mà giới công giáo, được tiếng khôn ngoan và có trật tự đã xuống đến mức như thế này năm 2018?
1,4% linh mục là ấu dâm
Ba tia lửa cùng châm ngòi đốt. Tia đầu tiên đến từ Chi-Lê khi Đức Phanxicô đến thăm nước này vào tháng 1 năm 2018, trước khi ngài đến Pê-ru. Ở đó, ngài nhận một sự tiếp đón lạnh lùng, phạm một vài vụng về đối với các nạn nhân của các linh mục ấu dâm. Điều này đã mở ra một cuộc tranh cãi tiết lộ vụ tai tiếng ấu dâm và đồng tính ở tầm mức rộng lớn, được một số giám mục đồng tình bao che. Trên máy bay về Rôma, Đức Phanxicô đặt tất cả sức mạnh của mình trên cán cân, công khai bênh vực Hội đồng Giám mục Chi-Lê. Sự thật nhanh chóng làm cho quan điểm của ngài không thể bảo vệ được. Để tìm lối thoát, vào giữa tháng 5, ngài triệu tập các giám mục Chi-Lê về Vatican. Ở đây, 34 trong số 50 giám mục đệ đơn từ chức tập thể. Sau đó Đức Phanxicô tiếp các nạn nhân và quyết định gởi giám mục Charles Scicluna qua Chi-Lê điều tra. Và giám mục Scicluna đã có một báo cáo khủng khiếp, xác nhận những nỗi sợ hãi đáng sợ nhất. Vào mùa thu, các hình phạt giáng xuống, bao gồm cả việc trục xuất khỏi chức thánh nhiều giám mục. Việc quản lý hỗn loạn vụ Chi-Lê đã làm suy yếu đáng kể hào quang của Đức Phanxicô ở Châu Mỹ La Tinh. Trên hết, ở phạm vi thế giới, nó chứng minh việc sử dụng lời nói dối công khai đã tồn tại trong Giáo hội công giáo. Và từ đó có nghi ngờ.
Tia lửa thứ nhì lần này đốt lên ở Mỹ. Ngày 15 tháng 8 năm 2018, tổng công tố viên của bang Pennsylvania công bố một bản báo cáo cho biết trong 70 năm có 301 linh mục công giáo – hai phần ba trong số họ đã qua đời – đã lạm dụng trên 1000 nạn nhân. Thực tế của những con số này đã được biết đến. Một cuộc khảo sát có tầm mức lớn hơn đã được Hội đồng John Jay của Tòa Hình sự New York (John Jay College of Criminal Justice) thực hiện trên toàn nước Mỹ năm 2004. Cuộc khảo sát cho biết từ năm 1950 đến năm 2002 có 4 400 linh mục ở Mỹ đã bị kết án vào tội lạm dụng trên trẻ vị thành niên, như thế có khoảng 4 % trong 110 000 linh mục làm sứ vụ trong thời gian này, với con số nạn nhân khoảng 11000 nạn nhân. Nhưng trong bối cảnh của vụ Chi-Lê, các thống kê của báo cáo Pennsylvania có tác dụng của một quả bom, dù năm 2017, chỉ có hai trường hợp ấu dâm được phát hiện trong số 2500 linh mục của sáu giáo phận của tiểu bang. Sự náo động truyền thông và rối loạn đạo đức đã tạo phản ứng dây chuyền. Có đến năm tiểu bang khác ở Mỹ đã quyết định bắt đầu các cuộc điều tra tương tự, và cần từ một đến hai năm để làm công việc điều tra này. Vào cuối tháng 9 năm 2018, tại Đức, Hội đồng Giám mục công giáo dẫn đầu bằng cách công bố số liệu riêng của mình: giữa năm 1946 và 2014, có ít nhất 3 677 trẻ em, đa số là các em bé trai dưới 13 tuổi đã là nạn nhân của 1670 giáo sĩ. Một tỷ lệ 4,5 % các linh mục trong khoảng thời gian khủng hoảng này. Tại Pháp, một số người yêu cầu một ủy ban quốc hội cũng làm một cuộc điều tra tương tự. Giáo hội Ba Lan cũng công bố một bản báo cáo. Chung chung, Tòa Thánh ước tính khoảng 1,4 % số linh mục ấu dâm trên toàn cầu. Một thiểu số, nhưng một thiểu số như thế cũng đã là quá.
Tia lửa cuối cùng thứ ba là tia lửa đốt cháy hỗn hợp đã rất bùng nổ này, đó là vụ Viganò, được đặt theo tên của Giám mục Carlo Maria Viganò, cựu sứ thần Tòa Thánh ở Mỹ từ năm 2011 đến năm 2016. Trước khi vượt Đại Tây Dương đi Mỹ, Giám mục Viganò là tổng thư ký Thành đô Vatican, người trách nhiệm quản lý tất cả hồ sơ các sứ thần trên thế giới. Giám mục là một trong số người biết nhiều tin tức, rành guồng máy Giáo hội công giáo và những người điều hành guồng máy này. Ngày 25 tháng 8 năm 2018, trong một bức thư ngỏ, Giám mục “ý thức” vai trò giám chức của mình, phá vỡ bí mật giáo hoàng, Giám mục yêu cầu … Đức Phanxicô từ chức. Đáng kể Giám mục đổ lỗi Đức Phanxicô bao che tác phong đồng tính của Hồng y Theodore McCarrick, cựu Tổng Giám mục giáo phận Washington năm nay đã 88 tuổi. Dưới áp lực truyền thông và sau vụ ấu dâm, ngày 28 tháng 7 – 2018, Đức Phanxicô bỏ tước vị hồng y của Hồng y McCarrick và buộc hồng y phải sống đời sống ăn năn. Nhưng cơ sở tấn công của Giám mục Viganò là ở chỗ khác. Giám mục cho rằng Đức Phanxicô đã biến cựu hồng y McCarrick là người cố vấn chính của mình trong các vấn đề ở Mỹ, nhất là việc bổ nhiệm các giám mục ủng hộ cho phong trào LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới). Giám mục Viganò cũng tố cáo có sự tồn tại của “vận động hành lang đồng tính” ở Vatican và trong Giáo hội, Giám mục đưa ra nhiều chỉ dẫn nhằm mục đích “lật đổ” giáo điều công giáo trong lĩnh vực này. Do đó, Giám mục Viganò cầu khẩn “tất cả các giám mục phá vỡ văn hóa im lặng” về đồng tính của một phần giáo sĩ. Đức Giáo hoàng từ chối không nói “một lời” về bức thư này. Nhưng hai tháng sau khi bức thư được công bố, không một phủ nhận nghiêm trọng nào về cơ sở của lời buộc tội, cụ thể là sự tồn tại và ảnh hưởng của các mạng đồng tính trong Giáo hội. Chỉ có Hồng y Canada Marc Ouellet, bị chất vấn qua một bức thư ngỏ thứ nhì của Giám mục Viganò vào đầu tháng 10, đã công khai chống lại việc Đức Phanxicô biết thông tin về hồng y McCarrick. Tuy nhiên, trong câu trả lời của mình, Hồng y Oellet công nhận một phần thực tế của vấn đề do Giám mục Viganò nêu ra. Đồng điệu với nhiều nhân vật của Vatican cùng xác nhận tất cả những gì mọi người đều biết dưới lớp áo phủ: bản chất của sự kiện Giám mục Viganò tố cáo là chính xác.
Vụ Viganò
Dù sao Vatican cũng đưa ra một chiến lược để phản ứng lại bức thư của Giám mục Viganò. Tuần lễ đầu tiên là các tấn công cá nhân nhắm đến sự “trả thù” của Giám mục Viganò. Mười ngày sau, tuyến tấn công thứ nhì là: Giám mục Viganò ở trong tay những người “bảo thủ” chống Đức Phanxicô ở Mỹ, đã thao túng Giám mục để làm suy yếu các vụ cải cách. Cuối tháng 9, tuyến tấn công thứ ba và tuyến này bây giờ rất tích cực: trách nhiệm của các vụ thuần phong này không chỉ thuộc về Đức Phanxicô mà một phần là của Đức Bênêđictô XVI và đặc biệt dưới triều Đức Gioan-Phaolô II. Ngoài vòng thân cận của Rôma, các nhân vật am tường ở Mỹ đều từ chối ý tưởng yêu cầu giáo hoàng từ chức, nhưng cho rằng Tòa Thánh phải đối diện với ba khủng hoảng của Giáo hội, về thực chất đó là các vấn đề nghiêm trọng mà sứ thần công kích. Trong số các nhân vật này có Hồng y DiNardo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ và linh mục Dòng Tên Mỹ Thomas J. Reese rất có ảnh hưởng, người thân cận với Đức Phanxicô.
Chúng ta đang ở thời điểm tháng 10 năm 2018. Nhiều dấu hiệu cho thấy Đức Phanxicô, không thể cho giám mục Viganò, người tố cáo mình là hợp lý, ngài cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Ngày 12 tháng 10, ngài chấp nhận để hồng y Donald Wuerl, Tổng Giám mục giáo phận Washington từ chức, nhân vật chủ chốt của tất cả quá khứ này và có liên hệ đến tài liệu của giám mục Viganò. Tháng 2 năm 2019, Đức Phanxicô đã triệu tập các chủ tịch các Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới về Vatican họ để đối diện với cơn bão này. Hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng là hành động chưa từng có trong việc điều hành guồng máy của Vatican.
Cuối cùng, có một dữ liệu khác rất cần thiết và chính yếu để hiểu vụ Viganò. Thật kỳ lạ, nhiều người bây giờ tấn công sứ thần theo kiểu công kích cá nhân (ad hominem) thì trong vụ “VatiLeaks” năm 2010 đã khen ngài sáng suốt. Vụ bê bối này đã cho thấy các bức thư được chuyền đến một cách bí ẩn từ văn phòng Đức Bênêđictô XVI đến báo chí Ý, qua người quản lý của ngài, với rất nhiều người trung gian rất được tin dùng ngày nay. Một trong các bức thư nổi tiếng này, là bức thư do sứ thần Viganò ký khi ngài làm tổng thư ký Thành đô Vatican và chỉ gởi riêng cho Đức Bênêđictô XVI. Ngài kịch liệt đả kích các hoạt động tài chánh nghi ngờ – đặc biệt là hối lộ – mà ngài thấy trong việc quản lý của Tòa Thánh. Bị giáo triều ruồng bỏ, Giám mục Viganò được Đức Bênêđictô XVI bảo vệ và đã đề cử Giám mục Viganò làm sứ thần ở Mỹ.
Mỗi triều giáo hoàng đều trải qua các chống đối kịch kiệt và các vụ tấn công mạnh mẽ, nhưng sẽ là ngắn gọn nếu nghĩ rằng Giám mục Viganò là hình ảnh của một kẻ thù của Đức Phanxicô, bị môi trường bảo thủ Mỹ lèo lái, và dĩ nhiên là công cụ hóa việc chiến đấu của họ. Sự trung thực về trí tuệ đòi hỏi phải thừa nhận nơi vị sứ thần này là người có lương tâm, dám can đảm tố cáo những gì mình thấy không hoạt động đúng trong Giáo hội, đến mức chịu mất đi quyền lợi của mình trong sự nghiệp giáo sĩ. Những người có nghị lực tinh thần như thế rất hiếm trong môi trường các giám mục, nơi đức vâng lời buộc phải im lặng và từ đó là hèn nhát… Nếu Giám mục Viganò bị mất uy tín và suy yếu vì đòi Đức Phanxicô từ chức, thì giám mục vẫn được các bạn đồng nghiệp công nhận là người “liêm chính” – thậm chí còn cho là người “cứng nhắc” vì tính nghiêm nhặt của giám mục. Giám mục viết trong bức thư tháng 8:
“Chúng ta phải có can đảm phá vỡ văn hóa bí mật và công khai thú nhận sự thật mà chúng ta giấu kín. Điều quan trọng là phải đánh bạt sự cấm nói, qua đó các giám mục, các linh mục đã tự bảo vệ mình dù có hại cho giáo dân […] cấm nói ở đây không khác gì cấm nói của mafia”.
Do đó thật sai lầm khi phác họa cuộc khủng hoảng này thành cuộc chiến giữa người bảo thủ và tiến bộ, mà từ đó có thể phân loại khác nhau theo bản chất của các hồ sơ. Vụ Viganò đúng hơn là phiên tòa công khai về sự bất nhất của Giáo hội với đòi hỏi đạo đức mà Giáo hội chủ trương.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 27.05.2019/ revuedesdeuxmondes.fr, Jean-Marie Guénois, 2018-12-07)