Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII trong “Mười điều răn thanh thản” của ngài, ngài đưa ra các lời khuyên dưới hình thức các quyết tâm đơn giản để có hạnh phúc trong giây phút hiện tại dưới cái nhìn của Chúa.
Quyết tâm thứ nhì: hãy có lòng khoan dung. “Không có gì ngoài ngày hôm nay, tôi sẽ hết sức để ý cung cách cư xử và bề ngoài lịch sự của tôi. Tôi sẽ không chỉ trích bất cứ ai, hoặc kỷ luật bất cứ ai trừ bản thân tôi.”
Trong xí ngiệp, các nhân viên kế toán và các kiểm toán viên đi tìm sự thật. Mục đích của họ là bảo đảm tình trạng tài chánh của công ty phản ảnh trung thành và đúng đắn tình hình và hiệu năng của công ty. Một số nguyên tắc được đưa ra để đạt mục đích. Một trong các nguyên tắc là đặt nặng thực tế kinh tế hơn là bề ngoài pháp lý. Chung chung đây là tiêu chuẩn đặt trọng nội dung hơn là hình thức. Kế toán viên công tâm sẽ cố gắng đưa ra và sửa chữa những gì là bề ngoài, giả tạo, che lấp. Bề ngoài, đó là cái bẫy chúng ta giương ra để cỏ nhà mình khi nào cũng xanh hơn cỏ hàng xóm, chúng ta không thể nào chứng minh, hoặc trong trường hợp tệ nhất, chúng ta biết đó là sai.
Dù vậy, thế giới chúng ta chỉ sống trong mơ, chỉ sống theo bề ngoài. Nó làm cho lỗi thời các công việc bên trong mà không còn ai lưu tâm đến nữa. Các mạng xã hội cho phép dựng lên màn hình các hình ảnh mà chúng ta có thể sửa đổi khi chúng ta giới thiệu mình với người khác. Kỹ thuật “nói chuyện ảo” điều chỉnh giao tiếp sao cho vẻ bề ngoài phù hợp với những gì mình mong muốn, kiên trì gieo tin vào bộ não chúng ta để định hướng theo sở thích của người kể chuyện. Sự phù hợp với thực tế không còn là việc tùy chọn, các ký giả cũng như các quan tòa công khai coi thường nghĩa vụ luận nếu cứu được bề ngoài. Và trên toàn thế giới, sự giả hình này không làm chúng ta chịu đựng được. Tôi không nghĩ là nó không đụng đến chính Chúa Giêsu: “Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).
Bề ngoài, cũng là sự tôn trọng
Nhưng bề ngoài, chúng ta cũng có bổn phận phải xem trọng nó. Văn minh và phép lịch sự là quan trọng trong quan hệ của chúng ta với người khác. Không phải là giả hình lừa dối, bề ngoài là ngôn ngữ chuyển tải lòng tốt và sự tôn trọng tự nguyện chúng ta chân thành dành cho người khác. Trong trường hợp này, tất cả bề ngoài trở thành một loại ngôn ngữ mà ý nghĩa của nó là văn minh, tôn trọng, chân thành với người anh em đồng loại.
Còn sửa sai trong tinh thần huynh đệ?
Bất ngờ thứ nhì của lòng khoan dung để có thanh thản là không chỉ trích, không sửa lỗi người khác, có phải chúng ta xem thường bổn phận sửa lỗi người anh em trong tình huynh đệ đó không? (Mt 18,15). Nếu tôi thấy người anh em của tôi đang làm điều xấu và tôi muốn chỉ cho họ thấy con đường thẳng phải đi? Nếu tôi để mặc họ trong lỗi lầm của họ mà tôi không nói gì, tôi thành người đồng phạm.
Dĩ nhiên Chúa Giêsu cho chúng ta ví dụ cách sửa lỗi anh em và cảnh báo chúng ta đừng rơi vào bẫy: thấy cái rơm nơi mắt người mà không thấy cái đà trên mắt mình. Dụ ngôn này khuyên chúng ta sửa lỗi mình trước, chứ không làm ngược lại. Có phải đây là sự hoán cải cá nhân và trước hết mà Đức Gioan XXIII muốn nhắm đến không?
Yêu kẻ có tội
Người cha gia đình là tôi, tôi xin quyền ngoại lệ. Giáo dục con cái, như dựng cây chống cho cây non để hướng nó về phía có ánh sáng; làm cho con cái vào kỷ luật khi các con muốn thử để có tự do, khi chúng đi quá xa muốn vượt các hàng rào cản. Điều này phải làm với tình thương, với sự dịu dàng nhưng đôi khi cũng phải cương quyết. Và thật đáng tiếc, các người lớn được nuôi dạy một cách dễ dãi đôi khi có cách ứng xử làm hại cho những người chung quanh.
Có lẽ chúng ta phải rất cẩn thận khi xét đến câu này. Không sửa lỗi hay kỷ luật ai, có phải chỉ là phân biệt cho rõ giữa kẻ có tội và tội không? Nếu theo quan điểm của chúng ta, việc sửa lỗi người anh em là cần thiết thì nó phải nhắm đến người phạm lỗi, nhưng lý tưởng là chỉ nói đến lỗi.
Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ rời một trong các bạn của con mà không chân thành cười với họ, hoặc nếu cần thì xin lỗi họ.
Mười câu trong Thánh Kinh để xin tha thứ và tha thứ cho người anh em:
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,24)
“Anh em hãy đề phòng! Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó. (Lc 17, 3-4).
“Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”.(Lc 7, 47).
”Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Lc 15, 7).
“Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18, 32-33).
“Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. (Mt 6, 12).
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. (Mt 18, 22).
“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”. (Mt 6, 14-15).
“Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”. (Col 3, 13).
“Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung!” (Rm 4, 7).
Marta An Nguyễn dịch
(phanxico.vn 26.05.2019/ fr.aleteia.org, Rémy Mahoudeaux, 2019-03-20)