Từ ngày 21.01 đến ngày 26.01.2019_ Phút lắng đọng Lời Chúa

21.01.2019

THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thánh Anê trinh nữ, tử đạo.

Mc 2,18-22

Lời Chúa:

Rượu mới, bầu cũng phải mới.” (Mc 2,22)

Câu chuyện minh họa:

Nhờ bỏ ăn trưa mà nhà kinh tế học WALTER WILLIAMS tìm ra được một trong những bí quyết thành công. Ông đã kể lại như  sau:

   “Năm 13 tuổi, tôi đúng là một đứa trẻ lang thang, lêu lổng. Mẹ tôi phải đi nấu nướng thuê để nuôi chúng tôi, và tôi thường đến xin thêm tiền bà để ăn trưa, vì bao nhiêu tiền dành cho việc ăn uống ở trường, tôi đã xài hết sạch.

Một hôm, mẹ tôi bảo:

– Con tiêu sạch tiền trong lúc con cũng hiểu rằng phải dành tiền để ăn trưa.

Và bà không cho tôi một xu nào. Nghĩ mẹ mình là một người tàn ác nhất đời, tôi bỏ luôn bữa ăn trưa trong tuần. Nhưng từ đó, tôi không còn dám xài chi vào tiền ăn nữa. Đó là bước đầu mà tôi đã sống như một con người thực sự văn minh, tức là con người ý thức được trách nhiệm của mình.

Thật ra mẹ tôi đâu phải là người tàn ác. Bây giờ tôi mới hiểu được mẹ tôi đã đau lòng thế nào biết tôi nhịn đói. Nhưng nếu các bậc cha mẹ không đủ can đảm để bắt buộc con cái mình phải gánh chịu hậu quả về những sự vô trách nhiệm của bản thân chúng nó, thì làm sao họ có thể dậy dỗ cho con cái họ biết sống nên người?”

Suy niệm:

Rượu mới và bầu da mới mà Chúa muốn nói đến là cuộc canh tân nơi mỗi người. Canh tân cho phù hợp với cách sống, với cuộc sống và với con người thời đại. Nhà kinh tế học Walter Williams đã nhận ra giá trị của đồng tiền và thay đổi lối sống, để ông lấy đó làm kinh nghiệm cho bản thân.

Rượu mới của người Kitô hữu là cuộc canh tân liên lỷ, canh tân để thuộc về Chúa, “mặc lấy Chúa Kitô” để trở nên giống Người, và Thiên Chúa sẽ ở cùng người ấy, và Người sẽ ban cho người ấy những ơn lành để làm được mọi việc mà Thiên Chúa giao cho. Trong sự thinh lặng của tâm hồn, chúng ta xét xem mình đã mặc lấy Chúa Kitô chưa, hay chúng ta còn khép kín cánh cửa tâm hồn để cho những tăm tối của sự thù ghét, ganh tị, ích kỷ… lấn chiếm tâm hồn? Chúng ta có dám thay đổi cách sống, cách nghĩ cho phù hợp với tin mừng của Chúa chưa hay còn chai lì trong tội lỗi và những cám dỗ?

Lạy Chúa, sống theo sự đòi hỏi của Tin mừng thật không dễ chút nào, nhưng với sự thúc đẩy của Thánh Thần, chúng con sẽ được ánh sáng Chúa hướng dẫn và trở nên con người mới. Xin Chúa cho chúng con biết mở lòng ra trước sự hướng dẫn của Thánh Thần để Người thanh luyện chúng con mỗi người nên xứng đáng với chức vị làm con Chúa.

 

 

 

 

 

22.01.2019

THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Mc 2,23-28

Lời Chúa:

“Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát”(Mc 2,27)

Câu chuyện minh họa:

Theo tờ Chúa nhật thời báo, trước khi hoàng đế Akihitô băng hà, Hội đồng hoàng gia Nhật tỏ ra lo lắng về việc kén vợ cho hoàng tử Hirôhitô, vì họ đang gặp một hoàn cảnh hết sức khó xử: Một bên thì dư luận toàn dân Nhật đang nóng lòng trông chờ Thái tử Hirohito thành hôn và một bên cha mẹ của những thiếu nữ thuộc dòng quí phái của Nhật lại không muốn cho con gái mình trở thành hoàng hậu.

Xưa các bậc làm cha mẹ thường muốn cho con cái của mình có địa vị cao trong xã hội, để mình được danh tiếng, được hưởng những đặc quyền này, đặc quyền kia. Vậy tại sao ở đây lại trái ngược lại như thế?

Lý do của các bà mẹ của những thiếu nữ quí phái Nhật nêu ra, chỉ là vì họ không muốn cho con gái của họ bị coi là “tù chung thân” ở trong hoàng cung.

Làm hoàng hậu mà lại  coi là “tù chung thân” hay sao?

Phải, đúng như vậy, bởi vì khi đã bước chân vào hoàng cung là phải giữ biết bao nhiêu những nghi thức rườm rà. Chẳng hạn như việc ăn uống. Theo tục lệ, người nấu ăn cho nhà vua, phải ăn những đồ ăn trước mắt nhà vua, rồi nhà Vua mới được ăn. Các đồ Vua ăn phải cân đo trước và sau khi Vua ăn.

Hoặc trong những dịp xuất hiện trước mặt dân chúng, nếu chẳng may có một con ruồi hay một con muỗi đậu ở trên mặt, thì Vua cũng như Hoàng Hậu, không được phép lấy tay đuổi chúng đi, vì một việc làm như thế là một việc làm hạ cấp.

Thì ra những tục lệ trong hoàng cung, đã biến những con người ở trong đó, trở thành những người tù, vì luôn phải làm theo những tục lệ. Điều này những ai đã xem bộ phim “Hoàng đế cuối cùng” của Trung Quốc, hẳn là sẽ nhận rõ: Phổ Nghi, vị Hoàng Đế cuối cùng của nhà Mãn Thanh, nhiều lần đã tỏ ra khó chịu về những tục lệ cổ xưa.

Suy niệm:

Bài Tin mừng hôm nay nói về Những người biệt phái trách các môn đệ Chúa lỗi luật ngày Hưu lễ. Họ bảo vệ luật, nhưng lại làm ngơ trước những nhu cầu của con người. Các môn đệ của Chúa băng qua cánh đồng lúa vào một ngày sabat, và các ông đã bứt lúa vì bụng đói, các biệt phái lên án hành vi này của các môn đệ; Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu đã tuyên bố việc giữ luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Ngài đặt vào lề luật một ý nghĩa là sự bác ái, chứ không phải ràng buộc con người, và cũng không phải biến con người thành cái máy.

Chúa Giêsu đã đặt lề luật đúng vị trí của nó, là lòng bác ái và sự bao dung. Vậy tôi có thực thi lề luật Chúa trong tinh thần của Chúa chưa, hay tôi chỉ dựa vào từng câu chữ trong lề luật mà xét đoán người khác? Tôi có giam hãm người khác trong sự nghi kỵ và lên án người khác không?

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết vượt ra khỏi mọi rào cản của lề luật nhưng luôn sống quảng đại, hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ anh em một cách vô vị lợi.

 

 

 

 

 

23.01.2019

THỨ TƯ TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Mc 3,1-6

Lời Chúa:

“Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá.” (Mc 3,5).

Câu chuyện minh họa:

Có một chàng thanh niên kia lên đường đi tìm lâu đài kho tàng quý.

Sau những ngày đi đường xa mệt mỏi, anh nhận thấy mình lạc lối và đứng trước một đoạn dốc gồ ghề, bên cạnh những hố sâu thăm thẳm như muốn nuốt chửng thân xác đã hao mòn sinh lực của anh. Trong lúc chiến đấu để lấy lại sự bình tĩnh của tâm hồn, ngước mắt lên, anh thấy một lâu đài tráng lệ hiện ra trước mắt. Trước cổng toà lâu đài tráng lệ có hàng chữ lớn: “Xin mời vào”.

Biết mình bị lạc đường lại gặp may tìm được chỗ yên ổn nghỉ chân như lòng ước nguyện, anh sung sướng tiến lại gần cổng lâu đài. Đứng trước cổng lâu đài anh ngạc nhiên khi thấy có những người lữ hành đi ngang qua cũng bị lạc đường và tuy đã mỏi mệt nhưng lại vẫn cứ lê bước đi ngang qua lâu đài hầu như họ không thấy có lâu đài trước mắt họ. Người lữ hành bèn tiến lại gần hỏi người gác cổng lâu đài tại sao những người lữ hành kia không dừng lại để bước vào lâu đài. Người gác cổng trả lời:

– Đây là một toà lâu đài bí nhiệm, chỉ có những ai nhận biết mình đã lạc đường mới có thể trông thấy nó. Trái lại, những người tưởng mình biết đường và chỉ cắm đầu chạy theo con đường riêng của họ, họ sẽ bị mờ mắt và sẽ không bao giờ nhận thấy lâu đài. Ông quả là người ngay thẳng, nhiệt thành tìm kiếm chân lý, yêu chuộng sự thật. Chính sự khiêm tốn ngay thật đã mở mắt tâm trí ông và dẫn đưa ông tới đây. Xin mời ông bước vào, giờ đây tất cả kho tàng quý giá trong lâu đài này sẽ thuộc về ông.

Suy niệm:

Cái nhìn của Chúa Giêsu xuất phát từ một tấm lòng nhân hậu, nên Chúa thấy ngay việc phải làm, còn cái nhìn của biệt phát xuất phát từ một “cõi lòng chai đá” nên họ chỉ thấy những qui định chết chóc; chính vì thế, không những họ đã không thấy được việc gì cần phải làm mà nguợc lại, cái nhìn hạn hẹp, cố chấp của họ còn đẩy họ đi vào chỗ cố chấp độc ác hơn nữa đó là: “Những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Ngài và tìm cách hại Ngài”:

Đôi khi trong cuộc sống va chạm, tôi cũng thấy trong lòng mình nổi lên sự tức giận. Những lúc như thế chúng ta cần phải bình tĩnh, đừng để mình bị lôi cuốn theo những xúi giục xấu xa của sự tức giận ấy; nếu không, rất có thể chúng ta sẽ bị lôi kéo vào những việc còn tồi tệ hơn mà chúng ta không luờng trước được.

Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu chuộng sự thật để con cùng với mọi người làm cho thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn.

 

 

 

 

 

24.01.2019

THỨ NĂM TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh

Mc 3,7-12

 

Lời Chúa:

“Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.” (Mc 3,10).

Câu chuyện minh họa:

Nhà tu đức học nổi tiếng là Cha Anthony de Mêlô có viết một bài thơ ngụ ngôn nội dung như sau:

Một hôm lang thang trên đường phố, tôi bỗng thấy có một cửa hiệu với hàng chữ: “Tại đây có bán Chân lý”. Tôi tò mò bước vào hiệu. Cô bán hàng niềm nở tiếp đón tôi và hỏi?

– Ông muốn mua loại chân lý nào? Chân lý toàn phần hay Chân lý toàn diện? Tôi trả lời:

– Dĩ nhiên là tôi đi tìm thứ chân lý toàn diện. Một thứ chân lý không pha trộn giả dối, một thứ chân lý mà lý trí tôi hoàn toàn đầu hàng vô điều kiện. Tôi muốn có chân lý đơn thuần và toàn diện.

Cô bán hàng nhìn tôi lắc đầu và chỉ sang một cửa tiệm khác, nơi có bán thứ chân lý mà tôi đang tìm kiếm.

Người đàn ông đứng coi hàng và nhìn tôi với tất cả thương cảm. Ông chỉ cho tôi giá biểu món hàng mà tôi muốn mua rồi nói với tôi với một giọng đầy ái ngại:

– Thưa ông, giá của món hàng rất cao.

Đã cương quyết mua cho bằng được chân lý toàn diện tôi liền hỏi:

Giá bao nhiêu, xin cho tôi biết? Người bán hàng trả lời:

– “Nếu ông muốn mua chân lý này ông phải trả bằng cả cuộc sống của ông”.

Tôi ra khỏi cửa tiệm, lòng buồn rười rượi. Tôi nghĩ rằng: tôi có thể mua chân lý toàn diện bằng một giá rẻ mạt. Thì ra tôi chưa sẵn sàng để đón nhận chân lý. Tôi vẫn chưa muốn cho đi cuộc sống của tôi. Tôi vẫn còn bám chặt vào xác tín của tôi.

Suy niệm:

Đặt trọng tâm đời sống vào Chúa Giêsu, chọn Ngài là tất cả, là gia nghiệp, từ bỏ tất cả để theo đuổi lý tưởng cao đẹp, và nhìn thấy Chúa trong mọi sự… Đó là bí quyết của các thánh. Các ngài không ngần ngại từ bỏ mọi sự để chọn Chúa làm gia nghiệp. Ngày nay, Người cũng lặp lại đòi hỏi ấy nơi mỗi Kitô hữu chúng ta. Theo Ngài là tin rằng: Ngài đang sống và sống một cách thiết thực trong cuộc sống của chúng ta. Do đó, những kẻ đi theo Ngài phải luôn tỉnh thức để nhận ra Ngài trong tất cả mọi sự và trong từng phút giây của cuộc sống. Đi theo Ngài là sống như thế nào để mọi người nhìn vào đều có thể thấy được gương mặt của Ngài. Muốn như thế, đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta nhiều hy sinh và từ bỏ. Người môn đệ của Chúa phải luôn sẵn sàng tháo gỡ và vứt bỏ mọi thứ vướng bận, để chỉ sống cho Ngài và làm cho mọi người nhận ra gương mặt của Ngài qua chính cuộc sống của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết kết hợp với Chúa trong cuộc sống hằng ngày như cành cây gắn liền với thân cây; nhờ đó, đời sống của chúng con ngày càng sung mãn hơn.

 

 

 

 

 

25.01.2019

THỨ SÁU TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phaolô tông đồ trở lại

Mc 16,15-18

 

Lời Chúa:

Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15).

Câu chuyện minh họa:

Một vị vua nọ tự xưng mình là yêu nước, nhưng chẳng bao giờ để ý đến cảnh khổ của người dân, chỉ biết lo trang hoàng cung điện cho thật đẹp, xây cất những công trình nguy nga tốn công tốn của khắp nước, sưu tầm những kỳ hoa dị thảo khắp nơi, để mong được nở mặt nở mày với các lân quốc.

Một hôm nhà vua nghe nói ở một ngôi chùa nọ trong nước có một bụi hoa hồng hiếm. Từng chiếc hoa thật to và đẹp nở rực rỡ bao phủ cả một góc vườn. Nhà vua báo tin cho vị sư trụ trì hay là vua sẽ đến thăm cho biết bụi hồng lạ.

Khi vị sư hay tin và biết được giờ vua sẽ đến, ông cắt tất cả những bông hồng xinh tươi đổ vào hố rác, chỉ chừa lại một cái duy nhất đang độ khoe tươi. Vào đến vườn hoa, nhà vua lấy làm lạ vì thực tế khác xa với tin đồn. Khi biết được sự kiện, nhà vua hỏi vị sư tại sao. Vị sư từ tốn trả lời: “Thưa bệ hạ, nếu thần để tất cả hoa nở rộ rực rỡ trên cành, bệ hạ sẽ không thưởng thức được vẻ đẹp của từng chiếc hoa, vì thần biết bệ hạ chỉ có thói quen nhìn đám đông chứ không chú ý đến từng cá nhân.

Suy niệm:

Có rất nhiều cách để truyền giáo. Không nhất thiết phải rao giảng bằng lời, nhưng có thể bằng chính cuộc sống của bản thân, cách sống bác ái với tha nhân, yêu thương giúp đỡ đồng loại cũng là cách để chúng ta truyền giáo. Vị vua trong câu chuyện trên là đại diện cho những người nói yêu tha nhân nhưng chẳng quan tâm gì đến tha nhân. Vì khi yêu thương người thân cận là chúng ta yêu thương Chúa, và khi chúng ta từ khước hay bạc đãi người thân cận là bạc đãi Chúa. Tình yêu thương người thân cận là thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Như Mẹ Têrêsa Calcutta đã dùng cả cuộc đời dấn thân cho những người sống bên lề xã hội, để họ tìm thấy được phẩm giá của chính họ. Đời sống của Mẹ là một lời rao giảng tuyệt vời.

Ước gì đời sống chúng ta cũng trở thành một lời chứng sống động cho tin mừng, khi mỗi người chúng ta dám sống triệt để theo những đòi hỏi của tin mừng, ngỏ hầu mỗi ngày Nước Chúa được lan rộng hơn.

 

 

 

 

 

26.01.2019

THỨ BẢY TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thánh Timôthêô và thánh Titô, giám mục

Lc 10,1-9

 

Lời Chúa:

“Anh em hãy ra đi, này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10,3).

Câu chuyện minh họa:

Tại vùng Trung Đông, dầu mỏ thì dồi dào nhưng lại khan hiếm nước trong lành. Một nhà thông thái nọ đi tìm suối nước thiêng. Khi nhìn thấy suối nước đó, ông vui mừng phấn khởi, chân bước nhanh đến suối. Sau khi giải khát nhờ nước trong mát của dòng suối, ông chụp hình dòng suối đó, có ý mang về cho đồng bào ông thấy mà tìm đến hưởng nguồn nước trong lành.

Vừa về đến nhà, thân quyến, bà con lối xóm xúm lại mừng ông. Mọi người đều nhận thấy gương mặt hân hoan rạng rỡ của ông. Ai nấy đều vồn vã hỏi cho biết điều gì đã đến với ông, làm sao ông vui mừng phấn khởi như thế! Ông kể lại cho họ nghe việc ông đã khám phá nguồn nước trong lành và mời gọi mọi người đến đó thưởng thức hương vị ngọt ngào của dòng suối. Ai cũng vui thích với tấm ảnh về nguồn suối đó. Họ mong có phương tiện đi đến đó để được tắm mát và vui hưởng hạnh phúc bên nguồn nước trong lành.

Suy niệm:

Chúa Giêsu chính là người mang đến nguồn giải khát cho con người, không phải làm thỏa mãn cơn khát vật chất nhưng là cơn khát tâm linh. Ngài đã ban chính Thịt máu Ngài làm của ăn của uống cho chúng ta. Các môn đệ là những người đầu tiên được hưởng hạnh phúc từ nơi Chúa và các ông đã ra đi mang niềm hạnh phúc ấy cho mọi người. Và mỗi chúng ta là môn đệ của Chúa, chúng ta tiếp nối sứ vụ ấy để rao truyền tin mừng tình yêu của Chúa, như nhà thông thái trong câu chuyện trên khi khám phá ra dòng suối thì trở về loan báo cho mọi người biết để mọi người thưởng thức niềm hạnh phúc ấy.

Bài tin mừng hôm nay, Chúa sai 72 môn đệ đi loan báo tin mừng, và dặn dò các ông“đừng chào hỏi ai dọc đường, cũng đừng mang theo tiền bạc giày dép…” để rồi các ông chú tâm vào việc rao giảng tin mừng hơn là lo cho tiện nghi vật chất. Cũng vậy, trong hành trình truyền giáo, chúng ta cần biết lắng nghe Lời Chúa, từ bỏ những ràng buộc không cần thiết để chúng ta nhẹ nhàng bước theo Chúa. Khi sai đi, chắc chắn Chúa sẽ chuẩn bị cho chúng ta những hành trang cần thiết để chúng ta thi hành nhiệm vụ, phần chúng ta hãy phó thác và tin tưởng vào Chúa luôn.

Lạy Chúa, hành trang của người môn đệ mà Chúa muốn mỗi người chúng con phải có là đời sống nội tâm, luôn kết hiệp với Chúa bằng đời sống cầu nguyện. Xin Chúa cho chúng con đặt ưu tiên điều đó để việc truyền giáo của chúng con mỗi ngày đạt kết quả hơn.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho