Trong bối cảnh xáo trộn của cơn khủng hoảng các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội, các linh mục ý thức các vấn đề về nạn giáo quyền mà Đức Phanxicô đưa ra, họ cho biết rất đau khổ trong bầu khí này.
Tuần tĩnh tâm của các linh mục từ 24 đến 29 tháng 9 ở Ars,
250 linh mục từ 34 quốc gia về tham dự tuần tĩnh tâm này.
Không nghi ngờ gì, đối với các linh mục trên toàn thế giới, thời gian này thật khó khăn. Nét nghiêm trọng tỏa ra trên khuôn mặt của 250 linh mục tham dự tuần tĩnh tâm tổ chức ở đền thánh Ars, kỳ tĩnh tâm trước là vào năm 2009 dưới thời Đức Bênêđictô XVI nhân dịp Năm Linh mục, năm đó có 1200 linh mục về tham dự tuần tĩnh tâm. Đa số các linh mục không ngần ngại nói lên lo âu của mình, “chắc chắn là chúng ta đang qua cơn khủng hoảng” và các linh mục hoàn toàn sáng suốt, “cơn khủng hoảng chưa chấm dứt được.” Từ nhiều tháng này, không có tuần nào mà không có một vụ lạm dụng bị bùng nổ ra, ở Mỹ, ở Đức, ở Pháp, ở Chi-lê, ở Úc.
Đôi khi thực tế bi thảm này lại quá gần: rất nhiều linh mục ở đây biết linh mục Jean-Baptiste Sèbe, người vừa tự tử ngày 18 tháng 9 vừa qua ở giáo phận Rouen và sẽ được an táng vào ngày 27 tháng 9. Còn về cha Pascal Poirier, cha vừa được tin trong giáo xứ cũ của mình ở Massiac (Cantal), một linh mục cha quen biết vừa bị hỏi cung vào ngày 14 tháng 9, linh mục này tấn công tình dục bốn em bé trong cùng một gia đình. Cha Poirier quản nhiệm đền thánh Ars ngao ngán: “Thật là sốc, tôi không bao giờ tưởng tượng một chuyện như vậy lại do linh mục đó phạm.” Cha Poirier đón tiếp các linh mục đến dự tuần tĩnh tâm ở nhà thờ Đức Mẹ Lòng thương xót.
Một bầu khí nghi ngờ hàng ngày
Đa số các linh mục họp tại đây đều lên án các vụ lạm dụng và họ đều thấy cơn khủng hoảng này là dịp để Giáo hội “thanh tẩy”, nhưng các linh mục cho biết họ đau khổ với bầu khí nghi ngờ mỗi ngày. (“Đây là tội ác mà chúng tôi phải trả giá”, “Giáo hội không phải là thể chế phải bảo vệ bằng mọi giá”, “Ưu tiên của chúng tôi là lắng nghe các nạn nhân”).
Một trong các linh mục tham dự cho biết, mùa hè vừa qua trong một trại hè do Giáo hội tổ chức ở Ý, trên thân cây gần trại hè có hàng chữ: “Cẩn thận, các linh mục ấu dâm”. Một linh mục khác cho biết, linh mục cảm thấy “nhục nhã” khi đến tiệm hớt tóc, khi câu chuyện nhắc đến các vụ ấu dâm trong Giáo hội, mọi người đều quay lại nhìn cổ cồn Rôma của linh mục. Linh mục Roger Hébert, cựu linh mục phụ tá giáo phận Belley-Ars cho biết: “Chúng tôi buộc phải ẩn mặt, đôi khi tôi có cảm tưởng mình gánh gánh nặng của các anh em đã làm những chuyện quá nặng.”
“Tôi bình thường, tôi có sống không?!”
Sợ bị nghi ngờ, một vài linh mục cẩn thận gấp đôi trong thái độ của họ với giáo dân: không bao giờ ở một mình với trẻ em, “đương nhiên” và cũng không còn đặt tay trên vai sau khi giải tội xong, thậm chí còn ngần ngại không dám cầm tay các cháu ruột của mình. Linh mục Stéphan Lange, cha xứ giáo xứ Reims thì ngược lại: “Tôi không muốn vì các linh mục hư hỏng mà tôi bị chới với. Tôi thoải mái trong vai trò linh mục của tôi. Tôi bình thường, tôi không sống được sao?!”
Đan sĩ Enzo Bianchi, bề trên cộng đoàn Bose (Ý) giải thích: “Nguy cơ là trở nên xa lánh và tránh các tiếp xúc với giáo dân, như thế có thể đưa đến những chuyện hoang tưởng, để rồi biểu lộ qua hung bạo.” Đan sĩ Bianchi giảng tuần tĩnh tâm với đề tài “Ngọn lửa Phúc Âm”. Trong hai bài giảng hàng ngày của mình, đan sĩ Bianchi xin các linh mục đừng có “cái nhìn lý tưởng hóa” bậc sống độc thân.
Đan sĩ canh phòng: “Chúng ta phải biết cơ thể của mình, với sức mạnh cũng như với yếu đuối của nó”, đan sĩ khuyến khích các linh mục phải có một “đời sống đẹp”, một đời sống có chỗ cho tình âu yếm, tình bằng hữu kể cả với phụ nữ.
Ngoài vấn đề duy nhất là cơ thể, chung chung thái độ của các linh mục đối với giáo dân có tạo vấn đề không: như nạn giáo quyền mà Đức Phanxicô công kích trong Thư gởi Dân Chúa ngày 20 tháng 8. Linh mục Pascal Poirier hiểu bức thư này như “lời kêu gọi chúng ta phải có chỗ của mình, trọn chỗ của mình, nhưng không được có chỗ cho các ưu tiên”. Còn đối với linh mục Jean-Marie-Nicolas Mbuyi-Tshiyombo, đến từ Công-gô, cha cho biết văn hóa giáo quyền vẫn rất phổ biến, cha nghĩ linh mục phải “ở giữa dân Chúa chứ không ở trên đầu, để đưa dân Chúa về với Chúa Kitô”.
“Giáo dân đòi hỏi chúng tôi quá”
Một vài linh mục cho biết họ không cảm thấy mình dính với nạn giáo quyền, họ quen hợp tác với giáo dân, nhưng cũng có linh mục thú nhận họ có khuynh hướng “kiêu ngạo” và “cửa quyền” đối với giáo dân, cũng như thiếu sẵn sàng và dễ nổi giận. Một linh mục biện minh: “Giáo dân đòi hỏi chúng tôi quá”, một linh mục khác hỗ trợ “chính xã hội hiện nay dạy cho chúng ta ích kỷ”.
Linh mục Robert Sadlak, 35 tuổi ở miền nam Ba Lan, than phiền có một khoảng cách với giáo dân, mà linh mục biết “rất cần thiết cho đời sống Giáo hội”. Cha công nhận: “Chúng ta phải học để tin tưởng họ, đây là thay đổi não trạng”. Linh mục Sadlak vẫn còn mặc áo chùng và cho biết cha cảm thấy mình gần với Đức Bênêđictô XVI, tuy nhiên cha hơi “khó chấp nhận” việc phụ nữ cho rước lễ và rửa chân cho phụ nữ, dù Đức Phanxicô kêu gọi rất nhiều lần.
“Cùng đi chung với nhau qua cơn khủng hoảng này”
Vấn đề nạn giáo quyền vang lên thường xuyên ở thành phố Ars nhỏ bé phía bắc Lyon, thành phố có cha xử nổi danh thường được cho là gương mẫu cho các linh mục gắn bó với truyền thống. Linh mục Patrice Chocholski, cha phụ trách đền thánh nhấn mạnh: “Cha xứ Gioan-Maria Vianê luôn mặc áo chùng vì ngài sống ở thế kỷ 19, nhưng ngài không có gì là giáo quyền!” Linh mục Juan-José Dosado từ Phi Luật Tân có suy nghĩ: “Cha xứ Ars là người đơn sơ, gần với giáo dân. và đó là điều mà giám mục của cha xứ Ars đã nói: ‘Chúng ta không những cần các linh mục giỏi nhưng cần cả các linh mục thánh thiện.”
Buổi chiều hôm đó, các linh mục đi tĩnh tâm nghe bài giảng về “Cha Thánh Ars”, cha là cha xứ giáo xứ Ars cách đây đúng 200 năm. Và chủ đề chiều hôm đó là tình bằng hữu giữa các linh mục: tình bằng hữu này không phải là nhiệm ý nhưng là “một cái gì linh thiêng.” Linh mục Patrice Gasser đến từ Thụy Sĩ, cha xác định: “Cơn khủng hoảng này, chúng ta cùng đi chung với nhau. Chính mỗi chúng ta, linh mục, phải canh chừng nhau.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 28.09.2018/ lacroix.com, Mélinée le Priol, 2018-09-26)