Trong câu chuyện giải cứu các cầu thủ nhí, người ta nhắc nhiều đến sự hợp tác quốc tế, tinh thần liên đới của người dân, sự hướng dẫn của huấn luyện viên, nhưng có một điều quan trọng đó là vài trò của đức tin và lời cầu nguyện trong cuộc đời của cậu bé Adun, người nói được tiếng Anh và liên lạc với đoàn cứu hộ.
Sơ đồ giải cứu các cầu thủ nhí tại hang Tham Luang (ANSA)
Tháng 7 vừa qua (2016), cả thế giới đã nín thở theo dõi cuộc giải cứu các cầu thủ nhí của đội bóng “Lợn hoang” của Thái lan, bị mắc kẹt trong một hang động ở miền bắc nước này vì mưa lớn và mực nước dâng cao.
12 cầu thủ nhí, tuổi từ 11 đến 17, đã cùng với huấn luyện viên của họ đi thám hiểm vào hang Tham Luang, một hang động dài và phức tạp. Thực ra đây là một việc làm liều lĩnh, vì trong những tháng mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11, hang động này bị cấm vào. Những cơn mưa bất ngờ và dữ dội đã tràn ngập các đường hầm, buộc đội phải trú ẩn trong một hang động trong nhiều ngày, không có thức ăn hoặc các nhu yếu phẩm cơ bản.
Hơn một ngàn người từ các quốc gia khác nhau đã tham gia vào các hoạt động cứu hộ. Sự cộng tác quốc tế và độ phủ sóng của truyền thông thật ấn tượng. Người ta nói nhiều về khía cạnh nhân đạo, về tình người, về sự đồng cảm trong sự kiện; người ta cũng nói về vai trò của thiền định Phật giáo, mà vị huấn luyện viên thực hành, trong việc giữ cho các thiếu niên được bình tĩnh. Nhưng có một “câu chuyện phi thường trong câu chuyện”, ít được viết đến hoặc không được viết gì. Đó là cuộc sống của cậu bé thứ mười hai, người không tham gia vào cuộc tu hành theo Phật giáo của các cầu thủ nhí sau đó. Đó là danh tính của một người mà báo chí đã sơ ý bỏ qua khi chỉ gọi đó là “con heo rừng không phải là Phật tử”, hoặc với một chút ít mơ hồ “Kitô hữu duy nhất trong nhóm”. Đó là kinh nghiệm của đức tin chân thành và đích thực, xuất hiện trong hoàn cảnh khó khăn không thể giải quyết được.
Adun, người gốc Wa, một miền bán tự trị nằm ở biên giới Miến điện và Trung quốc, được biết đến với cuộc chiến tranh du kích, trồng thuốc phiện và buôn bán methamphetamine. Adun đã rời bỏ quê nhà và bố mẹ của mình để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn ở Thái Lan. Khi lên bảy tuổi, cậu bé đã bắt đầu theo học tại các trung tâm của tổ chức Kitô giáo “Cảm thông”. Qua việc nhận con nuôi từ xa, tổ chức giúp đỡ cho gần 2 triệu trẻ em dễ bị tổn thương trên toàn thế giới. Nhờ đó, Adun đã có thể tiếp cận một nền giáo dục tiểu học xuất sắc và phát triển theo các nguyên tắc của Tin Mừng. Hành trình cá nhân này của Adun rất quan trọng đối với sự thành công của các hoạt động cứu hộ trong các đường hầm Tham Luang. Đó là nhờ khả năng ngôn ngữ ngoại thường của cậu bé (chỉ 14 tuổi, Adun nói thông thạo tiếng Anh, Thái, Miến Điện, Quan Thoại và Wa), các thợ lặn người Anh có thể hiểu được các điều kiện chính xác mà 13 kẻ bất hạnh gặp phải, và những điều họ cần ngay lúc đó.
Là người duy nhất trong nhóm có thể nói được tiếng Anh, ở một đất nước mà ít hơn một phần ba dân số có thể hiểu được ngôn ngữ này, Adun cũng đã nổi bật về sự sáng suốt và bình tĩnh khi liên lạc với bên ngoài hang. Khi những người cứu hộ cuối cùng mở được lối để cứu các thiếu niên, họ bị ấn tượng bởi nụ cười lạc quan của Adun. Đó là một sự thanh thản nội tâm, mà chính bản thân Adun tuyên bố, đó là một món quà đến từ Thiên Chúa.
Mục sư Decha Janepiriyaprayoon của Bangkok đã nhận định: “Cuộc khủng hoảng này đã dạy cho tất cả các Kitô hữu tầm quan trọng của việc hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa, vào sự kết hiệp trong lời cầu nguyện. Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa đã sử dụng Adun để giao tiếp với đội cứu hộ bằng tiếng Anh. Chúng tôi đã cảm nghiệm được sức mạnh của lời cầu nguyện. Đời sống tinh thần của chúng tôi đã được hồi sinh, đức tin và tình yêu của chúng tôi đã được củng cố.”
Nhiều giáo hội Kitô ở Thái Lan, không phân biệt mình thuộc hệ phái nào, đã cùng nhau cầu nguyện bằng những lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philípphê chương 4: “Anh em đừng lo lắng về bất cứ điều gì, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện; và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô.”
Khi cha mẹ Adun biết rằng con trai của mình và những thiếu niên khác còn sống, họ cảm ơn Chúa và lời cầu nguyện của các tín hữu. Mẹ của Adun nói: “Cảm ơn các bạn rất nhiều vì lời cầu nguyện và khuyến khích của các bạn. Tôi biết ơn Thiên Chúa và hạnh phúc rằng những người cứu hộ đã tìm thấy con trai tôi và những đứa trẻ khác. Tôi rất vui khi được nhìn thấy nó, thậm chí chỉ đơn giản là trên màn hình điện thoại của một trong những người cứu hộ. Cám ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho chúng tôi và cho các thiếu niên.”
Sau khi được trở về an toàn với thế giới bên ngoài, Adun thích đi đến nhà thờ của mình để kể lại sự can thiệp của Đấng quan phòng trong bóng tối của hang động đó. Cậu bé kể: “Đó là đêm thứ mười. Nhiều người trong chúng con đang mất kiên nhẫn, hy vọng, sức lực thể lý và lòng can đảm. Chúng con không thể làm gì để thay đổi tình hình. Điều duy nhất con có thể làm là cầu nguyện. Con đã thưa với Chúa: Lạy Chúa, con chỉ là một cậu bé, nhưng Chúa là Đấng toàn năng và là Đấng Thánh. Lúc này con không thể làm bất cứ điều gì, chỉ có Chúa mới có thể bảo vệ và giúp đỡ tất cả chúng con.”
Sau khi thuật lại câu chuyện của mình, Adun cầu nguyện cho gia đình của Saman Kunan, tình nguyện viên đã qua đời trong khi làm nhiệm vụ giải cứu các thiếu niên. Adun kết thúc chứng từ của mình bằng việc cảm ơn Chúa vì sự giải thoát kỳ diệu đã nhận được: “Con cảm ơn Chúa vì tất cả những gì đã xảy ra với con và các bạn của con, tất cả và mười ba người. Cám ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho con và cho đội, cám ơn tất cả những người đã giúp chúng con. Xin Chúa chúc lành cho tất cả những người đã giúp chúng con. Xin cảm ơn.”
Không chỉ là một cầu thủ tài năng, Adun còn chơi đàn piano và ghita, và hơn thể, em là một học sinh gương mẫu. Như mọi thiếu niên cùng tuổi, Adun mơ về một tương lai tươi sáng.
Hồng Thủy
(VaticanNews 23.08.2018)