Cách đây 2 năm, tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneswar bên Ấn độ đã bắt đầu tiến trình phong thánh cho hàng trăm Kitô hữu, là nạn nhân của bạo lực do những tín đồ Ấn giáo cực đoan gây nên. Trong số các nạn nhân bị những kẻ cực đoan Ấn giáo thảm sát chỉ vì lý do thanh trừng sắc tộc có cha Bernard Digal.
Tưởng niệm các tín hữu bị thảm sát tại Orissa
10 năm trước, ngày 23 tháng 8 năm 2008, cha Digal đến thăm các giáo xứ ở quận Kandhamal. Trong khi ở đó, cha nghe tin Swami Laxmananda Saraswati, lãnh đạo của đảng Vishna Hindu Parishad, vừa bị giết. Các lãnh đạo của các phong trào chính trị cực đoan đã đổ trách nhiệm về cái chết này cho các Kitô hữu dù nhóm chính trị của các cộng sản Mao đã nhận trách nhiệm về vụ sát hại này. Ngày 25 tháng 8, ngày an táng của Swami, cha Digal bị đánh thức bởi những tiếng la hét của đám đông trước giáo xứ Sankrahol, đang hô các khẩu hiệu chống lại Kitô hữu. Vài giờ sau tang lễ, các cuộc bạo động và tấn công vào các làng mạc và các nhà thờ Kitô giáo bắt đầu.
Cha Digal kể rằng đêm đó, họ cướp bóc và đốt cháy nhà thờ và sách lễ. Cha Alexander Chandi và cha Digal sợ hãi và chạy trốn vào rừng. Họ tìm được nơi trú ẩn trong đống đổ nát của một nhà thờ đã bị phá hủy bởi những kẻ cực đoan tại làng Dudukangia gần đó. Nhưng đám đông điên cuồng đuổi theo các ngài. Khi được đưa đến bệnh viện sau cuộc tấn công, cha Digal kể: “Tôi cầu xin họ nhưng họ không nghe tôi. Những cây gậy quất tới tấp vào tôi như mưa. Họ lột trần tôi và sau đó cứ đánh tôi trong 10 tiếng đồng hồ. Họ bỏ đi khi nghĩ rằng tôi đã chết.” Ngày hôm sau, người tài xế đã trở lại đưa cha đến bệnh viện ở Bhubaneswar.
Cha Digal được đưa vào bệnh viện Chennai, ở Tamil Nadu và được mổ cấp cứu để lấy một khối máu bầm trong não. Hai ngày sau, ngày 27 tháng 8, các lá phổi của cha suy yếu và cha bị khủng hoảng hô hấp nghiêm trọng và phải thở nhân tạo. Dù cho những cố gắng chữa trị của các bác sĩ, tình trạng sức khỏe của cha ngày càng yếu và cha đã qua đời ngay sau đó.
Cuộc tấn công điên cuồng chống Kitô hữu ở Ormai đã phá hủy hơn 290 làng Kitô giáo ở quận Kandhamal, đốt các tòa nhà. Nhiều người buộc phải cải đạo sang Ấn Độ giáo. 70 người chết và 50.000 người phải rời nhà cửa của họ. Hơn 500 gia cư của Kitô hữu và 170 nhà thờ bị thiêu đốt.
Tại bệnh viện, Cha Digal vẫn lo lắng cho dân của mình. Cha nói: “Trong khi tôi ở đây để chữa trị cho bản thân mình, những người dân của tôi trốn trong rừng, và cũng không được an toàn. Có những bà mẹ đang cho con bú, trẻ em, người trẻ và người già, tất cả sự sống của họ đều như treo lơ lửng bởi một sợi chỉ, trong hoảng sợ. Mọi sự phẫn nộ, tàn bạo và cực hình đã được sử dụng để chống lại các Kitô hữu không vũ trang, từ nam giới, phụ nữ, đến trẻ em. Tất cả đều bị đối xử tàn bạo dã man.”
Trong lễ an táng cha Digal, Đức cha Rapheel Cheenath của tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneswar đã nói về cha Digal: “Cha Digal là quản lý của giáo phận; ngài là một linh mục nhạy cảm, rộng lượng và luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các tu sĩ khác trước khi lo cho nhu cầu của cá nhân mình. Cha liên tục tìm kiếm sự hiệp thông huynh đệ.”
Đức cha của tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneswar tin rằng cha Digal đã được trao cho triều thiên tử đạo; cha đã được nhận cành lá chiến thắng từ các thánh trên thiên quốc. Đức cha cho biết: “Từ khi bắt đầu những cuộc bạo lực chống lại các Kitô hữu, từ tháng 12 năm 2007, cha Digal luôn muốn ở cùng dân của ngài để cộng tác vào hoạt động trợ giúp và phát triển, cổ võ những sáng kiến hòa bình.” Cha Digal luôn hoạt động vì “các Kitô hữu nạn nhân của cuộc tàn sát” và ngài có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria và siêng năng đọc kinh Mân Côi. Cha Digal thường nói với mọi người cách tìm nơi nương ẩn và trợ giúp nơi Đức Mẹ, ngay cả trong giây phút ảm đạm thất vọng nhất.
Nhiều tín hữu cũng nhắc đến cha: “nhà truyền giáo nhiệt thành”; “phục vụ cho dân chúng”; người biết dùng những lời tha thứ để đối lại với những người sử dụng bạo lực; làm việc không ngừng để hoán cải họ và hoạt động không ngừng cùng với các Kitô hữu Kandhamal, những người chịu bạo lực và sỉ nhục đủ mọi cách. Nhân đức của cha là khiêm nhường, khả năng tha thứ, cảm thức công bằng và hy sinh chính mình cho đến chết.
Hồng Thủy
(VaticanNews 14.08.2018)