Trong tháng 8 này ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho các lựa chọn kinh tế chính trị che chở các gia đình như kho tàng của nhân loại.
Không có gia đình sẽ không có xã hội và các cơ cấu của nó, vì gia đình là tế bào nòng cốt của xã hội. Đây là sư thật hiển nhiên không thể phủ nhận. Thật ra, từ ngàn xưa tới nay gia đình vẫn cố gắng duy trì được vai trò quan trọng này của mình. Tại các nước đang trên đường phát triển như Phi châu, Á châu, Đại dương châu và châu Mỹ Latinh, chỗ đứng của gia đình cho đến nay tương đối vẫn còn được tôn trọng và trân quý, mặc dù tại nhiều nơi, đặc biệt trong các thành phố lớn, người ta đã bắt đầu nhận ra ảnh hưởng của các xã hội Tây âu tục hóa, tiêu thụ và hưởng thụ.
Thật vậy, trong các xã hội kỹ thuật văn minh tân tiến Tây âu, gia đình đang bị tấn kích một cách trầm trọng và liên tục từ mọi phía. Tâm thức tiêu thụ và hưởng thụ khiến cho người ta tìm mọi cách khuyến khích các gia đình có ít con hơn, để có thể du lịch ăn chơi hưởng thụ nhiều hơn. Các đảng phái chính trị, các chính quyền theo nhau phê chuẩn luật cho phép phá thai, ly dị. Các hãng kỹ nghệ bào chế thuốc cho ra hàng loạt các loại thuốc phá thai, ngừa thai, trục thai, giúp hạn chế sinh sản, dưới chiêu bài bảo vệ sức khỏe và chống nạn nhân mãn, phát triển gia đình, giúp các gia đình có ít con để có cuộc sống sung túc đầy đủ, và có thể bảo bảo đảm cho việc nuôi nấng giáo dục chúng đến nơi đến chốn và đầy đủ hơn. Kỹ nghệ kiến trúc nhà ở cũng chỉ nghĩ đến việc đáp ứng nhu cầu của các gia đình ít con vv.
Trong lãnh vực lao động, có những hãng xưởng hay cơ quan chỉ nhận phụ nữ còn độc thân không có gia đình, hay có gia đình nhưng không được có con. Trong nhiều hãng xưởng khác khi chị em phụ nữ nhân viên có con, họ cũng có nguy cơ mất việc làm. Tuy luật lao động có các khoản trợ cấp gia đình, nhưng trên thực tế việc phát huy trợ giúp và thăng tiến các gia đình không là trọng tâm của các cơ cấu xã hội kinh tế chỉ chú ý tới các lợi nhuận. Nghĩa là hầu như toàn bộ cung cách tổ chức xã hội không tạo thuận tiện cho các gia đình đông con; và lược đồ xã hội bắt buộc các gia đình phải rập khuôn theo định hướng hạn chế sinh sản, càng ít con càng tốt.
Tuy nhiên, các đường lối chính trị hạn chế sinh sản này đang tạo ra nhiều vấn đề xã hội nan giải khác, điển hình là tại Trung Quốc, với chính sách mỗi gia đình một con và tâm thức trọng nam khinh nữ. Vì chỉ thích có con trai để nối dõi tông đường, người ta giết các thai nhi nữ. Và đây là lý do khiến cho Trung Quốc hiện có 60 triệu đàn ông con trai không kiếm ra vợ, vì số phụ nữ quá ít. Và người ta tạo ra các dịch vụ tìm vợ cho đạo binh không vợ khổng lồ này của Trung Quốc. Trong số các nước đích tới có các nước vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Indonesia, Malaysia và nhiều nước Phi châu.
Trong các xã hội Tây âu, cảnh mùa đông dân số cho thấy tỷ lệ sinh ngày càng ít, số người già ngày càng đông, làm nảy sinh ra nạn thiếu nhân lực làm việc và quỹ hưu trí thiếu hụt. Làn sóng di cư trong các năm qua có thể giúp giải quyết được phần nào vấn đề nhân công, nhưng lại tạo ra nhiều thách đố xã hội phức tạp khác, trong đó có các khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và việc hội nhập.
Riêng tại Pháp chính quyền đã nhận ra các thách đố này, nên từ nhiều thập niên qua, đã đề ra đường lối chính trị ưu tiên trợ giúp các gia đình đông con, dành cho họ nhiều quyền lợi: thuê nhà rẻ, rộng rãi, các trẻ em được trợ cấp ăn học cho đến khi trưởng thành và cha mẹ vì thế cũng không cần phải đi làm việc vv.
Nhưng nói chung các chính quyền duy đời cực đoan Âu châu có các đường lối chính trị kinh tế không thăng tiến và bảo vệ gia đình đủ, trái lại nhiều khi còn tạo dễ dãi cho các tấn kích tàn phá gia đình như cho phép phá thai, ly dị, chấp nhận hôn nhân đồng tính và cho các cặp đồng tính các quyền ngang hàng với hôn nhân truyền thống, kể cả quyền nhận con nuôi. Trong khi đó tại các nước nghèo Phi châu, Á châu, Đại dương châu và châu Mỹ Latinh, gia đình cũng không được các chính quyền nỗ lực trợ giúp và thăng tiến bao nhiêu.
Linh Tiến Khải
(VaticanNews 02.08.2018)