Thật thế, sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, các vị hữu trách đã đưa ra quyết định cuối cùng là Dòng Chúa Cứu Thế trao giáo điểm An Thới Đông. Ngoài diện tích đất nhà thờ còn có diện tích đất cũng như trường khuyết tật Thanh Tâm cho Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
Dấu ấn lịch sử truyền giáo ở An Thới Đông này còn in đậm dấu chân của các nhà thừa sai đến từ Dòng Chúa Cứu Thế.
Từ những ngày tháng cách đây 25 năm về trước, An Thới Đông có thể nói không có một bóng người có đạo. Thế nhưng rồi, Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng compa qua biến cố một người cùng ngồi tù với Cha Cố Stephano Chân Tín thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.
Nhân “cơ hội” ngồi tù mà hạt giống Tin Mừng đã gieo vào gia đình của anh Hai Bạc để rồi từ những ngày trong tù và sau đó, Anh và gia đình của Anh đã tìm đến với Chúa và lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy. Từ gia đình Hai Bạc lan ra một số gia đình khác nữa cũng đã tìm đến Chúa.
Còn nhớ, thời khó khăn, nhất là đường đi sình lầy và phương tiện đi lại không như bây giờ, một số gia đình phải vất vả lên đến tận Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng để học giáo lý, tham dự Thánh Lễ và nhận bí tích Thanh Tẩy.
Sau đó một thời gian, một số vị thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế cùng với Cha cố Chân Tín như Cha cố G.B. Nguyễn Văn Đồng, Cha Phêrô Đinh Ngọc Lâm (hiện là Giám Đốc Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế), Cha G.B Nguyễn Bình Định và một số thầy Học Viện khác nữa đã lặn lội xuống An Thới Đông để truyền giáo.
Tiếp nối các vị thừa sai này, một số Cha và quý Thầy Học Viện cứ hàng tháng hay hàng tuần lại dắt díu nhau về An Thới Đông để đi đến những địa danh như Bầu Thơ Hốc Quả, Rạch Lá … và có khi qua tận Long An để loan báo Tin Mừng.
Điểm son nhất và tâm hồn truyền giáo còn in đậm trong tâm trí của An Thới Đông ngoài Cha cố Chân Tín, Cha Đồng đó phải kể đến khuôn mặt của Cha Phanxicô Atxidi Hoàng Minh Đức (hiện đang làm “chúa đảo” Lý Sơn – truyền giáo tại vùng đảo này thuộc Châu Ổ).
Sau thời Cha Phanxicô Atxidi có Cha Giuse Nguyễn Bá Long, Cha G.B. Nguyễn Thanh Bích, Cha già Tước, Cha Hải, quý Thầy …
Cứ như thế, túc tắt ngày này qua ngày kia, quý Cha cứ đến và ở lại An Thới Đông như gia đình mình và coi anh chị em giáo dân như những người ruột thịt của mình để sống và nói về Chúa với họ.
Từ giữa trưa, sau giờ cơm, chúng tôi khăn gói quả mướp dắt díu nhau về với vùng đất ven Sài Gòn mang tên xã An Thới Đông thuộc huyện Cần Giờ. Muốn đến với Cần Giờ nói chung hay qua được với An Thới Đông chúng tôi phải vượt qua chặng đường dài qua quận 4, quận 7 và nhất là chuyến phà Bình Khánh.
Nghi thức bàn giao Giáo Điểm truyền giáo này cho Giáo Phận coi sóc mục vụ về phía Giáo Phận có sự hiện diện của Đức Giám Quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Cha Tổng Đại Diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Cha đặc trách truyền giáo Giáo Phận Sài Gòn, Cha Tân Chánh Xứ Martin Trần Quang Vinh, Cha Giuse Maria Nguyễn Quốc Tuấn (sẽ phụ trách An Thới Đông) và một số Cha khác nữa có trách nhiệm trong Giáo Phận Sài Gòn. Về phía bàn giao có Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Cha Thư Ký Tỉnh Dòng, Cha Quản Lý Tỉnh và một số Cha khác nữa có liên quan.
Sau khi ký kết biên bản bàn giao, Đức Cha Giám Quản, Cha Giuse Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Tổng Đại Diện và Cha nguyên đặc trách An Thới Đông G.B. Nguyễn Thanh Bích cùng nhau đi tham quan Nhà Thờ, Trường Thanh Tâm cũng như diện tích đất xung quanh nhà thờ và nhà trường.
17 g 00, cộng đoàn phụng vụ bước vào Thánh Lễ tạ ơn chiều nay. Chủ tế Thánh Lễ là Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Giám Quản Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Cha Tổng Đại Diện, Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế và một số Cha khác nữa.
Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích công bố quyết định trao An Thới Đông cho Giáo Phận và Cha Chưởng Ấn Kiều Công Tùng cũng đã công bố quyết định thành lập giáo xứ An Thới Đông.
Cha Tổng Đại Diện công bố bài sai của Tổng Giáo Phận Sài Gòn cho Cha Martino Trần Quang Vinh.
Sau những quyết định và bài sai được công bố, Cha Martino tuyên xưng đức tin cũng như Thánh Lễ được bắt đầu.
Trong bài chia sẻ, Đức Cha Giám Quản gợi lại một chút về sự hình thành nhà thờ An Thới Điểm, đăc biệt việc xây dựng ngôi nhà thờ này năm 2004 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần 70 của Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn.
Sau đó, Đức Cha gợi đến bài Tin Mừng ngày hôm nay nói về Bánh Trường Sinh. Đức Cha nhấn mạnh lời của Chúa : “Ai đến với Ta không đói, uống Ta không khát bao giờ” … Tuy nhiên, để đón nhận Chúa Giêsu phải đến để đón nhận Chúa Giêsu. Chúng ta được đón nhận sự sống đời đời nơi con Thiên Chúa.
Đức Cha mời gọi An Thới Đông đến nhà thờ để đón nghe Lời Chúa và đón nhận Mình Máu Thánh Chúa như lời Chúa mời gọi trong Phúc Âm : “Các ngươi hãy ra công làm việc không chỉ bởi thức ăn hay hư nát nhưng mang lại lương thực đời đời”.
Xin Chúa chúc lành cho bà con tại đây đủ nhu cầu đời sống hàng ngày và xin Chúa ban lương thực hàng ngày cho bà con qua Mình Máu Thánh Chúa.
Trước khi Thánh Lễ kết thúc, vị đại diện của giáo xứ An Thới Đông cảm ơn Đức Cha Giám Quản, Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, quý Cha tiền nhiệm giúp An Thới Đông cũng như Cha Martin Trần Quang Vinh (Chánh Xứ), Cha Giuse Maria Nguyễn Quốc Tuấn (Phó Xứ).
Những bó hoa tươi thắm gửi đến Đức Cha và quý Cha bày tỏ tấm lòng biết ơn đến Đức Cha và quý Cha.
Sau lời của vị đại diện, Đức Cha Giám Quản ngỏ lời cảm ơn Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Giám Tỉnh, quý Cha, quý sơ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và tất cả mọi người : “Xin Chúa chúc lành cho công việc truyền giáo của Tổng Giáo Phận và cách riêng giáo xứ An Thới Đông”.
Và rồi, Cha Martin Trần Quang Vinh (Chánh Xứ), Cha Giuse Maria Nguyễn Quốc Tuấn (Phó Xứ) cảm ơn Đức Cha, quý Cha và cộng đoàn. Cha Martino nói : “Chúng con cảm ơn Đức Cha, quý Cha … đặc biệt Cha G.B. Nguyễn Thanh Bích – nguyên quản nhiệm – đã hướng dẫn cho chúng con cũng như quý sơ. Con không biết nói gì hơn, xin biết ơn sâu sắc và xin Chúa chúc lành cho quý Cha. Xin tiếp tục cầu nguyện cho chúng con để chúng con loan báo Tin Mừng cho An Thới Đông”.
Những tấm hình lưu niệm được ghi lại nơi vùng truyền giáo này sau Thánh Lễ tạ ơn.
Nghi thức bàn giao giáo xứ An Thới Đông cho Giáo Phận cũng như Thánh Lễ tạ ơn khép lại nhưng việc truyền giáo tại vùng đất thân thương này vẫn còn đó. Chính vì thế, rất cần và cần lắm lời cầu nguyện, sự chia sẻ và cộng tác của mọi người để các vị phụ trách nơi đây có hoàn thành sứ mạng mà Chúa trao phó.