Đền thánh Công giáo ban nhiều ơn phúc ở Bangladesh

Đền Thánh Anthony ở Gazipur, Bangladesh thu hút đông đảo người đến kính viếng mỗi năm
Đền thánh Công giáo ban nhiều ơn phúc ở Bangladesh

Jolekha Begum đang mang thai ở tháng thứ tám, nhưng nữ giáo viên tiểu học theo Hồi giáo này vẫn không quản ngại quãng đường hơn 150 cây số của mùa đông lạnh lẽo ở Bangladesh, để đến cho được đền thánh ban ơn nổi tiếng vào dịp cuối tháng Giêng để kính ngưỡng.

Người phụ nữ 31 tuổi từ phía bắc quận Siranjganj đã đến đền Thánh Anthony ở làng Panjora thuộc quận Gazipur để cảm tạ vị thánh người Bồ Đào Nha đã ban cho chị “ơn lành”.

“Tôi lập gia đình đã được bảy năm nhưng vẫn chưa có thai. Tôi thật sự thất vọng và thường bị sỉ nhục cũng như bị bạo hành”, Jolekha tâm sự.

“Tôi được biết đến Thánh Anthony ban nhiều phép lạ và tôi viếng đền vào năm ngoái với lời cầu nguyện được có con. Lời khẩn cầu của tôi đã được chấp nhận”, chị kể với ucanews.com.

Jolakha cũng cầu nguyện cho con chị được khỏe mạnh.

“Tôi sẽ vẫn tiếp tục đến đây để cảm tạ Ngài khi tôi còn có thể”, chị cho biết.

Đôi vợ chồng theo Ấn giáo Rajesh Das, 38 tuổi và Sunita Debi, 25 tuổi cũng là những người tin vào thánh nhân.

Họ cũng đến viếng đền cùng với con trai 10 tuổi từ nơi cách xa 100 cây số, ở quận Munshiganj. Họ mang theo đôi chim bồ câu đến để tạ ơn.

“Hai năm trước, con trai chúng tôi lâm bệnh nhưng các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân và sức khỏe cháu ngày càng xấu đi”, chị Sunita, người vợ chia sẻ.

Tôi được nghe về Thánh Anthony từ một Kitô hữu, thế là chúng tôi đến đây cầu xin Ngài cho sức khỏe con tôi hồi phục. Và bây giờ, nó hoàn toàn khỏe mạnh”, chị cho biết.

Tại đây, những câu chuyện về đức tin và phép lạ được ban cho rất phổ biến.

Đền thánh thu hút hàng ngàn người sùng kính thuộc đủ mọi tôn giáo và sắc tộc đến kính viếng mỗi năm.

Ngày lễ hàng năm vào tháng Hai ở đây đã trở thành ngày lễ hội lớn nhất của các Kitô hữu ở đất nước đa số Hồi giáo Bangladesh này.

Năm nay, có khoảng 50.000 người lũ lượt kéo đến tham dự lễ vào 2-02 do Đức hồng y Patrick D’Rozario chủ tế. Theo thông lệ, lễ Thánh Anthony thường diễn ra trước Mùa Chay, chứ không phải vào 13-06 như theo lịch phụng vụ.

Hầu hết người sùng kính là người Công giáo từ Tổng giáo phận Dhaka thuộc vùng Bahawal lâu đời có nhiều người Công giáo nhất với bảy giáo xứ.

Làng Panjora là một phần của nhà thờ Thánh Nicholas của Tolentino ở Nagari thuộc địa hạt Bahawal.

Vào ngày mừng lễ, hàng ngàn người xếp hàng đợi hàng giờ để được chạm vào tượng và bày tỏ kính ngưỡng thánh nhân.

Nhiều người mang phẩm vật đến để tạ ơn như nến, đồ trang trí bằng vàng, chim bồ câu… v.v.

Có nhiều đền Công giáo khác ở Bangladesh nhưng đền Thánh Anthony là nơi thu hút nhiều người đến kính viếng nhất.

Qua chín ngày đầu của tháng Hai, khoảng 5.000 đến 6.000 người tham dự tuần cửu nhật thánh lễ và cầu nguyện ở đây.

Alexander Ascension, 74 tuổi, một người Công giáo thuộc làng Panjora nói ông đã chứng kiến sức mạnh kỳ diệu của thánh nhân.

“Tôi tin Thánh Anthony giúp tìm đồ vật bị mất. Chiếc tuyền của tôi bị đánh cắp nhưng tôi lấy lại được nhờ cầu xin thánh nhân”, ông nói với ucanews.com.

“Tương tự, cháu gái tôi bị bệnh ở mắt nhưng được chữa lành nhờ phép lạ của ngài”.

Thánh Anthony là biểu tượng của sự hòa hợp tôn giáo, Abdul Kadir Mian, tín hữu Hồi giáo, người lãnh đạo cộng đồng địa phương cho biết.

“Ngài là vị thánh của tất cả mọi người. Chúng tôi tự hào và vinh dự được đón tiếp mọi người trên khắc cả nước đến đây. Ngày lễ kính thánh nhân là hình mẫu của hòa hợp tôn giáo ở Bangladesh”, ông Mian nói.

Nguồn gốc cụ thể của những ngày người sùng kính tụ họp ở đền thánh hầu như không rõ ràng, nhưng người dân địa phương cho biết sự kiện đã có gần 200 năm nay. Theo truyền thuyết, chỉ là bức tượng nhỏ của Thánh Anthony xuất hiện rồi tái xuất hiện vài lần tại nơi đặt đền thánh hiện tại và mọi người bắt đầu tụ họp cầu nguyện.

Sau đó, một người nữ Công giáo địa phương hiến đất và Giáo hội địa phương xây dựng nguyện đường nhỏ ở đó.

Dom Antonio da Rosario, nhà truyền giáo Công giáo người Bengali là con của vì vua Ấn giáo được tin rằng đã giúp quảng bá đền thánh.

Cướp biển người Arakan được nói đã bắt cóc ông khi còn nhỏ và bán ông cho các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha.

Các linh mục đã rửa tội và đặt tên cho ông là Dom Antonio. Dom trong tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là “ông hoàng”.

Antonia học giáo lý, ngôn ngữ, nhạc và vũ điệu. Ông trở thành nhà truyền giáo tài năng.

Tài hùng biện kết hợp với âm nhạc và các vũ điệu, ông đã khiến hàng ngàn người Ấn giáo đẳng cấp thấp ở Bhawal và những vùng khác ngày nay thuộc tổng giáo phận Dhaka theo đạo Công giáo.

Antonio được tin rằng đã sáng tác ra Thakurer Geet, một kiểu nhạc dân ca về cuộc đời của Thánh Anthony vẫn còn rất phổ biến trong vùng đến ngày nay.

“Dom Antonio không chỉ truyền và cải đạo cho người dân, ông còn có công truyền bá Thánh Anthony nhưng không mấy người biết về công lao của ông”. Cha Proshanta T. Rebeiro giáo sư Giáo luật tại Đại chủng viện Thánh Linh ở Dhaka nói với ucanews.com.

Năm ngoái, công nhận lòng sùng kính vững vàng của người dân ở đây, hai tu sĩ dòng Phanxicô từ Đại giáo đường Thánh Anthony bên Ý đã rước thánh tích của Ngài vòng quanh Bangladesh.

Cha Rebeiro nói đã đến lúc cho mọi người biết về thánh nhân và ngôi đền.

“Đền thánh cần được mở rộng và cần nơi thờ phượng lớn hơn cho nhu cầu của người sùng kính trong nước cũng như quốc tế”.

Cha Joyanto S. Gomes, chánh xứ nhà thờ Thánh Nicholas của Tolentino, nói tổng giáo phận có kế hoạch phát triển đền thánh.

“Dự kiến sẽ dựng nhà thờ lớn ở đây, sẽ có linh mục coi sóc ngôi đền và có chỗ lưu trú cho khách hành hương”.

Thánh Anthony sinh ở Lisbon, Bồ Đào Nha vào 15-08-1195. Ngài được thụ phong linh mục và sau đó trở thành huynh đệ dòng Thánh Phanxicô.

Ngài được biết đến với việc dành lòng yêu mến bền bỉ cho người nghèo, người bệnh tật và thánh nhân cũng nổi tiếng uyên thâm về Thánh thư.

Ngài qua đời năm 1231 lúc 35 tuổi ở Padua, nước Ý vì bệnh thận. Vatican phong thánh cho ngài một năm sau đó và đến 1946, ngài được tuyên phong là Tiến sĩ Hội thánh.

 

Nguồn tin: UCAN