Hiệp Ước Ngăn Cấm Toàn Diện Việc Thử Hạch Nhân là một trong các viên đá nền tảng xây nên các cơ cấu pháp lý khó khăn lắm mới đặt để được để kiểm soát sự đe dọa hoàn cầu do các vũ khí hạch nhân áp đặt và để từ từ tiến tới một thế giới không có các vũ khí hạch nhân.
Tòa Thánh phê chuẩn và tuân hành Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân như một cử chỉ nói lên xác tín lâu đời của mình rằng việc ngăn cấm thử nghiệm hạch nhân, việc cấm lan tràn vũ khí hạch nhân, và việc giải giới vũ khí hạch nhân “có liên hệ mật thiết với nhau và phải đạt được càng nhanh càng tốt dưới sự kiểm soát hữu hiệu của quốc tế” (1).
Do đó, Tòa Thánh bối rối khi thấy tiếp tục thiếu sự tiến bộ trong việc hiệu lực hóa Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân. Hai thập niên không có việc hiệu lực hóa Hiệp Ước đã là hai thập niên bị mất đi trong mục tiêu chung của chúng ta về một thế giới không có vũ khí hạch nhân. Nhưng cùng một lúc, Tòa Thánh hài lòng khi được tham dự Hội Nghị này, được tham gia với các Quốc Gia khác đã phê chuẩn Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân trong việc lặp lại lời kêu gọi của chúng ta với các Quốc Gia còn lại mà sự phê chuẩn rất cần để hiệu lực hóa Hiệp Ước. Khi ký hiệp ước này, các quốc gia đó sẽ có cơ hội chứng tỏ sự khôn ngoan, tài lãnh đảo can đảm, và một cam kết đối với hòa bình và ích chung cho mọi người.
Hiệu lực hóa Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân lại càng khẩn thiết hơn khi chúng ta xem xét các đe dọa hiện nay đối với hòa bình, từ các thách thức liên tục của việc lan tràn hạch nhân tới các chương trình hiện đại hóa lớn lao và mới mẻ của một số quốc gia có vũ khí hạch nhân. Cả hai việc lan tràn hạch nhân và các chương trình hiện đại hóa mới đều đi ngược lại các mục đích của Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân và quan trọng hơn nữa, chúng phá hoại nền an ninh quốc tế. Các căng thẳng gia tăng đối với chương trình hạch nhân đang lớn mạnh của Bắc Hàn thật là cấp bách. Cộng đồng quốc tế phải đáp ứng qua việc tìm cách làm sống lại các cuộc thương thuyết. Sự đe dọa hay sử dụng sức mạnh quân sự không hề có chỗ đứng trong việc chống lại việc lan tràn hạch nhân, và sự đe dọa hay sử dụng vũ khí hạch nhân để chống lại việc lan tràn hạch nhân là điều đáng trách. Chúng ta phải để lại sau lưng các đe dọa hạch nhân, sự sợ sệt, ưu thế quân sự, ý thức hệ, và chủ nghĩa đơn phương từng khuyến khích việc lan tràn và các cố gắng hiện đại hóa cũng như việc làm sống lại thứ luận lý học của Chiến Tranh Lạnh.
Thưa Ông Chủ Tịch, hôm nay, nhân Hiệp Ước về việc Ngăn Cấm Vũ Khí Hạch Nhân được mở ra để ký nhận, tôi muốn tập chú đặc biệt vào Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân như là một bổ túc chủ yếu đối với các cố gắng giải giới hạch nhân rộng lớn hơn. Ngày 25 tháng 9 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc “làm việc cho một thế giới không có vũ khí hạch nhân, qua việc áp dụng Hiệp Ước Không Lan Tràn, theo chữ nghĩa và theo tinh thần, với mục tiêu là hoàn toàn ngăn cấm các loại vũ khí này”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm: “Một nền đạo đức và luật lệ dựa trên việc đe dọa tận diệt lẫn nhau, và có thể tận diệt cả nhân loại, là những điều tự mâu thuẫn và là một lăng mạ đối với toàn bộ khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, một khuôn khổ có lẽ kết cục sẽ trở thành “các quốc gia liên hợp bởi sợ hãi và bất tin tưởng nhau”. Trong lá thư gửi cho Mệnh Phụ Elayne Whyte Gómez, Chủ Tịch Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về việc ngăn cấm hạch nhân, ngài thúc giục cộng đồng quốc tế “vượt quá việc gián chỉ (deterrence) hạch nhân… [và] chấp nhận các chiến lược tiên tiến để cổ vũ mục tiêu hòa bình và ổn định và tránh các phương thức thiển cận đối với các vấn đề xung quanh an ninh quốc gia và quốc tế” (2).
Dù không hề ảo tưởng đối với các thách thức liên quan tới việc đạt được một thế giới không có vũ khí hạch nhân, nhưng các thách thức đặt ra bởi hiện trạng trước khi có chiến tranh (status quo ante) của các căng thẳng gia tăng, tức việc tiếp tục lan tràn (vũ khí hạch nhân) và các chương trình hiện đại hóa mới, là điều làm chúng ta thoái chí hơn nhiều. Vũ khí hạch nhân đem lại một thứ cảm thức giả tạo về an ninh. Nền hòa bình đầy lo lắng do gián chỉ hạch nhân hứa hẹn đã chứng tỏ đi chứng tỏ lại là ảo tưởng một cách bi thảm. Vũ khí hạch nhân không thể tạo nên một thế giới ổn định và an ninh. Hòa bình và ổn định quốc tế không thể xây dựng trên việc chắc chắn hủy diệt lẫn nhau hay trên sự đe dọa tận diệt.
Thưa Ông Chủ Tịch,
Thứ hòa bình nào dựa trên sự cân bằng của sức mạnh, với đe dọa và phản đe dọa, và cuối cùng là sợ sệt, là thứ hòa bình bất ổn và giả tạo. Để có thể đáp ứng một cách thích đáng các thách thức của thế kỷ 21, điều chủ yếu là thay thế thứ luận lý học sợ sệt và bất tín bằng nền đạo đức học trách nhiệm, và nhờ thế cổ vũ bầu không khí tin tưởng, biết trân trọng cuộc đối thoại đa phương qua việc hợp tác nhất quán và có trách nhiệm giữa mọi thành viên của cộng đồng quốc tế. Các qui định ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, luật nhân đạo, các qui ước kiểm soát vũ khí, và các yếu tố khác của luật quốc tế đại biểu cho một cam kết tuyệt đối cần thiết đối với nền an ninh có tính hợp tác và là hiện thân pháp lý của nền đạo đức học trách nhiệm có tính hoàn cầu.
Việc hiệu lực hóa Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân sẽ là một biểu hiện quan trọng của việc cam kết đối với nền đạo đức học trách nhiệm này. Hai thập niên đã quá dài để chờ đợi việc chứng tỏ cam kết này.
Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.
[1] Tuyên Bố của Tòa Thánh kèm theo Văn Kiện công nhận Hiệp Ước Ngăn Cấm Việc Thử Hạch Nhân, 24 tháng 9 năm 1996.
[2] Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi Mệnh Phụ Elayne Whyte Gómez, Chủ Tịch Hội Nghị Liên Hiệp Quốc để Thương Thảo Một Văn Kiện Có Tính Trói Buộc Về Pháp Lý Ngăn cấm Các Vũ Khí Hạch Nhân, Dẫn Tới Việc Hoàn Toàn Loại Bỏ Chúng, 23 tháng 3 năm 2017.
Vũ Văn An
Nguồn tin: Vietcatholic