Bây giờ, tôi chỉ có thể mơ với đôi mắt mở to và bằng trái tim đang đập, tôi hiểu rằng cuộc sống không phải là bước đi với đôi chân chạm đất, là điều giới hạn suy nghĩa của ở những điều bạn thấy, và chính điều này làm bạn đánh mất đi vẻ đẹp của cuộc sống.
Vì thế tôi cám ơn Chúa đã cho tôi cuộc sống bị Sla này. Đó là những lời cuối cùng mà cha Modesto Paris để lại cho các thanh thiếu niên, các người trẻ của phong trào Rangers do cha thành lập vào năm 1984 tại Đền thánh Đức Mẹ ở Genova, để lại cho các bạn hữu sống một cuộc sống với những niềm vui nhưng cũng với khổ đau.
Cha Modesto Paris là một linh mục dòng thánh Augustinô. Đêm ngày 30 tháng 5 vừa qua (2017), cha đã qua đời sau một thời gian đau bệnh, hưởng thọ 59 tuổi. 2 năm trước đây, cha Paris được chẩn đoán mắc bệnh sơ cứng teo cơ cạnh sườn, tiếng Ý gọi tắt là Sla. Căn bệnh này, đầu tiên buộc cha phải gắn đời mình với chiếc xe lăn, sau đó cha phải cần đến máy thở. Căn bệnh này cũng lấy đi cả tiếng nói của cha, nhưng cha vẫn tiếp tục dâng Thánh lễ và giảng nhờ phương pháp tổng hợp tiếng nói. Cha Paris thường đùa gọi căn bệnh này là một trận sạt lở. Nhưng chính trong căn bệnh đó, như đức hồng y Angelo Bagnasco, tổng giám mục Genova đã nói, cha Paris đã mang nhiều ơn gọi đến cho Giáo hội.
Cha Paris đã chọn sống cho đến giây phút cuối, cha không muốn đầu hàng. Lá thư cuối cùng, vài giờ trước khi cha trút hơi thở cuối cùng, là chứng tá tuyệt vời của một con người yêu sự sống và chiến đấu vì sự sống cho đến giây phút cuối cùng. Cha viết: “Các bác sĩ nói rõ với tôi rằng chỉ 15% số người ở trong tình trạng sức khỏe như tôi quyết định tiếp tục chiến đấu cho sự sống. Tôi trả lời có với sự sống ngay tức khắc, không chút do dự, không phải vì tôi là một người có đức tin, một tu sĩ Augustianô nhặt phép, một linh mục chịu chức được 33 năm. Tôi chiến đấu bởi vì tôi yêu quý sự sống trong mỗi khoảng khắc nhỏ của nó. Tôi đặt chức linh mục của tôi là gương mẫu. Ngay lúc này, tôi không thể rút lui. Trong suốt các năm làm linh mục, theo thói quen, tôi đã giảng trong cả ngàn Thánh lễ, tại các nhà thờ hay trên các đỉnh núi.
Cha Paris đưa ra một lời khuyên: “Nếu bạn có thể nói, hãy lập lại lớn tiếng những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Đau khổ là đau khổ, nhưng nếu được sống với niềm vui và hy vọng, nó sẽ mở cánh cửa đến niềm vui của hoa trái mới.’ Tôi không thể la lớn tiếng, nên tôi viết nó trên một máy tính bảng mà thầy Anrê giơ lên trước mặt tôi. Tôi dùng 3 ngón của bàn tay phải để viết. Ngoài đôi mắt, mấy ngón tay là phần cơ thể duy nhất mà tôi còn có thể cử động.” Cha kể thêm: “các thiếu niên dán hình một con diều trên trần nhà căn phòng của tôi, với dòng chữ mà tôi nhắc lại nhièu lần với những ai gặp khó khăn, và giờ đây nó trở thành động lực cho tôi mỗi sáng khi tôi mở mắt: ‘Con diều chỉ bay khi gặp gió ngược.’” Cha Paris kết luận: “Trong những tháng này, tôi đã ngắm con diều từng giờ, từ sáng cho đến chiều. Ngọn gió, trong thời gian này, luôn nổi lên, thổi ngược lại. Và chính vì điều này tôi đã tiếp tục muốn bay lên.”
Để làm gương mẫu và chứng ta vui tươi của Tin mừng, cha Paris đã thành lập phong trào giới trẻ thiện nguyện Rangers ở Genova. Trong 30 năm, phong trào này đã tiếp cận hàng ngàn bạn trẻ với những sinh hoạt hội họp, cắm trại, du ngoạn, trình diễn âm nhạc và kịch nghệ. Họ sống tràn đầy tinh thần của Tin mừng và biến nhóm của họ thành một gia đình mở rộng liên kết bởi đức tin sống động, cởi mở và vui tươi. Cách đây 3 năm, hội này đã thành lập một khu cắm trại ở Mocenigo, vùng Trento của Italia. Khu trại này là nơi tiếp đón các gia đình khó khăn không có điều kiện đi nghỉ hè và cũng là nơi các thanh thiếu niên, theo gương của cha Modesto, làm việc cách thinh lặng với lòng bác ái và thương xót. Cũng để làm chứng về đức tin vui tươi và phục vụ than nhân, bên cạnh phong trào Rangers, cha Paris còn thành lập một phong trào toàn quốc “Ngàn đôi tay cho tha nhân”, một hiệp hội của người trưởng thành ở mọi lứa tuổi, liên kết và tổ chức các hoạt động với mục đích chung là giúp đỡ ngừoi lân cận. Trong 30 năm, bên cạnh cha Paris và các nhà sáng lập, các nhóm khoảng chục người đã thay nhau, hoạt động tích cực với khẩu hiệu “Được kêu gọi để biến đổi thế giới”, biến sự hiện diện của họ thành bài ca sự sống.
(Hồng Thủy, RadioVaticana 22.09.2017/ Avv 31/05/2017)