Cư dân thành phố ven biển Rockport của bang Texas vẫn tiếp tục góp nhặt những mảnh vụn còn lại sau siêu bão Harvey lịch sử. Đối với không ít người, đức tin là nguồn gốc của sự an ủi, bất kể tình huống khó khăn đến mức nào. Trước một nhà thờ bị tàn phá, những tín hữu nhiệt thành vẫn có mặt tham gia thánh lễ được dâng ngoài trời, gần tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria và Chúa Hài Đồng, theo Houston Chronicle. Những người tình nguyện góp nhặt từng chiếc ghế, xếp thành hình bán nguyệt xung quanh một cái bàn phủ vải xanh đậm được bày biện đơn sơ vì cung thánh không còn nguyên vẹn nữa. Linh mục John Tran Nguyen, dòng Phanxicô, từ nơi ở tạm bợ sau cơn bão cách đó khoảng 30 phút lái xe đã đến nơi, mặc áo lễ và bắt đầu dâng thánh lễ. Mọi việc cứ diễn ra như thể họ đang ở trong giáo đường trang nghiêm, yên ắng, chứ không phải ngoài sân với tiếng động ầm ĩ từ máy phát điện kế bên, xung quanh là khung cảnh bị bão tàn phá. “Với đức tin, chúng tôi là một gia đình”, cha Nguyen nói.
Trong số tất cả những nhà thờ nằm dọc theo bờ biển Texas, nhà thờ Thánh Phêrô tại Rockport là một trong những nơi bị tàn phá nặng nề nhất sau bão Harvey. Vào thời điểm đổ bộ, siêu bão mang theo sức gió giật lên đến 210 km/giờ, và không may Rockport lại lọt đúng vào tâm bão, nơi đặt nhà thờ Thánh Phêrô được mệnh danh là trái tim và linh hồn của cộng đồng gốc Việt tại hạt Aransas. Bà Leah Oliva, giáo lý viên, ngậm ngùi trước tình trạng đổ nát khi đặt những bước chân dè dặt lên nền đất toàn những mảnh kính vỡ, gạch vụn, những tấm cách nhiệt rách nát: “Nơi đây từng là nhà thờ của chúng tôi”.
Một giáo dân tên Vong Cao suýt nữa òa khóc khi chứng kiến tình trạng ngổn ngang bên trong nhà thờ, nơi lưu giữ vô vàn ký ức quý giá của bà. Gió thốc qua lỗ trống hoác trên tường phía đông. Một cây Thánh Giá nằm tan tành dưới đất. Hầu như mọi cửa sổ bằng kính mờ đều bị thổi bay, nhưng bức tượng thánh Martin de Porres thoát được cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Và bằng cách nào đó, cây Thánh Giá khổng lồ bằng gỗ treo trên cung thánh vẫn không suy chuyển, như một phép lạ.
Nhà thờ Thánh Phêrô là nơi từng tổ chức đám tang của cha mẹ bà Cao, và nhiều thời khắc vui vẻ như đám cưới của người thân bạn bè: “Mọi thứ đều chất chứa ở đây, biết bao kỷ niệm, và tôi mong mỏi sẽ sớm dựng lại nhà thờ. Cha Nguyen giảng rằng bão Harvey chỉ là một thử thách của Thiên Chúa đối với các con dân của Ngài”. Cha Nguyen chia sẻ: “Thật đáng buồn, nhưng chúng tôi tin Thiên Chúa sẽ luôn bảo vệ con chiên của Ngài. Tôi cho rằng điều duy nhất chúng tôi có thể làm được vào lúc này là cầu nguyện, và nỗ lực hết sức mình cùng với sự cầu nguyện vào Đấng Tối Cao”. “Nhà thờ cũng chỉ là một tòa nhà, cái quan trọng là ở đây”, cha chỉ vào trái tim. “Giáo dân đang trông chờ vào tôi, nên tôi buộc phải mạnh mẽ hơn nữa”, theo vị linh mục dòng Phanxicô.
Giáo hội Mỹ khắc phục hậu quả của bão
Tại một tu viện nhỏ ở Houston, các nữ tu thuộc dòng Đức Bà Cénacle đã bắt tay vào công cuộc khôi phục cộng đồng nhỏ đã tồn tại 60 năm qua. Khi bão Harvey ập đến, họ buộc phải di tản trên phương tiện cơ giới của chính phủ vì nơi ở rộng 3,6 ha bị ngập dưới 1,5m nước. Vào thời điểm quay lại, mọi thứ bên trong hoàn toàn bị hư hại. Bất chấp tuổi tác cao, người trẻ nhất đã 60 tuổi và cao tuổi nhất là 89, các nữ tu lập tức bắt tay vào công việc, với hy vọng có thể nhanh chóng thu dọn mọi thứ, kịp thời chào đón các tín hữu quay lại. Các sơ cho hay giờ đây hàng trăm tín hữu đang chờ đợi để được hướng dẫn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trang tin KHOU.com dẫn lời nữ tu Mary Ann Peters nhận định: “Chúng tôi không quá để tâm về tổn thất tài sản, vì chúng tôi mất quá nhiều. Nhưng quan trọng là vẫn còn nhiều thứ tốt đẹp đang ở quanh chúng ta”.
Bên cạnh những nỗ lực tự khôi phục hoạt động của các giáo xứ, nhiều tổ chức Công giáo đã nhanh chóng thành lập các nhóm hoạt động để vạch ra kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bị thiên tai. Theo trang tin CNS, một giáo xứ ở Louisiana đã gửi một đoàn gồm 18 xe cứu trợ cho Texas. “Chúng tôi quá vui khi thấy các bạn. Chúa sẽ ban phép lành cho tất cả”, một cư dân ở Beaumont hồ hởi đón đoàn xe của giáo xứ thánh Catherine ở Siena trong trạm dừng đầu tiên tại bang Texas. Đức cha Curtis J. Guillory, Giám mục giáo phận Beaumont cho biết điều tích cực nhất là sau khi xảy ra thiên tai, mọi người đều gấp rút giúp đỡ lẫn nhau, bất chấp tôn giáo hay chủng tộc: “Với sự hiện diện của mọi người ở đây, đó chính là dấu hiệu của niềm hy vọng. Điều này tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng mình không hề đơn độc”.
BẠCH LINH
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc