Phần đầu và hai bàn tay bị mất đang khiến ngày lễ kỷ niệm 400 năm tượng Đức Mẹ Núi Cát Minh đến Philippines mất vui.
Hôm 15-8, Dòng Thánh Augustinô Chiêm Niệm hy vọng có thể lấy lại được các phần bằng ngà bị đánh cắp cách đây 4 thập niên từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường San Sebastian.
Các giáo sĩ còn thảo luận về khả năng đưa tiền chuộc để lấy lại các phần này trước lễ kỷ niệm vào ngày 16-7-2018.
Họ đã gửi thư cho một nhà sưu tầm đồ cổ không rõ danh tánh được cho là đang giữ các phần bị đánh cắp.
“Đây sẽ làm món quà quý giá đối với lễ kỷ niệm 400 năm tượng Đức Mẹ đến Manila”, cha Dionisio Selma, bề trên tỉnh dòng Thánh Augustinô Chiêm Niệm ở Philippines phát biểu. Đây là dòng tu đầu tiên đến Philippines và tiên phong trong công tác thừa sai tại đây.
“Chúng tôi hy vọng nhà sưu tầm sẽ thông cảm và trả lại cho chúng ta những phần tượng Đức Mẹ bị đánh cắp”, cha Antonio Zabala, chánh xứ Vương Cung Thánh Đường, chia sẻ.
Bọn trộm đã lấy những phần bằng ngà của bức tượng ngày 9-7-1975, khi Philippines đang được đặt trong tình trạng thiết quân luật.
Cha Zabala cho biết nhà dòng “sẽ không yêu cầu truy tố hình sự”, cũng không chất vấn gì sau khi lấy lại được các phần đã bị đánh cắp.
“Nếu họ muốn chúng tôi trả tiền chuộc, chúng tôi sẵn sàng gom đủ tiền để đưa được các phần này trở về với chủ cũ – đó là tín hữu Công giáo”, cha Zabala nói thêm.
Bức tượng là món quà của các nữ tu dòng Cát Minh Đi Chân Đất thuộc Tu viện San Jose ở Mexico, được đưa đến bằng thuyền chiến của Tây Ban Nha.
Việc sùng kính Đức Mẹ Núi Cát Minh được phổ biến khắp đất nước Philippines.
Năm kỷ niệm được phát động đúng vào thời điểm châu Á ngày càng quan ngại về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Hình ảnh này được liên hệ với những nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Năm 1990 cha Emmanuel Charles McCarthy khởi xướng ngày cầu nguyện “cho sự tha thứ và bảo vệ” tại địa điểm Mỹ thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên được gọi là Trinity ở New Mexico.
Kể từ đó hàng năm, ngày 16-7 được chọn tổ chức các buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Nguồn tin: UCAN