Mùng 8 tháng 2 vừa qua là Ngày quốc tế chống tệ nạn trẻ em nô lệ năm nay về đề tài: “Chúng là trẻ em, không phải là nô lệ”. Mùng 8 tháng 2 cũng là ngày kính nhớ thánh nữ Giuseppina Bakhita, người Sudan đã từng là nô lệ, sau đó được giải phóng, trở thành nữ tu dòng Canossiana và được Đức Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 2000.
Thánh nữ đã là biểu tượng cho biết bao phụ nữ, nam giới và trẻ em cả ngày nay nữa đang can đảm chiến đấu để bẻ gẫy xích xiềng của tệ nạn nô lệ mới trong xã hội tự hào là văn minh tiến bộ của thế kỷ XXI này.
Đề tài năm 2017 lấy hứng từ sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi cho ngày của người di cư, dành cho các trẻ em, “đặc biệt các trẻ em cô đơn”. Trong sứ điệp ĐTC khích lệ mọi giai tầng xã hội nhất là hàng lãnh đạo chính trị dân sự toàn thế giới chú ý săn sóc các trẻ em, vì các em là những người không đuợc bệnh đỡ ba lần: là trẻ vị thành niên, là người ngoại quốc và là những người không được bệnh đỡ, khi vì nhiều lý do khác nhau các em bị bắt buộc phải sống xa quê hương, và tách rời khỏi tình yêu thương trìu mến của người thân. Thật thế, các em là những thành phần gặp nguy cơ rơi vào các vùng trời đen tối tàn ác của nạn khai thác bóc lột trẻ em vị thành niên. Trên thế giới hiện nay có từ 21 tới 35 triệu trẻ em là nạn nhân của nạn buôn người, nạn mại dâm, cưỡng bách lao động, làm con ăn đầy tớ trong các gia đình, bắt lấy chồng sớm, làm con nuôi bất hợp pháp, mang thai mướn và bị tuyển mộ làm chiến binh trẻ em. Tất cả đều là các hình thái của nạn nô lệ mới của thế kỷ XXI. Đây là các tội phạm mà ĐTC Phanxicô đã không ngừng lên tiếng mạnh mẽ tố cáo và kết án là “tội phạm chống lại nhân loại”. Ngày quốc tế Giáo Hội chống nạn nô lệ đã được thành lập năm 2015 và được thăng tiến trên bình diện quốc tế bởi tổ chức “Talitha Kum” là mạng lưới quốc tế chống tệ nạn nô lệ, Bộ các dòng tu và hiệp hội tông đồ, Bộ phục vụ phát triển con người toàn diện, Hàn lâm viện khoa học Toà Thánh, tổ chức Caritas quốc tế, Liên hiệp các hiệp hội phụ nữ công giáo, và nhóm làm việc chống nạn nô lệ của Uỷ ban công lý và hoà bình của Liên hiệp quốc tế các Bề trên tổng quyền nam nữ.
** Nữ tu Gabriella Bottani, thừa sai dòng Comboni, phối hợp viên ngày quốc tế chống nạn nô lệ cho biết tuy chế độ nô lệ đã được chính thức huỷ bỏ cách đây hai thế kỷ, nhưng chưa bao giờ thế giới lại có nhiều nô lệ như ngày nay. Và trong số này có một phần ba các nô lệ là trẻ em vị thành niên. Đây là một hiện tượng ngày càng gia tăng, gây âu lo và thê thảm. Thật thế, trong 30 năm qua đã có khoảng 30 triệu trẻ em là nạn nhân của tệ nạn tân nô lệ này. Và hiện nay trên thế giới cứ hai phút thì có một trẻ em trở thành nạn nhân của việc khai thác tình dục. Trong khi có hơn 200 triệu trẻ em vị thành niên bị bắt buộc lao động, thường là trong các điều kiện bị khai thác bóc lột, hoàn toàn thiếu an ninh, và nguy hiểm cho tính mạng của các em. Và số tiền lời của các vụ khai thác bóc lột đó lên tới 150 tỷ Euros hàng năm. Đây là một dịch vụ đem lại các lợi nhuận khổng lổ, trong vài vùng trên thế giới, kể cả Âu châu, lời hơn là buôn bán ma tuý và khí giới.
Trong các năm qua các sáng kiến pháp luật gắn liền với Ngày quốc tế chống nạn nô lệ đã gia tăng tại Italia cũng như tại 154 quốc gia trên thế giới. Riêng tại Italia hôm mùng 3 tháng 2 đã có một khoá hội học được tổ chức tại Đại học giáo hoàng Gregoriana về đề tài cho năm 2017: “Chúng là trẻ em, không phải nô lệ”. Các tiếng nói của nữ giới đối chiếu liên quan tới nạn buôn trẻ em nam nữ và người trẻ”. Tham dự khóa hội học cũng có ĐHY Peter Kodwo Appiah Turkson, Tổng trưởng Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện. Ngày hôm sau mùng 4 tháng hai đã có buổi canh thức cầu nguyện chống nạn buôn người tại giáo xứ công giáo Các Thánh ở Roma, do ĐC phụ tá Gianrico Ruzza chủ sự. Ngoài ra ngày thứ tư mùng 8 tháng 2 các tham dự viên đã tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô. Và vào ban chiều cùng ngày đại hội chống nạn buôn người tại Italia đã được khai diễn dưới sự chủ tọa của nữ tu Eugenia Bonetti, là người từ hơn 20 năm qua đã dấn thân chiến đấu chống lại nạn buôn người. Đại hội có đề tài là “Tiếp đón, pháp luật, hội nhập các nạn nhân của tệ nạn buôn người. Không thương lượng”. Mục đích của đại hội là duyệt xét tình hình của tệ nạn này, các tiêu chuẩn, các thách đố, và thực hành tốt và hữu hiệu chống nạn buôn người. Tham dự đại hội đã có nhiều chuyên viên và giới chức chính trị dân sự, và nhất là các nhân viên làm việc trong lãnh vực này, đặc biệt trong cố gắng phòng ngừa và che chở các nạn nhân. Trong đại hội ban tổ chức cũng đã giới thiệu cuốn sách tựa đề “Lòng can đảm của sự tự do” của chị Blessing Okoedion, một thiếu nữ Nigeria cựu nạn nhân của nạn buôn người. Chị đã không chỉ có can đảm tố cáo tệ nạn này, mà cũng có can đảm kể lại lịch sử của chị nữa.
** Ngoài ra, còn có một sáng kiến khác tại Milano bắc Italia. Đó là đại hội về đề tài “Các cuộc di cư và tệ nạn buôn người” do Hiệp hội giáo hoàng truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, cùng tổ chức với Caritas Milano và hiệp hội “Giang tay”, dành riêng cho các nhà báo, các giáo chức và nhân viên trợ tá xã hội. Có nhiều sáng kiến khác nữa được đã tổ chức đó đây bởi các giáo xứ, giáo phận, các hiệp hội, trường học, và thư viện trong toàn nước Italia, nhân ngày mùng 8 tháng 2. Nó chứng minh cho thấy ý thức gia tăng của dân chúng đối với tệ nạn nô lệ mới của thế kỷ XXI. Đây cũng là điều xảy ra tại nhiều nơi khác trên thế giới.
Nữ tu Carmen Sammut, chủ tịch Liên hiệp các bề trên tổng quyền dòng nữ cho biết: Hiện tượng buôn người kinh khủng này liên quan tới đức tin của chúng ta, và nó phải khiến cho tất cả chúng ta âu lo. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta gặp một ai đó đã là nạn nhân của tệ nạn này, chúng ta sẽ không thể ngủ yên được cho tới khi nào không làm được một cái gì đó. Cuộc gặp gỡ với một nạn nhân của tệ nạn buôn người phải khiến cho chúng ta thay đổi cuộc sống của mình.
Đây cũng là mục đích của Ngày quốc tế chống nạn buôn người: tạo ra ý thức mạnh mẽ hơn đối với tệ nạn này và suy tư về hoàn cảnh bạo lực và bất công tàn hại biết bao nhiêu người, không có tiếng nói, không được tôn trọng và bị đối xử như nô lệ. Đồng thời đại hội cũng nhắm khích lệ mọi tổ chức, cơ cấu của Giáo Hội và xã hội dân sự có các câu trả lời cụ thể hữu hiệu thích đáng cho các hình thức buôn người này.
Đây là điều rất nhiều tu sĩ nam nữ đang lam tại Italia và trên thế giới nhờ các mạng lưới quốc gia và quốc tế. Chẳng hạn như trường hợp của tổ chức Renate ở Âu châu hay Talitha Kum, hiện diện tại hơn 70 quốc gia năm châu. Chị Sammut minh xác rằng: các nữ tu này dấn thân trên nhiều bình diện khác nhau như: nhận diện và trợ giúp các nạn nhân, thăng tiến các khả năng thực hiện công lý cho họ, che chở các nhóm dễ bị tổn thương nhất, đào tạo giáo dục họ, gây ý thức rộng rãi và tổ chức các nhóm hoạt động bênh vực họ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ý thức rằng từng người trong chúng ta có thể trở thành đồng loã với tệ nạn buôn người qua các thói quen sống và tiêu thụ của chúng ta. Và vì thế cần nhớ tới điều ĐTC Phanxicô đã nói: “Việc mua bán không chỉ là một sự kiện kinh tế, mà cũng là một hành động luân lý nữa”.
** Cũng giống như nạn nghiện ngập ma tuý. Sở dĩ các tổ chức sản xuất buôn bán ma tuý có thể kiếm nhiều lợi nhuận hàng ngàn tỷ mỹ kim mỗi năm, vì có các giới tiêu thụ và cần ma túy. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện phân nửa tổng số ma tuý sản xuất tại các nước Mỹ châu Latinh được tung vào thị trường Hoa Kỳ thì đủ hiểu cái vòng luẩn quẩn của nạn cung cầu. Và nạn tiêu thụ, mua bán ma tuý được bắt đầu ngay tại các trường trung học.
Đối với nạn buôn bán mại dâm cũng vậy. Thị trường mại dâm tại các nước tây âu và trên toàn thế giới sống nhờ các cung cầu. Các xã hội này có luật phạt các nạn nhân, mà không có luật trừng phạt các khách hàng. Điển hình như tại Italia là vùng đất chuyển tiếp, mà các tổ chức buôn bán nạn nhân mại dâm quốc tế dùng làm điểm tới và điểm khởi hành phân phối các nạn nhân đi các nước Âu châu khác. Đa số các nạn nhân ở đây là các phụ nữ và trẻ em vị thành niên thuộc các nước Đông Âu và Phi châu, nhất là Nigeria. Và các đường dây móc nối và phân phối thường do chính các người đồng hương của các nạn nhân cầm đầu. Họ bị lừa đảo qua các hợp đồng làm việc, và phải trả tiền cho các dịch vụ kiếm công ăn việc làm này. Nhưng ngay trên đường di chuyển các nạn nhân đã bị hãm hiếp, đe dọa, ngược đãi, và khi vừa vào tới biên giới họ liền bị tịch thu giấy thông hành, bị buộc phải hành nghề mại dâm, và đóng thuế cho các tay anh chị đầu nậu đã lừa dối họ. Cho tới nay tệ nạn buôn người vẫn bành trướng và phát triển, vì luật lệ tại các nuớc tây âu cũng rất lỏng lẻo trong lãnh vực này, và vì nhu cầu tại đây rất cao. Đó là cả một hệ thống xã hội sa đọa tồi bại; nó giống như chiếc bánh xe khổng lồ quay mãi và nghiền nát hàng triệu mạng sống con người. Các tay đầu nậu không ngại thủ tiêu các nạn nhân và người thân của họ ở quê nhà, vì thế rất hiếm khi họ dám nổi loạn hay tố cáo các tình trạng nô lệ và các bất công tàn bạo họ phải gánh chịu.
Đây là lý do tại sao trong Ngày quốc tế chống lại nạn buôn người một đàng cần nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm các quyền con người, sự tự do và nhân phẩm của những người trở thành nạn nhân của nạn buôn người; đàng khác phải mạnh mẽ tố cáo các tổ chức tội phạm quốc tế buôn người và lạm dụng sự nghèo túng và dễ bị tổn thương của hàng triệu người để biến họ trở thành đồ vật của thú vui hay nguồn lợi nhuận, thân xác hàng hoá để mua bán, hay nhân công để khai thác bóc lột sức lao động như nô lệ. Để cuộc chiến đầu này được hữu hiệu cần phải có sự cương quyết dấn thân của các chính quyền và mọi tổ chức xã hội. Chính vì thế ĐTC Phanxicô mời gọi: “Chúng ta phải hiệp nhất các cố gắng để giải phóng các nạn nhân và ngăn chặn tội phạm ngày càng hiếu chiến này, đang đe dọa các cá nhân, nhưng cũng đe dọa nền an ninh và công lý quốc tế nữa, ngoài việc đe dọa nền kinh tế, cơ cấu gia đình và cả cuộc sống xã hội.”
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 07.03.2017)