Chúa nhật thứ Tư mùa Chay được đặt tên là Chúa nhật “Laetare” (Vui lên đi), dường như mang tính cách xả hơi sau khi đã trải qua một nửa chặng đường đền tội. Tuy nhiên, so với các tôn giáo khác, xem ra việc ăn chay trong Kitô giáo có vẻ “ăn chơi”, chứ đâu có gì khắc khổ! Phải chăng đó là do kỷ luật chay tịnh của Kitô giáo lỏng lẻo, hay bởi vì các tín hữu không thực hành việc ăn chay cách nghiêm túc?
Tôi không dám so sánh kỷ luật chay tịnh của Kitô giáo với các tôn giáo khác, bởi vì không biết có nên dừng lại ở khía cạnh lý thuyết hay cần phải kiểm chứng cả phương diện thực hành nữa. Thực ra, khi đọc Phúc âm, chúng ta đã thấy ngay từ thời của Chúa Giêsu, đã có người nêu vấn nạn rồi, bởi vì xem ra các môn đệ của Ngài ăn chơi, đang khi các môn đệ của ông Gioan thì ăn chay. Chúng ta hãy đọc lại đoạn sách Tin mừng thánh Marcô, chương 2 câu 18-20: “Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi đức Giêsu: tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà các môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời như sau:
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được, nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó”. Qua câu nói vừa rồi, ta thấy Đức Giêsu đi xa hơn các ngôn sứ một bước. Thực vậy, trong Cựu ước, các ngôn sứ (tựa như ông Isaia, ở chương 58) đã đặt việc ăn chay trong bối cảnh của tất cả đời sống luân lý, nghĩa là không chỉ kiêng ăn uống mà còn phải kiêng phạm tội, kiêng xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta đã nghe đoạn văn này trong Thánh lễ ngày thứ 6 và thứ 7 đầu mùa Chay. Chúa Giêsu thì mở thêm một chiều kích khác, chiều kích huyền bí của việc ăn chay: việc ăn chay mang một ý nghĩa tang chế bởi vì mất đi một người yêu. Chính vì thế mà trong mùa Chay, Giáo luật buộc ăn chay vào hai ngày thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Việc ăn chay vào thứ tư lễ tro mang tính cách sám hối đền tội; còn việc ăn chay thứ 6 tuần thánh thì mang màu sắc tang chế.
Giáo luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm hai ngày thì đâu thấm thía gì, so sánh với nhiều tôn giáo ở Việt Nam buộc ăn chay mỗi tháng 2 lần, vào mồng 1 và ngày rằm.
Thiết tưởng nên phân biệt: một bên là luật buộc, một bên là khuyến khích. Tôi không dám quyết chắc rằng ở Việt Nam có tôn giáo nào buộc phải ăn chay hay không, hoặc là chỉ khuyến khích mà thôi. Trong lịch sử Kitô giáo, thì ta thấy có sự phân biệt này, tuy trải qua thời gian, đã có sự tiến triển trong cả hai khía cạnh.
Vào thời Chúa Giêsu tại thế, thì các môn đệ không ăn chay. Từ hồi nào thì các Kitô hữu bắt đầu ăn chay?
Như chị đã biết, những tài liệu về các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo không được phong phú cho lắm. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng các tín hữu đã giữ ấn tượng sâu đậm về việc Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày vào lúc khai mạc sứ vụ, một điều mà Cựu ước cũng đã ghi nhận nơi hai vị đại ngôn sứ Môsê và Êlia. Sách Tông đồ công vụ cũng thuật lại rằng thánh Phaolô đã ăn chay 3 ngày sau khi trở lại (chương 9, câu 9), và khi lãnh sứ mạng làm tông đồ dân ngoại (chương 13 câu 2-3). Những cuộc ăn chay này xem ra mang tính cách huyền nhiệm, nghĩa là chuẩn bị để gặp gỡ Chúa, chứ không mang tính cách đền tội hoặc tang tóc. Từ thế kỷ II và III trở đi thì có nhiều tài liệu cho biết các tín hữu giữ chay vào hai ngày thứ 6 và thứ 7 tuần thánh, như là dấu hiệu tang tóc. Hơn thế nữa, thánh Irênê, trong thư gửi cho giáo hoàng Victor, cho biết rằng các tín hữu ở bên Đông phương giữ chay suốt tuần thánh. Sang thế kỷ IV, thì thấy nhiều giáo phụ bên Tây và bên Đông, nói đến tục lệ giữ chay suốt 40 ngày.
Và tục lệ ấy kéo dài cho đến ngày nay, phải không?
Không hoàn toàn đúng như vậy. Một đàng, ngày nay lịch phụng vụ bắt đầu mùa Chay từ thứ tư lễ tro, nghĩa là 46 ngày chứ không phải 40 ngày. Lý do là tại vì một tục lệ khá cổ ngưng giữ chay vào các ngày Chúa nhật, do đó phải tính trội thêm 6 ngày cho đủ số 40. Tuy nhiên, sự khác biệt quan trọng hơn nữa là ở chỗ nội dung việc giữ chay. Chắc chị biết những quy định của giáo luật hiện hành về việc giữ chay chứ?
Trong các ngày giữ chay, thì chỉ được ăn no một bữa thôi.
Tạm chấp nhận như vậy đi. Cần nói thêm rằng giáo luật chỉ ấn định phải giữ chay 2 ngày, đó là thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Thời xưa, các tín hữu phải giữ chay 40 ngày, chứ không phải chỉ có 2 ngày mà thôi. Và còn một sự khác biệt quan trọng nữa, đó là ngày chay thì không được ăn uống gì hết!
Như vậy là tuyệt thực 40 ngày hay sao?
Tôi xin lặp lại, vào thời xưa, trong suốt 40 ngày, các tín hữu không được ăn uống gì hết. Nhưng đó không phải là tuyệt thực. Trong suốt ngày, họ không được ăn uống, nhưng khi mặt trời lặn (nghĩa là hết ngày, và đêm về) thì họ được phép ăn một bữa.
Cũng như các tín đồ Hồi giáo trong mùa Radmadan, ban ngày thì ăn chay nhưng ban đêm thì đánh chén, phải không?
Tôi không biết luật của Hồi giáo đã quy định thế nào về việc giữ chay, nhưng các Kitô hữu cổ thời kèm theo việc giữ chay với việc kiêng thịt, kiêng rượu, kiêng đồ béo. Vì thế khó mà tưởng tượng được rằng họ được phép đánh chén sau khi mặt trời lặn!
Như vậy thì các tín hữu thời xưa ăn chay nghiêm túc, còn ngày nay thì chúng ta chỉ ăn chơi. Từ hồi nào có sự chuyển hướng như vậy?
Theo các sử gia, sự chuyển hướng xảy ra vào thời Trung cổ, vào lúc mà lòng nhiệt thành bắt đầu suy giảm, đồng thời óc vụ luật bắt đầu len lỏi vào đời sống đạo. Vào các thế kỷ đầu tiên, khi các tín hữu giữ chay vào thứ 6 tuần thánh, thì việc chay tịnh mang tính cách huyền nhiệm và phụng vụ, theo nghĩa là các tín hữu dành hôm đó vào việc cầu nguyện và cử hành phụng vụ. Đến khi mùa Chay kéo dài ra 40 ngày, thì dĩ nhiên là không thể nào ngồi trong nhà thờ suốt trong thời gian đó. Còn bao nhiêu công việc khác phải làm nữa chứ, và nếu bụng đói thì làm sao cuốc đất được? Từ đó, người ta tìm cách nào giải thích luật theo nghĩa co dãn. Như đã nói trên đây, thời xưa, các tín hữu không được ăn uống gì trong suốt ngày giữ chay. Việc chấm dứt ngày chay không được đánh dấu bằng việc mặt trời lặn, nhưng là với Kinh Chiều. Để tôn trọng tục lệ cổ, người ta đọc Kinh Chiều liền sau giờ Chín (nghĩa là 3 giờ chiều), và từ thế kỷ XIV thì đọc kinh trùng với bữa ăn trưa! Ngoài ra, dựa theo chứng tích của thánh Tôma Aquinô, người ta biết rằng cho đến thế kỷ XIII, việc giữ chay bao trùm luôn cả việc kiêng uống (chứ không phải chỉ kiêng ăn); thánh Tôma thì nới rộng hơn một chút, khi cho rằng việc uống nước không phá chay (II-II, q.147, a.6).
Như vậy, thời xưa, khi giữ chay thì chỉ được ăn một bữa, và cùng lắm chỉ được phép uống tí nước cho đỡ khát. Từ hồi nào được ăn thêm bữa phụ?
Theo các sử gia, tục ăn thêm bữa phụ bắt nguồn từ các đan viện. Nên biết là luật Giáo hội thời xưa chỉ buộc giữ chay trong mùa Chay (nghĩa là 40 ngày trước lễ Phục sinh), còn trong các Dòng tu, thì ngoài luật phải kiêng thịt suốt đời, họ còn phải giữ chay từ lễ suy tôn Thánh giá (14 tháng 9) cho đến lễ Phục sinh năm sau (nghĩa là hơn kém 7 tháng). Xét vì các đan sĩ phải làm việc đồng áng chứ không chỉ ngồi trong nhà thờ đọc kinh, cho nên họ được phép uống một ly rượu vào ban tối, sau khi nghe đọc sách Collationes của Cassiano. Dần dần, bên cạnh ly rượu còn thêm tí bánh. Từ đó, bữa lót lòng được gọi là “collations”. (Ngày nay trong tiếng Ý, bữa điểm tâm được gọi là colazione). Từ thế kỷ XIV, các giáo dân cũng được phép dùng bữa lót lòng vào những ngày giữ chay. Thế rồi từ chỗ điểm tâm lót lòng, kỷ luật giữ chay được nới rộng dần dần cho đến kỷ luật hiện hành.
Tóm lại, khi ôn lại lịch sử, ta có thể kết luận rằng kỷ luật khổ chế đã sa sút: từ chỗ ăn chay nghiêm ngặt vào các thế kỷ đầu, sang đến chỗ lỏng lẻo đến nỗi chỉ còn là ăn chơi vào thời cận đại, có đúng như vậy không?
Cần phải phân biệt hai khía cạnh: một bên là kỷ luật, một bên là tinh thần. Xét về kỷ luật, thì khi so sánh với các thế kỷ đầu tiên, quả thật việc ăn chay ngày nay chỉ còn là chuyện ăn chơi. Tuy nhiên, nếu xét về mặt tinh thần, thì việc phê bình đối chiếu thật không đơn giản. Việc giữ chay chỉ là một phương tiện khổ chế đền tội cũng như là một phương tiện bày tỏ ý chí cải hoán. Từ thời các giáo phụ, Giáo hội không hề tách rời việc ăn chay với các phương tiện khác nữa để đạt đến cùng một mục tiêu, đó là: sự cầu nguyện, thực hành nhân đức, đặc biệt là đức bác ái. Vì thế để đánh giá trình độ đạo đức của một cá nhân hay một thời đại, chúng ta không thể chỉ đo lường qua mức độ nghiêm khắc của kỷ luật ăn chay, nhưng còn phải đối chiếu với việc thực hành các công tác từ thiện bác ái, các hành vi tự kiềm chế tính kiêu ngạo ích kỷ, cũng như thái độ từ tốn trong cách cư xử với Thiên Chúa và tha nhân nữa. Dù sao, trong vấn đề này chúng ta cần dung hoà cả hai khía cạnh: kỷ luật và tinh thần. Kỷ luật nghiêm khắc mà không có tinh thần thì dễ rơi vào thái độ bôi bác giả hình. Tinh thần mà không có kỷ luật thì có nguy cơ tan biến ra khói!
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.