Vì là cháu đích tôn nên từ nhỏ cho đến năm 7 tuổi, tôi ở với bà nội cùng với các cô chú. Tôi được bà dắt đi đọc kinh tại nhà thờ Bình Cát (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) hằng ngày, sáng đi lễ, trưa ngắm dòng ba Đaminh, chiều thì đi chầu. Từ nhà đến nhà thờ, hai bà cháu lần chuỗi Mân Côi. Ngoài ra, mỗi tối tôi đọc kinh gia đình với bà nội và các cô chú. Đức tin và tình mến Chúa của tôi được hình thành từ bầu khí gia đình yêu thương, hy sinh và trách nhiệm, cùng với lòng đạo đức bình dân. Cho đến bây giờ, khi đã là linh mục rồi giám mục, tôi vẫn giữ thói quen lần chuỗi Mân Côi trên đường đi, vẫn đọc “Kinh Thiên Thần Bản Mệnh” vào thứ Hai, đọc “Kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử” vào thứ Tư, đọc “Kinh Tận Hiến Mình Cho Thánh Tâm” vào ngày thứ Sáu, và vào những ngày thứ Bảy hằng tuần, tôi vẫn ngắm “Bảy Sự Đau Đớn Đức Bà” và đọc “Kinh Cầu Đức Bà”, như những ngày tôi còn thơ ở với bà nội.
Năm 1962, khi học lớp Tư (nay là lớp 2), vì Bình Cát không còn là giáo xứ, không có linh mục và trường học thì tạm ngưng nên tôi rời xa bà để sống với ba má tại giáo xứ Thái Bình – Xóm Mới (Gò Vấp), Sài Gòn. Năm 1964, khi học lớp Nhì (nay là lớp 4), chính bà dắt tôi gặp cha Đaminh Đinh An Khang, cha sở giáo xứ Thái Bình để xin cho tôi đi tu, trước mắt là tham gia hội giúp lễ của giáo xứ. Năm 1966, tôi được tuyển chọn vào Tiểu Chủng viện Á Thánh Phụng Châu Đốc. Khi tôi đến chào để đi chủng viện, bà tôi nói : “Bà không mong gì còn sống để thấy con là linh mục. Bà chỉ cầu xin Chúa cho bà thấy con mặc áo dòng là bà mãn nguyện rồi”. Đến năm 1974, khi đã là Đại Chủng sinh, tôi mặc áo dòng về thăm bà, và năm 1977 bà tôi qua đời. Từ đó hằng năm, tôi vẫn dành thời gian viếng mộ của bà tại nghĩa trang giáo xứ Hợp Tiến kênh B2 (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ), để nhớ tới ước nguyện của bà như một trợ lực cho tôi trên đường theo đuổi ơn gọi linh mục.
Tôi chịu chức linh mục năm 1992, được bề trên bài sai làm phó xứ Môi Khôi Láng Sen (GP Long Xuyên). Vào một đêm, khoảng một giờ sáng, tôi được gọi cửa mời đi giúp kẻ liệt. Bệnh nhân ở cách xa nhà thờ Láng Sen khoảng 5 cây số đường lộ về hướng Vĩnh Trinh, rồi phải tiếp tục đi trên bờ thần nông hơn một cây số nữa. Quả thực tôi rất ngại ngùng, phần vì buồn ngủ, phần vì đường xa và vì sự nguy hiểm của đêm khuya, nên tôi có đủ lý do để hẹn sáng hôm sau, và cũng dự định như vậy. Nhưng chính lúc đó, tôi nhớ đến bà nội mình.
Bà tôi góa chồng từ khi hơn 40 tuổi, phải nuôi 5 người con và một đứa cháu mồ côi. Với giáo họ An Tiêm thuộc giáo xứ Thượng Phúc, giáo phận Thái Bình, bà nội là bà quản. Với làng An Tiêm, bà tôi là bà mụ đỡ đẻ. Dẫu nghèo, vất vả nhưng bà vẫn hy sinh cho bổn phận của một bà quản, xướng kinh sáng chiều, coi trẻ nghĩa binh, dạy kinh bổn, tập dâng hoa… Bà còn dành thời gian để phục vụ những người phụ nữ ở làng quê nghèo lúc sanh nở. Là mụ đỡ đẻ miền quê, khi được gọi, bà tôi luôn sẵn sàng và vội vàng ra đi, dù là ngày hay đêm, dù là mưa hay nắng, dù là đang trong nhà hay làm ở ngoài ruộng, ngay cả khi đang ăn cơm hoặc đang ngủ… Sẵn sàng ra đi với cái túi đồ nghề rất tầm thường, nhưng với một con tim quảng đại phi thường.
Nhà thờ Láng Sen
Nhớ đến hình ảnh của bà như thế, tôi đã vượt thắng chính mình để đến với kẻ liệt đêm hôm đó. Khi trở về đến nhà xứ đã là hơn 4 giờ sáng, kịp chuẩn bị dâng thánh lễ lúc 4g30. Bây giờ khi đã là giám mục, tôi vẫn dùng hình ảnh đậm nét của bà mụ đỡ đẻ làng An Tiêm làm bài học cho mình khi thi hành tác vụ giám mục, về những điều phải làm ngay, nhất là với anh em linh mục cần sự hiện diện của tôi, cụ thể như khi đau yếu phải cấp cứu.
Hình ảnh bà mụ đỡ đẻ miền quê còn dạy tôi bài học sống trong tình liên đới để phục vụ. Là mụ đỡ mát tay, hiền lành và vui tươi, và với kinh nghiệm của người mẹ, bà tôi còn dành thời gian đi thăm và giúp các bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ sinh “con so” chưa biết cách nuôi con, cho con bú, tắm cho con…
Trên 24 năm (1975 – 1999) là thầy giúp xứ tại giáo xứ Môi Khôi Láng Sen, rồi là cha phó, một trong những sinh hoạt mục vụ và tông đồ tôi ưu tiên chọn lựa là thăm viếng các gia đình, gia đình giáo dân cũng như gia đình của các anh chị em tôn giáo bạn. Hiện nay, trong mục vụ tôi vẫn ưu tiên chọn lựa sinh hoạt thăm viếng : thăm các linh mục, nhất là những vị ở vùng sâu vùng xa, những vị già cả, đau yếu bệnh tật, những vị đang gặp khó khăn…; khi đi thăm viếng các giáo xứ hay khi đi ban Bí tích Thêm sức tại các cộng đoàn tín hữu, tôi vẫn tìm cơ hội để thăm viếng những giáo dân già cả, yếu đau, bất hạnh…; trên đường đi, khi bắt gặp một gia đình Công giáo nào có người qua đời, tôi thường dừng xe vào viếng xác, cầu nguyện và an ủi tang gia…
Nhà thờ Chính toà Long Xuyên
Tôi đang cố gắng sống lý tưởng của đời giám mục là vượt ranh đến với anh chị em để xây dựng tình liên đới, ở đó tôi có cơ hội cảm nhận được tình yêu để đón nhận và trao tặng. Lý tưởng này tôi được thấm nhập từ tấm lòng của bà mụ đỡ đẻ làng An Tiêm. Bà nội tôi đỡ đẻ ở miền quê không được trả lương bằng tiền. Tuy nhiên, cảnh “mẹ tròn con vuông” trong các gia đình, cùng với lòng quý mến của dân làng, đã trở thành niềm vui, hạnh phúc và là phần thưởng của bà.
Đối với tôi, ơn gọi là một cơ hội để tôi trả món nợ của tình yêu, tình yêu từ Chúa, tình yêu từ Giáo hội, tình yêu từ con người, và tình yêu từ thiên nhiên. Chính vì thế, đời sống và tác vụ linh mục trong 25 năm qua (1992 – 2017) và giám mục gần 3 năm (2014 – 2017) luôn nhắc nhở tôi tất cả là hồng ân, là niềm vui, là hạnh phúc, là phần thưởng, vì đây là những cơ hội để tôi trả món nợ tình yêu. Từ bài học của bà mụ đỡ đẻ làng An Tiêm, tôi tự nhủ lòng mình hãy trả món nợ tình yêu bằng đời sống và tác vụ giám mục như hình ảnh của cây tre vùng đồng bằng sông Cửu Long :
Cùng với linh mục đoàn giáo phận Long Xuyên, chúng tôi như những cây tre làm thành cây cầu tre nối hai bờ kênh, với ước mong có nhiều người bước qua đó để đến với nhau; ước mong có những học sinh vùng quê nghèo bước qua đó để đến trường; ước mong có nhiều giáo dân bước qua đó để đến nhà thờ gặp Chúa; ước mong có nhiều trẻ em chạy nghịch qua đó để tận hưởng niềm vui đơn giản của tuổi thơ tại vùng nông thôn nghèo; ước mong có nhiều bạn trẻ bước qua đó để gặp Giáo hội và khám phá ơn Chúa gọi, đặc biệt là ơn gọi linh mục. Như cây cầu tre chỉ là tạm thời trong đà tiến của xã hội, chúng tôi ước mong khi không còn vững chắc để tiếp tục được sử dụng như một cây cầu, những khúc tre cũ mục vẫn còn được sử dụng để đun sôi một ấm nước, hay nấu chín một nồi cơm. Và cũng ước mong ít tro tàn còn lại của những khúc tre này sẽ được trộn với phân người và vật để làm phân bón cho một luống rau của một gia đình nghèo. Thế là chúng tôi mãn nguyện về đời mình để sẵn sàng “ra đi bình an theo lời Chúa đã hứa” và thưa với Chúa, “con chỉ là đầy tớ vô dụng”.
ĐGM Giuse Trần Văn Toản
Phụ tá GP Long Xuyên
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc