Những ngày cuối năm, các giáo xứ vẫn luôn dành thời gian trang hoàng nhà thờ thật đẹp. Ông trùm, ông biện lại lật đật chuẩn bị đội ngũ tập dượt nghi thức. Không biết từ bao giờ, việc mừng tuổi Chúa đã đi sâu vào đời sống xứ đạo, trở thành tập quán tốt đẹp. “Tết là thời khắc việc thể hiện niềm tin tôn giáo diễn ra khá đậm nét. Người Việt Nam luôn xác tín rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Nếu Trời không thương giúp thì dù có cố gắng hết sức, cũng chỉ luống công thôi. Do đó, ngay từ trước Giao thừa, rất đông những người Công giáo đến các nhà thờ để dự lễ và “Mừng Tuổi Chúa”, cảm tạ ơn Chúa đã ban cho một năm mới nữa, xin Chúa chúc lành và ban cho năm mới được bình yên, được Vạn Sự Như Ý”, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên (GP Cần Thơ) đã chia sẻ về ý nghĩa cao đẹp của phong tục này như vậy. Đây cũng là minh chứng thiết thực cho lòng sùng kính Thiên Chúa tồn tại sâu trong tâm thức mỗi tín hữu: “Thứ nhất : Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.
Sáng mùng Một, già trẻ đều tới nhà thờ. Trong thánh lễ đầu Xuân ai nấy đều tươm tất, hân hoan, chọn cho mình một chỗ ngồi thích hợp để tham dự các nghi thức và mừng tuổi Chúa. Với nhiều người, trang phục không cần phải mới nhưng đương nhiên phải là bộ áo quần bản thân ưa thích nhất.
Đoàn mừng tuổi Chúa là những người được chọn lựa và luyện tập cẩn thận. Sau rằm tháng Chạp, ông trùm hoặc nữ tu phục vụ tại cộng đoàn nhóm họp, chuẩn bị. Trước đây, các thành viên trong đoàn đa phần là bậc cao niên, ông trùm, ông biện hoặc gia trưởng, hiền mẫu, HĐMVGX. Trong thời gian sau này, nhiều người trẻ cùng tham gia. Các em thiếu niên, rồi đến cả thiếu nhi đang tuổi tiểu học cũng được góp mặt cộng tác. Thông thường, họ mặc đồng phục áo dài dân tộc, tay cầm nhành mai tươi, hoa đào hoặc nến. Số lượng người trong đoàn cũng không có quy định cụ thể, tùy mỗi giáo xứ.
Ở các giáo phận miền Tây như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ hiện phổ biến hình thức mừng tuổi với nhiều nét tương đồng. Thành phần tham dự gồm cha chánh xứ, ông trùm, các thành viên HĐMVGX, nhóm thiếu nhi múa và toàn thể giáo dân trong nhà thờ. Thứ tự đoàn rước là thánh giá, đèn hầu, đại diện cộng đoàn cầm hương nhang, các giới (thiếu nhi nam nữ, giới trẻ, hiền mẫu,gia trưởng) xếp thành hai hàng, HĐMVGX, bậc cao niên, giúp lễ và vị chủ tế. Đoàn rước từ cuối nhà thờ trang nghiêm tiến lên trước Cung thánh trong tiếng mõ, chiêng, trống. Trống tượng trưng cho yếu tố dương – trời, chiêng tượng trưng cho âm – đất. Trống chiêng hòa trộn là thể hiện sự giao hòa trời đất, âm dương trong thời khắc đầu năm đầy ý nghĩa. Sau ba hồi mõ, chiêng, trống là ca nhập lễ. Giáo dân hướng theo đoàn rước. Ca đoàn hát khúc mở đầu: “Kính thờ Chúa tể tạo thành/ Chí tôn hằng có dựng sanh muôn loài/ Thủy chung tự hữu không sai/ Ngày giờ năm tháng đặt rày bổn nhơn”… Trong nghi thức “ngũ bái”, trước hết là thờ lạy Chúa Cả, Ba Ngôi, Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse, các thiên thần hộ thủ, cuối cùng là các chư thánh. Sau mỗi phần bái, chủ tế và cộng đoàn quỳ, cúi đầu; một hồi ba tiếng trống, chiêng vang lên. Hát và xướng thơ được luân phiên thay đổi khi đoàn múa di chuyển trên cung thánh tiến hành bái lạy. Nghi thức kết thúc bằng loạt pháo hoa tưng bừng chúc mừng tân Xuân. Linh mục chủ tế tiến lên bàn thờ dâng hương và cử hành thánh lễ đầu tiên trong năm mới.
Đến nay, không rõ bản nghi thức mừng tuổi ban đầu do cá nhân hay tập thể nào soạn thảo. Theo dòng chảy của thời gian, mỗi xứ đạo có những biến đổi khác nhau. Trong phần bái lạy Chư Thánh, một số giáo xứ lại dành riêng thời gian tưởng nhớ đặc biệt đến 117 vị Thánh Tử đạo Việt Nam, những nhân chứng đức tin mà con cháu cần noi theo.
Sau khi mừng tuổi Chúa, các cộng đoàn còn tổ chức mừng tuổi nhau, chúc mừng chủ chăn, các tu sĩ phục vụ xứ đạo và ngược lại. Mỗi người trao cho anh em, bạn bè những lời ngọt ngào, thân thương, hy vọng về một năm mới an lành, no ấm và hái lộc đầu Xuân với câu trích trong Kinh Thánh mời gọi mỗi người nên thánh thiện, canh tân cuộc sống.
HÙNG LUÂN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc