‘Thừa sai lòng thương xót’ được lưu ý về tin giả mạo và quấy nhiễu

Các Kitô hữu muốn trở thành “thừa sai lòng thương xót” cần cảnh giác với những lời nói dối và hành vi vô trách nhiệm phổ biến trên mạng xã hội, một giám mục Công giáo cảnh báo.
Các đại diện tập trung tham dự nghi thức ‘sứ mạng sai đi’ của các tham dự viên Đại hội Tông đồ Thế giới về Lòng thương xót tại thị xã Bagac, tỉnh Bataan, Philippines, hôm 20 1 Ảnh Angie de Silva
Các đại diện tập trung tham dự nghi thức ‘sứ mạng sai đi’
của các tham dự viên Đại hội Tông đồ Thế giới về Lòng thương xót tại thị xã Bagac, tỉnh Bataan, Philippines,
hôm 20 1 Ảnh Angie de Silva

 

Đại hội Tông đồ Thế giới ở Philippines kết thúc với lời kêu gọi đưa ra các thông điệp nâng cao tinh thần

“Tin giả mạo và quấy nhiễu không phải là lòng thương xót mà là những lời nói dối”, Đức cha Ruperto Santos của Balanga nói trong nghi thức “sứ mạng sai đi” của các đại diện tham dự Đại hội Tông đồ Thế giới về Lòng thương xót ở Philippines.

Cuộc hội ngộ quốc tế dài 5 ngày, quy tụ khoảng 6.000 tín hữu sùng kính Lòng Thương Xót Chúa đến đất nước này, bế mạc vào ngày 20-1 tại thị xã Bagac, tỉnh Bataan.

Đức cha Santos kêu gọi các đại diện nhớ rằng họ là “sứ giả của lòng thương xót” nên lời nói và tuyên bố của họ cần phải phù hợp với sứ mạng.

“Lời nói về lòng thương xót là lời xây dựng nhân cách và cải thiện mối quan hệ của con người. Đó là những lời canh tân và nâng cao tinh thần của chúng ta”, ngài phát biểu với đại hội.

Đức cha là người điều phối cuộc họp mặt toàn cầu tại châu Á, nói “mẫu thức chung” của những việc làm lòng thương xót nói về những lời “chân thật và giải phóng”.

“Nói những lời lăng mạ và ngồi lê đôi mách không phải là lòng thương xót, mà là giết hại nhân cách”, ngài nói và thêm rằng thương xót là “bảo vệ sự sống, chứ không phải làm cho cuộc sống đau khổ. Thương xót là duy trì sự sống, không phải là kìm hãm sự sống”.

Nơi tuyên bố ‘ủng hộ sự sống’

Cuộc hội ngộ quốc tế trở thành nơi để các lãnh đạo Giáo hội Philippines giải thích về quan điểm “ủng hộ sự sống” chống lại các vấn đề đất nước đang đối mặt.

Trong bài phát biểu, Đức Giám mục phụ tá Broderick Pabillo của Manila kêu gọi người Công giáo không nên im lặng về vụ giết hại các nghi phạm sử dụng và buôn bán ma túy.

“Nếu chúng ta là Giáo hội của người nghèo, chúng ta cần lên tiếng cho người nghèo, lắng nghe họ, và sẵn sàng giúp đỡ họ”, ngài nói.

Đức Hồng y Orlando Quevedo của Cotabato ở miền nam Philippines, nói thiếu công khai phản đối các vụ giết hại này cho thấy “sự lưỡng phân” giữa đức tin và cuộc sống của người dân.

“Đức tin của chúng ta là thái cực thứ nhất và thái cực thứ hai là cuộc sống hàng ngày”, Đức Hồng y nói và thêm rằng vẻ tán thành việc giết hại các nghi phạm “là dấu hiệu của đời sống đạo đức bị phân cực”.

Trong khi đó Đức Tổng Giám mục Ramon Arguelles của Lipa nói kéo xuống đường “không phải là cách duy nhất bày tỏ sự phản đối của chúng ta đối với những cách làm không thể chấp nhận như thế”.

Ngài nói Giáo hội không thể im lặng về những vấn đề liên quan đến phẩm giá của sự sống con người. “Chúng ta đang thể hiện những gì là đúng đắn trên các con đường và tất cả các nơi”.

Cuộc hội ngộ về lòng thương xót trở thành cơ hội cho các lãnh đạo Giáo hội giới thiệu các chương trình của Giáo hội.

Đức cha Jose Oliveros của Malolos thông báo ngay cả trước chiến dịch chống ma túy của chính quyền giáo phận của ngài mở một trung tâm phục hồi từ những năm 1980.

“Đây là nơi người Công giáo chúng ta thể hiện lòng thương xót và bác ái đối với những anh chị em lạc lối”, Đức cha nói.

Cha Patrick Chocholski, tổng thư ký đại hội, thông báo đại hội tông đồ lần tới sẽ được tổ chức tại Samoa, Polynesia, năm 2020.

Đại hội lần thứ nhất về lòng thương xót do Vatican đề xuất năm 2008 được tổ chức tại Rôma trùng với lễ giỗ lần thứ 3 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Joe Torres và Mark Saludes từ Manila, Philippines

Nguồn tin: UCAN