Đặc biệt bác sĩ đã đi theo Đức Gioan-Phaolô II trong các chuyến đi của ngài trên khắp thế giới và nhất là ở bên cạnh ngài trong thời gian dài ngài bị bệnh cho đến giây phút cuối cùng. Ngày 2 tháng 4 năm 2005, bác sĩ đã ký giấy chứng tử cho Đức Gioan-Phaolô II.
Bác sĩ Buzzonetti là đồng tác giả với Hồng y Stanislas Dziwisz, thư ký riêng của Đức Gioan-Phaolô II, Hồng y Angelo Comastri và Linh mục Czeslas Drazek trong một quyển sách viết về sự chịu đựng đau đớn của Đức Gioan-Phaolô II vào cuối đời và thái độ của ngài đối với bệnh tật: “Hãy để tôi ra đi: Gioan-Phaolô II: Sức mạnh trong yếu đuối” (Laissez-moi m’en aller: Jean-Paul II: la force dans la faiblesse. Nhà xuất bản Parole et Silence).
Tín cẩn tuyệt đối
Bác sĩ Renato Buzzonetti sinh ngày 23 tháng 8-1924 tại Rôma, trong suốt cuộc đời sự nghiệp lâu dài của ông, ông buộc phải tôn trọng sự kín đáo tuyệt đối. Nhất là trong các hoàn cảnh vẫn còn gây tranh luận hiện nay: ký giấy chứng tử của Đức Gioan-Phaolô I sau “cơn nhồi máu cơ tim cấp tính”.
Kỷ niệm với Đức Gioan-Phaolô II
Năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn với với nhật báo “Osservatore Romano”, bác sĩ cho biết: Đức Gioan-Phaolô II là một “bệnh nhân dễ bảo, quan tâm, muốn biết lý do các bệnh nhẹ cũng như nặng, nhưng không tò mò quá đáng về một vài bệnh, dù điều này cũng dễ thông cảm”. Ngài “không bao giờ tỏ ra nản chí trước đau đớn ngài phải chịu, ngài can đảm đối diện với bệnh tật”.
Theo bác sĩ Buzzonetti, Đức Gioan-Phaolô II sống “kết hiệp mật thiết với Chúa qua lời cầu nguyện và qua chiêm niệm liên tục. Ngài có một đức tin sắt đá, một tâm hồn vừa có nét lãng mạn của người Ba Lan vừa có nét thần nghiệm của người slavơ. Ngài có một trí thông minh sắc bén, một khả năng tổng hợp và quyết định nhanh chóng, một trí nhớ vững chắc và nhất là một tinh thần Phúc Âm, yêu thương, chia sẻ và tha thứ”.
Trong cuộc phỏng vấn này, bác sĩ Buzzonetti cũng nói về những giây phút cuối đời của ngài, về “đau đớn thể xác” nhưng nhất là “đau đớn tinh thần và thiêng liêng của một người trên thập giá, kiên nhẫn và can đảm chấp nhận: ngài không bao giờ xin thuốc giảm đau, ngay cả ở giai đoạn cuối. Trước hết đó là đau đớn của một người bị chặn, bị ngồi xe lăn, bị liệt trên giường, mất hết tự lập thể xác”.
Các chuyến ‘du hành’ bí mật của Đức Gioan-Phaolô II
Bác sĩ Buzzonetti cũng nói đến các chuyến du hành bên ngoài Vatican của ngài mà bác sĩ đi theo: “Trong các năm đầu tiên, ngài lên vùng núi hoặc ra biển gần Rôma. Ngài đi bộ lâu giờ hoặc trượt tuyết. Với tuổi tác, các chuyến đi ngắn hơn, sau các chuyến du ngoạn, ngài lên xe và ngừng lại nghỉ trong chiếc lều nhìn xuống phong cảnh yên bình, dưới các ngọn núi thường phủ tuyết, với túi thức ăn bên cạnh”.
Ca đoàn dã chiến
Bác sĩ cũng kể vào cuối ngày, trước khi lên đường về lại Rôma: “Đức Giáo hoàng thích nghe các bài hát miền núi của nhóm nhỏ đi theo ngài hát, có các vệ binh Vatican và cảnh sát Ý đi theo hộ tống ngài cùng hát, và tôi thì điều khiển ca đoàn dã chiến này dưới cặp mắt thích thú của Đức Gioan-Phaolô II”.
la-croix.com
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn tin: Phanxico