Hồ nghi về bí tích rửa tội thành sự hay không?

Trong những trường hợp hồ nghi một người đã được rửa tội hay chưa, hoặc bí tích Rửa Tội được ban cho người đó có thành sự hay không thì phải làm thế nào?

infantbaptism.jpgChúng ta phân biệt 2 trường hợp:
 
1. Hồ nghi về sự kiện: một người đã được Rửa Tội hay chưa?
 
– Nguyên việc không thể tìm ra chứng từ xác nhận bí tích Rửa Tội đã ban thì không đủ để hồ nghi về sự kiện là một người đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội hay chưa. Cần phải điều tra cẩn thận nơi cha mẹ hay những người thân của đương sự.
 
– Điều 876 của Bộ Giáo luật hiện hành cho phép: “Lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được Rửa Tội, nếu họ đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội ở tuổi thành niên, đủ để làm bằng chứng cho việc ban bí tích Rửa Tội, nếu điều đó không gây thiệt hại cho ai”.
 
2. Hồ nghi về hiệu lực của bí tích: Bí tích Rửa Tội được ban cho người đó có thành sự hay không?
 
Giáo luật, Điều 869 §2, quy định như sau: “Những người đã được Rửa Tội trong một cộng đoàn Giáo Hội không Công giáo, thì không được Rửa Tội với điều kiện, trừ khi có một lý do nghiêm chỉnh để hồ nghi về tính thành sự của bí tích Rửa Tội, sau khi đã điều tra về chất thể và mô thể đã được dùng khi ban bí tích, cũng như về ý muốn của người thành niên được Rửa Tội và của thừa tác viên ban bí tích Rửa Tội”.
 
2.1. Trừ khi có một chứng cứ đặc biệt ngược lại, bí tích Rửa Tội phải được kể là hữu hiệu nơi người Kitô hữu chính thống giáo đông phương.
 
2.2. Còn các cộng đoàn Kitô giáo khác, đôi khi có một lý do nghiêm chỉnh để hồ nghi:
 
1/. Liên quan đến chất thể (nước thiên nhiên) và mô thể (công thức Rửa Tội).
 
2/ Ý muốn của người thành niên được Rửa Tội: “Để có thể được Rửa Tội, người thành niên phải bày tỏ ý muốn lãnh nhận bí tích Rửa Tội…” (Điều 865 §1).
 
3/ Ý muốn của thừa tác viên ban bí tích Rửa Tội: Bao giờ cũng giả thiết thừa tác viên trong lúc Rửa Tội đã có chủ ý làm như Giáo Hội vẫn làm, trừ khi có cơ sở nghiêm túc để nghi ngờ thừa tác viên đã thiếu chủ ý.
 
* Một số cộng đoàn Giáo Hội không Công giáo sau đây có bí tích Rửa Tội được Giáo Hội Công giáo nhìn nhận là hữu hiệu: African Methodist Episcopal, Amish,  Anglican (Anh giáo), Assembly of God, Baptists,  Evangelical United Brethren, Church of the Brethren, Church of God, Congregational Church,  Disciples of Christ, Episcopalians, Evangelical Churches, Lutherans, Methodists, Liberal Catholic Church, Old Catholics, Old Roman Catholics, Church of the Nazarene, Polish National Church, Presbyterian Church, Reformed Churches, United Church of Christ[1].
 
* Bí tích Rửa Tội được ban trong các giáo phái và cộng đoàn sau đây được coi là không hữu hiệu: Apostolic Church, Bohemian Free Thinkers, Christadelphians, Christian and Missionary Alliance, Christian Scientists, Church of Divine Science, Church of the Latter Day Saints (Mormons), Franc-macon, Jehovah’s Witnesses, Pentecostal Churches, People’s Church of Chicago, Quakers, Salvation Army, Seventh Day Adventists, The New Church, Unitarians[2].
 
 3. Rửa Tội với điều kiện: Theo Điều 869 §1, nếu sau khi đã điều tra cặn kẽ mà vẫn còn hồ nghi một người đã được Rửa Tội hay chưa, hoặc bí tích Rửa Tội được ban cho người đó có thành sự hay không, thì phải ban bí tích Rửa tội cho họ với điều kiện: “Nếu anh/chị chưa được Rửa Tội, thì tôi rửa anh/chị nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
 
Lý do của việc ban bí tích Rửa Tội với điều kiện dựa trên hai nguyên tắc:
 
–  Bí tích Rửa Tội chỉ được ban một lần cho mãi mãi, nên không thể được tái ban (x. Điều 845 §1).
 
– Sự cần thiết của bí tích Rửa Tội để được cứu độ và để lãnh nhận hữu hiệu bất cứ bí tích nào khác.
 
Tuy nhiên, thừa tác viên chỉ được ban bí tích Rửa Tội:
 
– Sau khi đã trình bày đạo lý về bí tích Rửa Tội cho người lãnh nhận bí tích Rửa Tội,
 
– Và sau khi đã cho chính đương sự, nếu là người thành niên, hoặc cho cha mẹ của đương sự, nếu là nhi đồng, biết những lý do hồ nghi về tính thành sự của bí tích đã được cử hành trước đây.
 
—————————————-

[1] J. Huels, The Pastoral Companion (Chicago: Franciscan Herald Press, 1986) 51; được trích dẫn trong New commentary on the Code of Canon Law, commissioned by The Canon Law Society of Amrica, edited by John P. Beal, James A. Coriden, Thomas J. Green, Paulist Press, 2000, trang 869.
 
[2] x. Assemblée des évêques catholiques du Québec, Guide canonique et pastoral au service des paroisses, Edition canadienne, Wilson & Lafleur, 2006, trang I-8
 

Lm. Luy Huỳnh Phước Lâm