Linh mục Ernest Simoni, 89 tuổi là một trong 17 tân hồng y Đức Phanxicô sẽ tấn phong ngày 19 tháng 11-2016. Linh mục người Albania của địa phận Shkodrë-Pult biết tin mình được tấn phong qua đài truyền hình. Ngài nói đến các năm mình bị cầm tù, về đức tin và về vai trò mục tử của mình.
Ngày 19 tháng 11, Đức Phanxicô sẽ tấn phong 17 tân hồng y trong lần công nghị thứ ba như thường lệ vẫn làm trong triều giáo hoàng của ngài. Trong số các tân hồng y được chọn có Linh mục Ernest Simoni, 89 tuổi của địa phận Shkodrë-Pult, Albania. Năm 1963 cha bị lên án tử hình vì đã dâng thánh lễ, sau đó cha được ân xá và bị cầm tù 18 năm, trước khi bị bắt làm lao động khổ sai cho đến khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1990. Ký giả Cristina Uguccioni của báo thông tin Vatican Insider có bài phỏng vấn cha.
Cha nghĩ gì khi nhận tin mình được phong hồng y?
Cha vừa dâng thánh lễ xong và đang xem Kinh Truyền Tin trên truyền hình thì nghe tên mình, đầu tiên cha nghĩ mình nghe sai. Trong đầu cha, không bao giờ cha nghĩ mình sẽ là Hồng y. Cha rất vui, không phải cho cha, nhưng cho dân tộc của cha: thật sự việc phong này là để vinh danh người Albania và cho các vị tử đạo của nước Albania, những người đã chịu khổ sở vì theo Chúa Giêsu và trung thành với Ngài. Cha cũng muốn giúp các thế hệ trẻ – thế hệ đức tin bị suy giảm – theo Chúa Giêsu một cách hăng say và trung thành, giữ mười điều răn mà không có những điều răn này, không một người nào, không một xã hội nào có thể đi tới và tiến bộ.
Cái gì đánh động cha nơi Đức Phanxicô?
Đức Thánh Cha là người nhìn Chúa Giêsu với một tình thương và ngài đã trao truyền được tình thương của Chúa Giêsu đến tất cả mọi người, đặc biệt cho những người đau khổ nhất trong thể xác và tinh thần của họ. Ngài đã thổi được sức ấm an ủi đến những người đang thiếu thốn và ngài có một lòng quan tâm trìu mến đối với người nghèo. Đức Phanxicô cầu nguyện cho sự khốn cùng của thế giới, ngài truyền lòng thương xót Chúa cho toàn gia đình nhân loại, theo Chúa Giêsu, Đấng xuống thế gian đi tìm những người có tội, như tất cả chúng ta. Với gương mặt thiên thần của ngài, ngài luôn nhắc chúng ta nhớ đến lời hứa của Chúa, lời hứa duy nhất mà chúng ta tin chắc nó sẽ được giữ. Những lời hứa của thế gian là lời hứa ảo.
Trong những năm bị tù, làm sao cha có thể chịu đựng được những lúc sợ hãi, chán nản, lo âu?
Cha không bao giờ rơi vào cảnh tuyệt vọng vì cha tin ở Chúa, Đấng là sự sống, là chân lý, là cứu độ cho mỗi người chúng ta. Chúa không bỏ một ai. Trong những năm cha bị tù, cha luôn cảm nhận Chúa ở bên cạnh cha. Cha cầu nguyện rất nhiều, đặc biệt cha lần chuỗi Mân Côi và cha tháp tùng các đồng bạn của cha về mặt thiêng liêng. Cha chịu đựng những giây phút khó khăn, và cha đã sống bằng sức của Chúa Thánh Thần, chứ không bằng sức của cha: trên thực tế, chính Ngài là người nâng đỡ cha, là làm cho cha không cảm thấy mình cô độc và đã nuôi dưỡng trong lòng cha lòng tin tưởng ở Chúa.
Cha còn nhớ kỷ niệm thánh lễ ngày 4 tháng 11 năm 1990, thánh lễ đầu tiên cha dâng sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Albania?
Cha rất vui. Cha nhớ ngày hôm đó có nhiều người đến dự thánh lễ, họ không đánh mất hy vọng, họ không mất đức tin: không một chế độ độc tài nào có thể chận đứng Chúa Giêsu. Cha vui vì có thể nói với giáo dân về Chúa, giúp họ sống theo Chúa vì không phải ai cứ lặp đi lặp lại “Lạy Chúa, Lạy Chúa” là vào Nước Trời, nhưng là người thực hành ý Chúa. Trong những năm bị cầm tù, cha không bao giờ quên bổn phận của mình. Cha dâng thánh lễ thuộc lòng bằng tiếng la-tinh, cha lén lút cho rước lễ. Cha làm bánh thánh trong mấy cái lò nhỏ bằng xăng hay cha đốt cũi. Rượu thì cha thế bằng nước nho vắt. Mùa đông thì cha dùng các chai rượu mà cha mẹ của cha mang vào.
“Cha không bao giờ rơi vào tuyệt vọng vì cha tin tưởng ở Chúa.”
Cầu nguyện có vai trò nào trong đời sống của cha?
Cầu nguyện là căn bản: cha vâng lời Chúa Giêsu, Đấng đã nói “cầu nguyện liên lỉ”, luôn luôn cầu nguyện. Cầu nguyện là búa nện nát tan các cạm bẫy Satan giương ra. Với lời cầu nguyện, chúng ta vun trồng và duy trì một tình yêu cho Chúa, không có lời cầu nguyện thì không thể nào có tiến bộ trong đời sống vì chỉ có một mình Chúa là sự sống và sự sống lại. Giống như Thánh Phaolô đã nói, không có sự sống lại của Chúa Giêsu thì đức tin của chúng ta là đức tin hảo huyền. Dĩ nhiên, dù sao các lời giảng dạy của ngài là quan trọng để có một đời sống lành mạnh, nhưng sự sống lại là dứt khoát: Con Thiên Chúa đã thắng cái chết và mang chúng ta theo Ngài về đời sống vĩnh cửu: Ngài đã nói điều này và như thế đời sống vĩnh cửu sẽ đến. Chúng ta phải cầu nguyện không mệt mỏi và theo Chúa Giêsu, Đấng dẫn chúng ta đến niềm vui bất tận.
Có một đoạn Tin Mừng nào đặc biệt thân thuộc với cha?
Cha không biết chọn ra một đoạn nào đặc biệt vì tất cả đều là lời của Chúa Giêsu, theo cha, tất cả đều đẹp và đều rất mạnh. Cha có thể nói đến một đoạn để giúp những ai đang trong thử thách, trong đau khổ, trong bệnh tật: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi êm ái, và gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mt 11: 28-30). Với tất cả những người này, Ngài sẽ cho phương thuốc phù hợp: tình thương của Ngài an ủi, phục hồi, nâng đỡ và hướng dẫn về một hạnh phúc vĩnh viễn.
Theo cha, là mục tử có nghĩa là gì?
Là tìm cách theo gương Chúa Giêsu và mang Chúa đến cho tất cả mọi người, không phải với những lời tuyên xưng to tát nhưng là đi từng nhà, đi từng làng như Chúa Giêsu đã đi. Có nghĩa là gần với giáo dân trong mọi đau khổ, mọi thử thách mà họ phải đương đầu, phải làm chứng bằng gương, với các hành động, tình yêu của Chúa Kitô che chở, nâng đỡ, khuyến khích trong cuộc sống: điều này chỉ có thể làm với ân sủng của Chúa.
Vào thời buổi này, thời buổi đẩy chúng ta phải hoạch định tối ưu nguồn lực và năng lực, phải có hiệu quả và kết quả, cha có thể nói gì với tín hữu kitô, những người có thể bị chìm ngập trong lo âu và trong loại văn hóa không có kiên nhẫn?
Cha nói với họ: các con phải học chờ, phải biết gieo trong tin tưởng. Chúa Giêsu đã nói, sợi tóc trên đầu chúng ta đã được đếm, chúng ta rất quý báu dưới mắt Ngài. Ngài biết tất cả về chúng ta, Ngài yêu chúng ta. Chúng ta theo Ngài với một đức tin sống, tận tâm với người khác, đặc biệt với những người yếu đuối mong manh. Chúa đến với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể là phép lạ lớn nhất xảy ra hàng ngày trong thế giới này. Chúng ta phải quỳ gối cầu nguyện. Chúa sẽ nhậm lời chúng ta và hướng dẫn chúng ta: bóng tối sẽ không thắng và Chúa Giêsu sẽ thắng thế gian.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 18.11.2016/
cath.ch, 2016-11-18)